DiscoverRADIO NHÂN DÂN - TRUYỆN
RADIO NHÂN DÂN - TRUYỆN
Claim Ownership

RADIO NHÂN DÂN - TRUYỆN

Author: TRUYỆN NGẮN - BÁO NHÂN DÂN

Subscribed: 24Played: 509
Share

Description

Báo Nhân Dân - Cơ quan thông tin đa phương tiện chủ lực tại Việt Nam, đăng tải đầy đủ thông tin về mọi mặt đời sống trong nước và quốc tế, cũng như các chương trình giải trí, áp dụng nhiều công nghệ truyền thông mới.
262 Episodes
Reverse
Chị tần ngần đứng trước ngôi nhà ấy. Cửa đóng khóa. Câm lặng. Những bông hoa chuối cố thiêu đốt những hơi thở cuối cùng.Chị rơi vào hụt hẫng. Suốt cả chiều, chị tha thẩn quanh ngôi nhà mà vẫn không thấy bóng dáng người đàn ông đâu cả. Con phố vốn kiệm lời. Giờ càng lặng thầm hơn. Mọi cánh cổng đã khép. Đèn bật sáng. Chị hoang mang trong suy nghĩ của mình. Chị chôn chân ở đây để làm chi? Khi mà cánh cổng kia án ngữ bằng một lời từ chối. Chị chờ mong điều gì? Khi mà sương đêm đã trùm phủ làn tóc rối. Có cái gì nghèn nghẹn. Dâng lên một nỗi xót xa. Tác giả: Nguyệt ChuGiọng đọc: Ánh NguyệtLời bình: Nhà văn Đỗ Bích ThúyMinh họa: Họa sĩ Thu HàThời lượng: 33p29g
Truyện ngắn: Ghen

Truyện ngắn: Ghen

2024-08-2620:17

Chị bỏ ra ba triệu bảy trăm nghìn đồng mua lọ nước hoa Chanel women xức cho thơm. Một ít thực phẩm chức năng vừa để uống, bôi lên da và dầu dưỡng tóc. Phải đi tút tát lại mái tóc, xăm cái chân mày, phun lại bờ môi. Chị nhìn mình trong gương. Làn da trắng, tóc nâu, môi đỏ... Trong thời gian tìm ra bằng chứng phạm tội của chồng, chị cần phải làm một người đàn bà đẹp. Đàn bà không thể không đẹp. Để xấu là coi thường mình, là phá sản hôn nhân. Chị lấy lọ nước hoa, bấm nhẹ nút, hương thơm bật ra. Lịch sự, trang nhã. Hương thơm của Chanel women mới lãng mạn làm sao. Con bé phụ làm tóc che miệng cười, chị phát hiện ra, lườm nó. - Gì thế nhóc? - Mấy bà sồn sồn hay đến tút tát ở đây, chồng toàn ngoại tình cả đấy. Tác giả: Hoàng Hải LâmGiọng đọc: Vân AnLời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài NamMinh họa: Họa sĩ Lý Việt AnhThời lượng: 20p17g
Trong vùng rừng đơn vị của Vinh ém quân mọc rất nhiều cây hoa dành dành. Có những triền đồi chỉ nở bát ngát một mầu hoa trắng muốt, phả vào không gian mùi hương dìu dịu, một mùi hương đặc trưng không giống bất cứ một loài hoa nào.Có lẽ mọi chuyện sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu đơn vị của Vinh ngày ấy không được cấp trên cử bổ sung về một nữ chiến sĩ cứu thương, và, người nữ cứu thương ấy ngay từ giây phút đầu tiên đã làm tâm hồn Vinh choáng váng như có tiếng sét từ trời cao đổ xuống. Tác giả: Đào Nguyên HảiGiọng đọc: Tiến TúLời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài NamMinh họa: Họa sĩ Lý Việt AnhThời lượng: 19p38g
Nhà ông Hai Nhứt nằm choi loi ở cuối ấp Cây Dứa, cạnh cây cầu chữ Y bắc qua ngã ba Chờ Đợi. Ông chỉ có một mình, không vợ con cho nên cái nhà của ông cũng nhỏ bé cô đơn như chính bản thân chủ nó vậy. Được cái là nền nhà rất cao ráo, tháng tám, tháng chín âm lịch nước nổi lêu bêu cũng không ngập được. Tuy nhiên thứ mà bọn trẻ thích là miếng vườn rộng phía sau nhà ông. Vườn nhà ông trồng đủ thứ cây. Mấy gốc xoài thơm, dăm cây mận da người, chục gốc nhãn da bò, còn có hai cây mít to ở đầu bờ, nơi ông giăng cái võng dù bạc mầu cũ kỹ nằm nghỉ mỗi buổi trưa. Đặc biệt, còn một khoảng đất rộng ông không trồng gì hết mà đắp cao ráo, nện chặt như nền nhà. Đây là nơi chiều chiều bọn trẻ tụ tập lại chơi nhảy dây, nhảy cò chẹp, đá bóng... Tác giả: Quân TấnGiọng đọc: Xuân KhoaLời bình: Nhà thơ Hữu ViệtMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 21p15g
Cả sườn núi cũng phải nín thở, lặng ngắt khi chiếc xe bò chở hai mẹ con người thiếu phụ lăn qua khu vực có những chiếc rãnh xẻ dọc và sâu quanh vách đá. Dĩ nhiên kéo xe là một chú bò đực ức rộng và có bốn vó như vó ngựa. Buổi chiều chị đã cho nó ăn một bó cỏ mật để dành từ mùa đông năm ngoái (khi ấy chưa có chuyện gì xảy ra). Nó nhai chậm rãi. Nếu không hiểu tính nết nó, sẽ có thể hiểu nhầm nó kiếm cớ nấn ná để chiều tối không phải đi qua cái vùng rãnh đáng sợ trên vách núi cao. Chị đã nhẫn nại ngồi chờ nó trên bãi cỏ, ngắm mặt trời từ từ trôi về hướng hoàng hôn. Phía sau, cậu con trai mười tuổi nhai ngấu nghiến cái bánh mì kẹp ruốc, tranh thủ lúc con Rộng đang nhai cỏ. Tác giả: Võ Thị Xuân HàGiọng đọc: Ánh NguyệtLời bình: Nhà thơ Hữu ViệtMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 23p42g
Thủy lặng lẽ quỳ xuống trước ban Tam bảo. Cô lấy chày gõ nhẹ vào chiếc chuông đồng khiến âm thanh ngân vang lảnh lót như đánh thức các pho tượng trên cao tỉnh giấc để chứng kiến lời thỉnh cầu của một con chiên. Hôm nay không phải tuần rằm, không phải ngày lễ nên ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng này khá vắng lặng, tưởng như nghe được cả tiếng lá rơi. Lòng Thủy trống rỗng, không nghĩ ngợi, không lo toan, cảm giác lâng lâng y như lúc ngồi thiền tập tâm năng trong căn phòng ngủ bé như chuồng chim bồ câu, khi Quân - chồng cô đi công tác xa nhà. Tác giả: Trần Thúy LànhGiọng đọc: Vân AnLời bình: Nhà văn Phong ĐiệpMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 19p54g
Buổi sáng hôm ấy bố nó chợt nghe thấy tiếng chuông báo tin nhắn ở điện thoại di động. Anh mở ra và đọc được một dòng tin thật khó hiểu: Mẹ cũng nhớ con lắm. Ðúng thế con ạ. Chết, tức là mẹ đi rất xa. Nhưng rồi một ngày nào đó mẹ sẽ trở về với con. Nhất định là như thế con ạ. Ðọc dòng tin nhắn anh thấy thật khó hiểu. Anh kiểm tra lại số điện thoại di động của người vừa gửi tin. Giật mình! Ðó chính là số máy của người vợ xấu số của anh. Sao lại có chuyện lạ lùng đến vậy? Sau một tuần ngày vợ mất, anh đã đem trả lại cái "sim" này cho một trạm bưu chính viễn thông. Không phải anh vô tâm, vô cảm mà vì anh không đủ sức chịu đựng mỗi khi nhìn thấy bất cứ di vật nào của vợ. Anh hoang mang bấm máy xem lại tất cả phần "các tin đã gửi" trong máy điện thoại của mình, mong tìm ra một điều gì đó. Ðây rồi! Anh phát hiện thấy trong điện thoại một dòng tin gửi đi cách đây khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Dòng tin viết sai khá nhiều lỗi chính tả và không hề có một dấu chấm, dấu phẩy: Con chào mẹ con nhớ mẹ lắm bác Hùng bảo mẹ chết tức là mẹ đi rất xa nhưng sao mẹ lâu về thế. Tác giả: Hồ Thủy GiangGiọng đọc: Tiến TúLời bình: Nhà văn Phong ĐiệpMinh họa: Họa sĩ Lý Việt AnhThời lượng: 18p19g
Xứ đang vào mùa mưa. Đất ẩm ẩm nhão nhoét. Nước lúc nào cũng chực chờ nối nhau mà xối xuống. Có khi nước trút ào ào như giận dữ. Những khi ấy nhìn mưa mà não ruột. Đàn bà biết làm gì ngoài nhìn nhau rồi nhìn mưa. Đàn ông thì gầy bàn nhậu. Trời, nhậu huyên thuyên cả tối mà mưa không dừng. Làm ăn được gì với mưa đâu. Đám thanh niên hầu hết đã rời xứ lên thành phố. Làm công nhân, đi chạy bàn, vài đứa đi học. Gì cũng được, miễn là đi. Có đứa khi đi, chỉ là để cho oách với người đời: Tao làm trên phố. Vậy thôi. Mỗi tháng, tiền có bao nhiêu hết bấy nhiêu. Lương không đủ sống lấy đâu gửi về nhà. Tiền ăn, tiền trọ, tiền trang trải đủ thứ... sống ở phố chưa bao giờ là dễ dàng như nhiều người nhìn những hào nhoáng lung linh mà nghĩ. Ruộng rẫy ở nhà dành lại cho ba mẹ, ông bà hết, nhà ai không còn sức làm thì cho thuê, có khi bỏ không. Mỗi người một lựa chọn, biết làm sao. Chỉ biết những người ở nhà thì buồn. Tác giả: Đinh Thùy HươngGiọng đọc: Xuân KhoaLời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân HàMinh họa: Họa sĩ Thu HàThời lượng: 17p59g
Nàng tỉnh lại vào một đêm muộn trăng, quờ tay tìm chồng chạm vào bốn bên phên vách xéo xộc, chật chội. Nàng hoảng hốt, bật khóc, đập cửa gọi chồng khi nhận ra mình bị nhốt trong một cái chuồng nhỏ dưới gầm sàn. Nhưng chẳng có tiếng đáp ngoài tiếng lũ gà chuồng bên nhao nhác vì bị nàng đánh thức và âm thanh rỉ rả não nề của lũ côn trùng đêm. Vài vệt trăng len qua khe vách loang loáng như ma trơi theo từng cử động hoảng hốt điên loạn của nàng. Rồi lũ gà cũng mặc tiếng khóc ấy, lặng dần chìm vào giấc ngủ. Tác giả: Phạm Tú AnhGiọng đọc: Ánh NguyệtLời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân HàMinh họa: Họa sĩ Lý Việt AnhThời lượng: 20p21g
Cô không khóc. Mắt cô buồn sâu thẳm. Tùng hiểu, bấy lâu cô chờ đợi đã quá đủ. Tuổi đời đẹp nhất cô đã dành cho anh. Anh đã không mang lại cho cô những tháng ngày trọn vẹn trong tình yêu. Ðó là thiệt thòi mà cô phải chịu vì yêu anh. Phần anh, anh cũng không thể nào để cô chịu đựng thêm nữa. Nhưng nếu vì cô mà rời bỏ quân ngũ, rời bỏ đồng đội thì anh càng không thể. Cô là người sinh ra để sống trong bình yên, hạnh phúc. Ðời sinh cô ra để viết cho mọi người những trang văn hay, những vần thơ đẹp đưa con người đến với tình cảm thánh thiện. Anh đã giữ cô làm của riêng quá lâu rồi. Anh phải trả cô về với cuộc đời của cô. Tùng nghe tim mình nghẹn lại như ngừng đập. Tác giả: Nguyễn Thị Diệp MaiGiọng đọc: Vân AnLời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài NamMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 253p35g
- Lạ lắm chị Béo ơi. Chiếc giường đôi kê sát cửa sổ chỉ có mỗi cái gối, còn trên góc bàn làm việc, đến mấy chai rượu tây các loại. Trong nhà chẳng có gì ngoài sách. Sách xếp đặc các tầng trong ba giá gỗ.Chị Béo vừa cười vừa hỏi:- Cô Lài thấy anh ấy thế nào?- Hãi. Mắt lạnh tanh, Trông như người rừng.Chợt ai đó nói khẽ. “Hắn kìa.” Mọi ánh mắt ngước nhìn người đàn ông tầm thước, trong sắc phục màu chàm. Họ nhận thấy, khuôn mặt người này đậm chất đàn ông, trán cao, miệng rộng, nhân trung sâu, mái tóc muối tiêu búi như củ tỏi sau gáy. Chỉ vì râu quai nón không chịu cạo, nên trông hơi hoang dã, riêng đôi mắt anh ta sáng và buồn chứ không lạnh như Lài nhận xét. Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc HàGiọng đọc: Xuân KhoaLời bình: Nhà văn Đỗ Bích ThúyMinh họa: Họa sĩ Lý Việt AnhThời lượng: 30p22g
Nhà dì Mẩn lọt giữa xóm Vân. Ngõ vào nhà dì có hàng ô-rô cao chạm ngực, được cắt ngọn bằng chằn chặn. Một ngôi nhà gạch ba gian hai trái, xây từ hồi nảo hồi nao, mái ngói rêu mốc phủ dày như rải lá. Những hôm có mưa rào, tôi chụm tay hứng nước mái hiên để uống và uống luôn cả cái mùi rêu tanh tanh mốc mốc. Vườn nhà dì rộng, lá rụng vàng đầy gốc cây được quét vun thành từng đống. Còn trên những cây ăn quả lâu niên, lá xanh kín mít đến nỗi chẳng có sợi nắng nào xuyên qua được. Thích nhất là trong vườn có rất nhiều thứ cây ăn quả. Tác giả: Nguyễn Trọng VănGiọng đọc: Tiến TúLời bình: Nhà thơ Hữu ViệtMinh họa: Họa sĩ Lý Việt AnhThời lượng: 18p10g
Cô cháu cười phá lên, mắt liếc nhìn cái bụng to như thùng tô nô của ông, chả tưởng tượng nổi ngày xưa ông ngoại mình ra sao. Còn bà, giờ chỉ còn kiểu đầu uốn quăn lấp lánh ánh bạch kim, ngắn lúp xúp quanh cổ. Ông bà vốn khắc khẩu nhau. Bà giỏi ca dao tục ngữ, ví von, dân kĩ thuật mà nói câu nào sắc câu nấy. Ông thì kĩ sư lâm nghiệp, cả đời bôn ba rừng núi với công trình xây dựng, tính vốn cả nể hiền lành. Mà không hiền sao được với bà. Lúc nào ông cũng có cái vẻ nin nín, nhun nhún và ánh mắt trông về bà với đầy vẻ trìu mến. Tác giả: Hương ThịGiọng đọc: Ánh NguyệtLời bình: Nhà thơ Hữu ViệtMinh họa: Họa sĩ Tuyết NhungThời lượng: 17p32g
Bắt đầu có cảm tình với Lu Lu, tôi thấy dễ chịu khi vuốt ve hay thủ thỉ với nó. Mọi thứ quanh tôi trở nên suông mềm, dễ chịu. Tôi không thấy nóng mặt nếu anh hàng xóm buông lời chọc ghẹo nữa. Con Lu đã cảm hóa tôi rồi. Khi bình tĩnh đón nhận những câu bông đùa bằng thiện chí, tôi nhận ra người đàn ông này nói chuyện có duyên. Biết gây cười. (Không dễ đâu nhé, làm người ta cười không dễ như bắt người ta khóc). Tôi luôn mất bình tĩnh mỗi lần anh đọc được ý nghĩ sâu kín từ những câu chữ cười cợt. Tôi rất hài lòng về cách lèo lái câu chuyện của anh. Phục hồi sau đợt ốm, anh mang một diện mạo hoàn toàn khác. Khuôn mặt khoặm, đôi mắt tiềm ẩn sự u buồn. Anh sở hữu gương mặt không quá điển trai nhưng lại quyến rũ. Tự dưng thấy mồ hôi rịn ra từ khắp các lỗ chân lông. Tác giả: Nguyễn Thị Bích NhànGiọng đọc: Vân AnLời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài NamMinh họa: Họa sĩ Đoàn Đức HùngThời lượng: 16p28g
Từ hôm anh Hưởng đi. Chị Nhạn xin với mẹ anh chặt đi hàng rào dâm bụt chia giữa hai vườn cho thoáng. Bà cụ đã đi lại được, cọm cọm ôm rơm vàng trải lên giàn mướp đang độ nở hoa. Tôi theo sau bà như một con mèo nhỏ. Bà là một cây đại thụ đã trải qua không biết bao nhiêu là giông bão với hàng núi những kinh nghiệm thời chiến mà đến cả chị Nhạn nhiều khi cũng phải bật cười. Bà che cho những nụ hoa mướp vàng để tránh máy bay địch. Theo bà, chỗ nào có hoa trái ắt hẳn chỗ ấy có người ở. Thật ra, tôi không tán thành cách đó lắm. Ngoài đồng lúa vẫn xanh rì thì làm sao mà bọn Mỹ lại không biết được nhưng đi theo bà tôi có thể tìm thấy cả những cụ chuồn chuồn ngủ quên trên những cọng rơm khô hay những anh rắn mối béo mẫm ngơ ngác trên giàn đầy rơm mà cứ ngỡ tơ hồng ai vừa hong trong nắng. Tác giả: Trần Quỳnh NgaGiọng đọc: Xuân KhoaLời bình: Nhà văn Võ Phong ĐiệpMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 20p45g
Con Thớt chuẩn chỉ việc canh gác, rảnh rỗi vẫn nô đùa với ong bướm. Đặc biệt không cắn gà, không vờn chim trong lồng, không dồn mèo, không cậy nồi ăn vụng. Nó tránh xa mọi cạm bẫy, mọi rắc rối. Khách quen thì sủa ba tiếng. Khách lạ sủa đến khi có chủ nhà quát thôi mới thôi. Đêm hôm thì khỏi phải nói. Cái bọn câu trộm chó chuyên nghiệp dùng đủ mọi trò đều bị nó lật tẩy. Như thể nó biết cục thịt ấy có bả, cái tiếng rên ư ử ấy không phải của một con chó cái đến kì mà của một thằng người. Kích điện cũng không chạm được vào người nó vì nó không chạy ra đường...Côn, que, gậy gộc càng chẳng ăn thua.Làng đồn nhà ấy có con chó khôn, khôn đến nỗi chủ cũng không lừa nổi nó để xích vào. Từ chuyện chó lại ra chuyện người. Chó thì khôn thế mà người thì... Tác giả: Tống Ngọc HânGiọng đọc: Tiến TúLời bình: Nhà văn Võ Phong ĐiệpMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 24p30g
Dù đã ở thị trấn Y. đến ngày thứ ba, Thi vẫn bất ngờ với “vũ điệu gió” ở đất này. Vừa phóng khoáng, vừa nồng nhiệt, nhưng cũng rất đỗi dịu dàng, say đắm. Chiều ngày đầu tiên đến thị trấn, Thi đã sung sướng ngồi vắt vẻo trên sườn dốc, buông tóc cho gió giỡn đùa, mắt ngóng về phía núi xa đang chìm dần trong mây mù bảng lảng, cảm nhận mùi khói bếp nôn nao quyện trong không gian. Ngày thứ hai, cô theo Hân vào bản, lội suối đến tận chân thác Mây. Ở đó, cô được nghe gió hát. Những âm thanh vi vút xuyên qua những khe đá, vang lên những âm thanh kỳ vĩ, lúc thưa, lúc nhặt, hòa trong tiếng nước xối vào những phiến đá phủ rêu xanh rì tạo thành giai điệu mê đắm. Hôm nay, hình như gió biết cô rời đi nên đang cố níu chân bằng những vòng xoáy bịn rịn, mang theo hơi cỏ ngai ngái của đồng rừng và những cánh lá khô bay lên chênh chao, thảng thốt. Tác giả: Phong ĐiệpGiọng đọc: Ánh NguyệtLời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân HàMinh họa: Họa sĩ Tuấn AnhThời lượng: 21p29g
Ở cái đồi hoang này, bao nhiêu năm nay vẫn chỉ mấy chục nóc nhà, toàn lũ đực rựa, bò từ dưới đáy bùn bò lên. Đứa tù tội, đứa trốn nợ, đứa bỏ vợ hận đời chứ không người lương thiện nào muốn ở. Người ở đồi hoang, sống bằng nghề chặt gỗ bán, và săn cá suối. Những khoảng đồi dần trống trơn, cứ loang dần, loang dần... Lý cũng nương vào đấy. Mỗi đêm, đàn ông đến, mang theo mồi thơm, để trả công cho Lý. Rồi ngày cũng qua, đợi đến khi già rồi chết. Tác giả: Cao Nguyệt NguyênGiọng đọc: Vân AnLời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân HàMinh họa: Họa sĩ Thu HàThời lượng: 19p04g
Ngôi nhà ngói ba gian hai chái của lão Bạng nằm ở đầu làng Diễn như cái thùng hút gió. Thênh thang. Thông thống. Ba gian nhà ngập tràn ba gian nắng. Thứ nắng đầu xuân hiền hòa mà khiêu khích. Lão Bạng đang bắt lại tấm lưới then mỏng chuẩn bị ra lạch Quèn thả cá. Một đầu lưới ngoắc vào bờ rào, đầu còn lại nằm gọn trong đôi bàn tay gọng kìm, gân guốc của lão. Tấm lưới trông như tấm mành cước mỏng màu trắng. Cứ rung nhè nhẹ mỗi khi có cơn gió thổi qua hay những động tác giật đều đều của lão nhằm giũ sạch tấm lưới. Không biết bao nhiêu là nắng mai dính đầy mắt lưới. Tác giả: Hoàng NghĩaGiọng đọc: Xuân KhoaLời bình: Nhà thơ Hữu ViệtMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 20p40g
Tôi dần dần nhận ra tôi không còn là tôi của ngày hôm qua nữa. Nhưng rốt cuộc thì bây giờ tôi là ai? Nhiều lần hỏi, nhiều lần đưa ra đáp án nhưng tôi không thỏa mãn được tôi. Tôi vẫn đi tìm mình là ai. Cuối cùng, tôi nghĩ tôi là một cái ti-vi nhiều kênh, mỗi người đều chọn cho tôi một tôi riêng biệt, ưa thích khi đứng trước mặt họ. Với đồng nghiệp cùng cơ quan tôi là một người dễ tính, rượu bia tốt, không có nhiều toan tính. Với hàng xóm tôi là một gã khó ưa, mặt lúc nào cũng lầm lầm lì lì, chẳng mấy khi nói chuyện với ai...Còn với vợ tôi là một người khá vô dụng, nhu nhược, chẳng biết sửa điện nước, đến đóng cái đinh treo bức tranh trên tường cũng phải đi nhờ. Thu nhập phập phồng thoi thóp hằng tháng chủ yếu nhờ lương, chẳng biết mở rộng các mối quan hệ để kiếm thêm...Chỉ còn trong mắt con bé, tôi vẫn có gì đấy tốt đẹp. Nhìn tôi, nó vẫn cười, mắt đen láy, nhắc tôi phải là tôi chứ không ai khác. Tác giả: Đinh PhươngGiọng đọc: Tiến TúLời bình: Nhà văn Đỗ Bích ThúyMinh họa: Họa sĩ Thu HàThời lượng: 20p22g
loading