Tạp chí âm nhạc

<p>Góc vườn âm nhạc của RFI</p>

Samba Mambo và tuyển tập mới của France Gall

« Plus Haut »  (Cao hơn) là tựa đề tuyển tập các ca khúc chọn lọc của France Gall được phát hành mùa thu năm nay. Sáu năm sau ngày qua đời, France Gall đã để lại một khoảng trống đáng kể, vì sau cô ít có nghệ sĩ nào có thể diễn đạt thật có hồn các sáng tác của Michel Berger. Tuyển tập này được phát hành vào dịp kỷ niệm ngày hai nghệ sĩ này gặp nhau năm 1974, tức cách đây vừa đúng 50 năm. Được trình làng vào trung tuần tháng 11/2024, tuyển tập chọn lọc gồm hai ấn phẩm. Phiên bản phổ thông gồm 18 bản nhạc ghi âm trong giai đoạn từ năm 1974 đến 1996. Phiên bản cao cấp (deluxe) là một bộ đĩa gồm tổng cộng 57 bài hát, ngoài những bản nhạc kinh điển, còn có vài bài song ca trên sân khấu với các nghệ sĩ như Johnny Hallyday, Michel Berger hay Daniel Balavoine, thời nam ca sĩ ghi âm nhạc phẩm « S.o.s d'un terien en détresse » (Lời kêu cứu của kẻ tuyệt vọng khốn cùng) cho vở nhạc kịch Starmania.Giới hâm mộ có thể vui mừng, vì trên tuyển tập (best of) lần này, có một bài hát chưa từng được phát hành trên băng đĩa. Đó là nhạc phẩm « La Prisonnière » (Tù nhân) được ghi âm lần đầu tiên vào năm 1974, trong khuôn khổ dự án thực hiện một vở nhạc kịch mang tựa đề Angelina Dumas do Michel Berger sáng tác. Dự án này rốt cuộc sẽ không bao giờ được hoàn thành. Một số tác phẩm ghi âm vào thời ấy, mãi đến bây giờ mới được tiết lộ cho công chúng, chẳng hạn như các nhạc phẩm « Mais aime-la, À votre avis hay  La Prisonnière » …..Năm 1974 là cột mốc quan trọng cho hai nghệ sĩ France Gall và Michel Berger. Hai người thành hôn một năm sau ngày gặp nhau, mở ra một quan hệ hợp tác bền vững, dài lâu trong gần hai thập niên liền. Không phải ngẫu nhiên mà bài hát đầu tiên Michel Berger viết cho vợ mang tựa đề là « La Déclaration » (Lời tỏ tình). Còn album đầu tiên đánh dấu sự hợp tác giữa cặp vợ chồng nghệ sĩ này bao gồm nhiều bài hát ăn khách, trong đó có các nhạc phẩm như « Calypso » hay « Samba Mambo ». Nhưng tuyển tập vừa được phát hành lại không có những bài hát do France Gall ghi âm trong giai đoạn đầu tiên trong sự nghiệp của mình.Có thể nói năm 1974 mở ra giai đoạn sự nghiệp thứ nhì của nữ danh ca với hàng loạt thành công vang dội và nhiều kỷ lục mới. Thật vậy, sự nghiệp của France Gall bắt đầu rất sớm, vào năm 1964, tức từ một thập niên trước đó. Khá nhiều tác giả trong đó có Serge Gainsbourg đã soạn nhạc cho cô, giai đoạn huy hoàng là vào năm 1965, khi France Gall đoạt giải nhất cuộc thi hát truyền hình châu Âu Eurovision với nhạc phẩm « Poupée de cire, poupée de son » (tựa đề bản phóng tác  tiếng Việt là Búp bê không tình yêu).Đầu thập niên 1960 dánh đấu sự trỗi dậy của làn sóng mới bossa nova, nhưng do France Gall đang theo phong trào nhạc trẻ (yéyé), cho nên những bản ghi âm của cô không hề có một chút ảnh hưởng nào của dòng nhạc La Tinh hoặc âm nhạc Brazil. Bản nhạc « Samba Mambo » phần nào gợi hứng từ nhạc phẩm « Le Jazz et là Java » của Claude Nougaro, ít ra trong lối dùng ca từ. Trong bài hát của Claude Nougaro, điệu java nhường chỗ lại cho nhạc jazz. Còn nơi Michel Berger, nhịp mambo lại thay thế cho điệu samba.Tuy không được chọn làm ca khúc chủ đạo để quảng bá cho album, bài hát Samba Mambo chỉ được phát hành trên mặt B của đĩa nhựa 45 vòng, nhưng rốt cuộc nhạc phẩm này lại được khai thác nhiều trên các làn sóng phát thanh và được công chúng Pháp hưởng ứng nhiệt tình, nhiều hơn cả mặt A là bản nhạc « Comment lui dire ».Sau khi thành công, vũ khúc tình nồng Samba Mamno sẽ có thêm lời tiếng Anh, tiếng Hung và Phần Lan. Còn trong tiếng Việt, bài này có khá nhiều lời khác nhau, ca từ hay tựa đề đôi khi có khác biệt đôi chút Vũ khúc Samba hay Tình nồng Mambo, nhưng vẫn giữ nguyên hai từ khóa quan trọng như trong bản nguyên tác. Có rất nhiều nghệ sĩ ghi âm lại bài này như Thanh Lan, Ngọc Lan, Julie Quang, Don Hồ và gần đây hơn nữa là lời Việt của Ngọc Phú.Album đầu tiên hợp tác với Michel Berger trước khi hai nghệ sĩ này thành hôn với nhau lại là album phòng thu thứ 8 của France Gall. Tác giả Michel Berger đã giúp France Gall thay đổi hoàn toàn hình ảnh và phong cách, trở thành một nghệ sĩ thực thụ, với một thế giới âm nhạc riêng không thể nhầm lẫn với ai khác. Giống như cách dùng phản ngữ : câu chữ thể hiện những điều khác hẳn với suy nghĩ, bản ghi âm của France Gall không phải là mambo mà cũng chẳng là samba, cho dù không nói thẳng ra nhưng rốt cuộc lại có nét quyến rũ kỳ lạ nhờ nhịp điệu cha cha.  

11-16
09:09

Nhạc ngoại lời Việt : Ai đã viết bản tình ca Boulevard ?

Trong số những tình khúc nổi tiếng, có từ thập niên 1980, nhạc phẩm « Boulevard » có lẽ thuộc vào hàng giai điệu khó quên nhất. Ngược lại, đa số người hâm mộ thường hay hát lại bài này nhưng ít khi nào biết tác giả là ai. Bản nhạc « Boulevard » từng được phóng tác nhiều lần sang tiếng Việt, phiên bản quen thuộc nhất là của nữ danh ca Ngọc Lan với tựa đề « Con đường tình ». Làng nhạc chuyên nghiệp dùng thuật ngữ « one-hit wonder » (chỉ một lần nổi tiếng) để chỉ những nghệ sĩ có tên tuổi gắn liền với một bài hát ăn khách duy nhất. Đôi khi, người nghệ sĩ lập được thành tích chỉ có một lần tại một nước cụ thể, nhưng lại khá thành công ở nhiều quốc gia khác. Ca sĩ kiêm tác giả Dan Byrd thuộc vào diện này, tên tuổi của anh luôn đi đôi với nhạc phẩm « Boulevard », rất thịnh hành ở châu Á, nhưng tên tuổi của anh vẫn còn xa lạ đối với công chúng Âu – Mỹ.Thật khó mà tìm thấy các thông tin trên mạng về Dan Byrd, cho dù ca sĩ kiêm tác giả này đã ra đi quá sớm vì bạo bệnh. Anh qua đời vào năm 2005, chỉ mới 52 tuổi. Sinh ngày 25/05/1953 tại Anvers, miền bắc nước Bỉ, Dan Byrd tên thật là Daniel Fogel. Thời sinh viên anh là ca sĩ chính của nhóm nhạc nghiệp dư « Hassidic Blues Orchestra ».Theo lời kể của ông William Lip, một trong những thành viên của nhóm, thì ban nhạc chuyên đi biểu diễn trong các quán bar hay các liên hoan địa phương tại Bỉ vào những ngày cuối tuần. Hầu hết các thành viên ban nhạc thời bấy giờ đều là sinh viên. Sau khi tốt nghiệp họ hành nghề kỹ sư, nha sĩ hay doanh nhân. Bản thân ông William Lip trở thành bác sĩ nhi khoa tại Bỉ (Anvers và Bruxelles) và tiếp tục soạn nhạc ghi âm, đăng trên Youtube những bài hát chủ yếu để giải trí. Riêng nam ca sĩ Dan Byrd mới chọn con đường sáng tác biểu diễn chuyên nghiệp, để rồi trở nên nổi tiếng vùng Viễn Đông, nhất là tại các nước châu Á.Trong hệ ngôn ngữ Đức, Fogel có nghĩa là cánh chim và có nhiều cách viết khác nhau đôi chút là Vogel hay De Vogel tùy theo các vùng miền sử dụng tiếng Đức hay tiếng Hà Lan. Chuyển sang tiếng Pháp, chữ Fogel/Vogel có tên họ tương đương là Loiseau, còn trong tiếng Anh, danh hiệu này trở thành Bird hoặc Byrd, đó là lý do vì sao khi vào nghề Daniel Fogel đã chọn nghệ danh là Dan Byrd.Một cách chính thức, sự nghiệp ca hát của Dan Byrd kéo dài trong 5 năm, từ năm 1982 đến 1987, thời anh có ký hợp đồng ghi âm với các hãng đĩa chuyên nghiệp. Album phòng thu đầu tiên của anh (phát hành vào năm 1982) với tựa đề « Stay » được hãng đĩa Polydor phân phối ngoài châu Âu tại Singapore, Malaysia, Hồng Kông và sau đó là tại Nhật Bản.Sau đó, anh cho ra mắt thêm hai album nữa là « From heart to heart » năm 1985 và « Jennifer » vào năm 1987 với hãng đĩa Ace Records. Trong 5 năm sự nghiệp, Dan Byrd đã khá thành công tại châu Á với các sáng tác của mình như « Summer Nights, Stay, BeBop, Sayonara », nhưng nhạc phẩm « Boulevard » mới thực sự là bài hát được nghe nhiều nhất và được hầu như mọi người hâm mộ luôn nhắc tên. Sau khi Daniel Fogel/ Dan Byrd qua đời vào năm 2005, những bài hát này và đặc biệt là « Boulevard » lại càng thành công ở châu Á, hàng loạt phiên bản cover trên YouTube giúp cho giai điệu gây thêm nhiều tiếng vang trên thế giới.« Boulevard » nổi lên như một bản ballad nhẹ nhàng sâu lắng, chiếm trọn trái tim người nghe với giai điệu u sầu. Nội dung bài hát nói về sự mất mát trong tình yêu và những đau thương trong cuộc đời. Sức hấp dẫn của giai điệu tạo thêm chiều sâu trong cảm xúc, chủ đề phổ quát khiến người nghe dù ở thời nào cũng dễ bắt gặp mình. Bài hát có lối phối khí đơn giản nhưng lôi cuốn, cùng phần diễn đạt mộc mạc chân thành của Dan Byrd giúp cho bản « Boulevard » chinh phục thêm nhiều thính giả.Được khá nhiều nghệ sĩ cover lại trong nhiều năm qua, bài hát đã trở thành một tác phẩm kinh điển theo đúng nghĩa của từ. Nổi tiếng là bản nhạc duy nhất này làm nên tên tuổi của Dan Byrd, « Boulevard » tiếp tục gây thêm tiếng vang thời nay, khi thế hệ trẻ bây giờ mới khám phá nhạc phẩm. Cho dù không có nhiều thông tin về sự nghiệp của Dan Byrd từ năm 1987 cho tới ngày anh qua đời, « Boulevard » trở thành một trong những giai điệu đáng ghi nhớ nhất của thập niên 1980.Khi được phóng tác sang tiếng Việt, giai điệu « Boulevard » có nhiều lời khác nhau. Lời đầu tiên với tựa đề là « Con đường tình » do nữ danh ca Ngọc Lan tự đặt lời và ghi âm. Lời thứ nhì là nhạc phẩm « Con tim buồn » của tác giả Nhật Ngân, do Tuấn Ngọc trình bày. Lời thứ ba dựa theo hình tượng của Boulevard là « Đại lộ tình yêu », do Khúc Lan chuyển ngữ và Don Hồ ghi âm. Bản phóng tác thứ tư « Con đường ta chia tay » là của tác giả Nguyễn Hoàng Đô.Tuy không có duyên với ánh đèn sân khấu quê nhà lúc sinh thời, nhưng nam ca sĩ kiêm tác giả Dan Byrd vẫn để lại cho đời một khúc nhạc u sầu tuyệt diệu, một thoáng tâm hồn lắng sâu trong giai điệu !

11-09
09:10

Nhạc Pháp lời Việt : Những giai điệu đẹp nhất của Vanessa Paradis

Thành danh tại Pháp trong gần bốn thập niên qua trong cả ba lãnh vực ca nhac, thời trang và điện ảnh, Vanessa Paradis là một gương mặt quen thuộc với công chúng, do cô vào nghề từ khi còn nhỏ. Mọi chuyện thực sự bắt đầu vào mùa hè năm 1987, Vanessa lúc ấy mới 14 tuổi, lập kỷ lục đầu tiên nhờ nhạc phẩm « Joe le taxi » với hơn ba triệu bản được bán trên toàn cầu. Sau khi giành lấy hạng đầu thị trường châu Âu và Canada, hạng ba tại vương quốc Anh, nhạc phẩm « Joe le taxi » còn giành lấy ngôi vị quán quân bảng xếp hạng thị trường Pháp trong vòng 11 tuần lễ liên tục. Giai điệu « Joe le taxi » sau đó được ghi âm trong 8 thứ tiếng kể cả tiếng Hoa. Còn trong tiếng Việt, bài này có hai lời khác nhau. Lời đầu tiên do tác giả Nhật Ngân phóng tác thành nhạc phẩm « Hãy đến với nhau » và được nhiều nghệ sĩ ghi âm lại, trong đó có Ngọc Lan, Ngọc Huệ, Vy Oanh hay Thùy Dung. Lời Việt thứ nhì do nữ danh ca Thanh Lan tự đặt lời và ghi âm. Thành công khá bất ngờ này vượt ngoài mong đợi của nhóm sản xuất. Cho dù gấp rút triệu mời vào phòng ghi âm hai nghệ sĩ nổi tiếng của Pháp lúc bấy giờ là nhà soạn nhạc Franck Langolff (chuyên sáng tác nhạc cho nam danh ca Renaud) và tác giả Étiennne Roda-Gil (nổi tiếng nhờ viết lời cho Claude François và Julien Clerc), nhưng quá trình thực hiện album đầu tay cho Vanessa Paradis bị chậm trễ, buộc phải lùi lại vài tháng.Mãi đến gần một năm sau ngày thành công của bài « Joe le taxi », album đầu tiên của Vanessa Paradis mang tựa đề « M&J » mới được tung ra thị trường Pháp và sau đó là trên khắp châu Âu vào mùa hè năm 1988. Thời điểm phát hành không có gì là ngẫu nhiên, vì khi được trình làng trong kỳ nghỉ hè, Vanessa lúc bấy giờ (mới 15 tuổi) còn đi học, có thể tham gia các show truyền hình, đảm bảo các đợt biểu diễn ở khắp nơi để quảng bá tốt hơn cho album này.Tựa đề « M&J » là chữ viết tắt của Marilyn Monroe và John F. Kennedy, nói lên mối tình lãng mạn đầy sóng gió giữa ngôi sao điện ảnh quốc tế và cố tổng thống Hoa Kỳ. Đây cũng là tựa đề bài hát ăn khách thứ nhì của Vanessa, nhóm sản xuất đã lấy tên ca khúc chủ đạo này để đặt tựa cho album. Chuyện tình « Marilyn & John » trở thành giai điệu ăn khách thứ nhì của Vanessa Paradis, thành công tại Pháp, Canada, Israel cũng như Nhật Bản, giúp cho album đầu tay của cô đạt mức đĩa bạch kim trên toàn châu Âu.Trả lời phỏng vấn báo chí, Vanesssa cho biết cô đã từng được nghe giai điệu (do Franck Langolff soạn nhạc) nhiều tháng trước khi bài hát này được đặt lời. Vì biết rằng, từ thời còn bé, Vanessa cực kỳ ngưỡng mộ ngôi sao màn bạc Marilyn Monroe, cho nên tác giả Étienne Roda-Gil đã chọn mối tình của « Marilyn và John » làm chủ đề bài hát.Trong mắt Vanessa, đó thực sự là một món quà tình cảm, và có lẽ cũng vì cảm thấy gần gũi với mình, cho nên Vanessa thích bài hát này hơn nhiều so với nhạc phẩm « Joe le taxi ». Trên tuyển tập chọn lọc phát hành vào năm 2009, Vanessa đã ghi âm lại một phiên bản acoustic của nhạc phẩm « Marilyn & John » với lối hòa âm rất mộc (theo phong cách của nghệ sĩ Albin de la Simone). Phiên bản này được phát hành dưới dạng đĩa đơn vào mùa xuân năm 2010, và ăn khách một lần nữa sau lần phát hành đầu tiên vào năm 1988, giúp cho bài hát này đạt đến mức hơn một triệu bản trên thị trường châu Âu.Sau khi thành công tại Pháp, « Marilyn & John » có thêm nhiều phiên bản trong nhiều ngôn ngữ khác. Ngoài tiếng Anh, Ba Lan hay tiếng Nga, còn có phiên bản cover tiếng Bồ Đào Nha với tựa đề « Passageiro do Meu Amor » của ca sĩ người Brazil, Angelica. Ca sĩ người Đài Loan, Diana Yang, cũng đã ghi âm lại bài này trong tiếng Hoa trên album « Love with Roses » (Tình muôn hoa hồng) của mình, phát hành vào năm 1993. Còn trong tiếng Việt, bài này từng được tác giả Lữ Liên phóng tác thành Chuyện tình « Marilyn & John » do ca sĩ Khánh Hà ghi âm.Trong giới yêu nhạc Pháp, những người tinh ý nhất nhận thấy rằng thời kỳ vàng son của nền điện ảnh Hollywood chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt album đầu tiên của Vanessa Paradis. Ngoài tình sử Marilyn và John, còn có bản nhạc « Maxou » nói về thần tượng người Mỹ James Dean trong bộ phim « East of Eden ». Còn nhạc phẩm « Joe le Taxi » có nhắc tới Yma Sumac, ca sĩ kiêm diễn viên người Peru và Xavier Cugat, nhạc sĩ nguời Tây Ban Nha. Điểm chung là cả hai nghệ sĩ này đều đã ghi âm nhiều bản nhạc phim, giúp phổ biến dòng văn hoá La Tinh ở kinh đô điện ảnh HollywoodThành công ngoạn mục của album đầu tay gồm nhạc phẩm « Joe le Taxi » và sau đó nữa là Chuyện tình « Marilyn &John » ... mở đường cho Vanessa hợp tác với Serge Gainsbourg trong làng nhạc, thành công trên màn ảnh lớn nhờ đóng phim « Noce Blanche », hợp tác với nhà tạo mốt Karl Lagerfeld để trở thành biểu tượng thời trang Chanel, dường như trong những thập niên sau đó không gì có thể cản chân Vanessa Paradis bước lên bục vinh quang, danh vọng toả sáng thành « cánh chim địa đàng ». 

11-02
09:04

Nhạc ngoại lời Việt : "Cho những người tôi yêu" của Julio Iglesias ban đầu được viết cho ai ?

Vào đầu những năm 1980, sự nghiệp của Julio Iglesias bước vào thời kỳ huy hoàng, trên vòm trời ca nhạc quốc tế, ngôi sao Tây Ban Nha luôn toả sáng. Sau khi giành lấy hạng đầu thị trường Pháp vào năm1979 với album chủ đề "Vous les femmes", (còn có tên là "Pauvres Diables" phóng tác từ nhạc phẩm Pobre Diablo), Julio Iglesias nuôi tham vọng chinh phục thị trường Hoa Kỳ. Để đạt mục tiêu này, nhà sản xuất người Mỹ Richard Perry đã hội tụ một đội ngũ hùng hậu xung quanh nhóm sáng tác Albert Hammond. Thành danh vào những năm 1970 nhờ ghi âm các sáng tác của mình, Albert Hammond sau đó chuyển sang viết nhạc cho nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác, trong đó có Tina Turner, Diana Ross, Bonnie Tyler hay Céline Dion ..... Mot trong những đỉnh thành công của tác gia người Anh này là vào năm 1988, khi nhạc phẩm "One moment in Time" (do ông đồng sáng tác với John Bettis) lập kỷ lục số bán nhờ bản ghi âm để đời của Whitney Houston.Khi làm việc trên album tiếng Anh đầu tiên của Julio Iglesias, Albert Hammond đã tìm cách hoà quyện giọng ca crooner của Julio với nhiều tiếng hát khác, trong đó có Diana Ross, nhóm Beach Boys và đáng ngạc nhiên hơn nữa là Willie Nelson. Julio Iglesias cùng ghi âm với Willie Nelson bản song ca "To all the girls I've loved before" vào năm1984. Việc kết hợp một danh ca La Tinh trữ tình với một ca sĩ chuyên hát nhạc đồng quê (country) là do ngẫu nhiên tình cờ. Có lẽ cũng vì hai giọng hát này khác hẳn nhau, cho nên thoạt nghe, ý tưởng này có vẻ không ổn cho lắm, nếu không muốn nói là hơi kỳ quặc. Trên thực tế, bản song ca đã ra đời, theo đề nghi của Willie Nelson. Trả lời phỏng vấn nhà báo Tom Roland, tác giả quyển sách "The Billboard book of Number one Country hits" nói về các bản nhạc đồng quê số 1 bảng xếp hạng, Willie Nelson cho biết ông đã được nghe giọng ca của Julio Iglesias trên đài phát thanh nhân một chuyến viếng thăm bạn bè ở Luân Dôn. Vợ ông (bà Connie) thích chất giọng của Julio nên ngay lập tức đề nghị ông nên thu thanh với nghệ sĩ này.Thông qua nhà quản lý của hãng đĩa, Willie Nelson đã liên lạc được với Julio Iglesias. Lúc bấy giờ, Willie không nghĩ đến chuyện tiền bạc vì Julio vẫn chưa nổi tiếng ở Bắc Mỹ. Sau này, Willie mới biết rằng, vào cuối những năm 1970, Julio là một trong nghệ sĩ quốc tế rất ăn khách, bán được nhiều đĩa nhạc hơn bất kỳ ai trên thế giới vào thời bấy giờ, trước khi có hai hiện tuong nhạc pop là Madonna và Michael Jackson.Khi thực hiện album tiếng Anh "1100 Bel Air Place" cho Julio Iglesias, nhạc sĩ Albert Hammond đã chọn một số bài hát ông từng sáng tác trước đó. Mặc dù "To all the girls I've loved before" (Cho những người tôi yêu) thành công nhờ bản song ca của Julio Iglesias và Willie Nelson, nhưng giai điệu này (của hai tác giả Albert Hammond và Hal David) ban đầu lại được viết cho giọng ca vàng Frank Sinatra vào giữa những năm 1970. Thế nhưng, Frank Sinatra chê bài hát không hợp với mình, nên từ chối vào phòng thu. Rốt cuộc, Albert Hammond lại trở thành người đầu tiên ghi âm giai điệu này cho album thứ tư của mình mang tựa đề "99 miles from L.A", phát hành vào năm 1975.Theo lời kể của chính tác giả, bài này đã được ghi âm vài lần nhưng chưa bao giờ thành công, kể cả phiên bản của Bobby Vinton. Khi đến phiên Julio Iglesias và Willie Nelson, hai nghệ sĩ này đã làm việc với nhau tại phòng thu ở Austin Texas, và Julio Iglesias đã mang cuộn băng demo về lại Los Angeles, nơi ông tiếp tục trao dồi cách phát âm tiếng Anh, để hoàn chỉnh các bản thu thanh cuối cùng.Được phát hành vào mùa hè năm 1984, "To all the girls I loved before" (Cho những người tôi yêu) là ca khúc chính trích từ album tiếng Anh đầu tiên của Julio Iglesias. Nhờ album này, Julio thục hiện được giấc mơ chinh phục thị trường các nước Anh ngữ, sau khi giành lấy hạng đầu khối các nước nói tiếng Pháp, Bồ Đào Nha cũng như Tây Ban Nha.Sau khi giành lấy hạng 5 thị trường Hoa Kỳ, về hạng nhất trên bảng xếp hạng country, bản song ca được Hiệp hội Âm nhạc Đồng quê bình chọn làm đĩa nhạc hay nhất năm 1984. Bài này cũng được nhiều nghệ sĩ khác ghi âm lại như Shirley Bassey, Tom Jones hay Engelbert Humperdinck. Năm 2010, Alanis Morissette thu âm một phiên bản có tựa đề "To all the boys I've loved before" với sự góp mặt của Willie Nelson trong phần đệm đàn ghi ta.Trong tiếng Pháp, bài hát được biến tấu thành nhạc phẩm ''À toutes les filles'', do Didier Barbelivien và Félix Gray trình bày. Bài hát lập kỷ lục số bán với gần 1 triệu rưỡi bản, hạng nhất thi trường Pháp trong nhiều tuần liên tục, trở thành tình khúc mùa hè năm 1990. Còn trong tiếng Việt, bản song ca của Julio và Willie được phóng tác thành nhạc phẩm "Cho những người tôi yêu" do hai nam danh ca Tuấn Ngọc và Duy Quang cùng ghi âm.Giai điệu "To all the boys I've loved before" là chiếc chìa khoá mở ra giai đoạn thành công thứ nhì cho Julio Iglesias, sau khi chinh phục được hầu hết những thị trường quan trọng. Với hơn 200 triệu đĩa hát, 70 album ghi âm trong 14 thứ tiếng, Julio đương nhiên trở thành nghệ sĩ Tây Ban Nha ăn khách nhất mọi thời đại : Bài ca tặng những người tình, mùi hương lưu luyến bóng hình, ngày đăng quang lên tột đỉnh của ông hoàng dòng nhac La Tinh.

10-19
09:07

Các bản phóng tác lời Việt của "Can't take my eyes off You"

Trong làng nhạc pop quốc tế đầu những năm 1970, chỉ có vài giọng ca nam hát hay nhờ giọng gió mà không sợ bị đuối hơi. Ngoài Brian Wilson của nhóm Beach Boys, Smokey Robinson của nhóm The Miracles, còn phải kể đến Barry Gibb của nhóm Bee Gees. Nhưng gần một thập niên trước đó, từng có trường hợp của ca sĩ Frankie Valli. Nhạc phẩm"Can't take my eyes off You" là giai điệu ăn khách nhất trong giai đoạn hát solo của thành viên sáng lập nhóm The Four Seasons. Khác với giọng ngực, giọng gió thường có làn hơi mỏng hơn, giúp người hát có thể lên cao hơn nhưng âm thanh vẫn bay bổng, mượt mà trong từng câu chữ. Nhưng do thanh đới bị thu hẹp lại, giọng ca có thể bị mất tự nhiên trong những nốt cao vút, ngân dài. Điều này lại không xẩy ra với Frankie Valli. Trong bộ phim ca nhạc ''Jersey Boys'' của đạo điễn Mỹ Clint Eastwood, kể lại cuộc đời và sự nghiệp của nhóm The Four Seasons, từ thời còn nhỏ, Frankie Valli ngoài chất giọng thiên phú, còn có một làn hơi tuyệt vời. Nhờ vậy, khi hát những nốt cao nhất, giọng ca của Frankie Valli chẳng những không mỏng mà còn trở nên dũng mãnh.Giai điệu "Can't take my eyes off You" (tạm dịch Ánh mắt chưa lìa) được phát hành vào năm 1967, do hai nhạc sĩ Bob Crewe và Bob Gaudio đồng sáng tác, đương nhiên trở thành một trong những bản ghi âm thành công nhất của Frankie Valli, trong cả hai giai đoạn, thời anh đi hát một mình (My Eyes Adored You, 1975) hay đi hát chung với nhóm The Fours Seasons (Oh what a night, 1976), nhạc phẩm quen thuộc này từng được Claude François phóng tác sang tiếng Pháp thành nhạc phẩm ''Cette année là'' (Ngày này năm ấy) mà sau đó nhiều nghệ sĩ Pháp kể cả M.Pokora đều có ghi âm lại.Sự kiện một ca sĩ chính kiêm thành viên sáng lập ban nhạc có thể đi hát solo, song song với sự nghiệp biểu diễn của cả nhóm (mà vẫn không tạo ra nhiều mâu thuẫn nội bộ) là chuyện hiếm thấy trong làng nhạc quốc tế thời bấy giờ. Thay vì đối đầu, sự thành công riêng của Frankie Valli lại hỗ trợ cho ban nhạc, giúp cho nhóm này gặt hái thêm nhiều đĩa vàng, mở ra một thời kỳ huy hoàng.Trả lời phỏng vấn báo chí, nhạc sĩ Bob Gaudio và cũng là thành viên của nhóm The Four Seasons, cho biết đây là một trong những giai điệu khó nhất mà ông từng viết. Nhạc phẩm được sáng tác theo kiểu đo ni đóng giày, tận dụng quãng giọng đặc biệt và làn hơi khỏe khoắn của Frankie Valli, đi từ những nốt trầm lên những nốt cao nhất ở đoạn cuối cao trào. Về hình thức Bob Gaudio tìm cách dung hòa nhiều thể loại trong cùng một bài, do vậy sau này, giai điệu có thể được phóng tác dễ dàng sang bất cứ thể loại nào (pop, rock, disco, soul, blues, jazz ….) và khi nghe, ta vẫn có cảm tưởng bài hát đã được viết riêng cho thể loại nấy.Trong giới sáng tác nhạc, giai điệu "Can't Take My Eyes Off You" là một trường hợp điển hình về lối xây dựng cường độ, tạo thêm sức lôi cuốn hấp dẫn. Việc chuyển từ những câu hát mở đầu dịu dàng tha thiết sang điệp khúc nóng bỏng cuồng nhiệt. Nhà soạn nhạc đã dùng tiếng kèn đồng trong đoạn chuyển tiếp, giúp thu hẹp khoảng cách âm thanh cao độ, mà không bị chệch hướng, làm chậm đi nhịp điệu.Sau khi chinh phục thị trường quốc tế, "Can't take my eyes off you" trở thành một trong những bài hát được cover nhiều nhất mọi thời đại, trong 14 thứ tiếng khác nhau. Trong số các phiên bản phóng tác nổi tiếng có các nghệ sĩ hàng đầu như Diana Ross, The Temptations, Engelbert Humperdinck, Julio Iglesias hay Lauryn Hill (từng được đề cử giải Grammy nhờ phiên bản xuất sắc ghi âm vào năm 1998). Về phần mình, nam danh ca Andy Williams đã ghi âm bài này hai lần, hạng 5 thị trường Mỹ vào năm 1968, hạng 23 vào năm 2002. Trong số các bản phóng tác ăn khách khác, có phiên bản disco của nhóm Boystown Gang (hạng 4 năm 1982) và phiên bản pop điện tử của nhóm The Pet Shop Boys trong liên khúc với " Where the streets have no name " (hạng 4 năm 1991).Còn trong tiếng Việt, "Can't take my eyes off you" có hai lời khác nhau. Khác với phần ghi âm của nam ca sĩ Hồ Trung Dũng, phiên bản phóng tác đầu tiên giữ nguyên tựa đề và điệp khúc tiếng Anh, chỉ có lời mở đầu là bằng tiếng Việt, bài này do Nguyễn Thắng và Lương Tùng Quang trình bày. Lời thứ nhì là của tác giả Nguyễn Hoàng Đô, phóng tác thành nhạc phẩm ''Không thể rời xa nhau'' do các  nghệ sĩ Quỳnh Dao, Hà Thanh cũng như Mạnh Tuấn đều có ghi âm.Hàng trăm phiên bản phóng tác vẫn chưa làm phai mờ lối diễn đạt của Frankie Valli. Nhờ giọng gió, giai điệu bài hát trở nên tươi sáng hơn. Nhiều nghệ sĩ trẻ những thế hệ sau này nối bước Frankie Valli trong cách dùng giọng gió mà vẫn không lệch nhịp, không bị đuối hơi ở những nốt cao vút. Giọng gió hay nhờ cách nhả chữ nhẹ nhàng du dương rõ ràng mà vấn vương. Lối hát pha trộn một chút soul giúp cho Frankie Valli truyền đạt được nhiều cung bậc cảm xúc trong cùng một bài hát : Giây phút đầu gặp nhau , cứ ngỡ là chiêm bao. Mộng hóa thân người tình, như mơ đẹp quá đỗi. Nên cứ mỗi lần nhìn, mắt không rời được nổi.

10-12
09:07

Nhạc ngoại lời Việt ''And I love you so'' : Làm sao hiểu nổi chữ yêu

Thành danh vào đầu những năm 1970, Don McLean là một trong những tác giả hàng đầu trong làng nhạc quốc tế. Với hơn 300 bản nhạc và khoảng 20 album ghi âm trong vòng nửa thế kỷ, tài nghệ sáng tác của ông từng được tôn vinh vào năm 2004 nhân lễ trao giải tại Đại sảnh danh vọng Songwriters Hall of Fame.  Trong số hàng trăm sáng tác của Don McLean, có 4 bản nhạc thuộc vào hàng kinh điển, do đã được phát hàng chục triệu lần trên làn sóng các đài phát thanh Mỹ. Theo thứ tự, đó là các nhạc phẩm ''American Pie'' (từng được Madonna ghi âm lại), ''Vincent'' (nói về danh họa Van Gogh), ''Castles in the air'' (hiểu theo nghĩa xa vời khát vọng qua hình tượng lâu đài trên không) và ''And I love you so'' từng được phóng tác sang tiếng Việt thành nhạc phẩm ''Bài hát tình yêu''.Trong mắt giới phê bình, ''American Pie'' được đánh giá cao do phản ánh những biến chuyển trong xã hội Mỹ theo góc nhìn của Don McLean. Bản ghi âm dài gần 9 phút lại đạt vị trí quán quân trên thị trường Mỹ, Anh, Úc và Canada. Nhờ lập kỷ lục số bán cộng thêm rất nhiều lời khen ngợi của giới báo chí truyền thông và cũng từ đó ''American Pie'' được xem là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong lịch sử nhạc folk Hoa Kỳ. So với nhạc phẩm ''American Pie'', giai điệu ''And I love you so'' không thành công nhiều về mặt số bán, thế nhưng tác giả Don McLean lại rất tự hào về bài hát này. Trả lời tạp chí Americana Highways, tác giả Don McLean cho biết ông ghi âm bài này cho album đầu tay của mình là ''Tapestry'' (tựa đề này có lẽ đã ảnh hưởng sau đó tới album cùng tên của Carole King). Chỉ có điều là dự án thực hiện album đầu tiên của Don McLean đã bị các hãng đĩa thời bấy giờ từ chối đến 73 lần. Mãi đến mùa thu năm 1970, album này mới được phát hành nhưng lại gặp thất bại.Một cách thật bất ngờ, nhạc phẩm ''And I love you so'' lại thành công trên thị trường đĩa nhạc 3 năm sau đó qua phiên bản cover của Perry Como. Rồi vào mùa xuân năm 1975, đến phiên ông hoàng nhạc rock Elvis Presley ghi âm bài hát này. Phiên bản của Elvis chẳng những phá kỷ lục số bán mà còn được đưa vào trong tour biểu diễn của ông hoàng nhạc rock. Nhờ vậy mà giai điệu ''And I love you so'' mới được khám phá lại.Theo lời tác giả Don MacLean, số người hát lại nhạc của Elvis rất nhiều, nhưng số tác giả được Elvis chọn để hát, lại chẳng có bao nhiêu. Tuy được mệnh danh là ông hoàng nhạc rock, nhưng Elvis lại có thêm sở trường hát các bản ballad. Tài nghệ diễn xuất của Elvis thường nâng các giai điệu, kể cả "And I Love You So", lên một tầm cao mới. Sự kiện Elvis một trong những thần tượng âm nhạc của tác giả, ghi âm rồi biểu diễn thường xuyên bản nhạc này trên sân khấu, được Don McLean xem là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp của mình. Tuy bài hát thành công muộn màng, nhưng có lẽ cũng vì thế mà vầng hào quang lại càng tỏa sáng.Một khi ăn khách trên thị trường quốc tế, nhạc phẩm ''And I love you so'' được ghi âm trong 9 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có phiên bản tiếng Tây Ban Nha "Te quiero así" của Julio Iglesias Trong tiếng Pháp. Bản nhạc này có đến hai lời : ''C'est parce que je t'aime'' của nữ ca sĩ Claude Valade đến từ vùng Québec (Canada) và nổi tiếng nhất là ''Et je t'aime tellement'' do nam danh ca người Pháp Claude François tự đặt lời và ghi âm. Còn trong tiếng Việt, giai điệu ''And I love you so'' có hai lời khác nhau. Lời đầu tiên ''Như ta đã yêu nhau'', không ghi rõ tên tác giả, do Bảo Hân ghi âm với Henry Chúc. Lời thứ nhì được tác giả Đức Huy chuyển thành ''Bài hát tình yêu'', từng ăn khách qua phần trình bày của nữ ca sĩ Ngọc Lan.Với thời gian, ''And I love you so'' trở thành một trong những nhạc phẩm kinh điển có sức sống lâu bền nhất của thập niên 1970. Bài hát nhẹ nhàng tiết tấu dễ thương, càng nghe nhịp chậm càng dễ vấn vương. Lối đặt ca từ ngắn gọn trong sáng, lời lẽ hết sức đơn giản nhưng vẫn có đầy nét duyên dáng, lãng mạn. Nội dung bản nhạc có thể được tóm tắt trong vài câu :Trót yêu ai quá đỗi, đành yêu không kể xiết. Mai này nếu có hỏi : cớ chi lại yêu người ? Chỉ xin câu trả lời, đơn giản một lần thôi. Thực tình ta chẳng biết, làm sao mà hiểu nổi.

10-05
09:01

Laufey - Phép thuật âm nhạc của băng đảo Iceland

Laufey, ngôi sao nhạc jazz của băng đảo Iceland nổi tiếng nhanh chóng nhờ Tiktok. Bản hit From the start (Điểm khởi đầu) lôi cuốn giới trẻ nhờ chất liệu jazz-pop hiện đại. Năm 2024, Laufey đoạt giải Grammy Album pop truyền thống xuất sắc nhất cho album Bewitched (Phép thuật). Từ hòn đảo Iceland vươn ra thế giớp pop toàn cầuSinh ra và lớn lên tại Iceland, hòn đảo có khí hậu khắc nghiệt nhất châu Âu, Laufey thu hút lượng lớn fan khắp toàn cầu nhờ mạng xã hội. Ca sỹ sinh năm 2000 có tới 2,8 triệu lượt theo dõi trên Tiktok và 1,4 triệu người theo dõi trên Instagram. Laufey chia sẻ : “Tôi lớn lên tại Iceland, một hòn đảo xa xôi. Tôi đến trường Berklee, Mỹ để được đào tạo bài bản về nhạc. Mặc dù Tiktok không phải là cách lãng mạn nhất để khuyếch trương âm nhạc, nhưng không có cách trực tiếp nào kết nối tôi vớinền công nghiệp âm nhạc. Mạng xã hội giúp cho tôi có cơ hội được cả thế giới biết đến. Tôi biết ơn điều đó”.  Laufey xuất thân từ gia đình giàu truyền thống âm nhạc, mẹ cô là nhạc công violin cổ điển gốc Trung Quốc và ông bà ngoại cô đều là nhạc công. Do vậy, nhạc cổ điển là nền tảng âm nhạc chính của gia đình và thú vị hơn, jazz là thể loại ưa thích của cha cô, người gốc Iceland. Môi trường âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn và tài năng cô từ rất sớm. Khi 2 tuổi, cô được tặng cây violon, học piano năm 4 tuổi và học chơi cello từ rất sớm.Cha mẹ cô rất khuyến khích Laufey theo đuổi con đường âm nhạc vì họ dịch chuyển thường xuyên giữa Washington (Mỹ) và London (Anh Quốc). Họ luôn tin tưởng con gái mình trở thành ca sỹ nổi tiếng. Đặc biệt, mẹ cô truyền cảm hứng cho Laufey theo đuổi giấc mơ âm nhạc. Năm 2014, cô tham gia chương trình phát hiện tài năng Ísland got talent và lọt vào bán kết. Năm 15 tuổi, cô đã chơi solo cello cho dàn nhạc giao hưởng Iceland. Cô theo học trường nhạc danh tiếng Berklee College of Music và tốt nghiệp năm 2021. Trước đó, năm 2020, cô tung ra đĩa đơn đầu tay Street by street và album ngắn (EP) - Typical of me (Điển hình của tôi) nhận được lời khen ngợi của giới phê bình như tạp chí âm nhạc uy tín Rolling Stone.Định hình con đường âm nhạcKhi còn là cô bé 14 tuổi, giọng hát Laufey được đánh giá già giặn, màu hơi tối như các giọng ca kinh điển thế hệ trước. Cô thấy mình khác biệt với bạn bè cùng trang lứa do pha trộn hai dòng máu Iceland và Trung Quốc. Với nền tảng nhạc cổ điển sẵn có, Laufey luôn đắn đo theo đuổi dòng nhạc pha trộn giữa pop và jazz. Trường nhạc Berklee đã giúp cô thay đổi tư duy, quên đi lối mòn cũ và chuyển hướng theo sở thích cá nhân. Nữ ca sỹ đã khám phá ra tiềm năng, mức độ phù hợp với jazz-pop.Cô có bước đột phá trong sự nghiệp với album đầu tay năm 2022 - Everything I know about love (Tất cả những điều em biết về tình yêu). Album đầu tay là bệ phóng giúp cô có lượng fan hâm mộ đông đảo nhờ ca từ pop hiện đại kết hợp giọng jazz cổ điển gợi nhớ  tượng đài như Ella Fitzgerald và Chet Baker. Laufey học tập hình mẫu ca sỹ - nhạc sỹ toàn năng, Taylor Swift hay Carole King là nguồn cảm hứng cho sự nghiệp. “Họ là những nữ nghệ sỹ có thể kể chuyện rất tốt bằng âm nhạc.” Thay vì chờ đợi tìm cảm hứng đánh thức giác quan sáng tác, Laufey rèn luyện sống kỷ luật để sáng tác nhạc thường xuyên. Cô cho rằng nhạc sỹ có thể tự rèn luyện để thấy cảm hứng liên tục, đó là công cụ vĩ đại nhất trở thành nhạc sỹ chuyên nghiệp. Sau thế hệ Bjork thập niên 1980-1990, Laufey được coi niềm tự hào của băng đảo nhờ sức lan tỏa mãnh liệt. Ở góc độ khác, cô luôn tự hào dòng máu châu Á và kết nối với cộng đồng châu Á : “Tôi có rất nhiều fan châu Á và rõ ràng, trong văn hóa pop đại chúng có khoảng trống rất lớn cho những đứa trẻ châu Á như tôi. Tôi luôn nói rằng trở thành ca sỹ-nhạc sỹ là điều tôi muốn và cần phải như vậy”.Album vàng năm 2024 -Phép thuật (Bewitched)Nhờ đòn bẩy của album đầu tay, album phòng thu thứ hai của Laufey làm nên chuyện lớn tại giải Grammy 2024. Thế giới tình yêu mộng mơ, hy vọng bất tận trong album Bewitched đoạt giải album Pop truyền thống xuất sắc nhất. Điều này chứng tỏ nỗ lực phi thường của cô gái trẻ tài năng 24 tuổi xứ băng đảo. Âm nhạc trong album là sự pha trộn hoàn hảo giữa jazz, pop và nhạc cổ điển. Nội dung album đề cập tâm trạng đang yêu, phải lòng ai đó của cô gái mang dòng máu lai.Ca khúc mở đầu Dreamer (Kẻ mộng mơ) là bản nhạc có giai điệu tươi sáng “Không chàng trai nào đủ thông minh/ Để thử và làm tan vỡ trái tim bằng sứ của tôi.” Tiếp sau đó, cô chiêu đãi một loạt ca khúc ở nhiều trạng trái khi yêu khác nhau từ Must be love, Serendipity. Đặc biệt trong bài Lovesick (Tương tư), Laufey ko ngần ngại thổ lộ mặt tối của trải nghiệm đang yêu. Trái tim tan vỡ được thể hiện theo cách mới mẻ trong nhịp điệu piano, guitar rất cổ điển. Thông qua chất liệu pop, cô tô vẽ mãnh liệt tâm trạng đang yêu và nhớ nhung.Đối với Laufey, âm nhạc không bao giờ từ bỏ mọi giác quan khám phá bất kể tình huống đau khổ mức nào. Kỹ thuật thanh nhạc lẫn kiểm soát làn hơi gợi nhớ nữ minh tinh màn bạc Judy Garland (trong phim A star is born - Một ngôi sao ra đời). Ca khúc Letter to My 13 Year Old Self (Lá thư gửi tôi 13 tuổi) là bản nhạc đầy hồi ức thanh xuân mà Laufey ưa thích nhất trong album.From the start (Từ điểm xuất phát) là bản hit màu sắc tươi sáng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội nhờ giai điệu bắt tai, lịch lãm. While you were sleeping (Khi anh đang ngủ) quay về pop ballad ngọt ngào như bộ phim lãng mạn tình cảm cùng tên. Chất giọng nhẹ nhàng của Laufey phù hợp với nhiều thể loại. Kết hợp với kỹ năng sáng tác, cô chiêu đãi khán giả nhiều món ăn tinh thần tinh tế. “Sáng tác nhạc như ghi chép lại nhật ký cuộc đời tôi. Tất cả những ca khúc đều là trải nghiệm cá nhân, có đôi chút phóng đại. Nếu tôi cảm thấy buồn bã, sáng tác một ca khúc như miếng băng bó vết thương, hỗ trợ tinh thần.” Đáng chú ý, ca khúc chủ đề - Bewitched - có thể coi là thỏi nam châm xuất sắc nhất album. Bài hát cô đọng nhất gu âm nhạc của Laufey, nhạc cổ điển và jazz, giọng hát mượt như nhung tán tỉnh giác quan của khán giả. Rõ ràng Laufey chịu ảnh hưởng khá lớn của Taylor Swift khi muốn thoát khỏi một khuôn mẫu, không phải jazz, ko phải nhạc cổ điển.Ở một góc độ khác, Laufey lại đưa người nghe trở về thập niên 1930-1940 với bản nhạc jazz hơi hướng cổ điển như Ella Fitzgerald hay Billie Holiday trong It happended to me (Điều xảy ra với em). Tương tự, Misty (Mịt mù) cũng là bản nhạc kinh điển do nghệ sỹ piano Errol Garner sáng tác nhạc, lời do Johny Burke viết. Không phải lần đầu Laufey hát lại ca khúc này theo chuẩn mực jazz cổ điển, ngân nga và phiêu linh điển hình. Nữ ca sỹ rất tâm đắc với bản nhạc nên đã ghi âm như bản gốc với piano, bass và trống.Album Bewitched (Phép thuật) giúp Laufey thực hiện ước mơ trở thành người kể chuyện thông minh qua âm nhạc. Quan trọng hơn, cô giúp thế hệ trẻ, Gen Z tiệm cận gần với phong cách jazz hiện đại pha lẫn nhạc cổ điển và pop.(Theo Rolling stone, Pitchfork, Elle, Havard Crimson)

09-28
10:45

Từ Lobo đến Bee Gees : Các bản ghi âm hay nhất của "Will You Still Love Me Tomorrow"

Trong làng nhạc Anh-Mỹ, Carole King người đã từng gợi hứng cho nhac pham "Oh Carol", là một trong những tác giả lẫy lừng nhất thế kỷ XX, với gần 120 ca khúc ăn khách trên thị trường quốc tế. Trong số những tác phẩm đầu đời, có giai điệu "Will You Love Me Tomorrow", đôi khi còn có tựa là "Will You Still Love Me Tomorrow", do Carole King đồng sáng tác cùng với chồng là tác giả Gerry Goffin. Bản nhạc "Will You Still Love Me Tomorrow" được nhóm The Shirelles gồm 4 thành viên ghi âm và phát hành vào năm 1960. Đây là lần đầu tiên, một bài hát của một ban nhạc nữ da đen giành lấy vị trí quán quân trên bảng xếp hạng thị trường Hoa Kỳ, hạng tư tại vương quốc Anh, hạng 3 tại New Zealand. Phiên bản của nhóm The Shirelles từng được tạp chí Rolling Stone xếp vào hạng 126 trong số 500 bài hát hay nhất mọi thời đại, còn tạp chí Billboard xếp bài hát này ở hạng 3 trong số các ban nhạc nữ xuất sắc nhất.được được được Kể từ đó, nó đã được thu âm bởi nhiều nghệ sĩ trong nhiều năm, bao gồm cả phiên bản năm 1971 của đồng tác gia Carole King.Vào năm 1971, đồng tác giả bản nhạc Carole King cũng đã ghi âm một phiên bản "Will you still love me tomorrow" cho album phòng thu thứ hai của mình mang tựa đề ''Tapestry'', với phần hát bè của hai nghệ sĩ trứ danh là Joni Mitchell và James Taylor. Phiên bản của Carole King được thực hiện với nhịp điệu chậm hơn, mang âm hưởng của dòng nhạc folk rock, giúp cho album thứ nhì của Carole King thành công trên thị trường quốc tế. Trong vở nhạc kịch sáng tác cho Broadway vào năm 2013 mang tựa đề "Beautiful : The Carole King Musical", bài hát này được trình bày nhiều lần trên sân khấu, tựa như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm. Không có bài hát nào khác được biểu diễn thường xuyên như vậy trong vở nhạc kịch này.Sau khi thành công trên thị trường quốc tế đầu những năm 1960, giai điệu "Will You Still Love Me Tomorrow" tiếp tục được ghi âm trong 11 ngôn ngữ khác nhau. Trong tiếng Pháp bài này có đến 4 lời : ''Reviendras-tu encore'' của ca sĩ Jocelyne, ''Longtemps, très longtemps'' của Martine Valdary, ''Demain tu peux changer'' của Dusty Spingfield và bản phóng tác gần sát nhất với bài hát gốc là ''M'aimeras tu demain?'' của Céline Lomez.Còn trong tiếng Việt, "Will you still love me tomorrow" cũng có nhiều lời khác nhau : phiên bản đầu tiên được nhiều nguồn ghi chép là của tác giả Khúc Lan với tựa đề "Hãy nói mãi yêu''. Phiên bản lời Việt thứ nhì là của tác giả Nguyễn Thảo, do nghệ sĩ Lê Vũ ghi âm thành nhạc phẩm ''Mai này còn yêu nhau ?''. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn nguyên tác của Carole King với một bài hát khác có cùng tựa đề "Will you still love me tomorrow". Đây là một bản nhạc tiếng Hoa từng được tác giả Minh Tâm phóng tác sang tiếng Việt thành nhạc phẩm ''Tình yêu ngày mai''.Về phía làng nhạc Anh-Mỹ, có rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi từng ghi âm lại bản nhạc này. Trong số này, phải kể đến Frankie Valli và The Four Seasons (1968), Linda Ronstadt ghi âm một phiên bản cover trên album ''Silk Purse'' (1970), Laura Brannigan thu bài này cho album ''Self Control'' của mình (1984). Hầu như vào cùng một thời điểm (1983), nữ danh ca Dionne Warwick triệu mời nhóm The Shirelles cùng thu âm với mình một phiên bản mới của bài này cho album "How many times can we say goodbye". Phiên bản của nam danh ca Lobo cũng được ghi âm trên album ''Asian Moon'', phát hành vào năm 1994.Về phần mình, Amy Winehouse cũng từng ghi âm vào năm 2004 một bản cover làm nhạc nền cho tập nhì của bộ phim ''Bridget Jones'' (The Edge of Reason), bài này được phát hành thành đĩa đơn chỉ vài tuần lễ sau khi Amy Winehouse qua đời vào năm 2011, ở tuổi 27. Gần đây hơn nữa, giọng ca thần tượng Taylor Swift đã hát bài này vào năm 2021 trong phần mở đầu buổi lễ vinh danh Carole King tại Đại sảnh Danh vọng ''Rock and Roll Hall of Fame''.Trong số hàng trăm bản phóng tác, bài ghi âm thành công nhất theo đánh giá của chính tác giả Carole King vẫn là phiên bản ''Will you still love me tomorrow'' của ban nhạc huyền thoại Bee Gees. Ba thành viên trong nhóm đã ghi âm bài này cho tuyển tập tribute "Tapestry Revisited" đề cao tài nghệ sáng tác của Carole King. Sau khi thành công trong khá nhiều thể loại, từ nhạc pop, soul, funk cho đến disco, bản ghi âm này là dịp để choban tam ca Bee Gees nối lại với sở trường hát nhạc folk của họ. Nhiều người chóng quên rằng trước khi chinh phục thị trường quốc tế, nhóm này chuyên hát nhạc skiffle, một thể loại nhạc folk (dân gian) của Anh thịnh hành vào những năm 1950. Có lẽ tác giả Carole King đã không sai khi chorằng lối hòa giọng của ba anh em nhà Gibb tạo ra một dấu ấn riêng trong cách hát không thể nhầm lẫn với ai khác. Lối hát thanh thoát nhẹ nhàng ấy tựa như lời hồi âm cho câu hỏi : Liệu mai này, chúng mình còn yêu nhau ? Không chỉ riêng ngày mai mà còn muôn đời sau, cho com tim thương hoài cho tâm hồn yêu mãi.

09-21
09:04

"Can't help falling in Love" : Tình khúc có từ hơn hai thế kỷ

Mỗi lần nhắc tới giai điệu ''Can't help falling in Love'', giới yêu nhạc thường nghĩ đến lối diễn đạt tuyệt vời của ông hoàng nhạc rock Elvis Presley. Bài hát này từng được tạp chí Rolling Stone xếp vào danh sách 500 ca khúc hay nhất mọi thời đại và có lẽ cũng là một trong những giai điệu xưa nhất, do bản nhạc gốc từng được sáng tác cách đây hơn hai thế kỷ. Được phát hành vào cuối năm 1961, nhạc phẩm ''Can't help falling in Love'' là ca khúc chủ đề của bộ phim ''Blue Hawaii'' của đạo diễn Norman Taurog, với Elvis Presley trong vai chính. Vào thời bấy giờ, nhóm sáng tác gồm ba nhạc sĩ Hugo Peretti, Luigi Creatore và George David Weiss được giao công việc thực hiện toàn bộ ca khúc và nhạc nền cho bộ phim ''Blue Hawaii''.Ngoài những giai điệu truyền thống của đảo Hawaii, trong đó có bản dân ca "Aloha 'Oe" và bài "Hawaiian Wedding Song" trích từ một vở nhạc kịch năm 1926, nhóm sáng tác còn chuyển thể một số bản nhạc quen thuộc tại châu Âu, nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi ở Hoa Kỳ. Đầu tiên là nhạc phẩm "No More", phóng tác từ giai điệu cổ điển "La paloma" (1863) do nhà soạn nhạc cổ điển Tây Ban Nha Sebastián Iradier (1809-1865) sáng tác vào những năm cuối đời. Bản nhạc "La paloma" từng được đặt thêm lời Việt thành "Cánh buồm xa xưa".Còn nhạc phẩm "Can't help falling in Love" thực ra là một bản phóng tác, vay mượn khá nhiều câu mở đầu và một phần điệp khúc từ một giai điệu cổ điển có từ thế kỷ XVIII. Trong tiếng Pháp, bản nhạc gốc mang tựa đề "Plaisir d'Amour" (Niềm vui tình yêu) do nhà soạn nhạc Jean-Paul-Égide Martini sáng tác vào năm 1784, tức cách đây vừa đúng 240 năm. Lúc đầu, bài hát này được đặt tên là "Première romance" (Mối tình đầu tiên) dựa theo một bài thơ tình nổi tiếng vào giữa thế kỷ XVIII dưới ngòi bút của Jean-Pierre Claris de Florian (1755–1794). Trong quyển hồi ký viết về những năm tháng thanh xuân "Mémoires de jeunesse", thi hào Alphonse de Lamartine nhớ lại rằng ông từng được nghe bài này lần đầu tiên thời ông còn trẻ nhân một chuyến đi nghỉ mát ở Aix les Bains (1816).Nhiều thập niên sau, chính nhạc sĩ trứ danh Hector Berlioz gương mặt tiêu biểu của trường phái lãng mạn của Pháp, đã soạn lại giai điệu này cho một dàn nhạc giao hưởng vào năm 1859 (giữa thế kỷ XIX). Trung thành với lối hòa âm phối khí nhẹ nhàng mà tha thiết, giai điệu cực kỳ thịnh hành trong thời kỳ cổ điển này, lại đặt nền tảng cho hầu hết các bản phóng tác theo phong cách nhạc pop hoặc acoustic những năm sau này.Ngoài ông hoàng nhạc rock Elvis Presley, còn có nhiều nghệ sĩ sĩ tên tuổi khác cũng từng chuyển thể giai điệu tiếng Pháp thành nhiều bài hát với tựa đề khác nhau. Đó là trường hợp của Anita Carter với nhạc phẩm "My love loves me", ban nhạc The Who với "Real good looking boy" và nhất là nhóm Aphrodite's Child với nhạc phẩm "I want to live"… Một khi có được nhiều bản phóng tác như vậy, "Plaisir d'Amour" (Niềm vui tình yêu) của Jean-Paul-Égide Martini trở nên trường tồn sống thọ nhờ bao luồng sinh khí mới.Sau khi thành công tột bậc với giọng ca của Elvis Prersley, nhạc phẩm ''Can't help falling in Love'' có thêm hàng loạt phiên bản trong 15 thứ tiếng khác nhau, kể cả một phiên bản rất lạ ghi âm bằng tiếng La Tinh (tựa đề Non adamare non possum) và hai phiên bản tiếng Pháp : đầu tiên là nhạc phẩm "Chante encore, mon cœur" của André Claveau năm 1962 và kế đến là "Comment ne pas être amoureux de vous" của Dave năm 1978.Trong tiếng Việt, ''Can't help falling in Love'' cũng gợi hứng cho các tác giả đặt nhiều lời khác nhau. Lời đầu tiên ''Gửi trao trái tim'' được nhiều nơi ghi chép là của tác giả Đức Huy do danh ca Ngọc Lan ghi âm. Lời thứ nhì ''Tình say'' là của tác giả Nguyễn Hoàng Đô qua phần diễn đạt của nữ ca sĩ Quỳnh Dao, lời thứ ba là của tác giả Ngu Yên qua phần ghi âm của nghệ sĩ Nguyễn Thảo. Lời thứ tư là của tác giả Nguyễn Xuân Hoàng. Lời thứ năm là của tác giả Minh Nguyệt do nam ca sĩ Triệu Vinh trình bày.Hơn nửa thế kỷ sau ngày được phóng tác từ giai điệu tiếng Pháp, nhạc phẩm ''Can't help falling in love'' đã có đến cả ngàn bản ghi âm, nhưng dường như chưa có bản nào hay hơn bản ghi âm đầu tiên trong tiếng Anh của Elvis Presley. Phiên bản hòa âm gần đây nhất là của Mark Ronson, thực hiện cho bộ phim tiểu sử Elvis của đạo diễn Baz Luhrmann.  Do nhịp điệu bài hát gốc quá chậm cho nên nhóm thu âm phải chỉnh sửa nhiều lần sao cho vừa với làn hơi thiên phú của "ông hoàng nhạc rock". Nhóm sản xuất đã mời bộ tứ The Jordanaires để phụ họa cho Elvis Presley, lối hát bè của họ càng làm nổi bật lối diễn đạt thần sầu của ông hoàng Elvis, không chỉ chuyên hát nhạc rock mà còn có sở trường hát các bản ballad tha thiết nồng thắm : giọng ca mượt trầm, tình nồng ý đậm, người nghe mê mẩn, tâm hồn say đắm.

09-14
09:06

Giai điệu ''More than I can say : Yêu người quá đỗi, nói sao cho vừa

Mỗi lần nhắc tới nhạc phẩm ''More than I can say'', hầu như mọi người yêu nhạc đều nghĩ tới phiên bản rất thành công vào năm 1980 của danh ca người Anh Leo Sayer, nay định cư tại Úc. Tuy nhiên, giai điệu này đã từng ăn khách từ hai thập niên trước đó, qua bản nhạc gốc ghi âm vào năm 1959 của hai tác giả Sonny Curtis và Jerry Allison. Năm 1959 là năm đầy đau thương tang tóc đối với làng nhạc rock. Ba nghệ sĩ hàng đầu thời bấy giờ là Ritchie Valens, The Big Bopper và nhất là Buddy Holly qua đời vì tai nạn máy bay tại hồ Clear Lake, bang Iowa Hoa Kỳ, khiến cho công chúng cảm thấy tiếc thương vô vàn. Ca sĩ kiêm tác giả Don McLean trong nhạc phẩm ''American Pie'' (ghi âm vào năm 1971) gọi ngày này là ''The Day the Music Died'' : Ngày âm nhạc đã chết.Giới hâm mộ sửng sốt trước sự qua đời quá đột ngột của ba tài năng còn rất trẻ. Gia đình và đồng nghiệp của họ lại càng bị choáng váng. Nhất là Buddy Holly vĩnh viễn ra đi quá sớm, ở tuổi 22 vào lúc sự nghiệp của anh vừa cất cánh. Đà thành công của nhóm The Crickets, ban nhạc của Buddy Holly cũng đột ngột bị gián đoạn. Trong cái rủi lại có cái may, nhóm The Crickets có cơ hội lưu diễn với nhóm The Everly Brothers nổi tiếng với các nhạc phẩm ''Bye Bye Love'' (Tạm biệt tình yêu) và ''All I have to do is dream'' (tựa tiếng Việt là Khi ta hai mươi)Nhờ vậy, nhóm The Crickets mới tiếp tục giai đoạn thứ nhì trong sự nghiệp của họ. Bản nhạc ''More than I can say'' là ca khúc  chủ đạo trích từ tập nhạc ''In style with the Crickets'', đây là bản ghi âm đầu tiên, đánh dấu sự thành công của nhóm này một năm sau ngày Buddy Holy qua đời. Tựa đề bản nhạc này được hiểu theo nghĩa ''Yêu em quá đỗi, biết nói sao cho vừa'' hay nói cách khác không có lời nào diễn đạt được hết tình yêu dành cho em.Trước khi có phiên bản ghi âm lại của Leo Sayer, giới yêu nhạc trẻ Anh, Mỹ đầu những năm 1960 đã từng say đắm mê mẩn với bản nhạc gốc của Sonny Curtis và Jerry Allison sáng tác vào năm 1959, rồi ghi âm phát hành trên đĩa nhựa lần đầu tiên vào năm 1960. Bài hát này sau đó đã được nhiều nghệ sĩ ghi âm lại trong đó có phiên bản của Bobby Vee (phát hành vào năm 1961) từng thành công ở Anh, nhưng lại không ăn khách tại Mỹ. Trong số các bản ghi âm lại (cover), thành công nhất vẫn là phiên bản của Leo Sayer, hạng nhì trên bảng xếp hạng Billboard, hạng tư châu Âu và hạng nhất thị trường Úc.Theo lời kể của nam danh ca người Anh Leo Sayer, ông đã được nghe bài này qua phiên bản cover của Bobby Vee, chứ không phải là bản nhạc gốc. Lúc bấy giờ ông đang tìm kiếm một bài hát ăn khách thời trước để cho đủ số bài ghi âm trên album phòng thu thứ 8 của mình mang tựa đề ''Living in a Fantasy'', phát hành vào năm 1980.Ở Việt Nam, nhạc phẩm ''More Than I Can Say'' từ lâu đã là một ca khúc kinh điển, do được đưa vào các giáo trình học tiếng Anh qua âm nhạc và được nghe liên tục trên mạng trong nhiều thập niên qua. Câu hát mở đầu bản nhạc "Oh oh, yeah yeah, I love you more than I can say" có thể nói đã in đậm vào tâm trí của nhiều người yêu nhạc.Giai điệu ''More Than I Can Say'' tiính đến nay đã được ghi âm trong hơn 10 thứ tiếng, kể cả tiếng Nhật, tiếng Hoa hay tiếng Hàn ..... Còn trong tiếng Việt, bài này từng được đặt tựa thành ''Yêu em nhiều hơn lời nói'', có nhiều nguồn ghi chép là của tác giả Trung Hành và từng được nhiều nghệ sĩ như Lam Trường, Don Hồ, Quốc Khanh ghi âm.Chắc cũng vì rất nhẹ nhàng trong câu chữ, ý tứ đơn giản từng lời, mà bản nhạc ''More than I can say'' dễ thấm vào lòng người, giai điệu thân quen đến đỗi giới yêu nhạc thuộc lòng từ thập niên 1960 : Yêu ai nhiều, lời vẫn chưa đủ nói. Đến hôm sau, tim càng yêu gấp bội. Từ lúc đầu cho đến giây phút cuối. Trọn một đời, vẫn yêu người mãi thôi.  

09-07
09:04

Nhạc ngoại lời Việt : Tom Jones và giai điệu "I'll never fall in love again"

Tuy không hẹn nhưng hầu như vào cùng một thời điểm, hai nhóm sáng tác đã cho phát hành hai bài hát có tựa đề giống hệt nhau. Đó là nhạc phẩm ''I'll never fall in love again'' (Sẽ không còn yêu ai nữa). Cả hai bản nhạc chỉ giống nhau ở tựa, trong khi giai điệu lại hoàn toàn khác biệt, nhưng vì hai bài này đều ăn khách trên thị trường quốc tế, cho nên giới yêu nhạc ngoại thường dễ bị nhầm lẫn. Góc vườn âm nhạc RFI kỳ này nói về phiên bản của Tom Jones. Trong trường hợp thứ nhất, nhạc phẩm ''I'll never fall in love again'' do hai nhạc sĩ người Mỹ Burt Bacharach và Hal David đồng sáng tác vào năm 1968 cho một vở nhạc kịch (Promises, Promises) và đều thành công trên thị trường Anh cũng như Bắc Mỹ qua phần ghi âm của hai nữ ca sĩ Bobbie Gentry và Dionne Warwick phát trong năm 1969.Còn trong trường hợp thứ nhì, nhạc phẩm cũng mang tựa đề là ''I'll never fall in love again'' do hai tác giả Lonnie Donegan và Jimmy Currie soạn lại cho nam danh ca người Anh Tom Jones. Được phát hành vào năm 1967, giai điệu ''Sẽ không còn yêu ai'' về hạng nhì trên thị trường Anh quốc, hạng 5 châu Âu và hạng 6 tại Mỹ. Đây là bản hit thứ ba của Tom Jones sau hai nhạc phẩm ''It's not unusual'' và ''Green green grass of home'' (từng được danh ca Sĩ Phú đặt lời Việt thành bài ''Cỏ vẫn xanh''), giúp cho ca sĩ xứ Wales trở thành một thần tượng quốc tế.Tại vương quốc Anh, tên tuổi của Lonnie Donegan hẳn chắc không còn gì xa lạ với công chúng. Được mệnh danh là "Ông hoàng nhạc Skiffle'' (The King of the Skiffle), một thể loại nhạc dân gian kết hợp folk, country và blues, thịnh hành vào cuối thập niên 1950, Lonnie Donegan là nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn tại nước Anh thời bấy giờ, ông có khoảng 20 bản nhạc ghi âm ăn khách liên tục (Top 30) trước khi nhóm Tứ quái The Beatles trỗi dậy, thay đổi cục diện của làng nhạc rock Anh, Mỹ đầu thập niên 1960.Trả lời phỏng vấn tuần báo phát hành cuối tuần The Mail on Sunday, nam danh ca Tom Jones cho biết ông quen nhạc sĩ Lonnie Donegan từ lúc ông mới vào nghề (ông nhỏ hơn Lonnie 9 tuổi), hai người có dịp đi biểu diễn với nhau và từ đó, họ trở thành bạn đồng nghiệp. Lonnie Dinegan (1931-2002) là một trong những nghệ sĩ Anh đầu tiên biết chơi nhạc rock và điều đó ảnh hưởng nhiều cho thế hệ đi sau.Tom Jones còn nhớ lại là lần đầu tiên ông được nghe bài hát ''I'll never fall in love again'' (Sẽ không còn yêu ai nữa) tại nhà riêng của Lonnie Donegan. Giai điệu này do Lonnie từng ghi âm trên đĩa nhựa vào năm 1962, phóng tác từ một bản dân ca không ghi rõ tên tác giả có từ những năm 1930. Nhạc phẩm (I'm Never Going To Cease My) ''Wandering'' hiểu theo nghĩa Kiếp phong trần vẫn mãi lang thang, từng có nhiều bản ghi âm, nổi tiếng nhất là phiên bản của James Taylor.Khi soạn lại bài hát này theo dạng nhạc pop-rock với lối phối khí hòa âm của một dàn nhạc hòa tấu theo kiểu Ý (ở đây có thể thấy ảnh hưởng do trào lưu sau thành công của bản hòa âm ''Io che non vivo senza te'' (You don't have to say you love me), tác giả Lonnie Donnegan đã chỉnh sửa một số hợp âm trong phần điệp khúc sao cho giai điệu cao trào, càng trở nên mãnh liệt tha thiết.Chính lối hòa âm ấy hơi cường điệu ấy khi gặp chất giọng nam trung trầm (baryton) đầy nội lực những vẫn có thể đạt được những nốt cao vút của giọng ca tenor, bản nhạc bỗng dưng bừng sáng, không còn là một bài dân ca mộc mạc theo kiểu hát rong, mà lại mang đậm chất pop-rock giao hưởng pha với một chút nhạc soul đầy ngẫu hứng.Sau thành công của Tom Jones, nhiều giọng ca hàng đầu đều có ghi âm lại bài này, kể cả ông hoàng nhạc rock Elvis Presley vào năm 1976 và nam danh ca Richard Marx ghi âm cho tuyển tập tình khúc chọn lọc ''Ballads'' (Then, Now & Forever) phát hành vào năm 1994. Trong các ngôn ngữ khác, nhạc phẩm ''I'll never fall in love again'' cũng được khá nhiều nghệ sĩ ghi âm lại bằng 9 thứ tiếng (Ý, Đức, Phần Lan, Croatia, Rumani, Tây Ban Nha ….)Trong tiếng Pháp, bài này được tác giả Pierre Delanoë đặt lời thành nhạc phẩm ''Plus Jamais'' (Không bao giờ nữa) do nữ ca sĩ người Bỉ Liliane Saint Pierre ghi âm vào năm 1968. Phiên bản tiếng Pháp thứ nhì ''Notre Amour'' là của tác giả vùng Québec Anne-Marie Gaspard, do Mike Alison ghi âm.Còn trong tiếng Việt, bài này có hai lời khuyết danh tác giả. Lời đầu tiên là ''Em sẽ không yêu lần nữa'' của danh ca Carol Kim. Lời thứ nhì từng được ca sĩ Như Mai ghi âm với tựa đề ''Mãi mãi yêu anh'', hoàn toàn khác hẳn nếu không nói là đi ngược lại với tựa đề bản gốc là ''I'll never fall in love again'' (Sẽ không còn yêu ai nữa).Vào năm 2019, ở tuổi gần 80, Tom Jones trong vai trò giám khảo cuộc thi The Voice (phiên bản Anh) đã quay ghế lại trong phần thi hát giấu mặt và bất ngờ khám phá thí sinh lúc ấy là Peter Donegan 35 tuổi, con trai ruột của người bạn đồng nghiệp quá cố Lonnie Donegan. Trước câu hỏi, cháu có biết bố cháu từng viết cho chú bản nhạc nào hay không, Peter đơn giản trả lời : cháu chẳng những biết mà cháu còn đàn cho chú hát. Thế là tiếng nhạc lại trỗi lên hơn nửa thế kỷ sau, hòa quyện vào nhịp đàn thuở nào, giọng ca của Tom Jones vẫn xúc động nghẹn ngào như xưa... Cho đam mê tâm hồn còn bùng cháy bao ngọn lửa. Dù con tim từ nay thề hứa, sẽ không còn yêu ai nữa.

08-31
09:09

Nhạc Pháp lời Việt : Bản phối dương cầm tình ca của Feldman

''Piano'' là tựa đề album phòng thu thứ 11 của nam danh ca François Feldman, một trong những nghệ sĩ Pháp nổi tiếng nhất làng nhạc pop những năm 1980. Đây là một tuyển tập chọn lọc, chỉ được phát hành trên các nền tảng âm nhạc trực tuyến. Đúng với tên gọi, album chủ yếu bao gồm những bản nhạc ăn khách nhất của François Feldman, nhẹ nhàng với lối phối khí hòa âm, dịu dàng với tiếng mộc dương cầm. Từ khoảng 20 năm nay, François Feldman đã chọn lập nghiệp ở thành phố Cannes, bên bờ Địa Trung Hải. Sở dĩ anh quyết định rời thủ đô Paris, dọn hẳn về miền nam nước Pháp sinh sống, là vì cách đây gần hai thập niên, anh đã trải qua một giai đoạn khó khăn trong cuộc đời. Bố mẹ anh vừa lần lượt từ trần, trong khi bản thân anh đang phải làm thủ tục ly hôn.Một người bạn thân của anh (tên là Bobby) lúc bấy giờ đang điều hành nhà hàng nổi tiếng ''La Voile blanche'' ở thành phố Juan les Pins, mới đề nghị anh về miền nam để thay đổi không khí. Kể từ đó, François Feldman không bao giờ muốn rời đi chỗ khác nữa.Chính tại phòng thu âm ở miền nam (thành phố Cannes) mà François Feldman đã thực hiện toàn bộ album mới của mình. Dường như chưa ai quên được những giai điệu trầm buồn, chứa chan hoài niệm của anh. Lối hòa âm cuối những năm 1980 có thể đã trở nên lỗi thời, đối với nam ca sĩ kiêm tác giả, có lẽ đã đến lúc mang lại cho những giai điệu nổi tiếng nhất của mình một luồng sinh khí mới, trong đó có nhạc phẩm ''Magic Boul’vard'' (tựa tiếng Việt là ''Ngày vui năm ấy''). Trong đoạn video clip, nam ca sĩ người Pháp lần đầu tiên hợp tác với nữ diễn viên điện ảnh Annie Girardot.Mang tựa đề đơn giản là ''Piano'', tập nhạc chọn lọc vừa được phát hành đầu mùa hè năm 2024, với hình bìa là một bàn phím dương cầm trên phông nền nước biển màu ngọc lam. Theo lời kể của chính tác giả, ý tưởng thực hiện một album như vậy đến từ các đợt lưu diễn của anh. Khi lên sân khấu biểu diễn, để thay đổi không khí, sau những tiết mục sôi động nhẹ nhàng, François Feldman thường ngồi vào đàn piano, tự đệm cho mình hát.Do có khá nhiều bản nhạc ăn khách, cho nên anh thường hát thành liên khúc, mỗi bài một phút. Sau các đợt biểu diễn, khách hâm mộ thường nói rằng họ rất thích các đoạn anh hát solo, một mình ngôi bên đàn piano. Gần đây, khi anh được nghe nghệ sĩ dương cầm trứ danh Sofiane Pamard biểu diễn trực tiếp, (Sofiane Pamard từng hợp tác với nhóm Bon Entendeur và đệm bài ''Imagine'' cho Juliette Armanet nhân lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024) thì lúc ấy François Feldman mới tin vào tiềm năng của một album được thiết kế với âm thanh chủ đạo là tiếng đàn dương cầm.Để soạn lại những bản nhạc hay nhất của mình theo phong cách đàn piano với nhịp trầm đầy khoảnh khắc sâu lắng mà vẫn không quá cổ điển, François đã nhờ đến tài nghệ chơi piano của Hervé Cosentino, trong khi Julien Desjardin phụ trách phần thu thanh. Phần còn lại (nhưng quan trọng nhất) dường như đã có sẵn. Một bài hát hay có thể được phối lại theo bất cứ điệu nào. Nơi tác giả Feldman, giai điệu càng đậm nét trữ tình, càng dễ xóa bỏ rào cản vô hình, kể cả ngôn ngữ mặc định.Hầu hết các bản nhạc ăn khách đều do Francois Feldman đồng sáng tác với Jean-Marie Moreau. Tác giả người Pháp đã từ trần cách đây 4 năm (vào năm 2020) ở tuổi 71 và album này là một cách để vinh danh người bạn đồng hành. Đằng sau những bài hát của hai tác giả này thường có khá nhiều giai thoại. Chẳng hạn như nhạc phẩm ''Le mal de toi'', tựa đề phiên bản phóng tác tiếng Việt là ''Tình đau'' của Khúc Lan hay Đêm cô đơn của tác giả Lê Hựu Hà. Theo lời tác giả, đây là một trong những tác phẩm yêu thích nhất của anh, có nhiều phần tự truyện, sáng tác thành công đầu tiên của Feldman gợi hứng từ những khoảnh khắc đau đớn, bất hạnh của một chuyện tình dang dở.Còn trong các nhạc phẩm như Slave (Ngàn đời chờ mong) hay ''Les Valses de Vienne'' (Luân vũ ngày mưa), các giai điệu ban đầu được viết cho đàn vĩ cầm (do Thierry Durbet phối nhạc) vì nhóm sáng tác muốn cài đặt nhiều yếu tố đời tư của nam ca sĩ vào trong bài hát. Nếu mẹ của anh là một cô y tá người Bỉ thì bố của François Feldman là một thợ may người Nga gốc Slave. Dòng máu Đông Âu của nam ca sĩ được thể hiện qua các điệu vĩ cầm, kinh thành Vienne khi xưa là biểu tượng của đế chế Áo-Hung.Riêng về giai điệu ''Les valses de Vienne'', bài này có nhiều lời khác nhau trong tiếng Việt. Lời thứ nhất là ''Cõi Mơ'' của tác giả Lữ Liên. Lời thứ nhì là ''Luân Vũ Ngày Mưa'' của Khúc Lan, không nên nhầm lẫn với ''Khúc luân vũ mùa mưa'' (The Last Waltz). Lời thứ ba là ''Điệu Valse buồn cho em'' của Đặng Tô Điền. Lời thứ tư là ''Những khúc hát đã tan'' của tác giả Quốc Bảo.Khi được phối lại cho đàn piano, nhóm sáng tác đã chuyển đổi làm sao để không làm mất đi nỗi đam mê tha thiết của các bản nhạc gốc. Với thời gian, âm sắc chất giọng của François Feldman trở nên thật trầm, nhưng giai điệu trong tim vẫn ấm nồng, cho huyền diệu bay bổng, vang vọng mãi những dư âm.

08-17
09:06

Nhạc ngoại lời Việt : Tình đẹp như phim Casablanca

''Casablanca'' nằm trong số những ca khúc nhạc ngoại hiếm hoi có rất nhiều lời Việt khác nhau. Theo các nguồn thông tin trên mạng, tính đến nay ''Casablanca'' đã có đến ít nhất đến 4 lời Việt khác nhau. Thế nhưng, trước ''Casablanca'', từng có nhạc phẩm ''Key Largo''. Cả hai bài hát này đều gợi hứng từ các bộ phim xưa của Humphrey Bogart, được phát hành trên album đầu tay của ca sĩ kiêm tác giả Bertie Higgins.  ''Key Largo'' là một hòn đảo ngoài khơi bờ biển Florida, nơi từng được chọn làm bối cảnh cho bộ phim cùng tên năm 1948, với hai ngôi sao màn bạc Humphrey Bogart và Lauren Bacall trong vai chính. Ngoài đời, họ đã thành hôn với nhau để rồi trở thành một trong những cặp vợ chồng nghệ sĩ quyến rũ nhất Hollywood. Về phần mình, Bertie Higgins lớn lên ở Tarpon Springs, Florida. Ông đã lấy cảm hứng từ thời kỳ vàng son của Hollywood để viết lên nhiều tình khúc quen thuộc. Trong đó có nhạc phẩm ''Key Largo'' dựa trên bộ phim cùng tên với đôi tình nhân Humphrey Bogart & Lauren Bacall (năm 1948) và giai điệu ''Casablanca'' cũng gợi hứng từ tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của Michael Curtiz, với Humphrey Bogart và Ingrid Bergman trong vai chính (phát hành vào năm 1942).Trong quyển sách ''Behind The Hits'' (Đằng sau những bản nhạc ăn khách), tác giả Bertie Higgins cho biết ông đã làm quen và sống với người yêu của mình tên là Beverly Seaberg trong nhiều năm ở Florida. Đôi tình nhân thường đi xem những bộ phim xưa vào những ngày cuối tuần. Trong mắt họ, mối tình lãng mạn giữa Lauren Bacall và Humphrey Bogart là một câu chuyện tình phi thường, trước hết vì sự chênh lệch tuổi tác, Bogart lớn hơn Bacall đến 25 tuổi, dù vậy, họ lại gầy dựng được một mối quan hệ thắm thiết, bền vững nhất ở kinh đô điện ảnh Hollywood. Tuy có nhiều mong ước, nhưng mối tình giữa Beverly Seaberg và Bertie Higgins lại không được lý tưởng như vậy. Khi hai người chia tay nhau, tác giả Bertie Higgins cho biết ông đã đau khổ trong gần hai năm trời. Ông tự nhủ bằng một cách nào đó ông sẽ gửi đến người yêu cũ, một lời tạ từ nhắn nhủ. Thế là nhạc phẩm ''Key Largo'' ra đời. Còn giai điệu ''Casablanca'' được viết một thời gian sau đó, vẫn được xem như là chương thứ nhì trong câu chuyện tình của Beverly và Bertie. Cả hai bài hát đều là khúc biến tấu trên cùng một chủ đề : chuyện phim bất ngờ ở hồi kết, đời ai nào ngờ tình yêu sẽ hết.Tác giả Bertie Higgins viết nhạc như những lá thư tình, nhắn nhủ van xin người yêu hãy quay trở lại với mình. Và rốt cuộc, Beverly lại về với Bertie. Hai người thành hôn sau khi album đầu tay của ông ''Just another day in Paradise'' được phát hành vào năm 1982. Album này gồm hai nhạc phẩm chủ đạo là ''Key Largo'' và ''Casablanca'' đều gợi hứng từ các bộ phim xưa. Hai vợ chồng có hai người con (Aaron & Julian) và từng sống chung với nhau trong vòng ba thập niên liền.Trên thị trường Bắc Mỹ, ''Key Largo'' được xem là bản hit duy nhất ca sĩ kiêm tác giả Higgins, vào nghề nhờ chơi trống trong các ban nhạc trẻ đầu những năm 1960. Đầu những năm 1980, Bertie Higgins đã tạo ra một chỗ đứng riêng trong thể loại "tropical rock" (còn được gọi là Gulf & Wesstern) kết hợp nhạc pop, country và nhạc rock miền nam Florida với ảnh hưởng của các nhịp điệu reggae, calypso đến từ các hải đảo miền nhiệt đới, theo phong cách của Jerry Jeff Walker hay Jimmy Buffett và ban nhạc Coral Reefer.  Khi rời Florida về sống ở Atlanta, ông đã làm quen và hợp tác với nhà sản xuất Sonny Limbo. Chính ông Sonny Limbo đã giúp hoàn chỉnh các bản sáng tác và gợi ý cho Bertie Higgins cài đặt vào trong bài hát những chi tiết của bộ phim. Câu thoại của Bogart "Here's looking at you, kid" được đưa vào trong lời bài hát ''Key Largo và ''A kiss is still a kiss'' (As time goes by) vào trong điệp khúc nhạc phẩm ''Casablanca''. Tuy không ăn khách trên thị trường Bắc Mỹ bằng nhạc phẩm ''Key Largo'', nhưng giai điệu Casablanca lại rất thịnh hành ở vùng châu Á-Thái Bình Dương, có thêm nhiều phiên bản ghi âm trong tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Mã Lai hay Philippines (tagalog) …. Còn trong tiếng Việt, giai điệu ''Casablanca'' có đến ít nhất bốn lời khác nhau.  Lời đầu tiên của tác giả Kim Tuấn, chuyển thành nhạc phẩm ''Sao không đến bên anh'' từng được nhiều ca sĩ ghi âm như Ngọc Lan, Don Hồ, Thiên Kim …. Lời Việt thứ nhì là của tác giả Quang Nhật qua phần diễn đạt của ca sĩ Diễm Liên. Lời thứ ba với tựa đề ''Casablanca, Đêm tình nhân'' do tác giả Nguyễn Thảo phóng tác và do nghệ sĩ Lê Thu Hiền trình bày. Lời Việt thứ tư chuyện tình ''Casablanca''' là của tác giả Maria Mai Phạm, qua phần ghi âm của nam ca sĩ Nguyễn Hồng Ân. Trong nguyên tác, cái tài của hai tác giả Bertie Higgins và Sonny Limbo là đã lồng nhiều chi tiết bộ phim vào trong nội dung bài hát, tạo ra sự tương ứng giữa câu chuyện trên màn bạc và mối tình ngoài đời thật. Với thời gian, giai thoại sẽ trở thành huyền thoại. Con tim vẫn nhớ mãi những giây phút giã từ, bao đêm thức trắng tương tư. Những trang tình sử rồi cũng trở nên bất tử.  

08-10
09:01

Pascal Danel, cánh chim về lại đỉnh cao núi tuyết

Thành danh vào giữa những năm 1960, vào thời cực thịnh của phong trào nhạc trẻ ở Pháp, nam ca sĩ Pascal Danel nổi tiếng nhờ có chất giọng biểu cảm, cùng với phong cách lãng mạn. Giọng ca ấy giờ đây không còn nữa. Pascal Danel đã vĩnh viễn ra đi hôm 25/07/2024, hưởng thọ 80 tuổi. Sinh thời, Pascal Danel đã bán hơn 25 triệu đĩa hát, ghi âm 11 album phòng thu và 7 tập nhạc live trong gần nửa thế kỷ sự nghiệp. Bên cạnh đó, ông còn sáng tác cho nhiều nghệ sĩ khác như Daniel Guichard (Chanson pour Anna), Marcel Amont (Un peu de soleil, un peu de ciel bleu) và nhất là Dalida. Bài ''Ton âme'' (Tâm hồn của anh) từng đoạt giải nhất Bông hồng vàng năm 1972 nhân Liên hoan ca khúc tiếng Pháp La Rose d'or của thành phố Antibes, chứ không phải là giải truyền hình châu Âu Eurovision …Tên thật là Jean-Jacques Pascal Buttafoco, ông sinh trưởng tại Paris, nhưng lại không được sống gần gũi với cha mẹ. Thời còn nhỏ, ông chủ yếu được bà ngoại nuôi dưỡng, đến khi lớn lên, gia đình cho ông vào trường nội trú tại thị trấn Annel, gần thành phố Compiègne, cách thủ đô Paris khoảng 90 cây số về phía bắc. Sau này khi vào nghề ca hát ông lấy tên trường nội trú Annel để làm nghệ danh : Pascal Danel.Khi trưởng thành, Pascal Danel ban đầu chọn làm nghệ sĩ gánh xiếc (trong bộ môn đi môtô trên dây), nhưng vì tai nạn xe máy, ông buộc phải giải phẫu, ngưng các tiết mục biểu diễn để có thời gian phục hồi sức khỏe. Vận xui lại trở thành dịp may, ông khám phá niềm đam mê âm nhạc ngay trên giường bệnh. Trong thời gian dài phải nằm tại bệnh viện, ông đã học đàn ghi ta và nhờ có trí nhớ tốt, ông bắt đầu chơi lại những bài hát yêu thích, để rồi mò mẫm sáng tác những giai điệu đầu đời.Khi vết thương đã lành hẳn, Pascal Danel bắt đầu đi hát trong các nhóm nhạc rock, tuy không thành công nhưng điều đó lại tạo cơ hội cho ông gặp nhà sản xuất Lucien Morisse, từng làm nên tên tuổi của Michel Polnareff và nhất là của Dalida thời bấy giờ. Vào năm 1966, Pascal Danel giành lấy hạng nhất thị trường Pháp nhờ tình khúc ''La plage aux Romantiques'', đồng sáng tác với Michel Delancray.Bản nhạc này trong tiếng Việt có đến it nhất 4 lời khác nhau. Trước năm 1975, giai điệu ''La Plage aux Romantiques'' từng được tác giả Nguyễn Duy Biên đặt lời Việt thành nhạc phẩm mang tựa đề ''Biển Mộng Mơ''. Bản nhạc do nam ca sĩ Paolo ghi âm cho tuyển tập Tình Ca Nhạc Trẻ 2, gồm những ca khúc nhạc ngoại lời Việt của Nguyễn Duy Biên. Sau năm 1975, bài hát có thêm nhiều phiên bản lời Việt khác mà đôi khi các trang thông tin trên mạng không ghi rõ tác giả, trong đó có ''Bãi biển mộng mơ'' do nam ca sĩ Thái Hòa ghi âm, ''Bãi cát yêu thương'' qua phần trình bày của ca sĩ Công Thành, ''Bãi cát thơ mộng'' của ca sĩ kiêm tác giả Lê Toàn, cũng như nhạc phẩm ''Biển Mơ'' do nam danh ca Elvis Phương trình bày với ca từ khác hẳn với lời đầu tiên của tác giả Nguyễn Duy Biên.Thường thì sau bài hát cực kỳ ăn khách đầu tiên, bản nhạc thứ nhì lại ít thành công hơn. Nhưng trường hợp của Pascal Danel đã chứng minh điều ngược lại. Giai điệu thứ nhì (cũng do ông soạn nhạc và do Michel Delancray đặt lời) một lần nữa lại phá kỷ lục số bán đầu năm 1967, thành công hơn cả bài hát đầu tiên, và được Pascal Danel ghi âm trong 6 thứ tiếng, trong đó có tiếng Ý, tiếng Đức, thậm chí tiếng Nhật.Nhóm sáng tác đã lấy cảm hứng từ bộ phim ''Les neiges du Kilimanjaro'' (Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro) của đạo diễn Henry King. Đây là phiên bản điện ảnh chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của văn hào Ernest Hemingway. Ngoại trừ nhà sản xuất Lucien Morisse, không ai tin vào tiềm năng của bài hát, do có nội dung quá buồn, kể lại những hồi tưởng cuối cùng của một người sắp qua đời, trên đỉnh núi thì thầm gió thổi, tựa như lời trăng trối. Nhờ bài hát này mà giọng ca Pascal Danel gây được tiếng vang trên toàn thế giới.''Les Neiges du Kilimanjaro'' ăn khách trở lại vào năm 2011 khi được chọn làm chủ đề cho bộ phim của đạo diễn Robert Guédiguian, nhưng lần này không có liên quan gì đến truyện ngắn cùng tên của nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway. Nhạc phẩm ''Kilimandjaro'' trở nên nổi tiếng tại Việt Nam đầu những năm 1970, nhờ cái tài của tác giả Nguyễn Duy Biên đặt lời Việt thành nhạc phẩm ''Đỉnh Tuyết'' do nam ca sĩ Jo Marcel (cũng như Elvis Phương) trình bày. Sau năm 1975, Elvis Phương thực hiện trên album ''Tuyệt Diệu Tình Yêu'' một bản ghi âm thứ nhì mang tựa đề ''Tuyết Xa'' nhưng lại không ghi rõ tên tác giả, lời Việt bài này cũng khác hẳn với phiên bản đầu tiên của Nguyễn Duy Biên.Sau gần 50 năm sự nghiệp, Pascal Danel chính thức giải nghệ vào năm 2016, thỉnh thoảng ông nhận lời hợp tác ghi âm với các nghệ sĩ trẻ tuổi (như nhóm Les Stentors) nhưng hầu như không còn đi hát do tuổi già sức yếu. Pascal Danel vĩnh viễn ra đi để lại cho công chúng những giai điệu sáng ngời : từ nay đành hết rồi, bao cánh mỏi chim trời, một khi đã về tới, đỉnh núi tuyết xa vời.

08-03
09:05

Marc Hervieux, người không biết mình có giọng tenor trữ tình

Thành danh ban đầu trong làng nhạc kịch opéra, giọng ca tenor Marc Hervieux đã trở nên quen thuộc hơn với công chúng trong một thập niên gần đây nhờ một loạt album phối hợp nhạc pop với bán cổ điển. Tuy có chất giọng thiên phú, nhưng danh ca người Canada lại thành công khá muộn trên thị trường đĩa hát. Mãi đến  năm 2009, năm anh tròn 40 tuổi, Marc Hervieux mới trình làng album solo đầu tiên. Thà muộn còn hơn không. Như thể để bù lại những năm tháng tuổi xuân đã qua, Marc Hervieux đã cho phát hành 10 album phòng thu đậm chất pop giao hưởng. Trong số này có hai tập nhạc (Tenor Arias 2010 & A Napoli 2012) từng đoạt danh hiệu album nhạc cổ điển hay nhất trong năm nhân kỳ trao giải thưởng âm nhạc Félix của vùng Québec Canada. Sau thành công này, anh đã được mời đi hát trên rất nhiều sân khấu lớn trên thế giới, kể cả New York, Vancouver, Paris, Seoul hay Đài Bắc ….Sinh trưởng ở Montréal trong một gia đình công nhân nghèo sống gần khu chợ Maisonneuve, Marc Hervieux là con út lớn lên cùng với ba anh chị. Nhớ lại thuở ‘‘hàn vi’’, anh cho biết là thời còn nhỏ, bố mẹ anh cứ vào mỗi mùa thu, thường mua giá sỉ hàng trăm kí lô khoai tây, trữ khoai ở trong hầm, để dành ăn cho cả năm. Trong nhà, thực đơn các bữa ăn khá là bình dân đơn giản, chủ yếu bao gồm một chút thjt  với bắp nướng và khoai luộc. Trong nhà chỉ có một chiếc máy radio, thân phụ anh rất mê nghe nhạc đồng quê (các nhạc phẩm như ‘‘Je chante à cheval” hay “Mille après mille). Khi gia đình dư dả hơn một chút, bố anh mới sắm một màn ảnh truyền hÌnh, nhờ vậy Marc Hervieux được nghe lần đầu tiên những khúc nhạc thính phòng, những giai điệu cổ điển. Từ thuở thiếu thời, anh bị cuốn hút các chất giọng cực mạnh của giới ca sĩ opera, nhưng bản thân anh chưa bao giờ nghĩ rằng anh có đủ khả năng để hát như vậy !Lúc đầu, Marc Hervieux không chọn con đường sân khấu, vì anh không được gia đình ủng hộ. Do vậy, anh theo học ngành thiết kế đồ họa với hy vọng sau này sẽ có được một công việc ổn định. Mãi đến năm 22 tuổi, trước sự khuyến khích của bạn bè, Marc Hervieux mới tham gia một buổi casting thử giọng để tuyển diễn viên nhạc kịch (của đoàn kịch mới Nouvelle Compagnie Théâtrale). Một cách bất ngờ, anh được tuyển làm một trong những vai chính mặc dù anh chưa hề được đào tạo bài bản về âm nhạc.Thành công này thúc đẩy anh thử vận may khi ghi tên vào Nhạc viện thành phố Montréal. Trong suốt quá trình 5 năm đào tạo, Marc Hervieux đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, ít nhất trong hai năm đầu. Do không biết một chút gì về nhạc lý, cho nên anh buộc phải học từ đầu, để có thể đọc các nốt nhạc. Nhiều lần suýt bỏ cuộc vì thiếu sót quá nhiều kiến thức căn bản, nhưng nhờ có ý chí phấn dấu, rốt cuộc anh đã vượt qua được khó khăn, tạo cơ hội phát huy tài năng. Tốt nghiệp nhạc viện thành phố năm anh 27 tuổi, Marc Hervieux sau đó tiếp tục được đào tạo với đoàn kịch Opéra ở Montréal.Mười năm sau khi ra trường, Marc Hervieux được giới phê bình quốc tế công nhận khi trở thành một trong những “nghệ sĩ chính” tại nhà hát nổi tiếng Metropolitan Opera ở New York. Suy cho cùng, người không hề biết mình có một chất giọng ténor hiếm thấy trong những năm tháng đầu đời, giờ đây lại đảm nhận những vai diễn quan trọng nhất của làng nhạc kịch opéra. Ngay cả những ngòi bút nổi tiếng là khó tính ''tàn nhẫn'', cũng phải ngả mũ kính chào, cúi đầu bái phục một tài năng.Trong số những album mang chủ đề hoài niệm (Nostalgia) của anh có khá nhiều bài hát được đặt thêm lời Việt như Love Story (Chuyện tình), The Godfather (Thú đau thương), The Last Waltz (Khúc luân vũ mùa mưa) hay Je t’attendais (Anh đợi chờ em) phiên bản lừi việt của Duy Quang …. Marc Hervieux cho thấy nhờ năng khiếu bẩm sinh, nên dù hát chung với một dàn nhạc giao hưởng, vẫn khiến cho khán giả có cảm tưởng người hát đang ở ngay bên cạnh mình. Trong tiếng hát của anh, có tất cả những sắc thái lung linh của một giọng nam cao lãng mạn trữ tình, đầy đặn biểu cảm nhưng không bao giờ cường điệu ‘‘kịch tính”.

07-20
09:03

Nhạc ngoại lời Việt : Phiên bản mới của ‘‘Không cần nói yêu anh’’

Tuy không hẹn, nhưng trong thời gian gần đây có khá nhiều nghệ sĩ quốc tế tìm nguồn cảm hứng trong dòng nhạc trữ tình của Ý. Trong số những giai điệu thịnh hành từ những năm 1960, có nhạc phẩm ‘‘Una lacrima sul viso’’ (Giọt lệ hoen mi) của Bobby Solo và nhất là “Io che non vivo senza te” (hiểu theo nghĩa Đời không thể vắng em), từng được tác giả Phạm Duy phóng tác sang tiếng Việt thành nhạc phẩm ‘‘Không cần nói yêu anh’’. Cho dù chưa ngoài 40 tuổi (tức còn thuộc thế hệ millenials), nhưng nam ca sĩ người Pháp gốc Ý Claudio Capéo cho biết là từ thời còn nhỏ, anh vẫn thường nghe những bản nhạc tiếng Ý trong gia đình, và có lẽ cũng vì thế mà chất thơ bình dị thấm vào tim anh từ lúc nào không hay. Lần này, khi chọn ghi âm lại giai điệu ‘‘L’Italiano’’ bản nhạc nổi tiếng nhất của Toto Cutugno, Claudio Capéo đã đặt lời mới tiếng Pháp cho bài hát này, khác với phiên bản của Hervé Vilard, từng được phát hành năm 1983, trước khi anh ra đời.Một cách tương tự, nam ca sĩ Agustín Galiana đã ghi âm lại một phiên bản tiếng Tây Ban Nha của nhạc phẩm ‘‘Ti Amo’’ để vinh danh tài nghệ sáng tác của Umberto Tozzi. Ca sĩ người Brazil Daniel Boaventura và Chris Ruggiero người Mỹ đều ghi âm lại ‘‘Quando Quando’’ của Tony Renis trên tuyển tập nhạc Ý ‘’Italiano’’. Bài này từng được tác giả Trường Kỳ chuyển sang lời Việt thành nhạc phẩm ‘’Khi nào đây’’. Còn dưới ngòi bút của tác giả Tuấn Cường, bài có tựa đề là ‘‘Biết đến khi nào’’.Về phía các nghệ sĩ Anh quốc, ca sĩ kiêm tác giả Jack Savoretti (tên thật là Giovanni Galletto Savoretti) sau hai lần giành hạng đầu thị trường album vương quốc Anh (Singing to Strangers 2019 & Europiana 2021), đã tìm về cội nguồn khi cho phát hành trong năm 2024 album song ngữ nhạc pop mang tựa đề ‘‘Miss Italia’’ (Nhớ về nước Ý) với sự hợp tác của giọng ca trứ danh Natalie Imbruglia và danh ca nhạc rock người Ý Zucchero.Còn ban nhạc bán cổ điển G4 vừa cho phát hành album mang tựa đề ‘‘20’’ kỷ niệm hai thập niên nhóm này được thành lập, theo mô hình của bộ tứ Il Divo. Ra đời vào năm 2004, sau khi thành danh nhờ xuất hiện trong chương trình ‘‘X-Factor’’ (Nhân tố bí ẩn), nhóm G4 với giọng ca tenor Jonathan Ansell và giọng ca baryton Mike Christie chuyên dung hòa thể loại acapella với nhạc pop giao hưởng. Điểm chung giữa Jack Savoretti và nhóm G4 là cả hai bên đều vừa ghi âm lại một bản phối mới cho giai điệu “Io che non vivo senza te” (Đời không thể vắng em).Được biểu diễn lần đầu tiên tại vòng chung kết liên hoan ca khúc tiếng Ý Sanremo, giai điệu “Io che non vivo senza te’’ do hai nhạc sĩ Pino Donaggio và Vito Pallavicini đồng sáng tác. Bài hát này giành lấy hạng đầu thị trường Ý đầu năm 1965 và trở thành sáng tác ăn khách nhất của Pino Donaggio. Sau này ông chuyển sang nghề sáng tác nhạc phim tại Hollywood, chuyên hợp tác với đạo diễn Mỹ Brian de Palma.Giai điệu ‘’Đời không thể vắng em’’ cho ra đời một loạt phiên bản phóng tác trong nhiều ngôn ngữ khác. Trong tiếng Anh, “Io che non vivo senza te’’ trở thành nhạc phẩm “You don’t have to say You love Me”. Nữ danh ca Dusty Springfield là người đầu tiên ghi âm phiên bản Anh ngữ vào năm 1966 và sau đó có thêm những phiên bản ăn khách khác của danh ca Engelbert Humperdinck và nhất là của ông hoàng nhạc rock Elvis Presley.Trong tiếng Pháp, cũng đã có ít nhất hai lời khác nhau. Phiên bản đầu tiên do tác giả Michel Jourdan phóng tác thành ‘’Jamais je ne vivrai sans toi” gần sát với nguyên tác tiếng Ý và do Richard Anthony ghi âm lần đầu tháng 10 năm 1965. Sau đó đến phiên hai nữ ca sĩ Margot Lefebvre và Claude Valade ở vùng Québec, Canada đều có ghi âm lại. Gần ba thập niên sau, ca sĩ người Bỉ gốc Ý Sandra Kim từng đoạt giải nhất cuộc thi hát truyền hình châu Âu Eurovision vào năm 1986 nhờ nhạc phẩm ‘’J’aime la vie’’, ghi âm một phiên bản tiếng Pháp thứ nhì của tác giả Rosario Marino-Atria mang tựa đề ‘’Je t'ai tout donné’’ (Cho anh tất cả). Về nội dung, phiên bản tiếng Pháp thứ nhì không có liên quan gì với nguyên tác tiếng Ý, ra đời cách đây 6 thập niên, nay đã trở nên kinh điển.Hầu hết các phiên bản phóng tác chủ yếu dựa vào phiên bản tiếng Anh rất thịnh hành cuối thập niên 1960 của nữ danh ca Dusty Springfield, trong đó có cả lời tiếng Việt với tựa đề “Không cần nói anh yêu” (đôi khi có nơi ghi chép thành “Không cần nói yêu anh”). Dù cách đặt lời có gần sát hay thoát ý, các phiên bản phóng tác vẫn chuyển tải được phần nào nội dung nguyên tác tiếng Ý, chất lãng mạn tột cùng, nét trữ tình tuyệt đối : Vắng em, ta không sống nổi một giờ, huống chi là phải khổ trọn đời.

07-13
09:06

Agustín Galiana đem nhịp La-tinh vào trong giai điệu Pháp

Sau 8 tuần lễ thi đấu trong bầu không khí hào hứng sôi nổi, cuối cùng nam ca sĩ Agustín Galiana đã về đầu cuộc thi hát truyền hình "Mask Singer". Điều gây bất ngờ năm nay là người đoạt giải nhất chương trình thi hát ‘’Ca sĩ Mặt nạ’’ mùa thứ 6, phiên bản tiếng Pháp lại là một giọng ca Tây Ban Nha. Sinh tại thành phố Alicante, miền đông nam Tây Ban Nha, Agustín Galiana lớn lên trong một gia đình trí thức, bố mẹ anh đều là giáo viên. Từ thời còn nhỏ, anh được gia đình khuyến khích theo đuổi con đường nghệ thuật. Agustín bắt đầu sự nghiệp diễn xuất của mình năm anh tròn 20 tuổi. Anh xuất hiện trong nhiều dự án kịch nghệ, điện ảnh và truyền hình, tuy nhiên không có vai diễn nào thực sự giúp cho anh trở thành một diễn viên hàng đầu. Đến năm 2010, anh ký hợp đồng ghi âm nhạc pop và xuất bản hai album tiếng Tây Ban Nha.Năm 2012, Agustín Galiana lúc ấy đã ngoài 30 tuổi, quyết định rời Tây Ban Nha đến Paris lập nghiệp. Thời gian đầu khá là khó khăn, mỗi lần tham gia casting, Agustín thường hay bị từ chối, vì cách phát âm tiếng Pháp của anh còn hơi khó hiểu, mang nhiều giọng Tây Ban Nha.Hầu như trong hai năm đầu sau khi đến Pháp, Agustín đã dốc sức học tiếng Pháp và nhất là luyện cách phát âm. Nhờ vào nỗ lực này, vào năm 2015, anh được mời tham gia loạt phim truyền hình nhiều tập “Clem”, vai nhân vật Adrián Muñoz bên cạnh nữ diễn viên Victoria Abril, nổi tiếng nhờ bộ phim ‘’Talons Aiguilles” của đạo diễn trứ danh Tây Ban Nha Pedro Almodóvar.Sau này, Agustín có ghi âm lại bản nhạc chủ đề bộ phim này là ‘’Piensa en mi’’. Một cơ hội khá bất ngờ cho Agustín Galiana, vì theo hợp đồng ban đầu, anh đóng vai phụ và chỉ xuất hiện trong vài tập. Nhưng rốt cuộc, trước sự hưởng ứng của khán giả, Agustín trở thành một trong những vai chính trong 8 mùa phim sau đó, từ năm 2016 đến năm 2023.Vào năm 2018, Agustín Galiana được mời tham gia chương trình"Danse avec les Stars" (Khiêu vũ cùng thần tượng) phiên bản tiếng Pháp của ‘’Dance with the Stars’’. Nhờ năng khiếu diễn xuất cộng thêm nỗ lực tập nhảy, Agustín đã giành lấy giải nhất cuộc thi này. Giải quán quân cũng đã thúc đẩy nhiều dự án khác, giúp cho anh ghi âm album đầu tay trong tiếng Pháp, thành công với một số sáng tác mới như "C'était hier" (Mới hôm qua) hay là "Je n'aime que toi" (Chỉ yêu mình em).Hai năm sau, Agustín phát hành album mang tên "Plein soleil" - Ngập nắng (2020) một tuyển tập song ngữ xen kẽ những bài hát nổi tiếng của Pháp và Tây Ban Nha. Chính album này tạo cơ hội cho thính giả ở Pháp khám phá tài năng ca hát của anh, mặc dù Agustín đã ghi âm trước đó hai album bằng tiếng Tây Ban Nha ... Trong số những bản hát lại quen thuộc, có "Porque te vas" (bài hát nổi tiếng của Jeanette) và "Duel au soleil" (bản nguyên tác của Étienne Daho), thực sự giúp cho Agustín chinh phục người nghe.Mùa hè năm 2024, sự kiện Agustín Galiana đoạt giải nhất cuộc thi Mask Singer, một lần nữa tạo thêm sự quan tâm của công chúng với các dự án âm nhạc của anh. Tháng 05/2024, anh đã cho phát hành album phòng thu thứ ba mang tựa đề "Enamorado" (Đang yêu). Lần này, Agustín tiếp tục hợp tác với Nazim Khaled, Corson và John Mamann, nhóm tác giả từng viết nhiều bài hát ăn khách cho Kendji.Nếu như Claudio Capéo từng thành công với album song ngữ Pháp-Ý, thì Agustín Galiana khai thác cùng một bí quyết, với một nét riêng là phối những bài hát trữ tình theo nhịp điệu pop Latinh. Album thứ ba này xen kẻ sáng tác mới và một số bài cover, chẳng hạn như bài “Ti Amo’’ của Umberto Tozzi, qua phiên bản tiếng Tây Ban Nha.Cũng trên album này, lần đầu tiên anh tham gia viết lời và đồng sáng tác một số ca khúc, như thể anh muốn mở rộng sân chơi cũng như tầm nhìn nghệ thuật của mình. Dường như, Agustín Galiana không tự bó mình trong một tuýp vai diễn, tài năng của anh cũng không muốn bị giới hạn trong một lãnh vực duy nhất, giai điệu con tim luôn nung cháy niềm đam mê, qua âm thanh thử nghiệm trong tìm tòi mạo hiểm.

07-06
09:05

Chico and the Gypsies, lối về cội nguồn

"Otro Camino" (có nghĩa là Con đường khác) là tựa đề album phòng thu thứ 13 của nhóm Chico and the Gypsies. Kể từ mùa xuân 2024, người nghe có thể khám phá lại phiên bản nâng cấp (deluxe) của tập nhạc này, bao gồm một số bài hát bổ sung cho 13 bản nhạc ban đầu, xen kẻ sáng tác mới với những bản ghi âm lại. Trong những album trước là ''Unidos'' (Hợp nhất) và ''Mi Corazon'' (Tim ta), nhóm Chico and the Gypsies đã thử kết hợp âm thanh sở trường của họ là rumba catalana với các làn điệu truyền thống của các nước Bắc Phi và Trung Đông, hoặc phối theo các nhịp điệu tân thời hơn như bachata và reggeatón. Sau một thời gian khám phá những chân trời âm nhạc khác lạ, lần này nhóm Chico and the Gypsies trở lại với dòng nhạc ''du mục'' (gipsy) từng làm nên tên tuổi của họ, gầy dựng được một cộng đồng người hâm mộ trung thành và nhờ vậy, sự thành công của nhóm kéo dài trong nhiều thập niên liền.Đối với ban nhạc Chico and the Gypsies, album ''Otro Camino'' (Con đường khác) đánh dấu 30 năm thành công trong sự nghiệp : một hành trình âm nhạc thú vị, hợp tác với nhiều tên tuổi hàng đầu của làng nhạc Pháp từ Nana Mouskouri cho đến Florent Pagny hay Patrick Fiori. Sau 30 năm tồn tại, nhóm này đã gặt hái thành tích 40 đĩa vàng và hơn 20 triệu album được bán trên thế giới.Còn đối với nghệ sĩ chơi đàn ghi ta Chico (tên thật là Jalloul Chico Bouchikhi), thực ra sự nghiệp của ông đã kéo dài trong 40 năm. Cùng với các anh em nhà Reyes, Chico Bouchikhi đã đồng sáng lập ban nhạc Gipsy Kings (họ Reyes trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Những vì Vua). Nhóm Gipsy Kings đã đi biểu diễn trên khắp thế giới, nhưng sự thành công phi thường của nhóm cũng đã làm nảy sinh nhiều mối bất đồng nội bộ. Điều đó buộc Chico Bouchikhi, một trong những thành viên sáng lập, phải tách ra riêng.Ông rời nhóm Gipsy Kings vào năm 1991 .... làm lại từ đầu bằng cách thành lập một ban nhạc khác, mang tên là Chico and the Gypsies. Nếu như ông không được quyền khai thác thương hiệu của nhóm Gipsy Kings, thì Chico vẫn giữ nguyên cốt cách ban đầu, khai thác sở trường ghi ta du mục để phổ biến dòng nhạc rumba catalana.Một cách khá bất ngờ là khi trở lại sân khấu cùng với một thành phần nghệ sĩ biểu diễn khác, nhóm Chico & the Gypsies lại thành công trong nhiều năm liên tục, như thể sân chơi khá rộng để cho hai ban nhạc cùng khai thác một dòng nhạc, có đủ ''đất dụng võ'', đủ không gian để biểu diễn mà không giẫm chân nhau.Trong hành trình âm nhạc của nhóm Chico & the Gypsies, nguyên quán của họ là thành phố Arles luôn là một nguồn cảm hứng dồi dào. Dù được mời đi biểu diễn ở khắp nơi, nhưng nhóm này vẫn luôn gắn bó với nơi họ từng sinh ra và lớn lên. Ban nhạc đã thành lập một ''Ngôi làng Du mục'' bên bờ sông Rhône, với một sân khấu tên là ''Patio de Camargue''. Nhà hát này là nơi tổ chức nhiều buổi biểu diễn và từ đó mà phát hiện thêm nhiều tài năng mới cũng muốn đeo đuổi truyền thống chơi dòng nhạc rumba catlana.Nhìn lại, album ''Otro Camino'' tuy có nghĩa là Con đường khác, nhưng hóa ra lại là lộ trình tìm về cội nguồn. Chặng đường cuối trời càng thênh thang, tâm hồn du mục lại càng cảm thấy nhẹ nhàng. Đối với những người nghệ sĩ thường hay biền biệt phương xa, không chi bằng những ngõ lối, sớm đưa chân ta về nhà

06-29
09:02

Nhạc ngoại lời Việt : "Mơ về em" do ai sáng tác ?

Trong làng nhạc Ý, "E Penso a te" (Anh mơ về em) là một trong những bài hát được phóng tác nhiều nhất sang tiếng nước ngoài. Trong tiếng Pháp, bài này được chuyển thành nhạc phẩm "Je pense à toi", do Claudio Capéo thu thanh vào năm 2022 trên album song ngữ Pháp-Ý của anh. Trong tiếng Việt, bài được tác giả Khúc Lan (có nguồn ghi là tác giả Lữ Liên) đặt lời thành nhạc phẩm "Mơ về em" từng được khá nhiều nghệ sĩ trong nước và ở hải ngoại ghi âm lại. Nhạc phẩm "E Penso a te" (Anh mơ về em) do hai nhạc si Lucio Battisti và Mogol đồng sáng tác vào mùa hè năm 1970. Bài hát này ra đời trong một thời gian ngắn, chỉ khoảng 20 phút, nhân một chuyến lái xe trên tuyến đường cao tốc từ thành phố Milano đến bờ hồ Como, cách nhau gần 50 cây số. Ngồi trong xe, hai tác giả người Ý sáng tác bài hát này gần như theo ngẫu hứng, họ cùng hát phụ họa ngân nga từng câu chữ theo giai điệu du dương.Sinh trưởng ở vùng Rieti nel Lazio, miền trung nước Ý, Lucio Battisti (1943-1998) được xem là một trong những ca sĩ kiêm tác giả hàng đầu của làng nhạc Ý, ông đã ghi âm 20 tập nhạc trong sự nghiệp của mình và đã bán hơn 25 triệu album. Ngoài là một trong những nghệ sĩ biểu diễn có tầm ảnh hưởng lớn những thập niên cuối thế kỷ XX, Lucio Battisti (cũng như Toto Cutugno) đã sáng tác cho nhiều nghệ sĩ khác, kể cả những nghệ sĩ quốc tế như Gene Pitney, the Hollies và Paul Anka.Khi soạn nhạc, Lucio Battisti thường hợp tác với nhạc sĩ Mogol, nổi tiếng nhờ cái tài đặt lời. Cả hai gương mặt này được ghi nhận là đã trau dồi và đổi mới phong cách sáng tác nhạc pop của Ý, kết hợp truyền thống sáng tác những ca khúc tiếng Ý, với những trào lưu và những thể loại thịnh hành trong làng nhạc quốc tế thời bấy giờ.Trong mắt nhạc sĩ kỳ cựu Ennio Morricone, nổi tiếng nhờ sáng tác nhạc phim, Lucio Battisti được xem là một tài năng độc đáo, tinh tế trong cách soạn giai điệu, biết hoán chuyển hợp âm nốt nhạc và khá tỉ mỉ trong lối hòa âm, tạo ra được những khung trời âm nhạc đầy cảm xúc và ấn tượng. Về điểm này, Lucio Battisti được đánh giá cao, có lối tiếp cận giống như các nhà soạn nhạc phim.Lucio Battisti sáng tác nhạc  phẩm "Anh mơ về em" không phải cho chính mình, mà cho nam ca sĩ Bruno Lauzi, người đầu tiên ghi âm ca khúc này trên đĩa nhựa 45 vòng (mặt B) vào mùa hè năm 197O, rồi phát hành trên album cùng tên vào tháng 11 năm 1970. Trong những năm sau đó, giai điệu này đã được nhiều nghệ sĩ khác ghi âm lại. Bản thân Lucio Battisti cũng có một phiên bản riếng với lối diễn đạt khác thường.Trong tiếng Pháp, đây là bản hit thứ nhì của nam danh ca Jean François Michael, từng làm kỷ lục vài năm trước với nhạc phẩm "Adieu Jolie Candy" (Tiễn em nơi phi trường). Lời tiếng Pháp là của tác giả Alain Boublil, trước khi ông thành danh nhờ sáng tác vở nhạc kịch "Les Misérables" (Những người khôn khô). Trong tiếng Anh, "E penso a te" trở thành nhạc phẩm "And i think of you" qua tiếng hát Tanita Tikaram. Con trong lời Việt, nhạc phẩm Mơ về em, từng được nhiều nghệ sĩ ghi âm lại từ Anh Tú, Don Hồ cho đến Bằng Kiều.Trong lối dùng ca từ, lời bài hát nhấn mạnh đến nỗi buồn của nhân vật chính khi nhớ đến người yêu. Cảm xúc nhớ nhung được khuếch đại bởi tính dồn dấp và sự lặp đi lặp lại của 4 chữ (E penso a te) Anh mơ về em. Trong phần điệp khúc cuối cùng, bài hát kết thúc bằng một đoạn nhac diminuendo, trong đó tất cả âm thanh, nhạc cụ dần dần biến mất, chỉ còn lại mỗi giọng ca của người diễn dạt. Âm nhạc ban đầu mạnh mẽ, sau đó trở nên nhẹ nhàng trầm lắng, như thể trong tâm hồn, nhân vật đang chết lịm dần trong những nỗi niềm suy tu. Vắng một người mà cả vũ trụ đìu hiu, chỉ còn dư âm trong thế giới lạc lõng, mình ta chết lịm giữa đất trời mênh mông.

06-22
09:06

Françoise Hardy : Giờ đành vĩnh biệt

Tài năng, tư chất và phong cách, sinh thời, danh ca Françoise Hardy có cả ba ưu điểm này. Trong mắt các ngôi sao nhạc rock như David Bowie hay Mick Jagger, Françoise Hardy là hiện thân của người ''phụ nữ lý tưởng''.  Françoise Hardy  cũng là nghệ sĩ Pháp duy nhất lọt vào danh sách 200 giọng ca hay nhất mọi thời đại, theo tạp chí Rolling Stone năm 2023. Tài năng ấy giờ đây không còn nữa, Françoise Hardy vừa vĩnh biệt cõi đời hôm 11/06/2024, hưởng thọ 80 tuổi. Trong tâm trí của người hâm mộ, Françoise Hardy là một trong những biểu tượng ngời sáng cuối cùng của thập niên 1960. Nhờ ngoại hình hấp dẫn, Françoise Hardy ngay từ khi mới vào nghề, đã thu hút các nhà tạo mốt trứ danh như Paco Rabane, André Courrèges hay Yves Saint-Laurent. Nhờ vậy, Françoise Hardy được đăng quang thành thần tượng của giới trẻ, trong cả hai lãnh vực ca nhạc và thời trang.Trong quyển hồi ký ''L'amour fou'' (Tình yêu điên cuồng) xuất bản vào năm 2012, Françoise Hardy kể lại tuổi thơ đầy khó khăn, cô lớn lên trong một gia đình nghèo, sống cùng với mẹ và em gái trong một căn hộ nhỏ hai phòng ở Paris, quận 9. Thân phụ của cô đã có gia đình, mẹ cô cam chịu thân phận người vợ lẻ, còn cô bé Françoise dù có muốn cũng không có nhiều cơ hội gần gũi với bố. Có lẽ để thoát khỏi khung cảnh ngột ngạt trong gia đình, viết lên trang giấy bao điều chưa nói mà Françoise Hardy đã bắt đầu chấp bút sáng tác rất sớm.Trong nhạc phẩm ''Tous les garcons et les filles'' (Những nụ tình xanh), cô nói lên cảm giác cô đơn quá đỗi, nỗi quạnh vắng tột cùng khi thấy những cặp trai gái, nắm tay nhau dạo phố. Cảm giác trên đời này không biết có ai thực sự thương mình nói lên tâm trạng của Françoise Hardy lúc bấy giờ, do mặc cảm của một đứa con không được nhìn nhận, như thể phải che giấu tội lỗi, mà sau đó cô khao khát suốt đời đi tìm tình yêu tuyệt đối. Chính nỗi buồn rất thật của một thiếu nữ 17 tuổi đã làm thổn thức rung động hàng triệu con tim mới lớn, nhờ giành lấy ngôi vị quán quân thị trường Pháp vào năm 1962, mà Françoise Hardy đương nhiên trở thành một ngôi sao sáng trên vòm trời nhạc Pháp.Theo ghi nhận của nhà nhiếp ảnh Jean-Marie Perrier, người đã thực hiện ''Bức ảnh chụp thế kỷ'' (La photo du Siècle), tập hợp 46 ca sĩ trứ danh những năm 1960, trong số 4 thần tượng nhạc trẻ, Françoise Hardy là gương mặt phái nữ duy nhất biết sáng tác (so với France Gall, Sheila và Sylvie Vartan). Sau khi làn sóng nhạc trẻ thoái trào, Françoise Hardy khai thác sở trường này để trụ vững trong làng nhạc, kết quả là trong hơn nửa thế kỷ sự nghiệp, cô đã ghi âm 80 đĩa nhạc, trong đó có hơn 30 album phòng thu và 15 tuyển tập chọn lọc …..Nhờ tài năng sáng tác ấy, Françoise Hardy giành lấy danh hiệu giọng ca nữ xuất sác nhất nhân kỳ trao giải thưởng âm nhạc Victoires de la Musique của Pháp năm 2005.  Ngoài ra, còn có giải thưởng của hiệp hội các tác giả Pháp Sacem, trao cho album "Clair-obscur", mà Françoise Hardy cho là ưng ý nhất, do album có sự tham gia của hai cha con Jacques và Thomas Dutronc. Quan trọng không kém, giải thưởng âm nhạc Victoires de la Musique dành cho nhạc phẩm "Fais moi une place" đồng sáng tác với nam danh ca Julien Clerc.Trong tâm trí của người Pháp, hình ảnh của Françoise Hardy luôn gắn liền với hai tên tuổi khác là hai cha con nhạc sĩ Jacques Dutronc và Thomas Dutronc. Cuối năm 1965, Françoise Hardy gặp tại phòng ghi âm nam ca sĩ kiêm tác giả Jacques Dutronc, người đã sáng tác cho cô bản nhạc kinh điển ''Le temps de l'amour'' (Mùa tình yêu). Giai điệu này ban đầu là một khúc nhạc hòa tấu không lời mang tựa đề ''Fort Chabrol'' sáng tác cho nhóm Les Fantômes. Đứa con trai của họ Thomas Dutronc ra đời năm 1973 từ mối tình mãnh liệt say đắm này. Hai người thành hôn vào năm 1981, nhưng lại chia tay nhau 6 năm sau đó, họ sống ly thân nhưng lại không làm thủ tục ly hôn. Do vậy về mặt pháp lý, hai nghệ sĩ này vẫn là vợ chồng.Khi ghi âm album cuối cùng vào năm 2018, Françoise Hardy đã chọn tựa đề ''Personne d'autre'' (Không ai nào khác) để nhắn nhủ với Jacques Dutronc, người mà trọn đời cô xem là tình yêu đích thực. Tuy nhiên mối quan hệ phức tạp này cũng khiến cho cô chịu nhiều đau khổ. Françoise Hardy đòi hỏi quá nhiều và luôn cần được trấn an, trong khi Jacques Dutronc lại hơi bất cần đời, khao khát tự do, thoải mái vui chơi. Điều đó giải thích vì sao một trong bản nhạc ưng ý nhất của Françoise Hardy chính là nhạc phẩm ''Il n'y a pas d'amour heureux'' (Không có mối tình nào là hạnh phúc), một sáng tác của Georges Brassens.Trong những năm cuối đời, do chứng bệnh ung thư máu, Françoise Hardy buộc phải xa lánh ánh đèn sân khấu, ít khi nào xuất hiện trước công chúng. Tình trạng sức khỏe sa sút, khiến nữ danh ca lên tiếng đòi quyền  an tử, được chết một cách xứng đáng, thay vì cứ kéo dài nỗi đau. Theo lời của gia đình, sau hơn 10 năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, rốt cuộc Françoise Hardy đã vĩnh viễn ra đi một cách thanh thản.Đối với thành phần thính giả người Việt thích nghe nhạc Pháp, có rất nhiều nhạc phẩm của Françoise Hardy như ''L'Amitié'' (Tình bạn), ''Tous les garcons et les filles'' (Những nụ tình xanh), ''Mon amier la rose'' (Nụ hồng mong manh), ''Comment te dire adieu'' (Sao đành vĩnh biệt), ''Le premier bonheur du jour'' (Hạnh phúc đầu tiên trong ngày) ….. đã trở nên kinh điển từ lúc nào không hay. Thần tượng nhạc Pháp từ giã cõi đời cho người hâm mộ  ngẩn ngơ thương tiếc. ''Mùa tình yêu'' tưởng chừng bất diệt, giờ đành chia tay ngậm ngùivĩnh biệt.

06-15
09:08

Recommend Channels