DiscoverRADIO NHÂN DÂN - TRUYỆN
RADIO NHÂN DÂN - TRUYỆN
Claim Ownership

RADIO NHÂN DÂN - TRUYỆN

Author: TRUYỆN NGẮN - BÁO NHÂN DÂN

Subscribed: 22Played: 469
Share

Description

Báo Nhân Dân - Cơ quan thông tin đa phương tiện chủ lực tại Việt Nam, đăng tải đầy đủ thông tin về mọi mặt đời sống trong nước và quốc tế, cũng như các chương trình giải trí, áp dụng nhiều công nghệ truyền thông mới.
240 Episodes
Reverse
Thái Bình Dương, trớ trêu thay cái tên hiền hòa! Sóng lớn là trạng thái thường xuyên của nó. Chao ôi! Giữa cái đại dương vô định này, một hàng không mẫu hạm khổng lồ, thậm chí cả một hạm đội liệu có ý nghĩa gì, huống hồ một con người, một chàng thủy thủ, kể cả chàng ta như anh, đứng giữa đồng đội cao vọt lên, một mét bảy, nặng bảy chục ký. Tần thuộc loại đặc biệt về tầm vóc, sức nặng, nhưng những chỉ số ấy, có nghĩa lý gì với biển cả? Nghĩa lý gì với cơn bão cấp 10, có ngọn sóng tỏa dài, bọt dày đặc, trắng xóa từng dải lớn. Nghĩa lý gì với cơn bão cấp 11, sóng lớn tới mức che lấp cả một con tàu nhỏ. Vô nghĩa hết, cả con người anh trước những con sóng lừng lững cao dài như những sơn mạch. Trời! Chúng chồm tới, đè rập anh, cuốn anh vào trong nó, tung anh lên rồi lại nhận anh xuống. Anh bị ném đi, bị giằng lại. Anh giống như một cái cọng rác thôi. Tác giả: Ma Văn KhángGiọng đọc: Xuân KhoaLời bình: Nhà thơ Hữu ViệtMinh họa: Họa sĩ Lý Việt AnhThời lượng: 27p02g
Tương tựa cửa lều nhìn ra mặt hồ phía trước. Sương sớm bảng lảng, chờn vờn trên mặt hồ. Anh với tay rót một chén nước chè. Gió nhè nhẹ. Cái nhà bè dập dềnh khe khẽ. Tiếng cá quẫy nước lóc chóc. Mặt hồ lăn tăn sóng. Những con sóng nối nhau chạy vào sương mù. Tương khẽ thở dài. Yên ắng quá. Một mình anh với những lồng cá lặng câm. Không! Không phải mình anh! Còn Phiên và bé Liền nữa chứ! Họ ở đâu đó trên mặt hồ kia thôi. Ánh mắt anh dõi sâu vào sương mù. Không có gương mặt nào ở đó cả. Mẹ con Phiên chỉ trở về với anh trong đêm mà thôi. Khi anh đã đổ nồi cám nguội xuống lồng cho lũ cá đói. Khi anh đã nằm nhìn lên bầu trời Tác giả: Lục Mạnh CườngGiọng đọc: Tiến TúLời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài NamMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 17p55g
Truyện ngắn: Mẹ

Truyện ngắn: Mẹ

2024-06-0721:54

Con ma men ngày càng hành hạ bố. Cơ thể người đàn ông gần tứ tuần, khỏe mạnh, cường tráng giờ trông ọp ẹp, thảm hại. Bố không còn sức để vật ngửa con lợn ra mà chọc tiết giữa đêm khuya nữa. Mình mẹ, mẹ cũng không làm nổi. Mà chả tội gì mẹ phải làm đồ tể. Mẹ ăn diện. Mẹ phấn son. Mẹ tung tẩy váy áo. Nhìn bố như cái xác không hồn, chỉ toàn da bọc xương, mẹ chán ngắt. Mẹ quyết định đi lao động ở Ðài Loan. Tôi biết mẹ hận bố nên mẹ mới bỏ mặc bố trong lúc bố ốm đau như thế này. Bố không dám ngăn cản mẹ. Bà ngoại cũng không gàn được mẹ. Tác giả: Trần Thúy LànhGiọng đọc: Ánh NguyệtLời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài NamMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 21p54g
Mặt lún phún râu, cậu lính binh nhất bảo, em ở đây, thấy đậm nhất là nỗi nhớ. Hồi mới lên đơn vị, đêm nào cũng nằm nhớ nhà. Mà nhớ nhất là đứa em gái út, nó thương em lắm. Mẹ em sinh nó khi đã ngoài bốn mươi, nó cách em mười lăm tuổi. Lâu lâu gọi điện thoại lại hỏi chừng mô anh về. Thư cười, trêu cậu chiến sĩ, còn người yêu thì sao, nhớ người yêu không? Bẽn lẽn, cậu trai mười chín tuổi ấp úng, đỏ mặt. Bảo có thương một bạn cùng lớp nhưng giờ ở xa như thế này, tỏ tình còn chưa dám nói, dễ chi hả chị. Tác giả: Diệu ÁiGiọng đọc: Vân AnLời bình: Nhà văn Phong ĐiệpMinh họa: Họa sĩ Tuyết NhungThời lượng: 19p17g
Dường như có ai hát ngoài phía bến Trầm, âm thanh dịu dàng như gió trôi qua chiều vắng. Miện ngừng tay khỏi tấm rèm đang kết dở dang, bước lại gần khung cửa sổ trông ra bến nước. Tiếng hát nơi xa kia nhỏ dần rồi tắt hẳn, con thuyền chắc đã sang sông rồi, chỉ còn lại mình Miện trong bóng hoàng hôn lặng lẽ. Miện ngẩng đầu nhìn theo cánh chim lẻ loi vừa lướt ngang qua. Bây giờ đã là tháng hai, bầu trời xám xịt tựa tấm màn lâu ngày chưa giặt giũ, xám ngắt như màu tro trong gian bếp lạnh, xám tái như gương mặt Thi mỗi bận bước vào nhà. Tác giả: Trần Thị Tú NgọcGiọng đọc: Ánh NguyệtLời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài NamMinh họa: Họa sĩ Thu HàThời lượng: 17p05g
Rồi chị về với bố con anh để làm thành một gia đình. Chị nhìn thấy trong đứa con gái anh hình bóng của con gái chị. Chị nhớ những lần chúng nó cùng chơi đu quay, ríu rít như hai con chim non dưới khung trời mùa hạ. Chị dành cho nó tất cả tình yêu thương của một người mẹ mất con. Nhưng mà, mấy năm rồi, con bé dường như đã quên mất chị, quên mất con gái chị, đã quên họ từng hiện hữu trong cuộc đời của nó, dù chỉ là một vệt thoảng qua. Nhưng có trách chi, bởi nó chỉ là một đứa trẻ, nó còn quá nhỏ, đầu óc non nớt ngây thơ của nó không cần phải nhớ quá nhiều. Huống chi, mẹ con chị chẳng là gì với nó. Tác giả: Nguyệt ChuGiọng đọc: Vân AnLời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài NamMinh họa: Họa sĩ Nguyễn MinhThời lượng: 17p31g
Những ngày ở Tà Lài, tôi chú ý đến một ông già đầu bạc phơ, chiều chiều ngồi chẻ nứa, đan lờ bên bờ sông Đồng Nai. Người Châu Mạ trong xóm Ka Lúi nói ông tên Tánh, nhưng giọng nói lơ lớ như người S’Tiêng. Ông Tánh cũng ở độ tuổi cổ lai hy rồi nhưng rất mê nhạc. Không vào rừng đặt bẫy thì ra sông đặt lờ. Cứ xong việc là ông Tánh về nhà mở cát-sét nghe ca hát suốt ngày. Người Ka Lúi không gọi Tánh bằng ông, bằng thằng gì cả mà cứ gọi tên trống không. “Tánh đan cho mình cái lờ thật chắc vào nghe. Cái cũ, cá lọt đi chơi hết”. Tánh đan lờ, vừa bán vừa dùng. Cái lờ là một loại dụng cụ để bắt cá, đan bằng tre hay nứa hai đầu nhỏ, giữa phình ra, cá đã vào lờ thì không ra được. Vừa đan, Tánh nghêu ngao hát:“Công anh chẻ nứa đan lờ. Để cho con cá vượt bờ nó đi”... Đêm đêm Tánh mang lờ ra sông, chỗ ông đã đặt tre ngăn dòng chảy, thả chuôm, đặt lờ vào đó rồi về. Sáng mai ra kéo lờ lên, đổ cá ra rổ. Tôm cá vào nhiều, thì mang ra chợ bán lấy tiền đong gạo, mua rượu, mua rau. Cá ít thì đem về kho, làm thức ăn. Ông nghe hát, uống rượu một mình, rồi một mình nói chuyện với cây thiên tuế cả buổi, lại gọi cây bằng em nữa mới lạ chớ… Tác giả: Trần Công TấnGiọng đọc: Xuân KhoaLời bình: Nhà thơ Hữu ViệtMinh họa: Họa sĩ Hoàng QuânThời lượng: 24p54g
Lâu lắm mới lại thấy đom đóm bay nhiều đến như vậy. Không lẽ A Chẩu lại về? Trong đầu Phan, A Chẩu vẫn chưa chết, nhưng thâm tâm nghi hoặc linh hồn A Chẩu theo đám đom đóm bay về nhà, không lẽ hắn đã chết thật, linh hồn luẩn quẩn đâu đó không siêu thoát được. Chính tay anh đã đẩy chiến sĩ của mình vào chỗ chết, đúng hơn là đi tìm cái chết, lại chính anh về cướp mất vợ hắn. - A Chẩu, tao làm vậy chưa đủ sao. Tao đã nuôi bố, chăm vợ thay mày. Mày chưa để tao yên được sao. Phan buông bát rượu cuống cuồng vơ đám đay khô chụm vào bếp rồi dúi khắp nhà đuổi đom đóm. Chúng bay tan tác, có con nhìn thấy ánh lửa đã lả tả liệng xuống đất. Phan càng dí lửa vào chúng thì sa số đom đóm lại bay lên biến thành những quầng sáng rực căn nhà. Tác giả: Lý Hữu LươngGiọng đọc: Tiến TúLời bình: Nhà thơ Hữu ViệtMinh họa: Họa sĩ Lý Việt AnhThời lượng: 29p45g
Nhiều lần, thức dậy nửa đêm, nhận ra mình chìm lỉm giữa màn tối không đèn, Mai bỗng nghe câu hát chạy về trong đầu. Chạy về lần một, giữa hanh hao đêm hè có hơi gió mát. Về thêm lần nữa, mũi Mai bắt được hơi nước. Không phải mùi từ vũng nước sót phảng phất hôi phân bò cách nhà cả chục cây số. Hơi nước này có mùi mưa, mùi những mạch ngầm chực bục ra, thấm ướt rồi đầy ắp những khoảng khô nứt của đáy hồ. Không dám cựa mình trên giường, trong dư âm câu hát, Mai như nghe râm ran khắp lòng hồ tiếng những mầm cỏ xanh tách đất. Cả tiếng mấy con dê Mai nuôi rậm rực ôm lưng nhau bên chái nhà. Tác giả: Nguyễn Thị Kim HòaGiọng đọc: Vân AnLời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân HàMinh họa: Họa sĩ Tuyết NhungThời lượng: 21p06g
Giữa hai đầu khu nhà có một cái sân gạch đỏ, nhiều viên đã lõm nhẵn xuống, một cái bể to tướng nửa nổi, nửa chìm, mái khum khum. Góc sân có một bụi hồng bạch ra hoa quanh năm, thơm rượi. Góc kia, sát bức tường lửng là cây mít tơ cho lá để chúng tôi làm đồ hàng. Đây là thế giới của tôi. Một ngày không ra hồ nước, không ra gốc hồng là không sao chịu nổi. Tôi nhớ từng bông hoa, đếm từng cái nụ, mê từng cái lá xanh sẫm, bóng mờ, gợn hàng răng cưa li ti. Những năm tháng ấy chẳng ai quan tâm đến hoa bởi còn phải lo chưa đến kỳ đong gạo sổ mà thùng gạo ở nhà đã hết, phiếu thịt kỳ này không có mỡ bán kèm, đậu phụ nhiều sạn, cửa hàng đang có vải bán cho phiếu 5m... Không ai có ý định cắt hoa về cắm trong nhà nên hoa cứ thản nhiên nở rồi tự tàn. Và vì thế những trang sách yêu quý của tôi có nơi để đáp xuống. Này thì hoàng tử, này thì công chúa, những chiếc xe tứ mã, những chiếc tổ quạ và những bông kỵ phù lam rực rỡ. Tác giả: Thùy DươngGiọng đọc: Ánh NguyệtLời bình: Nhà văn Đỗ Bích ThúyMinh họa: Họa sĩ Phương ThanhThời lượng: 35p02g
Mùa thu đã trở về. Hằng đêm, gió từ hồ Nguyệt đưa hơi thu luồn vào khe cửa các ngôi nhà hướng ra mặt hồ. Từ buổi sáng đầu tiên của mùa thu, khi cơn gió heo may vừa làm những bông ti gôn bên ngoài cửa sổ chao nhẹ, thì một luồng lành lạnh chạy dọc sống lưng người họa sĩ già, làm ông khẽ rùng mình. Còn vợ ông đã quên thả mấy bông nhài vào trong ấm chè. Món cốm xanh của bà Hạnh, láng giềng thân thiết của bà, mang cho thì không thể uống cùng chè vị suông… Đêm ấy, đến tận mười một giờ khuya, khi ông đã ngủ, bà vẫn không tài nào chợp mắt được. Nỗi nhớ cứ cuộn lên trong bà. Những đồi hoa cúc dại. Chấp chới trắng. Miên man trắng. Tác giả: Nguyễn PhúGiọng đọc: Xuân KhoaLời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân HàMinh họa: Họa sĩ Tuyết NhungThời lượng: 20p19g
Đang nghĩ tiến nghĩ lùi thì vợ Vừng cõng con về đứng lù lù trong sân. Tay dắt đứa lớn, lưng đeo đứa bé, trước ngực lủng lẳng hai quả bí ngô buộc dây rừng vắt qua cổ. Hai tay hai cái rọ. Một rọ đựng con lợn con, mõm nhọn hoắt, lông đen nhánh, to hơn cái bắp chuối rừng tí. Một rọ là bốn con gà con, cũng đen nhủi như mấy con cuốc. Vừng đang nhướng mắt lên nhìn thì nó quát. Ngu thế! Không biết đường đỡ con xuống à. Vừng cằn nhằn. Thế mày không biết đường đặt hai cái rọ xuống à? Vợ Vừng vênh mặt lên. Đặt thế nào được. Phải cắm hướng chuồng đã rồi mới đặt xuống, thì mới nuôi được chứ. Tác giả: Tống Ngọc HânGiọng đọc: Tiến TúLời bình: Nhà văn Phong ĐiệpMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 19p20g
Tôi bước vào sân, thấy mẹ đang ngồi lơ đãng trước gốc đào nở muộn. Xuân vẫn như nguyên vẹn bao quanh mẹ mà xa kia, những chùm hoa xoan tím đã bắt đầu đơm bông. Tôi bảo, hội làng mình lần này có gánh hát về mẹ ạ. Mẹ giật mình, ngước lên, rồi ngỡ ngàng hỏi lại, giọng trầm đục, run run. Có lẽ, quá khứ chợt hiện về từ xa xăm. Rồi mẹ nói với tôi mà như tự nói với chính mình: "Biết bao nhiêu năm rồi lại mới có gánh hát về làng". Lời mẹ như chất chứa bao nhiêu ngậm ngùi, tiếc nuối. Tác giả: Chu Thị Thu HằngGiọng đọc: Ánh NguyệtLời bình: Nhà văn Phong ĐiệpMinh họa: Họa sĩ Thu HàThời lượng: 18p54g
Thằng bé chỉ cao hơn bắp vế của tôi một chút, đen sạm và già dặn như ông cụ non. Nó gần như kéo lê con gà chưa đầy hai cân về lô vặt lông gà của bố dượng. Nó nói: - Cô không được mang hộ cháu. Dượng cháu bảo khách hàng là thượng đế. Ở đây cũng cạnh tranh ghê lắm cô ạ. Hồi đầu chưa phân chia chỗ lấy khách, cháu phải giành giật, chạy tới chạy lui. Nhiều bữa, mấy dì tranh hết, dượng không có hàng làm, đánh mẹ cháu dữ lắm. Mà thôi, dượng cháu bảo không được làm phiền khách, cháu cảm ơn cô đã tin dùng sản phẩm vặt lông gà của lô số ba nhà cháu. Tác giả: Tống Phú SaGiọng đọc: Vân AnLời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân HàMinh họa: Họa sĩ Thu HàThời lượng: 18p34g
Ðó là khoảng thời gian gió chướng về, cây mận trước nhà lại xào xạc. Những đêm như vậy, bà nội lại khó ngủ. Bà nằm trằn trọc, có khi ngồi dậy, mở cái đèn cà na (hình trái ớt) trước hiên nhà. Bắc cái ghế nhỏ, bà nội ra đó ngồi rồi ngó bâng quơ về phía cây mận trước sân. Xa xa nữa là con sông, nơi những ngọn đèn câu cứ hiu hắt mãi. Nơi năm xưa bà chèo xuồng đưa ông qua sông vào căn cứ, nơi bác Hai xuống tàu đò ra bắc bảo vệ biên cương. Và bến sông trong lòng bà nội bao giờ cũng mang mầu sắc của sự hiu hắt và đau đáu về một niềm tin đang nằm sâu ở đâu đó, phương xa. Tác giả: Huy QuangGiọng đọc: Xuân KhoaLời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài NamMinh họa: Họa sĩ Tuyết NhungThời lượng: 16p31g
Tuồng xem lại bức hình trong điện thoại, loại phong lan rừng cành lá xum xuê, mầu xanh chảy như ngọc. Tới mùa, lá thu mình vào trong để cho những chuỗi hoa tím thi nhau phơn lên giữa trời xanh và nắng vàng. Không biết bây giờ cành hoa thế nào, Tuồng thắc thỏm. Hồi bố lấy nó từ rừng về nuôi 5 năm, cây phủ nguyên cái lủa to bằng bắp chân, giờ thêm mười năm, tuổi hoa gần bằng tuổi Tuồng, chắc nó sẽ to khủng khiếp. Tuồng chỉ nghĩ đến như thế, bởi sức sống của loài hoa này rất mãnh liệt, dù nắng nóng hay mưa dầm thì cành lá vẫn xanh tươi, mỗi năm cho trăm chuỗi hoa nổi tiếng cả một vùng. Tác giả: Hoàng Hải LâmGiọng đọc: Tiến TúLời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân HàMinh họa: Họa sĩ Nguyễn MinhThời lượng: 20p18g
Tầm giờ này, 8 giờ tối, nàng đã ra khỏi lớp. Từ ngày biết nàng, anh đã đi thử chặng đường ấy, từ lớp học mà nàng dạy, cho đến khi nàng quẹo vào con hẻm mà anh đoán nàng ở trong đó, mất 10 phút. Anh cũng đã từng đi bộ, trái chiều, tức là cùng chiều nàng đi xe máy, để mong có thể nàng thấy anh. Nhưng chưa một lần được như mong đợi, có thể anh đi quá sớm, hoặc quá muộn, hoặc là hôm ấy nàng không đến lớp, cũng có thể nàng có đến lớp nhưng đổi lịch trình đi đường khác mà chưa về nhà. Tác giả: La Thị Ánh HườngGiọng đọc: Vân AnLời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân HàMinh họa: Họa sĩ Lê Anh VânThời lượng: 17p11g
Sao Hiền chẳng nghe mình nói gì cả. Anh hùng là để cho thiên hạ, danh tướng là để cho ba quân, còn hắn cho vợ hắn những gì? Hiền không biết đâu, vợ hắn khổ lắm, mỗi khi mưa to nhà hắn lại dột, mỗi khi con ốm vợ hắn lại phải bế về bà ngoại. Những đêm đông giá rét vợ hắn sợ hết hồn mỗi khi nghe tiếng gió lùa cửa. Vợ hắn thiếu chồng triền miên, mà vợ hắn thì còn trẻ lắm, lại xinh đẹp nữa, lại tràn trề sức sống thanh xuân, lại... Tác giả: Nguyễn Đình TúGiọng đọc: Vân AnLời bình: Nhà thơ Hữu ViệtMinh họa: Họa sĩ Đức BảoThời lượng: 19p12g
Nói xong chị quay lưng đi, bờ vai tròn và thanh mảnh thấm đẫm nắng chiều, trông chị cô độc và mềm mại như một bông hoa muống. Phong cắn môi cắm cúi xạc, những bụi cỏ lật tung lên dưới bàn tay mạnh mẽ của anh. Anh cố giữ lại những bụi rau muống xen lẫn trong đám cỏ. Những dây muống mọc dài trên bờ sông quê nuôi anh khôn lớn, anh có cảm tình với loại rau dân dã này. Mẹ càng ngày càng già cỗi, gân guốc như dây muống dại... Tác giả: Nguyễn MộtGiọng đọc: Xuân KhoaLời bình: Nhà thơ Hữu ViệtMinh họa: Họa sĩ Đặng TiếnThời lượng: 25p27g
Chả có biểu hiện gì là nhà người đẻ. Bà mẹ chồng đứng nói chuyện ngoài ngõ với hàng xóm. Bố chồng nằm ngủ quay lơ trên phản, ruồi bu đen cả mắt và mồm. Chồng Lý từ đâu chạy về, trẻ măng, da trắng, mặt xinh lóng ngóng đưa Triệu vào trong gian buồng Lý đang nằm rồi lại chạy vù đi. Chẳng nước nôi mời mọc. Lý trong bộ dạng gái đẻ ôm con ngồi thù lù trên giường. Vừa dẹp đống chăn chiếu đùn lên như ổ lợn cho Triệu ngồi Lý vừa cố nhét cái đầu vú đen xì vào miệng con. Con bé vất vả lắm mới chộp được rồi lại nhè ra, hét toáng, tay chân khua loạn xạ. Lý nổi cáu, quăng con ra giữa giường: Oắt con, bà thì mặc xác. Mẹ mày cũng đang đói đây. Lý nhìn hướng ra ngoài chì chiết: Có đôi gà giò mẹ tao mang lên bồi dưỡng nó cũng xách đem đi đổi rượu. Hai ngày nay cả nhà chỉ còn vài ống gạo, bốn mồm ăn to như mồm gàu, làm gì có sữa cho con bú. Tác giả: Kiều Bích HươngGiọng đọc: Ánh NguyệtLời bình: Nhà văn Phong ĐiệpMinh họa: Họa sĩ Lý Việt AnhThời lượng: 26p17g
loading
Comments