Tạp chí tiêu điểm

<p>Thời sự quốc tế nổi bật qua lăng kính của RFI</p>

Trump hay Harris: Châu Á vẫn là « rường cột » chính sách đối ngoại của Mỹ

Ngày 05/11/2024, cử tri Mỹ phải phân định ai sẽ là tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ : Ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris hay Donald Trump, ứng viên đảng Cộng Hòa, hiện đang bám gót trong các cuộc thăm dò. Tuy nhiên, bất kể ai là người chiến thắng, Bắc Kinh vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Washington. Và trong cuộc đọ sức « dài hơi » này, Đông Nam Á sẽ giữ một vai trò quan trọng. Nếu như thế giới, đặc biệt là châu Âu, NATO và Ukraina hồi hộp trông đợi kết quả bầu cử, và nhiều nước hy vọng tránh được sự trở lại với sự « xáo động » và tính chất bất định, đánh dấu nhiệm kỳ Donald Trump, thì tại Trung Quốc, giới lãnh đạo dường như đang chuẩn bị tiếp tục đương đầu các tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ, bất kể ai là người thắng cử.Tính liên tục của chính sách đối ngoại MỹBởi vì, tại Washington, có một sự đồng thuận lưỡng đảng, xem Trung Quốc là mối đe dọa cho thế thống trị của Hoa Kỳ và do vậy, cả hai ứng viên, Kamala Harris hay Donald Trump, đều hòa theo xu hướng chống Trung Quốc trong chính giới Mỹ, đã hứa hẹn cứng rắn hơn với Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai trên thế giới và là đối tác thương mại quan trọng của Mỹ.Mục tiêu đặt ra cho cả hai ứng viên, là Hoa Kỳ phải « giành chiến thắng » trong điều mà họ xem như là một cuộc cạnh tranh giữa hai đại cường. Theo nhiều nhà quan sát, tương lai thế giới trong nhiều thập niên sắp tới sẽ do quan hệ Mỹ - Trung, mối quan hệ quốc tế quan trọng nhất, định đoạt.Nicole Gnesotto, phó chủ tịch Viện Jacques Delors, tại hội thảo mang chủ đề « Hoa Kỳ : Lại bị chao đảo ? », trong khuôn khổ Ngày hội Địa Chính Trị Nantes 2024 (27-28/09/2024) do Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS tổ chức, nhận định, tính chất liên tục trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung, là một trong nét đặc trưng của nền ngoại giao Mỹ trong những thập niên gần đây.« Năm 2011, Barack Obama là người đầu tiên nói đến xoay trục sang châu Á, người đầu tiên mang đến một ý nghĩa chiến lược cho mối bận tâm hàng đầu về Trung Quốc của Mỹ. Rồi Donald Trump đã mang đến một sắc thái thương mại cho mối ưu tiên hàng đầu này, điểm khởi đầu cho chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch chống nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc. Tiếp đến, Joe Biden đã biến mối đe dọa này theo chiều hướng công nghệ, với các sắc lệnh được đưa ra năm 2023, cấm các nhà công nghiệp Mỹ chuyển giao hay hợp tác với ngành công nghiệp Trung Quốc trên nhiều hồ sơ nhậy cảm.Nhưng tất cả những đời tổng thống này, bất kể là Obama, Trump hay Biden, còn có thêm chút sắc thái ý thức hệ, nghĩa là, một cuộc đấu tranh lớn giữa một bên là các nền dân chủ và bên kia là các chế độ chuyên chế độc tài. Do vậy, dù là Trump hay Harris có thắng cử đi chăng nữa, nỗi ám ảnh mối đe dọa Trung Quốc vẫn sẽ là một trong các điểm quan trọng, thậm chí là những rường cột cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Đây sẽ là một vấn đề cho châu Âu. »Châu Á – Ưu tiên số một, châu Âu – vùng ngoại viKể từ giờ, Trung Quốc được chính giới Mỹ nhất trí phải đối xử như như là địch thủ, đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ. Những biện pháp chính quyền Trump đưa ra để chống Trung Quốc đã được người kế nhiệm Biden duy trì, từ việc áp thuế nhập khẩu, kiểm soát chuyển giao công nghệ cao, cho đến các biện pháp trừng phạt vi phạm nhân quyền nhắm vào Bắc Kinh.Theo nhiều chuyên gia được AFP trích dẫn, Bắc Kinh không trông đợi một sự đảo hướng nào từ phía Donald Trump lẫn Kamala Harris. Kinh tế gia Adam Slater tại Oxford Economics, trong một ghi chú, cảnh báo rằng, « việc tăng cường chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch sau cuộc bầu cử Mỹ có nguy cơ dẫn đến việc tái cơ cấu lớn nền thương mại toàn cầu. Chính sách thuế quan của Donald Trump có khả năng làm suy giảm trao đổi thương mại Trung – Mỹ đến 70% và có thể gây ra sự biến mất hoặc tái định hướng hàng trăm tỷ đô la trao đổi thương mại. »Nhìn chung châu Á vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu cả trên bình diện thương mại lẫn về mặt chiến lược trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong buổi hội thảo ở Nantes, cựu đại sứ Pháp ở Washington và Tel Aviv, ông Gerard Araud, lưu ý rằng, Hoa Kỳ đang « rón rén » rời khỏi châu Âu và Ukraina là một rào cản, làm Mỹ bị phân tán khỏi điều cốt lõi.« Đối với Hoa Kỳ, điều cốt lõi được tóm gọn trong ba từ : Trung Quốc, Trung Quốc và Trung Quốc. Người Mỹ cho rằng châu Á mới là nơi mang đến tăng trưởng. Khi châu Âu có mức tăng trưởng 2% họ đã hô hào phấn khởi, nhưng khi Trung Quốc đạt 5% thì họ nói rằng Trung Quốc gặp khủng hoảng. Tuy nhiên, đối với nhiều người Mỹ, có một thực tế hiển nhiên là tương lai thế giới sẽ được định đoạt trong quãng không gian nằm giữa New Delhi và Los Angeles. Đối với họ, châu Âu đang dần trở thành một vùng ngoại vi của thế giới. Hoa Kỳ rất thực dụng, cuộc chiến xâm lược Ukraina tuy khiến họ phải bận tâm, nhưng như đã nói, Mỹ không ủng hộ và không sẵn sàng tham chiến tại Ukraina ».Vây hãm và Đối thoạiTrong bối cảnh có sự dịch chuyển kinh tế và địa chính trị sang châu Á, Hoa Kỳ dưới thời Biden đã thiết lập nhiều mối quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược. Cuộc đối đầu trực diện hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc gợi nhắc lại thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, đọ sức giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong những năm 1980, 1990. Hai siêu cường tương lai của thế giới có sẽ xác định một mô hình sống chung ? Hay hai đại cường sẽ lao vào một cuộc chiến đầy rủi ro ?Cựu đại sứ Pháp ở Mỹ Gerard Araud lưu ý rằng trong lĩnh vực địa chính trị, khi phải đối diện với kiểu đối đầu như hiện nay, người ta luôn nói đến hai vế : Ngăn chặn và Đối thoại. Chính quyền Biden cho đến lúc này đã phần nào thành công trong việc kềm hãm khi thiết lập nhiều mối quan hệ đồng minh với nhiều nước trong khu vực như Bộ Tứ - QUAD quy tụ bốn nước Úc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, hay liên minh quân sự AUKUS Anh, Úc, Mỹ,…« Rồi còn có thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Mỹ và Philippines, giữa Mỹ và Việt Nam. Khi tổng thống Mỹ mời đồng nhiệm Hàn Quốc và thủ tướng Nhật Bản đến Camp David, trong nhãn quan Trung Quốc, cử chỉ này có một ý nghĩa to lớn. Nếu nhìn từ Bắc Kinh, quý vị sẽ thấy rõ ở phía đối diện hình thành một chuỗi quan hệ đồng minh và liên minh chống Trung Quốc một cách rõ ràng và rất mạnh mẽ.Trong vụ rắc rối tầu ngầm Úc, với Pháp chỉ là viên đạn lạc, là nạn nhân liên đới. Đối với Mỹ, đây là cách thức để cung cấp cho Úc các phương tiện để có thể tiếp cận bờ biển Trung Quốc bằng tầu ngầm hạt nhân trong khi những loại tầu ngầm cổ điển không thể có được tầm với đó. Rõ ràng là Mỹ đang tìm cách ngăn chặn Trung Quốc. Cho nên thật dễ hiểu vì sao Trung Quốc phải tăng ngân sách quốc phòng ».Cũng theo ông Gerard Araud, vế thứ hai – cuộc « Đối thoại chính trị » chỉ mới bắt đầu. Nền ngoại giao Mỹ vốn dĩ kín tiếng, nhưng các cuộc tiếp xúc bí mật đã được tiến hành giữa Jack Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và người đồng cấp Trung Quốc. Mục tiêu là để hai nước xác định các lằn ranh đỏ nhằm tránh những tính toán sai lầm:« Lằn ranh đỏ lớn, tính toán sai lầm lớn có thể xảy ra là Đài Loan. Đối với Trung Quốc, Đài Loan là lằn ranh đỏ tuyệt đối. Trung Quốc biết rõ là chiến tranh sẽ là một thảm họa, nhưng họ cũng sẽ không để Đài Loan giành độc lập bằng bất cứ giá nào. Nhưng đồng thời họ không nên đánh giá sai lầm quyết tâm của Mỹ. Nhưng tôi có lẽ sẽ kết luận bằng câu trả lời rằng nếu Trump được hỏi "ông nghĩ gì về Đài Loan ?" Câu trả lời duy nhất của ông ấy là "Đài Loan là đối thủ cạnh tranh với ngành công nghiệp Mỹ". Nếu tôi là Bắc Kinh, tôi sẽ nghĩ đèn đỏ đã trở thành đèn mầu cam ! »Đông Nam Á, Biển Đông – Sự đồng thuận của lưỡng đảngĐây cũng chính là điều khiến nhiều lãnh đạo châu Á lo lắng. Với chủ trương « Nước Mỹ trên hết », « Donald Trump nếu tái đắc cử sẽ có một cách tiếp cận địa chính trị thế giới hoàn toàn không nhất quán giữa các khu vực, tùy thuộc vào những lợi ích do chính ông xác định và thường bị nhầm lẫn với lợi ích của các công ty của Trump », theo như nhận định của Marie - Cecile Naves, chuyên gia về Mỹ, giám đốc nghiên cứu tại IRIS.Bầu cử Mỹ diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines gia tăng mạnh mẽ do những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tầm nhìn về quan hệ quốc tế mang tính « giao dịch » của Donald Trump cũng như sự kín kẽ của bà Kamala Harris về chính sách đối ngoại làm dấy lên nhiều nghi vấn về những cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác trong vùng Đông Nam Á, khu vực mà Mỹ cũng rất muốn tranh thủ trong cuộc cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, theo nhận định từ nhiều nhà quan sát.Tuy nhiên, theo Andrew Scobell, chuyên gia về Trung Quốc, Viện Hòa Bình Mỹ,được South China Morning Post trích dẫn, « quan điểm đồng thuận lưỡng đảng ở Washington là Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn nhiều ở Biển Đông và Hoa Kỳ phải chống lại các hành động khiêu khích của Trung Quốc, ủng hộ các đồng minh và đối tác ở vùng biển Đông Nam Á ».Đối với Andreyka Natalegawa, cộng tác viên cho Chương  trình Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc, Đông Nam Á sẽ đóng một vai trò quan trọng. Do vậy, « bất kể ai thắng cử tháng 11 này, chính quyền tiếp theo phải đối mặt với một số ưu tiên rõ ràng trong năm tới: củng cố mối quan hệ với các đồng minh và đối tác quan trọng, quản lý căng thẳng ở Biển Đông và đưa ra kế hoạch kinh tế tích cực cho khu vực. »Nhìn chung, giới quan sát hầu hết có chung một nhận định, sẽ chẳng có nhiều khác biệt trong chính sách đối ngoại giữa Kamala Harris và Donald Trump. Có khác chăng là phương thức thực hiện, giữa « một chính quyền Harris sử dụng con dao mổ » và « một chính quyền Donald Trump dùng búa tạ », như hình ảnh ví von của nhà nghiên cứu Thibault Denamiel, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, Washington với hãng tin Pháp AFP.

10-31
11:18

Bán đảo Triều Tiên: Liên minh quân sự Nga - Triều đe dọa an ninh Hàn Quốc ?

Ngày 23/10/2024, lần đầu tiên, Hoa Kỳ và NATO đưa ra các bằng chứng khẳng định sự hiện diện của « nhiều ngàn » binh sĩ Bắc Triều Tiên tại Nga, có thể đóng một vai trò trong cuộc chiến tại Ukraina. Quyết định của Bình Nhưỡng  gởi quân đến mặt trận Ukraina đã củng cố hơn nữa liên minh quân sự với Matxcơva. Điều này có nguy cơ làm thay đổi cán cân an ninh trên bán đảo Triều Tiên.   Theo Washington, Bình Nhưỡng đã cho di chuyển « ít nhất 3.000 quân đến phía đông nước Nga trong khoảng thời gian đầu tháng 10 đến trung tuần tháng 10/2024 ». Tuyên bố này của Mỹ và NATO xác nhận các cáo buộc của Ukraina và Hàn Quốc vài ngày trước đó, cho rằng Bắc Triều Tiên đã gởi hơn 10 ngàn binh sĩ, trong đó có khoảng 1.500 thành viên lực lượng đặc nhiệm đang được huấn luyện ở miền đông nước Nga để chiến đấu tại Ukraina.Nga – Triều: Mối thâm giao lịch sửTheo nhận định của nhà sử học Pierre Rigoulot, chuyên gia về Bắc Triều Tiên và các chế độ Cộng sản, với kênh truyền hình Pháp LCI (22/10/2024), quyết định gởi hơn một chục ngàn quân đến Nga là điều khả dĩ, hoàn toàn nằm trong lô-gic và khả năng của Bình Nhưỡng: « Quân đội Bắc Triều Tiên có quân số đông thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Và do vậy, Bắc Triều Tiên có thể cung cấp 12 ngàn quân đến chiến đấu bên cạnh quân đội Nga mà không gặp rắc rối gì. »Nhà sử học người Pháp này còn lưu ý thêm tuy Bắc Triều Tiên vẫn có đến 40% dân số trong tình trạng đói kém, theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc FAO, nhưng về mặt chất lượng, các binh sĩ Bắc Triều Tiên được đào tạo rất bài bản. « Bắc Triều Tiên có một hệ thống đào tạo, phục vụ quân đội là 8 năm đối với phụ nữ và 10 năm đối với nam giới. Do vậy, họ không những có quân số đông, mà còn có cả những quân nhân được đào tạo một cách cuồng nhiệt »Đây không phải là lần đầu tiên Bình Nhưỡng gởi quân ra nước ngoài. Trong quá khứ, Bắc Triều Tiên từng gởi các « cố vấn » quân sự đến nhiều nước châu Phi để huấn luyện binh sĩ chiến đấu. Nhìn chung đó chỉ là các chuyên viên đào tạo, hiếm khi tham gia chiến đấu. Riêng một ngoại lệ là Bắc Triều Tiên đã gởi phi công đến hỗ trợ không quân Bắc Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam.Theo nhiều nhà quan sát, quyết định lần này gởi hơn một chục ngàn quân đến hỗ trợ cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga là một điều chưa từng có. Dù vậy, nhà địa lý học Valérie Gelézeau, Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales, tại Paris, trên đài truyền hình Thụy Sĩ RTS trước hết nhắc lại Nga và Bắc Triều Tiên đã có mối thâm giao lịch sử :« Đầu tiên, nếu chúng ta xem xét sự việc trong trung và dài hạn, mối quan hệ này là lâu đời, một phần truyền thống của Bắc Triều Tiên. Liên Xô từng là một nước anh em, góp phần vào việc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa Bắc Triều Tiên thông qua việc hỗ trợ quân sự và chuyên viên. Liên Xô cũng từng là một nền tảng cho mô hình nhà nước Bắc Triều Tiên. Hơn nữa, Liên Xô là quốc gia anh em trao đổi cho mối quan hệ kinh tế trong một thời gian dài cho đến tận những năm đầu thập niên 1990. Điều thứ hai là việc nối lại quan hệ với Nga còn là một phần trong chiến lược rất đặc trưng của Bắc Triều Tiên, trong mối bang giao với hai nước láng giềng bạn bè khổng lồ. Bình Nhưỡng thực hiện chiến lược này rất tốt bằng cách xích lại gần với Matxcơva khi mối quan hệ với Bắc Kinh hơi bị lạnh nhạt hay ngược lại. »Đổi nhân lực lấy kỹ nghệ vũ khíSau gần 32 tháng giao tranh khốc liệt và chưa cho thấy một triển vọng hòa bình, nguy cơ leo thang xung đột giữa Nga và Ukraina gia tăng thêm một nấc vào lúc Nghị Viện Nga ngày 24/10/2024 đã nhất trí phê chuẩn « Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện » đã được ký kết với Bắc Triều Tiên vào ngày 19/06/2024, thúc đẩy thắt chặt liên minh quân sự giữa hai nước.Điều khoản 4 của hiệp ước này dự trù một sự « hỗ trợ quân sự ngay lập tức ». Theo nhà nghiên cứu Hong Min, Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, được AFP trích dẫn, « thỏa thuận thiết lập một cơ cấu trong đó, sự can thiệp hoặc hỗ trợ quân sự từ Nga sẽ tự động được thực hiện nếu Bắc Triều Tiên bị tấn công hoặc nếu nước này gặp khủng hoảng ».Giới chức Hàn Quốc lo rằng, đổi lấy sự hậu thuẫn về nhân lực, Nga có thể sẽ cung cấp cho Bắc Triều Tiên các công nghệ vũ khí tinh vi giúp phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Trên kênh truyền hình LCI, nhà sử học Pierre Rigoulot nhận định đây là những lý do gây lo lắng, « bởi vì chính phủ Bắc Triều Tiên rõ ràng có được một lợi thế về mặt công nghệ. Gần đây, Nga đã cung cấp một số dữ liệu công nghệ trong lĩnh vực hạt nhân liên quan đến kỹ thuật thu nhỏ đầu đạn, rồi trong lĩnh vực tên lửa, cũng như một cách cơ bản trong lĩnh vực lương thực ».AFP ngày 19/10/2024 nhắc lại, về mặt kỹ thuật, hai miền Nam, Bắc Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Cuộc chiến Triều Tiên  (1950-1953) chỉ dẫn đến một hiệp định đình chiến mà chưa có Hiệp ước Hòa bình. Trong khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên tăng tốc xây dựng kho vũ khí hạt nhân, Seoul lại không có vũ khí nguyên tử, và Hàn Quốc vẫn được đặt dưới « ô hạt nhân » của Mỹ.Việc Washington và Seoul thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung quy mô lớn đã khiến Bình Nhưỡng có những phản ứng mạnh mẽ. Bằng cách gởi quân đến Nga, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hy vọng tăng cường hơn nữa năng lực răn đe quân sự và củng cố liên minh với Nga, tạo một thế đối trọng với thỏa thuận quốc phòng giữa Mỹ và Hàn Quốc. Theo ông Hong Min, điều này có nguy cơ dẫn đến một « sự thay đổi đáng kể » cho an ninh bán đảo Triều Tiên.Liên minh Nga – Trung – TriềuTheo trang South China Morning Post (22/10/2024), điều khiến chính quyền Hàn Quốc thực sự quan tâm, đó là liên minh an ninh ngày càng chặt chẽ giữa Nga, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, bên cạnh mối quan hệ đối tác « vô bờ bến » giữa Bắc Kinh và Matxcơva. Ông Jaewoo Choo, giáo sư ngành Trung Quốc học, trường đại học Kyung Hee, cho biết, « cùng với việc tái lập mối quan hệ đồng minh truyền thống trong năm nay giữa Bắc Triều Tiên và Nga, các mối liên kết đồng minh giữa ba nước này đã gián tiếp được kết nối ».Cũng theo giáo sư Choo, sẽ là « bất cẩn » khi cho rằng quan hệ Trung – Triều đang lạnh giá. Trên thực tế, Bắc Kinh do phải tập trung bình ổn quan hệ với Washington vào lúc tăng trưởng kinh tế bị suy yếu, « âm thầm hài lòng về việc Nga, bằng cách vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc chống Bắc Triều Tiên, đã thay thế Trung Quốc hỗ trợ kinh tế cho nước này, bởi một lẽ đơn giản là Bắc Kinh đang bị Washington giám sát chặt chẽ. » Ông Choo cho rằng, quan hệ Trung – Triều rồi sẽ lại được thắt chặt, một khi bầu cử Mỹ kết thúc.Nhưng giới quan sát cũng đánh giá rằng Bắc Kinh – nguồn hậu thuẫn ngoại giao chính và là chiếc phao kinh tế cho Bình Nhưỡng – rất có thể cũng sẽ không hưởng được lợi gì nhiều trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ. Tại Trung Quốc, một số nhà quan sát lo ngại bán đảo Triều Tiên có nguy cơ trở thành một « ngòi nổ nguy hiểm nhất » cho quan hệ Mỹ - Trung.Với kho vũ khí hạt nhân ngày càng lớn của Bình Nhưỡng, nhiều đồn thổi về tình trạng sức khỏe suy yếu của Kim Jong Un và bí ẩn xung quanh tiến trình kế thừa quyền lực, cùng với những thất vọng trong việc không có được sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt, ông Thì Ân Hoằng (Shi Yinhong), giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế trường đại học Nhân dân ở Bắc Kinh e ngại rằng lãnh đạo họ Kim có thể có những quyết định liều lĩnh.Đông Á, mặt trận ủy nhiệm thứ ba sắp tới ?Trước những phát biểu và hành động ngày càng hung hăng, ngạo mạn của Bắc Triều Tiên, hợp tác quân sự Nga – Triều được thắt chặt làm dấy lên nỗi lo, « Đông Á có nguy cơ trở thành chiến trường kế tiếp trong năm sắp tới, sau các cuộc chiến tranh ở Ukraina và Trung Đông. Tôi thật sự lo lắng rằng thế giới bên ngoài không hoàn toàn hiểu được tính chất phức tạp của tình hình, đang trên đà biến thành cuộc đối đầu quan trọng nhất và nguy hiểm nhất từ sau Đệ Nhị Thế Chiến ». Cũng theo ông Thì Ân Hoằng, « cùng với việc tiếp tục cuộc chiến tại Ukraina, Nga rất có thể sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc mở một mặt trận thứ ba tại Đông Á, trong mục tiêu phân tán Mỹ và các đồng minh. »Vị chuyên gia Trung Quốc này tự hỏi « liệu Bắc Triều Tiên có hiểu rằng họ đang là phương sách cuối cùng cho ông Putin? », trước khi đưa ra kết luận « có nhiều rủi ro là vào lúc tình hình ở Trung Đông trở nên không trụ được nữa, ông Putin vào một thời điểm nào đó, có thể quyết định mở một mặt trận mới ở Đông Á bằng cách khuyến khích Kim Jong Un gieo rắc hỗn loạn. Những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay có nguy cơ chuyển thành một cuộc xung đột vũ trang, với việc các đại cường cố gắng lợi dụng căng thẳng liên Triều để tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm » !Đây có lẽ là kịch bản mà Hàn Quốc muốn tránh khi liên tục gióng chuông báo động về sự hiện diện quân sự của Bắc Triều Tiên tại Nga, cho dù đại sứ Nga tại Seoul khẳng định « hợp tác quân sự Nga – Triều không đe dọa an ninh Hàn Quốc » !

10-24
10:05

BRICS : Công cụ đàm phán hay khối thống nhất chống bá quyền phương Tây ?

Từ ngày 22-24/10/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin đón nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ hơn 30 nước đến dự thượng đỉnh nhóm BRICS diễn ra tại Kazan, Nga. Thuyết phục các nước xây dựng một hệ thống thanh toán quốc tế mới nhằm chấm dứt sự thống trị của đồng đô la là một trong những chủ đề trọng tâm của Matxcơva. Nhưng việc mở rộng số thành viên của nhóm có nguy cơ cản trở tham vọng này của Nga vì những lợi ích riêng của từng nước. Ra đời năm 2009 với năm nước thành viên ban đầu là Brazil, Nga (Russia), Ấn Độ (India), Trung Quốc (China) và Nam Phi (South Africa), BRICS đã được mở rộng thành BRICS+ khi tiếp nhận thêm năm thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Ả Rập Xê Út, sau kỳ thượng đỉnh lần thứ 15 diễn ra tại Johannesburg, Nam Phi. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cho đến hiện tại Ả Rập Xê Út vẫn chưa xác nhận có đến dự hội nghị BRICS hay không.Ba đòi hỏi của BRICSPhát biểu trước giới báo chí hôm thứ Năm 10/10/2024, cố vấn ngoại giao của điện Kremlin Iouri Ouchakov cho biết 32 trong số 38 nước được mời sẽ đến dự thượng đỉnh BRICS, trong số này có sự hiện diện của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và 24 nguyên thủ quốc gia như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Iran Massoud Pezeshkian, hay như tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, gần đây chính thức đề nghị xin gia nhập nhóm.Cũng theo ông Ouchakov, « tên BRICS giống với từ "brick" trong tiếng Anh. Và nhóm BRICS đang xây từng viên gạch, một cây cầu hướng đến một trật tự thế giới công bằng hơn », khi nhấn mạnh đến tính chất « đa phương » của nhóm, tập hợp các nước « phương Nam và phương Đông », để làm đối trọng chống thế bá quyền của phương Tây, nhất là Mỹ.Tại hội thảo « BRICS+ : Những nước mới trỗi dậy tấn công thế giới ? » do đài phát thanh Quốc tế Pháp RFI chủ trì, trong khuôn khổ Ngày hội Địa Chính Trị*, diễn ra ngày 28/09/2024, tại Nantes (phía tây nước Pháp), chuyên gia Christophe Ventura, giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), chuyên trách về chương trình Châu Mỹ Latinh, trước hết nhắc lại, chống thế thống trị của phương Tây là một trong số nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự hình thành của nhóm BRICS.« Ban đầu, yêu cầu của họ là đòi cải tổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sao cho các định chế tài chính quốc tế phản ảnh tốt hơn hoặc có tính đến vai trò tiềm tàng của những nước này trong nền kinh tế thế giới. Một đòi hỏi chưa bao giờ hoặc rất ít được IMF quan tâm đến. Đó là động cơ thứ nhất.Điểm thứ hai có liên quan đến Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Đây là một cuộc tranh luận lớn. Một số nước mới trỗi dậy yêu cầu có một vị trí để Hội Đồng này không chỉ đơn giản phản ảnh thế cân bằng được duy trì sau hội nghị Yalta, khi chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến và Chiến tranh Lạnh, mà còn cả thế giới của thế kỷ XXI (…)Điều thứ ba, tuy không hẳn là một yêu sách, nhưng cũng nên đề cập đến, đó là việc nhiều nước trong nhóm này như Trung Quốc, Nga, Iran có chung một điểm là đang phải chịu lệnh trừng phạt bằng cách này hay cách khác từ Mỹ. »BRICS+ và những nỗi lo của phương TâyHội nghị cấp cao BRICS lần thứ 16 tại thành phố ở Kazan diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến xâm lược Ukraina do Nga tiến hành kéo dài hơn hai năm rưỡi qua và Nga đang hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Theo Reuters, sự kiện được Matxcơva thể hiện như là một bằng chứng cho thấy nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga đã thất bại, đồng thời kêu gọi sự hợp tác giữa các nước nhằm cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu, chấm dứt thế thống trị của đồng đô la Mỹ.Một tài liệu do bộ Tài Chính và Ngân hàng Trung ương Nga soạn thảo, phân phát cho các nhà báo trước hội nghị, đề xuất một hệ thống thanh toán mới dựa trên mạng lưới các ngân hàng thương mại được liên kết với nhau thông qua các ngân hàng trung ương của nhóm BRICS. Hệ thống này sẽ sử dụng công nghệ blockchain để lưu trữ và chuyển tiền quy ước kỹ thuật số (digital tokens) được hỗ trợ bởi đồng tiền quốc gia. Ngược lại, điều này sẽ cho phép đồng nội tệ các quốc gia đó được trao đổi dễ dàng và an toàn hơn, bỏ qua nhu cầu giao dịch bằng đô la.Theo chuyên gia về châu Mỹ Latinh, Christophe Ventura tại hội thảo của RFI, đây chính là điều khiến phe phương Tây – mà ông gọi là Cộng đồng lợi ích chiến lược – lấy làm quan ngại.« Rõ ràng phương Tây lo lắng là BRICS – hiện chỉ là một câu lạc bộ không chính thức, một kiểu khuôn khổ ngoại giao – trở thành hạt nhân của một liên minh các nước ương ngạnh, chống lại các lợi ích thực sự của cộng đồng lợi ích chiến lược, bất kể đó là những hồ sơ địa chính trị như cuộc chiến của Israel ở dải Gaza và giờ là tại Liban, hay như vấn đề tiền tệ.Điều mà phương Tây lo ngại với BRICS, là việc đòi xem xét lại nguyên tắc về thế bá quyền của đồng đô la trong hệ thống tài chính – kinh tế quốc tế. Bởi vì, đây chính là điều mà BRICS đang thực hiện, đang chuẩn bị, không hẳn là một đồng tiền chung mà là các hệ thống thanh toán cho phép các nước thành viên có thể tránh sử dụng các giao dịch bằng đô la.Bởi vì có nhiều nước trong nhóm bị tác động bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, sử dụng đồng đô la để trừng phạt họ. Do vậy, họ đang thiết lập các hệ thống thanh toán nằm ngoài hệ thống do Mỹ thống trị và thiết lập một rổ tiền tệ để trao đổi bằng đồng nội tệ và hiện nay là bằng vàng thay cho đô la. Đối với Washington, đây thực sự là một mối đe dọa, không hẳn mang tính sinh tồn, nhưng là một hiểm họa chính trị đe dọa một trong hai trụ cột chính cho thế bá quyền của Mỹ trên thế giới : Đó là đế chế tài chính và quân sự ».Nỗ lực của Nga : Thay thế IMFTài liệu của Nga cáo buộc các định chế tài chính quốc tế hiện nay như IMF chẳng hạn phục vụ các lợi ích của các nước phương Tây, và cho rằng những tổ chức này « phải được cải tổ để phục vụ tốt hơn nền kinh tế toàn cầu đang phát triển ».Bộ trưởng Tài Chính Nga Anton Siluanov, hồi tuần trước, kêu gọi các nước thành viên BRICS hình thành một giải pháp thay thế cho IMF. Trong số các sáng kiến nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, Nga còn đề xuất tạo nền tảng « BRICS Clear » để giải quyết các giao dịch chứng khoán, hay như một phương pháp xếp hạng chung nhưng không đề xuất thành lập cơ quan xếp hạng chung BRICS.Với những sáng kiến này, liệu rằng các nước phương Nam có thể bỏ qua IMF hay không ? Christophe Ventura khẳng định là « Không », do việc nhiều nước trên thế giới vẫn còn nhiều khoản nợ quan trọng với định chế. Theo ông, những gì các nước thành viên nhóm BRICS cũng như là những nước muốn tham gia BRICS, phần lớn là các nước phương Nam, đòi hỏi trước tiên là vấn đề hạn ngạch trong IMF và muốn có một quyền biểu quyết phản ảnh rõ tầm mức kinh tế của đất nước hiện nay, cho phép những nước này có một sự linh hoạt trong các hoạt động vay và trả nợ trên các thị trường tài chính thế giới.Matxcơva xem việc hình thành một cơ chế thanh toán quốc tế mới được cho là cách tốt nhất để giải quyết những khó khăn ngày càng lớn trong các hoạt động thanh toán thương mại, ngay cả với các quốc gia thân thiện như Trung Quốc. Nhiều ngân hàng địa phương của Bắc Kinh lo ngại có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thứ cấp của Hoa Kỳ. Nhưng Nga cũng nhìn nhận rằng việc tạo ra một hệ thống như vậy tuy khả thi nhưng đòi hỏi nhiều thời gian. Việc mở rộng đáng kể số lượng thành viên BRICS hồi cuối năm 2023 sẽ khiến khả năng đạt đồng thuận trong nhóm thêm phần khó khăn.Theo Reuters, dấu hiệu cho thấy Matxcơva sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy thông qua các đề xuất của mình, là hầu hết các thành viên nhóm BRICS chỉ cử các quan chức cấp thấp hơn, chứ không phải là các bộ trưởng tài chính hay thống đốc ngân hàng trung ương đến dự cuộc họp trù bị hồi tuần trước. Đối với nhiều nhà quan sát, điều này còn cho thấy có những hạn chế cố hữu trong lòng nhóm BRICS.BRICS+ : Diễn đàn để đối thoại với phương Tây ?Nhà nghiên cứu Burak Elmalı, Trung tâm Nghiên cứu Thế giới TRT, trụ sở tại Istanbul, trên trang Responsible Statecraft của Mỹ cho rằng, sự phát triển của nhóm dường như đã « chạm ngưỡng ». Càng mở rộng liên minh « các giải pháp thay thế », càng phơi bày những lợi ích khác biệt của các thành viên. Nga và Trung Quốc phản đối mạnh mẽ trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo, nhưng thiếu một loạt các giá trị gắn kết đằng sau lập trường này.Về điểm này, bà Sylvie Bermann, cựu đại sứ Pháp tại Trung Quốc, Anh Quốc và Nga, trong cuộc hội thảo về BRICS của RFI tại Nantes, có lưu ý rằng, « các nước phương Nam tuy phản đối thế thống trị của Mỹ, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là họ sẽ thực sự đấu tranh chống Mỹ », do lập trường đa liên kết của nhiều nước thành viên khác trong nhóm, đi đầu là Ấn Độ, vốn dĩ duy trì một đường lối đối ngoại kết hợp giữa sự linh hoạt ngoại giao và chủ nghĩa cơ hội, theo như nhận định của cựu nhà báo RFI, Olivier Da Lage, hiện cộng tác với Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược, cơ quan tổ chức ngày hội Địa Chính Trị Nantes 2024.Do vậy, theo đánh giá từ chuyên gia về châu Mỹ Latinh, Christophe Ventura, BRICS có nhiều khả năng là một công cụ để các nước phương Nam, các nước mới trỗi dậy đàm phán với các nước phương Tây, để chia sẻ và đa dạng hóa quyền lực trong hệ thống do chính phương Tây lập ra khi có tính đến những lợi ích của những nước này.Cũng theo ông Ventura, tuy Trung Quốc và Nga ngày càng thắt chặt hợp tác trong nhiều lĩnh vực, kể cả quốc phòng để đối phó Mỹ, nhưng Trung Quốc cũng sẽ chẳng được lợi gì khi Hoa Kỳ nhanh chóng bị sụp đổ do cả hai nước phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau trong nhiều vấn đề.« Mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng trong dài hạn khả năng vượt qua Mỹ một cách không thể tránh khỏi và do vậy, BRICS có thể được sử dụng cho mục đích này. Nhưng chúng ta cũng thấy là Ấn Độ có chính sách đa liên kết ; Brazil thì muốn nói chuyện với tất cả mọi người – theo như cách nói của tổng thống Lula, nghĩa là họ thảo luận họ giao dịch, họ có quan điểm chính trị, địa chính trị trên thực tế phù hợp với việc khẳng định các lợi ích quốc gia của mình. Thế nên, tôi nghĩ là đến thời điểm hiện tại, BRICS minh họa cho một thực tế là tất cả các quốc gia thành viên đều ở trong hình thức gọi là "tư duy giao dịch". Nhưng điều đang xảy ra là tất c

10-17
11:19

Xung đột ở Cận Đông : Bước ngoặt quan hệ đồng minh Mỹ - Israel?

Israel dường như ngày càng ít tham vấn Mỹ khi ra các quyết định ở Cận Đông. Dù vậy, tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục hậu thuẫn chính phủ thủ tướng Benjamin Netanyahu. Liệu những cuộc chiến mà Israel đang tiến hành sau ngày 07/10 có làm thay đổi vĩnh viễn những cam kết mà Washington đã có với Nhà nước Do Thái từ gần 80 năm qua hay không ? Trang Responsible Statecraft của Mỹ, trước hết nhắc lại, mối quan hệ Hoa Kỳ - Israel, phần lớn được đánh dấu bằng cam kết nhất quán của Washington đối với an ninh của Israel, bắt đầu từ việc tổng thống Harry S. Truman chính thức công nhận Nhà nước Do Thái năm 1948.Nhưng phải đợi đến sau cuộc chiến Sáu ngày vào tháng Sáu năm 1967, đối đầu giữa Israel với quân đội các nước Ả Rập, Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Lyndon Johnson mới chính thức trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Israel.Ưu thế Chất lượng Quân sựKể từ đó, Washington đã đứng về phía Tel Aviv, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nước Ả Rập trong vùng, các cuộc chiến của Israel chống các nước láng giềng, cuộc chiến triền miên và thường thì tàn khốc của Israel nhằm phủ nhận nguyện vọng quốc gia của người dân Palestine, khi lấy danh nghĩa bảo đảm an ninh cho chính mình.Geoffrey Aronson,Viện Trung Đông, trả lời trang Responsible Statecraft, nhấn mạnh : « Mối quan hệ giữa Mỹ và Israel vẫn dựa trên những thỏa thuận được đúc kết sau cuộc chiến tháng 6/1967, theo đó, Hoa Kỳ cam kết duy trì ưu thế quân sự quy ước cho Israel nhằm đối phó với bất kỳ sự phối hợp nào của các kẻ thù trong khu vực. Đổi lại, Israel cam kết duy trì sự mơ hồ về kho vũ khí hạt nhân của mình – không được công bố và không được triển khai ».Bất kể hoàn cảnh nào, từ chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Israel trong những năm 1960 cho đến việc xây dựng các khu định cư bất hợp pháp trên cao nguyên Golan, ở Cisjordanie (Bờ Tây) và Đông Jerusalem, Mỹ đều đáp ứng bằng cách cung cấp vũ khí và tài chính nhiều hơn cho Israel – hơn 300 tỷ đô la là khoản viện trợ lớn nhất mà Washington cấp cho một nước ngoại quốc duy nhất cho đến nay.Theo một báo cáo của trường đại học Brown, công bố hôm thứ Hai, 07/10/2024, được trang Responsible Statecraft trích dẫn, viện trợ của Mỹ dành cho Israel kể từ sau loạt tấn công khủng bố của phe Hamas, là gần 18 tỷ đô la, mức cao nhất trong một năm.Điều này nhằm bảo đảm cho Israel có một Ưu thế Chất lượng Quân sự (Qualitative Military Edge – QME), đòi hỏi Washington phải duy trì cho Tel Aviv khả năng « đánh bại bất kỳ mối đe dọa quân sự quy ước từ bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào, hoặc khả năng một liên minh các quốc gia hoặc từ các tác nhân phi nhà nước ».Và chính quyền Biden vẫn trung thành với cam kết này nhằm duy trì QME cho Israel – vốn dĩ đã được ghi nhận trong luật pháp Hoa Kỳ - bất chấp những lo ngại chưa từng có về việc Israel có thể « sử dụng sai » vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp. Tổng thống Mỹ đã khẳng định rằng sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel vẫn « vững như bàn thạch ». Ông nhấn mạnh, « đừng hiểu nhầm. Hoa Kỳ toàn tâm, toàn ý ủng hộ Israel ».Geoffroy Aronson lưu ý thêm rằng, « việc Hoa Kỳ triển khai lực lượng – điều chưa từng có – để phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran nhằm vào Israel đã làm suy yếu lập trường lâu nay về cốt lõi hợp tác chiến lược Mỹ – Israel. Theo đó, kho vũ khí quy ước do Washington cung cấp cho Tel Aviv, tức QME, cho phép Nhà nước Do Thái "tự phòng vệ". Những hệ quả từ sự phụ thuộc quan trọng này của Israel vào sự can dự quân sự trực tiếp của Washington còn phải chờ xem ».Israel hay Mỹ – Ai là siêu cường ?Bất chấp sự hào phóng này, các nhà lãnh đạo Israel thường xuyên thách thức các tổng thống và chính sách của Mỹ. Điều này đặt nghi vấn về sự cân bằng trong quan hệ. Tổng thống Bill Clinton từng nói một cách khiếm nhã sau cuộc gặp với thủ tướng đương nhiệm và tại vị lâu nhất của Israel, Benjamin Netanyahu rằng, « Ai là siêu cường ở đây ? » ( Nguyên văn : Who’s the f…. superpower here ?).Trong một năm qua, chính phủ thủ tướng Netanyahu nhiều lần bác bỏ lời kêu gọi của tổng thống Biden về việc tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn ở dải Gaza. Các chiến dịch quân sự của Israel đã làm thiệt mạng hơn 41 ngàn người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, và làm hơn 2,2 triệu người dân (chiếm khoảng hơn 90% dân số) buộc phải di tản do các cuộc oanh kích của Israel chống Hamas.Đến mức, nhật báo Pháp Le Monde, trong bài xã luận ngày 04/10/2024, đã phải thốt lên rằng, « Hoa Kỳ trở thành khán giả ở Cận Đông ». Còn nhật báo thiên hữu Le Figaro thì cho rằng, « Hoa Kỳ đã mất mọi ảnh hưởng đối với các tác nhân trong cuộc xung đột ở Cận Đông ». Một năm sau loạt tấn công khủng bố của phe Hamas, dẫn đến các chiến dịch quân sự trả đũa của Israel, Washington đã bị Tel Aviv – đồng minh chính của Mỹ trong khu vực – giáng vai trò xuống hàng « trợ tá ».Martin Quencez, giám đốc quỹ tư vấn German Marshall, trên đài phát thanh France Culture ngày 07/10/2024, nhìn nhận đây thực sự là một thất bại của Washington. Nhưng việc Tel Aviv có thể lấn lướt, phớt lờ các khuyến nghị của giới lãnh đạo cao cấp Mỹ, thực hiện những điều mà Mỹ không mong muốn còn vì tính chất phức tạp của một số điểm trên bình diện chiến lược.« Chẳng hạn tôi nhớ đến việc Hoa Kỳ cảnh báo Israel về chiến dịch tấn công Rafah, miền nam dải Gaza, hồi tháng 5/2024, hay như việc Mỹ yêu cầu Israel không nên đáp trả cuộc oanh kích của Iran hồi mùa xuân năm nay. Nhưng cuối cùng thì phía Israel và một bộ phận giới chiến lược gia Mỹ đã đồng tình rằng Israel đã có lý khi không nghe theo Mỹ, rằng bằng cách mở chiến dịch quân sự ở Rafah, họ đã có thể phá hủy một số đường hầm và các hoạt động của phe Hamas ; và khi đáp trả cuộc tấn công của Iran ngày 14/4, họ đã có thể giành lại được ưu thế trong vấn đề răn đe đối với Iran.Và vì Mỹ cũng tìm cách hạn chế các quyết định của Israel và vì Israel không nghe Mỹ, chúng ta thấy là Joe Biden thật sự không có một giải pháp nào bởi vì chính bản thân ông và nước Mỹ cũng không đề nghị được một giải pháp thật sự nào khác cho vấn đề an ninh ở Trung Đông. »Lợi ích chiến lược chung ở Cận ĐôngVới việc Israel mở chiến dịch tấn công trên bộ ở miền nam Liban chống Hezbollah và nguy cơ bùng nổ đối đầu Israel – Iran trong khu vực, phải chăng mối quan hệ Mỹ - Israel đã đi đến một bước ngoặt quan trọng ? Nhiều chuyên gia tại Mỹ cho rằng bất chấp việc có những bất đồng đối với các chính sách của Tel Aviv và những phát biểu gay gắt đối với đồng minh, nhưng Mỹ vẫn đang thực sự cho phép Israel leo thang xung đột khi tiếp tục bán vô điều kiện số lượng lớn đạn dược, vũ khí tấn công cho Israel.Theo quan điểm của nhà nghiên cứu địa chính trị Pháp, Martin Quencez, đó là vì Mỹ và Israel vẫn còn chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược ở Trung Đông.« Khi chính quyền Biden xem xét những gì chính phủ Israel đang thực hiện, về hình thức, họ chỉ trích rất nhiều. Nhưng về cơ bản, rõ ràng chúng hoàn toàn phù hợp với ý tưởng về một chính sách làm suy yếu, thậm chí là tiêu diệt phe Hamas, trong mọi trường hợp, đây chính là những gì Benjamin Netanyahu miêu tả.Tương tự, cuộc đối đầu với Hezbollah cũng là điều gì đó minh họa cho ý tưởng này. Những tuần qua, một số chỉ huy của Hezbollah, các nhà lãnh đạo của Hezbollah, đã bị hạ sát. Nhiều chỉ huy của Hezbollah bị Israel giết cũng từng là những chỉ huy được Mỹ treo thưởng, và tìm cách trừ khử từ nhiều năm qua.Các cuộc tấn công chống Hezbollah, trong một chừng mực nào đó, đã gây khó khăn cho chính quyền Biden rõ ràng trên bình diện nhân đạo và chính trị, nhưng ở đây còn có sự hỗ trợ, có thể nói là về mặt chiến lược, bởi vì có một sự phù hợp về lợi ích ở cấp độ này ».Với các chiến dịch quân sự chống Hezbollah và phe Hamas, cánh tay vũ trang nối dài của Iran tại Cận Đông, Israel phần nào đạt được một trong số các mục tiêu chiến lược : Ngăn chặn những nỗ lực của Mỹ nhằm giảm căng thẳng với Iran. Nhưng viễn cảnh một cuộc chiến trực diện với Iran mà Tel Aviv bị nghi ngờ là đang tìm cách mở rộng và lôi kéo Mỹ can dự, lại là một cơn ác mộng cho Washington.Chính quyền Biden có thể hoàn toàn ủng hộ các chiến dịch quân sự của Israel tại Liban, ở dải Gaza, nhằm làm suy yếu các kẻ thù, nhưng đồng thời không muốn để bị vướng vào « mớ chằng chịt » có nguy cơ đẩy Mỹ lao vào cuộc chiến trực diện với Iran. Chiến lược này cũng được Mỹ áp dụng tương tự như với Ukraina, tìm cách ngăn chặn bằng mọi giá một cuộc chiến công khai giữa Mỹ và Nga.Nguy cơ đối đầu Iran – Israel : Hoa Kỳ « đu dây » ?Đương nhiên chính sách này của Biden, giống như dưới thời Obama, phần nào bị các đối thủ diễn giải như là một sự do dự dùng đến vũ lực, và đã làm giảm đi đáng kể khả năng răn đe của Mỹ. Như thủ tướng Israel từng khoe khoang là ông « biết nước Mỹ là gì. Nước Mỹ là thứ mà quý vị có thể di chuyển dễ dàng, di chuyển chúng theo đúng hướng. Họ sẽ không cản đường chúng ta ! », có lẽ vì thế mà ông Netanyahu không ngần ngại vượt qua điều được cho là « những lằn ranh đỏ ».Cũng theo nhà nghiên cứu về địa chính trị và chiến lược tại German Marshall Fund, những gì diễn ra sau đó mới là điều thú vị. Nghĩa là Hoa Kỳ rơi vào trong tình thế, ở đó, sau sự việc, họ đôi khi nhận thấy rằng việc Israel không tôn trọng lằn ranh đỏ là đúng. « Ví dụ như việc Israel đáp trả cuộc không kích đầu tiên của Iran hồi tháng Tư vừa qua. Joe Biden trước đó đã nói với Israel rằng, trong một chừng mực nào đó nên chấp nhận mình đã thắng, "quý vị đã bị dội bom, hệ thống phòng không của chúng ta đã có thể bảo vệ tốt nhất có thể an ninh của Israel. Hãy xem điều đó như là một thắng lợi, đừng nên trả đũa".Nhưng Israel đã đáp trả một cách có chừng mực nhằm vào một số căn cứ của Iran, điều đó cho phép vừa gởi đi một thông điệp đến Iran vừa không gây ra hỗn loạn điên rồ có thể dẫn đến chiến tranh. Và do vậy, Hoa Kỳ buộc phải chấp nhận rằng đòn trả đũa đó đã ít nhiều cũng đáp ứng được những gì mà Washington mong muốn và điều đó phù hợp với một dạng đồng thuận giữa hai nước. »Trước những cân nhắc chiến lược quan trọng này, giới quan sát cho rằng quan hệ Mỹ - Israel thực sự sẽ không có những thay đổi đáng kể nào. Chính quyền Biden và những đời tổng thống tiếp theo vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ toàn diện – ngoại giao, kinh t

10-10
13:01

Chuyển đổi năng lượng: Bảo đảm chuỗi cung ứng, bài toán nan giải cho châu Âu

Chuyển đổi năng lượng, chìa khóa chủ chốt để chống biến đổi khí hậu, phải bắt đầu từ việc phi các-bon hóa các hoạt động của nhân loại, từ giao thông, phương thức sản xuất, hoạt động nhà xưởng, cho đến xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng những hệ thống năng lượng tái tạo sử dụng nhiều thứ kim loại « thiết yếu ». Trong cuộc cạnh tranh gay gắt nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng những nguồn nguyên liệu không thể thiếu này, châu Âu bị « kẹp » giữa hai ông khổng lồ Mỹ và Trung Quốc. Các lãnh chúa vàng đen ngày nay hiểu rất rõ một điều: Thế kỷ XX là của dầu hỏa, nhưng thế kỷ XXI sẽ là của kim loại. Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và số hóa nền kinh tế thế giới đang thúc đẩy nhu cầu về khoáng sản tăng vọt. Những linh kiện dùng để chế tạo các hệ thống năng lượng xanh như bảng năng lượng mặt trời, phong điện, pin cho xe ô tô điệ,n hay máy điện phân hydro, đều cần đến nhiều thứ kim loại như nickel, mangan, cobalt, lithium, than chì, cùng nhiều loại đất hiếm khác.Cơn sốt vàng mới ?Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), được công bố hồi tháng 5/2024, được báo Pháp Le Monde dẫn lại, để đạt được mục tiêu phát thải khí CO2 ròng từ đây đến năm 2050, mức tiêu thụ chất lithium sẽ phải tăng gấp 9 lần từ đây đến năm 2040, than chì gấp 4 lần và cobalt, nickel cùng các loại đất hiếm gấp hai lần.Quá trình chuyển đổi năng lượng này rõ ràng đang đưa xã hội loài người chuyển từ « phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang phụ thuộc vào kim loại », theo nhận định của nhà nghiên cứu Stephanie Riché, phụ trách chương trình kinh tế tuần hoàn vật liệu thuộc Ủy ban Năng lượng Nguyên tử, nhân ngày hội Địa Chính Trị do Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) tổ chức ở Nantes (phía tây nước Pháp) trong hai ngày 27-28/09/2024, mà RFI là một trong số các đối tác.Những tham vọng này đã khiến cuộc cạnh tranh trở nên gay gắt giữa các đại cường nhằm bảo đảm nguồn cung những thứ kim loại chiến lược trên, đồng thời làm thay đổi sâu sắc thế cân bằng quốc tế về thị trường kim loại. Theo dự phóng của IEA, thị trường các loại khoáng sản này hiện có giá trị 325 tỷ đô la, dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040.Nhưng trên thực tế, các khoáng sản này có giá trị cao hơn hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đô la. Các cường quốc phụ thuộc vào những thứ kim loại trên vì an ninh quốc gia, do , chúng được sử dụng để sản xuất các thiết bị quân sự tinh vi, và để phát triển ngành công nghiệp xanh của chính họ.Mỹ - Thị trường Kim loại : Từ thống lĩnh đến phụ thuộc Cũng trong cuộc hội thảo về « Địa chính trị kim loại : Phải chăng cơn sốt vàng mới đang diễn ra ? », mà RFI Tiếng Việt có tham dự, nhà nghiên cứu Virginie Raisson-Victor, chuyên gia về các vấn đề hệ thống và thách thức chuyển đổi năng lượng, nhận định, một trong những yếu tố làm thay đổi thế cân bằng thế giới liên quan đến quặng mỏ, là mức độ tập trung cao nguồn cung các loại khoáng sản trên không chỉ về trữ lượng, khai thác, mà cả trong tinh chế và xuất khẩu.« Để cho thấy quy mô trung bình, người ta ước tính rằng đối với hầu hết các khoáng sản, khoảng 70% sản lượng thế giới được phân bổ giữa 3, 4 hay tối đa là 5 nước, trong đó Trung Quốc gần như hiện diện một cách có hệ thống. Và sự hiện diện khắp nơi này của Trung Quốc rõ ràng không phải là trùng hợp ngẫu nhiên. Bắc Kinh có cả một kế hoạch chiến lược lâu dài do việc tham vọng về tự chủ đã có một kinh nghiệm tồi tệ. Trung Quốc thích nghi kém với quá trình chuyển đổi từ tự chủ năng lượng vào cuối những năm 1980 do sự phụ thuộc của họ vào dầu hỏa. »Trong khi đó, Hoa Kỳ, quốc gia từng thống trị thị trường kim loại trong những năm 1980, đã sẵn sàng để lại ngành công nghiệp gây ô nhiễm và ít lợi nhuận cho Trung Quốc. Kết quả là, theo bà Virginie Raisson-Victor :« Vào cuối những năm 2010, toàn cầu hóa có dấu hiệu trì trệ và cũng vào thời điểm này, nhu cầu khoáng sản bùng phát, người ta nhận thấy Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu rơi vào tình trạng phụ thuộc nhiều vào các nước vẫn tiếp tục phát triển khai thác quặng mỏ, và tất nhiên đi đầu là Trung Quốc, chẳng hạn chỉ riêng nước này tinh chế đến khoảng 60% số kim loại được sử dụng trong pin xe điện.Ngoài sự lệ thuộc chiến lược này, vốn dĩ sẽ đặt châu Âu hay Mỹ, các nước phương Tây vào tình trạng bị cầm cố, người ta thấy rõ là nhu cầu khoáng sản khiến những nước này phải cạnh tranh với nhau. Đây chính là những gì Mỹ đang làm khi đưa ra các biện pháp bảo hộ trong đạo luật giảm lạm phát hồi năm 2022. »   Bàn cờ địa chính trị về kim loại còn thêm phần nóng bỏng khi những nguồn dự trữ khoáng sản thiết yếu tập trung chủ yếu tại những nước mà ngày nay người ta gọi là phương Nam Toàn cầu, và đặc biệt là tại các nước trong nhóm BRICS, quy tụ năm nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, và sắp tới là có thêm Ả Rập Xê Út. Ngoài việc thống lĩnh thị trường dầu hỏa, nước này gần đây có thêm tham vọng trở thành cường quốc khoáng sản, do có những trữ lượng dồi dào về đồng, mangan, lithium, đất hiếm và nickel.Trung Quốc và chiến lược 25 nămTrong toàn cảnh này, đâu là những chiến lược của Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng ? Trả lời cho câu hỏi này, bà Virginie Raisson-Victor trước hết lưu ý, Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu không xuất phát từ cùng một vạch.Trung Quốc ngày nay có thể bỏ xa các đối thủ là nhờ có được một kế hoạch chiến lược dài hạn trong 25 năm. Ngay từ những năm 1980, Bắc Kinh đã từng tuyên bố, « Trung Đông có dầu lửa, Trung Quốc có đất hiếm ». Chiến lược này được Trung Quốc thực hiện theo bốn bước : Tự cung tự cấp, Mua hay tham gia các dự án khai thác quặng mỏ khắp nơi trên thế giới (chủ yếu ở châu Phi), Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và sau cùng Thúc đẩy dự án Con đường Tơ lụa Mới năm 2013, cho phép nhập khẩu và xuất khẩu các yếu tố cần thiết cho ngành công nghiệp Trung Quốc.Trong vòng 25 năm, Bắc Kinh đã khẳng định thế thống trị trên trường quốc tế, buộc các đối tác châu Âu thực hiện chuyển đổi năng lượng theo nhịp độ và tầm nhìn địa chính trị của Trung Quốc và nhất là tạo một thế mạnh cho Bắc Kinh trong mối quan hệ với Washington. Khi chính quyền Biden cấm xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều loại linh kiện bán dẫn rất tinh vi, Bắc Kinh đã không ngần ngại đáp trả bằng cách giảm xuất khẩu germanium, gallium và than chì sang Mỹ.Cũng chính trong bối cảnh căng thẳng quan hệ với Trung Quốc mà Hoa Kỳ vạch ra hai trục chiến lược chính : Thứ nhất là tái khởi động ngành khai thác quặng mỏ trong nước để thúc đẩy sản xuất nội địa. Đạo luật về sản xuất quốc phòng cho phép tăng cường tài trợ khai thác, chế biến và tái chế các kim loại chiến lược cho Mỹ. Trục chính thứ hai là mở rộng đối tác Friendshoring mà Mỹ ký kết với các nước thành viên trong nhóm G7, tạo thuận lợi cho việc di dời nhà xưởng về các nước bằng hữu và tăng cường hợp tác đối tác về khai thác, chế biến, và tái chế kim loại.Châu Âu giữa hai gọng kềm Mỹ - TrungTrong bối cảnh này, châu Âu nằm kẹp giữa hai ông khổng lồ, rơi vào thế lúng túng, vì không muốn bị giam hãm trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung. Một mặt, châu Âu đang chịu nhiều áp lực từ hai phía, nhưng mặt khác châu Âu vẫn muốn bám chặt vào chủ trương « tự do mậu dịch », có thể nói là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng khối 27 nước thành viên.Do vậy, theo nhận định của nhà nghiên cứu Virginie Raisson-Victor, châu Âu khó có thể có cùng kiểu chiến lược như Mỹ hay Trung Quốc. Điểm hạn chế của châu Âu còn nằm ở việc thiếu hợp tác giữa các nước thành viên, và điều này cản trở khả năng xây dựng các nền công nghiệp khoáng sản, cũng như là tạo thế mạnh cho « ngoại giao khoáng sản ».Đây là điều mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây nỗ lực thực hiện khi thăm các nước Mông Cổ, Kazakhstan hay Chilê để đàm phán một thỏa thuận sản xuất và bán nguyên liệu. Tuy nhiên, theo nhà báo Guillaume Pitron, chuyên gia về nguyên nhiên liệu thiết yếu, chính sách « ngoại giao quặng mỏ » cũng có những hạn chế. Các nước sản xuất – khai thác kim loại giờ muốn trở thành một kiểu quốc gia mà tuần báo Anh The Economist gọi là Electro States:« Các nước sản xuất khoáng sản ngày nay hay những nước đang trên đà trở thành các nước sản xuất lớn, hoàn toàn nhận thức được rằng, nếu muốn trở thành nhà sản xuất lớn hoặc giành chiến thắng quá trình chuyển đổi năng lượng, họ không chỉ khai thác kim loại và nghiền đá mà còn phải sản xuất các công nghệ chế biến, mang lại cho những viên đá các giá trị gia tăng và sau cùng là bán ô tô điện. Và ngày nay, nước thực hiện thành công nhất trong chiến lược dài hạn 25 năm chính là Trung Quốc. »Khó khăn thứ hai, theo bà Virginie Raisson-Victor là nguồn dự trữ tài nguyên của châu Âu phân bổ không đồng đều. Việc tái khởi động khai thác mỏ rất tốn kém, cần nhiều khoảng đầu tư lớn trong dài hạn. Kế hoạch này đòi hỏi một chiến lược công nghiệp thực sự phải đi từ khai thác, chế biến cho đến có được thành phẩm sau cùng, theo như phân tích của nhà báo Guillaume Pitron tại ngày hội Địa Chính Trị Nantes 2024:« Trước hết, phải mất nhiều thời gian hơn để mở một quặng mỏ, trung bình là 16 năm rưỡi, theo số liệu của IEA. Thứ hai, phải tạo ra một chuỗi giá trị, vì vậy phải đưa ra một chiến lược công nghiệp mà tôi sẽ phải mất 25 năm mới có thể đi thẳng đến việc sản xuất pin ô tô điện. Đây là quãng thời gian Trung Quốc đã mất để làm được điều này. Điều đó cũng có nghĩa là phải có nguồn nhân lực, đường sá, bến cảng, nhà máy điện để chế biến kim loại cho quá trình chuyển đổi năng lượng, có nghĩa là phải có một nhà nước ổn định, có thể không dân chủ, nhưng có sự ổn định để trấn an các nhà đầu tư, tuy có chút tham nhũng. »Dù vậy, Châu Âu cũng nỗ lực đưa ra vài sáng kiến để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu : Kế hoạch hành động về nguyên nhiên liệu nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phát triển khả năng khai thác mỏ và phát triển công nghệ tái chế, hình thành Liên minh châu Âu về nguyên nhiên liệu trong nỗ lực phối hợp các tác nhân nhà nước và tư nhân tạo thuận lợi cho việc khai thác quặng mỏ trên lục địa cũng như là khuyến khích phát triển quan hệ đối tác với các nước nằm ngoài khối Liên Âu.Cuối cùng là đầu tư trong ngành công nghiệp tái chế. Tuy nhiên, một lần nữa, trong lĩnh vực này, châu Âu và Mỹ lại bị Trung Quốc c

10-03
12:05

Không gian: Từ « thành trì răn đe » đến « mặt trận tác chiến » chiến lược

Liệu vòng tròn vệ tinh yên bình quanh Trái Đất chúng ta có sắp biến thành một bãi chiến trường ? Căng thẳng đã gia tăng một nấc khi Mỹ nghi ngờ Nga cho triển khai vũ khí chống vệ tinh chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi các cuộc thương lượng nhằm xác định các quy tắc đang rơi vào ngõ cụt. Cuộc đua vũ trang không gian đã khởi động, nhưng khó biết được ai đang làm gì và với ý đồ gì. Hiện trạngNgày 21/05/2024, Lầu Năm Góc cáo buộc Matxcơva hôm 16/5 đã phóng một loại vũ khí không gian và triển khai trên cùng quỹ đạo một vệ tinh của chính phủ Mỹ. Nếu như phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov từ chối bình luận  thông tin trên, thì phía Nga cũng tố cáo Mỹ tìm cách bố trí vũ khí trên không gian sau khi Washington bác bỏ một nghị quyết về vấn đề này do Matxcơva đề xuất tại Hội Đồng Bảo An một ngày trước đó.Chuyên gia Alain de Neve tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng, trực thuộc bộ Quốc Phòng Bỉ, trả lời tạp chí Tạp chí khoa học Epsil∞n (số ra tháng 10/2024) nhắc lại « Trung Quốc hồi đầu năm 2023 đã phóng một vệ tinh, và từ chính vệ tinh này, một vật thể không xác định lại được phóng tiếp, tiến đến gần một vệ tinh quân sự của Mỹ. Những cỗ máy này, khi chơi trò búp bê Nga và có những hành vi không bình thường, rõ ràng khiến người ta nghĩ đến những cuộc thử nghiệm vũ khí diệt vệ tinh. » Theo đánh giá của bà Victoria Samson, giám đốc nghiên cứu về an ninh và bình ổn không gian, Quỹ An ninh Thế giới (Secure World Foundation – SWF) với tạp chí Epsil∞n, hiện có 12 nước là có những năng lực quân sự tương tự, tăng gấp đôi so với cách nay sáu năm, trong số này có Pháp, Úc, Iran, Bắc Triều Tiên, Israel… Thế giới đã từng chứng kiến bốn nước Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ cho nổ tung các vệ tinh của mình bằng tên lửa phóng đi từ Trái Đất.Một hành động biểu dương sức mạnh nhằm phô diễn thế mạnh công nghệ, nhưng theo đánh giá của nhiều nhà quan sát, đó lại là « một con dao hai lưỡi ». Không những cú nện « búa tạ » này gây ra nhiều thiệt hại to lớn khi phát tán nhiều mảnh vỡ, có nguy cơ mang đến nhiều phiền toái cho tất cả các nước, kể cả bên tấn công, mà còn cho phép xác định thủ phạm.Hồi kết của một thành trìGiải thích với đài France Culture (15/06/2024) trong chương trình mang tên Affaires Etrangères, nữ đại úy Béatrice Hainaut, chuyên gia Viện Nghiên cứu Chiến lược, trường Quân sự Pháp, cho rằng điều ưu tiên hiện nay là tấn công mạng hay tấn công điện từ như gây nhiễu, làm nhiễu tín hiệu GPS từ mặt đất… những phương thức hành động kín đáo hơn, có thể làm gián đoạn tạm thời hệ thống liên lạc của đối phương mà không lo bị quy trách nhiệm. Cuộc chiến tại Ukraina là một minh chứng điển hình nhất.« Đây là những gì chúng ta đã thấy ngay trước cuộc xâm lược trên bộ của Nga tại Ukraina. Mạng viễn thông vệ tinh thương mại Ka-sat Viasat mà quân đội Ukraina sử dụng đã bị tấn công nhằm cắt đứt các đường liên lạc. Người ta nghĩ rằng khi liên lạc trên mặt đất thông qua không gian bị gián đoạn, cuộc xâm lược trên bộ sẽ đơn giản hơn. Do vậy, họ đã chuyển qua tấn công mạng khiến tất cả những thiết bị đầu cuối nào sử dụng mạng lưới vệ tinh này không hoạt động được. Điều này chẳng tác động gì đến bản thân vệ tinh nhưng ảnh hưởng đến tất cả những thiết bị đầu cuối của người dùng. »Không gian về bản chất là được kết nối với nhau, khiến chúng có độ nhạy cao với mạng, mà 80% hoạt động của chúng là dành cho quân sự. Xung đột tại Ukraina đã cho thấy, lần đầu tiên, một hoạt động không gian là mục tiêu tấn công ưu tiên trong một cuộc xung đột.Sự việc báo hiệu chấm dứt một thế nguyên trạng có hiệu lực từ thời Chiến Tranh Lạnh. Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, không gian được dùng để dọ thám lẫn nhau và các vệ tinh có vai trò như là một dạng « bảo hiểm nhân thọ », một dạng « thành trì » răn đe hạt nhân, theo nhận định của chuyên gia về không gian Xavier Pasco, giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), trên làn sóng France Culture:« Quả thật, trong giai đoạn đầu tiên đó, bản thân không gian đã được sử dụng như là một cách thức bảo đảm thế cân bằng chiến lược và do vậy bản thân không gian đã được bảo vệ phần nào. Đương nhiên cũng có những cuộc thử nghiệm vũ khí, nhưng chúng chưa dẫn đến một cuộc chạy đua mà tôi có thể nói là trang bị vũ khí giống như những gì đã diễn ra trên Trái Đất với các loại tên lửa. Những gì chúng ta đang chứng kiến ngày nay là sự thay đổi thế cân bằng này. Không gian có thể sẽ bị sử dụng nhiều hơn cho các chiến dịch quân sự và có nguy cơ trở thành một mục tiêu, trong mọi trường hợp là các hệ thống không gian. »  Cuộc đua vũ trangDiện mạo thế giới thay đổi. Lực lượng Không gian Mỹ (US Space Force) năm 2024 lần đầu tiên có mức ngân sách cao hơn của NASA : 29 tỷ euro so với 24 tỷ. Trung Quốc cũng dành khoảng từ 15-20 tỷ cho không gian, trong khi Nga có mức ngân sách khiêm tốn hơn chỉ tầm 5 tỷ.Theo quan sát của tướng Michel Friedling, chỉ huy đầu tiên của lực lượng không gian Pháp, tiến trình quân sự hóa không gian trên thực tế đã được thúc đẩy từ những năm 2010, khi Nga cho mở lại chương trình phát triển vũ khí phá vệ tinh, cùng thời điểm nước này thành một lập lực lượng không gian, và điều ngạc nhiên nhất là cùng lúc đó Trung Quốc cũng ra cho ra đời bộ chỉ huy bao trùm cả không gian, mạng và tình báo.Trên làn sóng France Culture, tướng Michel Friedling giải thích tiếp :« Người ta dần phát triển những thứ đã tồn tại trước đây chính vì Liên Xô đã làm chủ hoàn toàn các loại vũ khí chống vệ tinh trên quỹ đạo trong những năm 1970. Theo quyết định của Khrouchtchev, họ đã triển khai một chương trình có tên gọi là Istrebitel Spoutnikov, nghĩa đen là "sát thủ vệ tinh", nhưng chương trình này đã bị rút vào đầu những năm 1990 sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Đến cuối những năm 2010, Nga cho phát triển trở lại bí quyết này để có được những màn biểu dương đáng lo ngại trên quỹ đạo thấp cũng như là trên quỹ đạo địa tĩnh ».Lãnh đạo lực lượng không gian Mỹ tại Space Symposium 2024 khẳng định « thắng lợi trên chiến trường phụ thuộc vào thành công trên không gian ». Quan điểm này phần nào đã được chứng minh qua cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1990, một bước ngoặt lớn theo như đánh giá từ chuyên gia Xavier Pasco, cho thấy rõ tầm quan trọng chiến lược của không gian trong một cuộc xung đột, cũng những rủi ro bị biến thành mục tiêu tấn công:« Trong suốt chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, người ta chợt nhận ra rằng việc sở hữu các vệ tinh có khả năng đếm tên lửa trong các hầm chứa, hay nhìn thấy những thứ rất chính xác chẳng giúp ích gì nhiều khi nói đến việc theo dõi một chiếc xe pick-up chẳng hạn. Do vậy, Mỹ đã đầu tư rất mạnh mẽ vào thời điểm này ở khía cạnh chiến lược không gian theo một chiều hướng mang tính tác chiến hơn, ý tôi muốn nói là quân sự, có liên quan nhiều hơn đến chiến trường. »Không gian: Mục tiêu tấn côngTrong cuộc chiến Vùng Vịnh, ưu thế chiến trường đã được bảo đảm bằng cách dựa vào các phương tiện không gian, vốn dĩ đã trở nên thiết yếu, cùng với drone nổi tiếng Predator chẳng hạn. Ông Paul Wohrer, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), nhận định với Epsil∞n rằng « không gian đã ngấm ngầm dịch chuyển đến gần chiến trường. Nếu người ta sử dụng vệ tinh để hướng dẫn bom, thì việc xem chúng như là những mục tiêu tấn công chẳng phải không hợp lý ? »Chiến tranh Ukraina từ hơn hai năm rưỡi qua cũng đã cho thấy rõ tính chất « hỗn hợp » của một cuộc chiến tranh đương đại, vai trò của drone và các chiến dịch tấn công mạng. Cuộc chiến này cũng làm nổi rõ vai trò của các vệ tinh thương mại trong các cuộc xung đột mà điển hình là vai trò của mạng internet Starlink của nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk đối với các chiến dịch quân sự của Ukraina.Tướng Michel Friedling, trong chương trình của France Culture, nhắc lại : « Về vấn đề này, Nga đã có những cảnh cáo rất rõ ràng. Ngay sau khi các dịch vụ của Starlink được cung cấp, mạng này là đối tượng bị gây nhiễu hồi tháng 3/2022. Rồi đến tháng 10/2022 và tháng 02/2023, một quan chức cao cấp ở bộ Quốc Phòng Nga công khai cảnh báo rằng tất cả các vệ tinh dân sự mà Ukraina sử dụng để chống cuộc chiến xâm lược của Nga, đặc biệt là mạng Starlink, có thể được xem như là những mục tiêu chính đáng đối với Nga. »Trong cuộc đua không gian này, học thuyết nổi trội ở các đại cường là chứng tỏ năng lực đáp trả khi bị tấn công. Điều này dẫn đến một cuộc đua vũ trang không gian. Nhiều ý tưởng thời Chiến tranh lạnh có thể thành hiện thực nhờ vào những tiến bộ kỹ thuật – công nghệ như tia laser theo kiểu Star Wars ! Theo tình báo Mỹ, Trung Quốc sở hữu nhiều đại bác laser có khả năng làm "mù", thậm chí phá hủy các vệ tinh. Nước Pháp hồi năm 2023, trong luật về Kế hoạch Quân sự 2024-2030, thông báo năng lực laser sẽ được triển khai từ Mặt đất và trên quỹ đạo từ đây đến cuối thập niên này.Nga thử nghiệm hạt nhân trên không gian ?Trở lại với cáo buộc của Mỹ về khả năng Nga triển khai vũ khí phá vệ tinh bằng năng lượng hạt nhân, tướng Michel Friedling giải thích vì sao ông không tin vào khả năng Nga đưa vũ khí hạt nhân lên không gian :« Vậy vũ khí hạt nhân trong không gian sẽ tạo ra điều gì ? Chúng sẽ tạo ra một xung điện từ rất mạnh, mà sẽ không gây ra hậu quả tiên nghiệm nào trên Trái đất nếu nó được sử dụng ở đủ độ cao, nhưng mặt khác sẽ phá hủy mạch điện của tất cả các vệ tinh nằm trong tầm bắn của loại vũ khí này.Vì vậy, nhược điểm lớn của loại vũ khí như vậy là chúng sẽ vô hiệu hóa tất cả các vệ tinh ở gần đó mà không có sự phân biệt. Vì vậy, nếu Nga sử dụng loại vũ khí này, chúng sẽ phá hủy các vệ tinh của họ cũng như các vệ tinh của Trung Quốc, Mỹ, Pháp, tất cả mọi thứ xung quanh đó. Đây là điều mà Mỹ đã từng thử nghiệm cách đây vài năm và đã bị dừng lại. Mỹ đã thực hiện một cuộc thử nghiệm vào năm 1962 với vũ khí có sức mạnh đến 1,4 megaton, có tầm bắn đáng kể ở khoảng cách 400 km, và họ nhanh chóng nhận ra thiệt hại liên đới mà chúng có thể gây ra, nên họ đã dừng chương trình này. »Nhưng giới quan sát cũng cảnh báo, việc nở rộ các dịch vụ vệ tinh sửa chữa hay cung cấp nhiên liệu cũng là những công cụ phá hoại tiềm tàng. Jean-Marc Laurent, cựu tướng không quân Pháp, lưu ý « tất cả các hoạt động hậu cần có l

09-26
12:18

Nga hợp tác quân sự với Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên, nhưng với giá nào ?

Quan hệ đối tác quân sự với Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên đã giúp Nga giảm nhẹ được áp lực từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đồng thời duy trì được cường độ các cuộc tấn công đánh chiếm Ukraina, và góp phần cho nhiều thắng lợi của Nga trên chiến trường. Nhưng cả ba nước này cũng đã tận dụng sự phát triển các động lực chính trị, kinh tế, và quân sự của Nga để giành lợi thế và những nhượng bộ từ Matxcơva. Quyết định của tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc chiến xâm lược Ukraina đã đưa Nga vào một cuộc chiến tiêu hao lâu dài, đòi hỏi ngành công nghiệp quốc phòng phải sản xuất và cung cấp liên tục thiết bị quân sự cho chiến trường. Nhưng các đòn trừng phạt của phương Tây đã gây nhiều khó khăn lớn cho khả năng tự cung tự cấp, buộc Nga phải trông cậy vào sự hỗ trợ quân sự từ các đối thủ của Mỹ là Trung Quốc, Iran, và Bắc Triều Tiên.Đổi công nghệ lấy viện trợ vũ khíCả ba nước này hậu thuẫn cho các nỗ lực chiến tranh của điện Kremlin ở những mức độ khác nhau và với các mục tiêu địa chính trị rất khác biệt. Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà phân tích địa chính trị về Nga, Igor Delanoe, phó giám đốc Đài Quan sát Pháp – Nga, trước hết lưu ý rằng sự hỗ trợ mà mỗi nước đối tác dành cho Nga có bản chất không giống nhau.Igor Delanoe : Theo như những gì chúng tôi biết, Trung Quốc chưa hề cung cấp thiết bị quân sự sát thương mà thay vào đó là những thiết bị lưỡng dụng như linh kiện bán dẫn hay các bộ vi xử lý, drone bốn cánh quạt – những loại drone nhỏ này trên thực tế có thể được dùng để gắn chất nổ chẳng hạn (…)Còn đối với Bắc Triều Tiên, người ta nói nhiều về việc cung cấp đạn pháo, bởi vì kho đạn nước này dường như rất dồi dào. Dĩ nhiên, nếu xét về lịch sử quan hệ giữa hai nước, Bắc Triều Tiên và quân đội Bắc Triều Tiên sử dụng trang thiết bị do Liên Xô cũ sản xuất. Và do vậy, có một sự tương thích khá thú vị về hệ thống vũ khí, đạn dược giữa hai nước (…)Về phía Iran, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm khá thú vị, bởi vì nước này đã nhanh chóng giúp đỡ Nga qua việc cung cấp drone, kể cả drone trinh sát và các loại đạn dược. Ngoài ra, còn có cả một cơ sở sản xuất những loại drone này trên lãnh thổ Nga. Thậm chí gần đây nhất đã có tin đồn nói về việc cung cấp tên lửa đạn đạo. Thông tin này đã xuất hiện từ vài tháng trước, nhưng chưa bao giờ thực sự được xác minh trên địa bàn. Tuy nhiên, hồi tuần rồi, cách nay vài ngày, nhiều lãnh đạo Mỹ, đặc biệt là ngoại trưởng Anthony Blinken, có nói rõ rằng Iran đã chuyển giao 200 tên lửa đạn đạo cho Nga.Đương nhiên, Iran chính thức phủ nhận vì hơn nữa, cả bộ Ngoại Giao và tân tổng thống đã khẳng định rằng chẳng có chuyện như thế xảy ra. Do vậy, chúng ta sẽ phải quan sát những gì đang diễn ra trên chiến trường Ukraina để xem liệu những khẳng định trên có chính xác hay không.   Tuy những thiết bị này nhìn chung có chất lượng thấp hơn so với các sản phẩm tương đương của phương Tây, nhưng chúng vẫn cho phép Lực lượng Vũ trang Nga (FAR) được cung cấp tương đối đầy đủ. Nếu như ba nguồn cung này đã có thể giúp Nga duy trì cuộc chiến với một cường độ lớn chưa từng có, thì cả ba đối tác của Nga cũng hưởng được lợi từ kinh tế, chính trị cho đến quân sự trong việc hợp tác quân sự với Nga.Tổng thống Vladimir Putin dường như phải chịu một số nhượng bộ, chấp nhận chia sẻ nhiều kỹ thuật, công nghệ quân sự tùy theo nhu cầu của mỗi đối tác – những « bí quyết » quân sự cho đến trước khi có cuộc xung đột tại Ukraina, Nga chưa bao giờ sẵn sàng cung cấp. Chuyên gia về Nga, Igor Delanoe, giải thích tiếp với RFI Tiếng Việt :Igor Delanoe : Đối với Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy khối lượng trao đổi thương mại giữa Nga và Trung Quốc, theo đúng nghĩa đen, đã tăng vọt trong năm 2023. Trao đổi mậu dịch giữa hai nước đã đạt gần 240 tỷ đô la, một con số thực sự to lớn (…)Rồi Nga đã giúp thúc đẩy chương trình không gian của Bình Nhưỡng, bởi vì không lâu sau chuyến thăm Bắc Triều Tiên của ông Vladimir Putin, Bình Nhưỡng đã phóng một vệ tinh từ sân bay vũ trụ của họ, một vệ tinh quân sự, vệ tinh quan sát, hay đúng hơn là vệ tinh « gián điệp ». Ở đây, chúng ta có thể tin là có nhiều khả năng Nga đã giúp Bắc Triều Tiên (…)Vì đây là cái giá mà Nga phải trả nên có lẽ còn thú vị hơn, khi Iran trông đợi rất nhiều từ Nga. Họ đang chờ đợi Nga chuyển giao chiến đấu cơ Su-35 và các hệ thống phòng không như S-400, cũng như các loại trực thăng tấn công. Vẫn còn khá nhiều thứ Iran đang chờ đợi và ngoài ra còn có một bối cảnh song phương khá thú vị vào lúc hai nước đang trong quá trình triển hạn thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mà trên thực tế, đây là một thỏa thuận hợp tác chiến lược cho 20 năm. Thỏa thuận này rất có thể sẽ được hoàn tất trong những ngày hay những tuần sắp tới.Thế bất cân xứngViệc phải phụ thuộc một phần vào viện trợ quân sự từ Trung Quốc, Iran, và Bắc Triều Tiên ít nhiều cũng đã làm biến đổi bản chất mối quan hệ giữa Nga với ba nước này. Vị thế thống trị của Nga trong mối quan hệ song phương bị suy giảm theo những cách khác nhau với từng đối tác. Igor Delanoe : Ở đây cần phải xem xét từng nước. Nhưng nếu chúng ta lấy Iran làm ví dụ, thì cho đến khi chiến tranh bùng nổ và trước những tiến triển mà tôi đã đề cập ở trên, trước đây rõ ràng có một sự bất cân xứng rất mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa Nga và Iran, nhìn chung Nga luôn chiếm thế thượng phong vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra từ tháng 2/2022 và cuộc chiến tại Ukraina, và sự hỗ trợ này, dù Iran luôn phủ nhận, mối quan hệ giữa Nga và Iran đang được tái cân bằng, và sự bất xứng như nói ở trên không tồn tại theo cách tương tự. Với Trung Quốc, mối quan hệ bất cân xứng ngày càng bị đào sâu. Một mặt, trong trao đổi thương mại giữa hai nước, lợi thế vẫn luôn nghiêng về phía Trung Quốc. Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc chỉ chiếm từ 4-5%, trong khi chiều ngược lại, con số này lên đến gần 40%. Cũng theo phân tích của ông Igor Delanoe, Trung Quốc giờ cũng không còn phụ thuộc nhiều vào công nghệ của Nga như trong những năm 1990 – 2000.Igor Delanoe : Họ đã tiếp thu được rất nhiều công nghệ và bí quyết của Nga. Đương nhiên, vẫn còn nhiều phân khúc, nhiều lĩnh vực mà Matxcơva vẫn là một đối tác quan trọng của Bắc Kinh, chẳng hạn như động cơ cho máy bay chiến đấu. Rồi còn có những lĩnh vực mà Nga vẫn chiếm ưu thế như các công nghệ có liên quan đến ra-đa phát hiện sớm cho hệ thống tên lửa đạn đạo. Trong những lĩnh vực này, Nga vẫn đi trước Trung Quốc một bước.Câu hỏi đặt ra là liệu Nga có sẵn sàng chia sẻ với Trung Quốc loại công nghệ này hay không ? Ông Putin cách nay hai năm từng đề cập đến điều này khi giải thích rằng Nga và Trung Quốc có thể hợp tác xây dựng một hệ thống chung, hay chia sẻ mọi thứ. Kể từ đó, chúng tôi chưa thấy có gì mới cả.Việc Nga mở rộng hợp tác quân sự với Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên sẽ tác động ra sao đến các cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraina và Gaza ? Theo nhận định của ông Igor Delanoe với RFI Tiếng Việt, điều này phụ thuộc một phần vào lập trường các nước phương Tây sẽ đưa ra liên quan đến việc cung cấp vũ khí mới hay cho phép Ukraina sử dụng các thiết bị đã được chuyển giao để tấn công các vị trí nhạy cảm nằm sâu trên lãnh thổ Nga.Igor Delanoe : Nói cách khác, nếu Mỹ cho phép Ukraina oanh kích bằng tên lửa của Mỹ chẳng hạn nhắm vào vùng Matxcơva hay các thành phố của Nga, hoặc căn cứ quân sự Nga, cho đến hiện tại vẫn chưa bị ảnh hưởng, một phần phản ứng của Nga rất có thể sẽ là cung cấp thiết bị hay tên lửa cho các phe phái, các nhóm chống lại những lợi ích của phương Tây tại châu Phi, Trung Đông hay nhiều nơi khác. Điều này là hoàn toàn có thể. Hiện tại chúng ta chưa thấy gì, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng này trong tương lai.Xuất khẩu vũ khí của Nga : Nạn nhân liên đới ?Liệu người ta có thể nói đến sự hình thành một trục liên minh bốn nước chuyên chế Trung Quốc – Nga – Iran – Bắc Triều Tiên mà giới chuyên gia tại Pháp gọi tắt là CRIC hay không ? Chuyên gia về quốc phòng Nga Igor Delanoe lưu ý có sự khác biệt về bản chất trong các mối quan hệ Nga – Trung và quan hệ Nga – Iran – Bắc Triều Tiên.Igor Delanoe : Iran và Bắc Triều Tiên thuộc về điều mà chính quyền tân bảo thủ của ông Bush từng gọi là « Trục Ma quỷ » vào đầu những năm 2000. Hai nước này, vì nhiều lý do khác nhau, nằm trong tầm ngắm của Washington từ nhiều thập niên qua, và chính bản thân họ cũng xem Mỹ là một kẻ thù cho sự tồn tại, một kẻ thù chiến lược cơ bản trong việc thể hiện mối tương quan lực lượng. Và điều này thật sự chẳng có gì mới, ngoại trừ việc phát triển hợp tác kỹ thuật – quân sự với Nga, mà tôi cho là nhằm củng cố hơn nữa luận điệu này của hai nước đó, cũng như là niềm tin của họ trong mối tương quan lực lượng này.Nếu như Trung Quốc không đi xa hơn trong việc hậu thuẫn quân sự cho Nga một phần là vì những lợi ích kinh tế to lớn vẫn còn ràng buộc Bắc Kinh với Washington trong nhiều lĩnh vực tài chính, thương mại…, thì ông khổng lồ châu Á này dường như cũng muốn san bằng ảnh hưởng của Mỹ trong vùng lân cận, và do vậy, việc thắt chặt hợp tác với Nga cũng được phát triển theo chiều hướng chống phương Tây.Igor Delanoe : Hiện tại, Trung Quốc vẫn còn neo bám trong hệ thống tài chính và kinh tế do phương Tây điều hành. Tôi muốn nói đến đồng đô la, Ngân hàng Thế giới, ngân hàng Mỹ v.v… Nhưng hiển nhiên, về mặt chính trị, có một dạng mong muốn hay một sự cám dỗ muốn tránh xa một chút tất cả những điều đó và bắt tay với Nga trong các hình thức đa phương khác như nhóm BRICS hay các mô hình Á-Âu, nhằm đa dạng hóa các mối quan hệ của mình, đặc biệt là với Nga.Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là liệu việc chia sẻ một số kỹ thuật, công nghệ mà Nga vẫn giữ cho đến giờ như là một công cụ ngoại giao để gây ảnh hưởng có tác động ra sao đến vị thế thống trị của Nga trên thị trường vũ khí ? Tính đến năm 2022, 2023, Nga nằm luôn nằm trong top 3 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Nếu như Mỹ luôn bỏ xa các đối thủ, thì trong bảng sắp hạng Nga đứng hàng thứ hai, đôi khi là ba.Tuy nhiên, việc phải ưu tiên cho chiến trường Ukraina đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến ngành xuất khẩu vũ khí của Nga, theo nh

09-19
12:29

Chiến tranh Ukraina: Vladimir Putin thực sự muốn ngưng chiến ?

Ngày 05/09/2024, tổng thống Nga cho biết ông sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraina. Ba ngày sau, ngày 08/09, thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong cuộc phỏng vấn dành cho kênh truyền hình ZDF, kêu gọi gia tăng các nỗ lực ngoại giao để sớm chấm dứt xung đột. Phải chăng thời điểm cho đàm phán hòa bình đã đến ? Thất bại thỏa thuận Istanbul : Lỗi ở phương Tây ?Tại một diễn đàn kinh tế với sự hiện diện của hai quan chức cao cấp Malaysia và Trung Quốc, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố để ngõ cánh cửa đàm phán với Ukraina « dựa trên các tài liệu đã được nhất trí và thực sự được ký tắt tại Istanbul », Thổ Nhĩ Kỳ, hồi mùa xuân 2022, vài tháng sau khi Nga phát động « chiến dịch quân sự đặc biệt » xâm lược Ukraina.Vào thời điểm đó, Kiev và Matxcơva được cho là đã gần đạt được một thỏa thuận, theo đó, Ukraina đồng ý cắt giảm quy mô quân đội, từ bỏ ý định tham gia Liên minh Bắc Đại Tây Dương – NATO nhưng được tự do theo đuổi tư cách ứng viên gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.Cuộc đàm phán này cuối cùng đã thất bại mà theo cáo buộc của nguyên thủ Nga tại diễn đàn kinh tế, là do phương Tây thúc ép Ukraina bác bỏ thỏa thuận. Tổng thống Putin nêu đích danh thủ tướng Anh lúc đó là Boris Johnson, « đã đến Kiev và đưa ra chỉ thị cho Ukraina phải chiến đấu đến người lính cuối cùng. Và đó là những gì đang diễn ra với mục tiêu là có được thất bại chiến lược của Nga ». Những cáo buộc cho đến giờ Ukraina vẫn phủ nhận. Đọc thêm : Nga và Ukraina đã để vuột mất cơ hội đạt thỏa thuận hòa bình như thế nào ?Ngoài ra, tổng thống Nga còn gợi ý rằng ba nước Brazil, Ấn Độ, và Trung Quốc có thể làm trung gian cho các cuộc đàm phán mới để chấm dứt chiến tranh. Tuyên bố này của chủ nhân điện Kremlin làm dấy lên nhiều nghi vấn trong giới quan sát : Liệu mong muốn của ông Putin đàm phán chấm dứt chiến tranh có chân thành hay không ?Điều kiện ngặt nghèoĐây không phải là lần đầu tiên ông Vladimir Putin đề cập đến việc đàm phán với Ukraina. Vào cuối tháng 5/2024, trong chuyến thăm Belarus, tổng thống Nga để ngỏ khả năng đàm phán, nhưng phải dựa trên « tình hình thực tế » và trên cơ sở những điểm đã thống nhất trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, « chứ không phải trên cơ sở những gì một bên muốn », hàm ý nhắc đến bản kế hoạch hòa bình 10 điểm do tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đề xuất.Sau đó, vào ngày 14/06/2024, phát biểu tại bộ Ngoại Giao Nga, tổng thống Vladimir Putin một lần nữa nhắc lại, Matxcơva sẵn sàng đàm phán một lệnh ngưng bắn nhưng với các điều kiện : Kiev phải từ bỏ ý định gia nhập NATO và rút hết quân ra khỏi bốn vùng đã bị sáp nhập vào Nga là Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporijia.Đó là những điều kiện mà bà Christine Dugoin-Clément, chuyên gia phân tích địa chính trị, nhà nghiên cứu Viện Rủi ro, đại học Paris-Sorbonne, trên đài RFI Pháp ngữ (09/09/2024) đánh giá là hoàn toàn bất lợi cho Ukraina.« Những gì mà người ta thường nghe, thường được đề cập đến là một công thức kiểu Istanbul mà ở đó, Nga có thể dễ dàng nói rằng họ luôn mở rộng cửa cho các cuộc đàm phán, giống như một sự đầu hàng với những điều khoản được cho là dễ chấp nhận. Trong khi những gì Ukraina đề nghị thì bị xem là không hợp lý và do vậy không thể là đối tượng cho cuộc thương lượng hay một cuộc họp từ phía Nga như ông Dmitri Peskov ( phát ngôn viên điện Kremlin ) đã nhiều lần nói đến. »Nga cũng không phải là bên duy nhất đề cập đến việc nối lại các cuộc thương lượng. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trả lời giới truyền thông trong nước hồi trung tuần tháng 7 từng tuyên bố rằng « phái đoàn Nga có thể tham gia hội nghị hòa bình lần hai ».Ông Zelensky còn đề xuất dự án vì một « nền hòa bình công bằng », khi giữ lại ba điểm trong thông cáo cuối cùng của hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ : Trả tự do cho các tù nhân, tự do lưu thông ở Hắc Hải và an ninh năng lượng. Mong muốn này của ông một lần nữa được khẳng định trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho truyền thông Pháp vào đầu tháng Tám.Xin nhắc lại là, trong hội nghị hòa bình thứ nhất do Ukraina tổ chức ở Thụy Sĩ vào trung tuần tháng Sáu, Nga không được mời dự, và Trung Quốc đã vắng mặt. Đọc thêm : Vắng các nước ‘‘phương Nam’’ chủ chốt, Hội nghị hòa bình cho Ukraina khó đạt mục tiêuSự mệt mỏiTuy nhiên, những động thái này của nguyên thủ Nga, của  tổng thống Ukraina và gần đây nhất là của thủ tướng Đức Olaf Scholz dường như phần nào phản ảnh tình hình khó khăn trên chiến trường của quân đội Ukraina.Đại tá Peer de Jong, phó chủ tịch Viện Themiis, trả lời nhà báo Vincent Roux, trong chuyên mục Quan Điểm của báo Le Figaro, ghi nhận tình trạng mệt mỏi chung từ nhiều tháng qua giữa các bên tham chiến.« Tôi nghĩ rằng không chỉ Nga, Ukraina mệt mỏi mà cả phía châu Âu nữa, bởi vì nước Đức, ngoài việc thúc đẩy Ukraina đàm phán với Nga, trong tuần rồi họ còn thông báo sẽ giảm một nửa nguồn đóng góp tài chính cho Ukraina. Rõ ràng có nhiều thông tin được đưa ra buộc các bên chủ chốt, đặc biệt là tổng thống Zelensky, phải nhận thấy thực tế là cần phải bắt đầu thảo luận. Do vậy, sự mệt mỏi của châu Âu, Nga, và Ukraina thực sự là một yếu tố tiềm năng cho đàm phán. »Nhưng phải chăng Ukraina đang lặp sai lầm từ cuộc phản công mùa xuân tháng 6/2023, khiến nhiều lữ đoàn đã bị tiêu diệt, khi  tấn công vào vùng Kursk trên lãnh thổ Nga từ hôm 06/08/2024 ? Trang Responsible Statecraft, thuộc Viện Quincy, một cơ quan tư vấn độc lập tại Mỹ, nhận định chiến dịch này của Ukraina đã thất bại:« Ukraina không chiếm được một trung tâm dân cư hay nút giao thông quan trọng nào của Nga. Sự việc có thể làm ông Putin bối rối nhưng không làm lay chuyển được quyền lực của ông. Chúng có thể nâng cao tinh thần người dân Ukraina nói chung, nhưng theo tường thuật của phương Tây từ vùng miền đông, chiến dịch này không làm cho tinh thần quân đội Ukraina ở đó thêm hào hứng. »… và chiếc bẫy « Kursk »Mục tiêu chuyển hướng lực lượng địch, chủ yếu từ Pokrovks và Kurakhove, đã bất thành. Để thực hiện cuộc tấn công, Ukraina đã điều động từ ba đến bốn lữ đoàn – những đơn vị tinh nhuệ nhất – lên phía bắc, để lại ở chiến trường miền đông là những binh sĩ mới nhập ngũ, thiếu kinh nghiệm và thiếu cả động lực.Cũng trên chương trình Point de Vue của báo Le Figaro, đại tá Peer De Jong nói đến chiếc bẫy cho quân Ukraina:.« Nếu như họ không ở lại Nga, chỉ cần ở lại 10 ngày, điều mà người ta gọi là đánh nhanh, rút gọn, họ phá hủy mục tiêu và họ lui quân, thì đây là một chiến dịch tốt. Ở đây, họ tái hiện mô hình trận Bakhmuth, họ đào hào và tự chôn mình. Trên thực tế, đây là một chiến dịch trên bộ, nhưng vấn đề ở đây là Nga đang thúc đánh ở miền trung, 4 hay 5 lữ đoàn Ukraina hiện đang ở phía bắc trong khi miền trung thì thiếu quân.Điều này củng cố ý tưởng về một cuộc đàm phán bởi vì trên thực tế, điều chúng ta sẽ thấy là Nga làm ra vẻ đang đẩy mạnh tiến quân vào khu vực trung tâm Donetsk, họ đang tiến về phía tây nhưng thực tế không hẳn là vậy. Họ không thực hiện một nỗ lực lớn nào cả, rồi họ lặng lẽ rút đi, họ chỉ tiến hành một dạng hoạt động phòng thủ, họ để cho Ukraina đóng quân ở đó, có nghĩa là hiện nay, chiến dịch Kursk đã khiến hai, ba đến bốn tiểu đoàn bị kẹt lại ở phía bắc. (…) Nga rất tinh khôn, điều này mang đến cho ông Zelensky cơ hội để đàm phán một số điểm để đổi lấy vùng Donbass, vùng này sẽ bị bỏ rơi và ông Zelensky sẽ bỏ rơi Donbass. Ông Zelensky sẽ nói rằng, nghe đây, hãy để tôi rút đi, tôi sẽ để lại cho quý vị phần đất này. Một hình thức trao đổi lãnh thổ. » Đọc thêm : Tướng Ukraina tiết lộ chiến lược tấn công, chiếm đóng vùng Kursk của NgaĐàm phán: Bài học « Chiến tranh Việt Nam »Nhìn từ bản đồ, những vùng lãnh thổ mà Nga chiếm đóng giờ chạy dọc theo sườn đông của Ukraina kéo dài đến tận Biển Đen cùng với bán đảo Crimée. Matxcơva cũng đã thành công phần nào trong việc tạo được một sự liên tục giữa lãnh thổ Nga và các vùng chiếm đóng.Vậy phải chăng Nga đã đạt được mục tiêu chiến tranh ? Hiện tại việc ngăn chặn mọi cơ hội Ukraina gia nhập NATO vẫn chưa đạt được. Nhưng với sự trợ giúp quân sự từ các đồng minh thân thiết là Iran, Bắc Triều Tiên và nhất là Trung Quốc, quân đội Nga có thể gia tăng các chiến dịch oanh kích vào các mục tiêu dân sự, « khủng bố » tinh thần người dân và gây thêm nhiều bất lợi cho phía Ukraina vào lúc nguồn viện trợ từ phương Tây cũng bắt đầu suy giảm do những khó khăn về kinh tế, chính trị tại nhiều nước đồng minh của Kiev.Chiến tranh cũng có nguy cơ lan rộng vào lúc Mỹ và một số nước đồng minh xem xét cho phép Ukraina sử dụng vũ khí tầm xa do họ cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga.Nhưng khi cho rằng các bên có thể « bắt đầu nghĩ đến đàm phán », thì đàm phán có thể nhiều năm nữa mới bắt đầu và kéo dài nhiều năm, mà bài học chiến tranh Việt Nam là một ví dụ điển hình. Đại tá Peer De Jong nhắc lại, Hoa Kỳ đã mất gần như 7-8 năm trước khi thoát được khỏi « tổ ong vò vẽ » Việt Nam, bởi vì, « đàm phán kéo dài có lợi cho bên này và bên kia, và trong trường hợp này là có lợi cho Trung Quốc và Bắc Việt ».Chiến tranh khi nào kết thúc ? Câu hỏi này hiện khó thể trả lời. Một điều chắc chắn, như tựa đề một bài viết trên Foreign Affairs, đó là « Putin sẽ không bao giờ từ bỏ Ukraina » chừng nào cảm giác bất an cho an ninh của ông và chế độ Nga hiện nay chưa được xóa tan. Do vậy, phương Tây cũng không thể thay đổi được nước cờ của ông Putin, và họ chỉ có thể trông chờ ông ấy ra đi mà thôi !

09-12
09:44

Bầu cử tổng thống Mỹ và góc nhìn từ Trung Quốc

Nếu như các nước đồng minh của Mỹ bày tỏ quan ngại trước nguy cơ Donald Trump trở lại Nhà Trắng và nếu như Bắc Kinh vẫn chưa có những bình luận chính thức về cuộc đọ sức Trump - Harris, thì giới chiến lược gia tại Trung Quốc không mấy ảo tưởng về một sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Washington đối với Bắc Kinh. Trung Quốc thích chính quyền Harris hay là một chính quyền Trump thứ hai ? Hay nói rộng hơn, Bắc Kinh thích đảng Dân Chủ hay đảng Cộng Hòa ? Trang Foreign Affairs ngày 01/08/2024 nhắc lại năm 1972, khi tiếp tổng thống Richard Nixon, chủ tịch Mao Trạch Đông đã từng nói rằng ông thích cánh hữu ở Mỹ và các nước phương Tây khác.Mặc dù Mao không giải thích vì sao, nhưng theo nhận định giới quan sát, trong nhãn quan Bắc Kinh thời đó, các nhà lãnh đạo phương Tây thiên hữu chú ý nhiều đến lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia, trong khi chính sách của các chính trị gia cánh tả có xu hướng dựa nhiều hơn vào ý thức hệ và các giá trị chính trị.Dân Chủ hay Cộng Hòa, bên nào có đóng góp to lớn cho quan hệ Mỹ - Trung ? Thật khó mà đánh giá. Kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, qua bảy đời tổng thống Dân Chủ và bảy đời tổng thống Cộng Hòa, quan hệ Mỹ - Trung đã có những đột phá nhưng không ít lần gặp khủng hoảng.Nhưng bất kể ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng sắp tới, Kamala Harris hay Donald Trump, đối với các nhà quan sát Trung Quốc, thay vì đưa ra các giải pháp thay thế cho đất nước và thế giới, cả hai đảng lớn ở Mỹ hiện nay đều có chung một cách tiếp cận đối với Trung Quốc, xuất hiện trong tám năm gần đây và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các mối quan ngại chính trị trong nước.Cùng mục tiêu, khác chiến thuậtDonald Trump với câu thần chú « Nước Mỹ trên hết », nhằm đáp ứng mối quan tâm của cử tri về toàn cầu hóa và nhập cư, đã gia tăng các rào cản thương mại, hạn chế nhập cư và giới hạn sự tham gia của Mỹ trong các định chế quốc tế, để ưu tiên cho lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Kết quả là Trung Quốc từ một đối tác thương mại bị xem là một « thế lực xét lại », là đối thủ cạnh tranh chiến lược và thậm chí là một mối đe dọa. Quan hệ Mỹ - Trung từ đó xuống cấp trầm trọng, nhất là từ sau đại dịch Covid-19.Nhưng cách tiếp cận này của ông Trump cũng đồng nghĩa với việc Washington mất dần uy tín và các đòn bẩy trong việc phối hợp với các quốc gia khác về chính sách riêng của Mỹ đối với Trung Quốc, dẫn đến việc chính quyền Trump đã không xây dựng và không dẫn đầu một mặt trận đa phương mạnh mẽ chống Trung Quốc.Chính quyền Biden, với câu nói « chính sách đối ngoại dành cho tầng lớp trung lưu », cũng cân nhắc những chính sách đối nội tương tự của Donald Trump, nhưng có thêm chiều hướng quốc tế khi cân bằng lại các chính sách công nghiệp trong nước và các quy tắc kinh tế quốc tế để thúc đẩy những lợi ích quốc gia. Nghĩa là ông Biden ngoài việc siết chặt thêm một số biện pháp đưa ra từ thời Donald Trump, còn có các lập trường đi xa hơn trong một số vấn đề.Tuy nhiên, dù cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc nhưng Joe Biden vẫn duy trì các kênh liên lạc cấp cao thường xuyên và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác. Nếu như ông Joe Biden trong suốt nhiệm kỳ tổng thống chưa bao giờ đặt chân đến Bắc Kinh như người tiền nhiệm, thì nguyên thủ Mỹ cũng đã hai lần gặp trực tiếp đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia tháng 11/2022 và tại San Francisco, Mỹ tháng 11/2023.Đôi bên cam kết duy trì mối quan hệ song phương ổn định và lành mạnh. Mong muốn này còn thể hiện rõ qua một loạt các cuộc gặp bí mật giữa Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, mà cuộc gặp mới nhất là hồi cuối tháng 8/2024 ở Bắc Kinh.Cuộc gặp này diễn ra vào lúc cuộc bầu cử Mỹ có những biến chuyển quan trọng : tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ rút khỏi cuộc đua và thông báo ủng hộ phó tổng thống Kamala Harris, một nhân vật cho đến lúc này Bắc Kinh vẫn chưa hiểu rõ, theo như nhận định của ông Trầm Đinh Lập, giáo sư danh dự ngành Quan hệ Quốc tế đại học Phục Đán, Thượng Hải, trên kênh truyền hình Bloomberg ngày 19/08/2024.Trung Quốc : Đối thủ lớn của Mỹ trong thập kỷ tớiNhìn chung, Trung Quốc chiếm một vai trò ngày càng lớn trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong những năm gần đây. Bất chấp các cuộc xung đột Nga – Ukraina, Israel - Hamas ở dải Gaza, Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Và dường như có một sự đồng thuận lưỡng đảng ở Washington xem Trung Quốc là một đối thủ lớn.Câu hỏi đặt ra : Chủ nhân tương lai của Nhà Trắng sẽ có chính sách ra sao với Trung Quốc ? Hiện tại Bắc Kinh vẫn chưa có phản ứng gì về việc ông Biden rút khỏi cuộc đua. Phát biểu chính thức là Trung Quốc « không bình luận chuyện nội bộ » nước Mỹ. Tuy nhiên, các chiến lược gia Trung Quốc không mấy hy vọng có những thay đổi đường hướng trong chính sách của Washington đối với Bắc Kinh trong thập kỷ tới.Nếu tái đắc cử, ông Trump gần như chắc chắn tiếp tục theo đuổi chính sách thương mại cứng rắn hơn với Trung Quốc khi đề xuất áp thuế lên đến 60% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng như là hủy bỏ « Quy chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn » dành cho Bắc Kinh từ năm 2000, cho phép Trung Quốc tiếp cận thị trường Mỹ một cách dễ dàng. Đây có thể sẽ là một ác mộng lớn cho chính quyền ông Tập Cận Bình vào lúc nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn.Ông kêu gọi biến khái niệm « sân nhỏ, rào cao » của chính quyền Biden – chỉ nhằm bảo vệ các ngành công nghệ mũi nhọn, mới nổi, qua các biện pháp an ninh mạnh mẽ cho phép tách biệt nhiều ngành công nghệ khỏi Trung Quốc – thành học thuyết « sân lớn, rào cao ». Nhưng với sở thích « trọng thương », nhà tỷ phú Mỹ cũng có thể theo đuổi các thỏa thuận song phương với Bắc Kinh về hàng tiêu dùng, năng lượng và công nghệ.Donald Trump có thể sử dụng Đài Loan như một con bài mặc cả để đạt các thỏa thuận thương mại. Một lần nữa, sở thích ngoại giao song phương hơn là đa phương có thể hạn chế ông Trump huy động các đồng minh và đối tác để đối phó Trung Quốc.Ngược lại, một chính quyền Harris có thể giúp giữ được phần lớn cách tiếp cận của ông Biden, tăng cường cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh và củng cố nỗ lực xây dựng liên minh với các nước phương Tây và châu Á mà ông Biden gầy dựng từ đầu nhiệm kỳ để đối trọng với Trung Quốc. So với chính sách tùy tiện, ngẫu hứng, bất thường của Trump, quả thật những chiến lược này có thể sẽ dễ dự đoán hơn cho Trung Quốc.Harris hay Trump: Trung Quốc đã chọn phe ?Trở lại với câu hỏi, Trung Quốc thích làm việc với chính quyền nào, Kamala Harris hay là Donald Trump ? Ông Trầm Đinh Lập, giáo sư đại học Phục Đán, trả lời Bloomberg, đưa ra một số nhận xét nhưng không quên nhấn mạnh đây chỉ là quan điểm cá nhân, chứ không phải là lập trường của Bắc Kinh:« Tất cả các nhà lãnh đạo Mỹ đều muốn làm cho nước Mỹ thịnh vượng và an ninh hơn. Nhưng nếu lấy một phạm trù khác làm ví dụ, điều gọi là nền dân chủ thì ông Trump dường như ít quan tâm hơn. Đây là quan điểm cá nhân tôi chứ không hẳn là của toàn thể người Trung Quốc. Ông ấy nghĩ rằng Hồng Kông là vấn đề chủ quyền của Trung Quốc, vậy tại sao Hoa Kỳ lại phải quan tâm nhiều đến điều đó ? Tôi nghĩ Biden và bà Harris sẽ giải quyết vấn đề này theo một cách khác.Rồi Trump có thể nện Trung Quốc nếu nước này không làm cho ông ấy đạt được mục tiêu đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại, nếu Trung Quốc không mua nhiều hàng Mỹ hơn trong ngắn hạn, ông ấy sẽ làm cho Trung Quốc bị mất thể diện… Còn đảng Dân chủ thì sẽ cố gắng cân bằng trong khi tìm cách để Trung Quốc mua nhiều hơn nhưng cũng nỗ lực giảm một số thuế quan mà ông Trump áp đặt nhưng đã bất thành. Theo tôi, ông ấy thiếu khả năng lãnh đạo ».Trung Quốc sẽ có cách xử lý ra sao nếu Trump tái đắc cử hay bà Kamala Harris lên cầm quyền ? Về điểm này, ông Trầm Đinh Lập giải thích:« Trong 10 năm qua, Trung Quốc cố gắng xây dựng quan hệ đối tác thân thiện với Mỹ. Tôi cho rằng điều này vẫn nằm trong tư duy của giới lãnh đạo Bắc Kinh theo như những gì tôi biết. Chúng tôi muốn hợp tác với Mỹ, muốn có quan hệ đối tác lớn hơn trong nhiều vấn đề như đối thoại quân sự, trao đổi văn hóa, ngoại giao gấu trúc và chống ma túy cũng như là quan hệ đối tác về biến đổi khí hậu.Nhưng chúng tôi đang vấp phải nhiều khó khăn. Và Trung Quốc đổ lỗi cho Hoa Kỳ. Nhưng theo quan điểm cá nhân của tôi, Trung Quốc cũng đang rút ra nhiều bài học từ hậu quả cuộc cạnh tranh như vậy. Trung Quốc hiện đang cố gắng điều chỉnh lập trường của mình. Vì vậy, nếu ông Trump đắc cử nhiệm kỳ hai, tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ có lập trường thông minh hơn, có nguyên tắc hơn trong việc đối phó với nhiệm kỳ hai của ông Trump. Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ đạt được kết quả tốt hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông ! »Những nhận xét này của ông Trầm Đinh Lập, tuy chỉ là quan điểm cá nhân, có lẽ cũng phần nào phản ảnh chọn lựa của giới tinh hoa Bắc Kinh. Tuy nhiên, các tác giả bài viết trên Foreign Affairs cho rằng, theo quan điểm của Trung Quốc, các chính sách về Trung Quốc của Mỹ, chính quyền Trump nhiệm kỳ hai, hay là chính phủ Kamala Harris dường như đều sẽ nhất quán về mặt chiến lược. Hai ứng viên này, với tư cách là tổng thống, đều sẽ đặt ra những thách thức và bất lợi cho Trung Quốc, nhưng đều không muốn xảy ra xung đột quân sự lớn, hoặc cắt đứt mọi liên hệ kinh tế và xã hội. Do vậy, Bắc Kinh khó có thể có một ưa thích rõ ràng hơn.Hơn nữa, Trung Quốc có những động lực mạnh để duy trì mối quan hệ ổn định với Mỹ, tránh đối đầu hay gián đoạn. Vào lúc cuộc đua giành chức tổng thống Hoa Kỳ 2024 đang nóng bỏng, giới chức Bắc Kinh đã có những nhận xét thận trọng và dè dặt về vấn đề này khi chỉ mô tả cuộc bầu cử là « chuyện nội bộ của Mỹ ».Dù vậy, Bắc Kinh cũng cảnh báo, chính phủ Trung Quốc « kiên quyết phản đối bất kỳ ai đưa vấn đề Trung Quốc và gây tổn hại đến lợi ích của nước này vì mục đích bầu cử », đồng thời kêu gọi hai đảng ở Hoa Kỳ « không nên phát tán thông tin sai lệch bôi nhọ Trung Quốc (…) ». Điều đó báo hiệu rằng Bắc Kinh có thể cảm thấy buộc phải phản ứng, ít nhất trong các phát biểu, nếu bị tấn công trong các chiến dịch tranh cử tại Mỹ!

09-05
10:58

Tông du Đông Nam Á và bốn thông điệp của giáo hoàng Phanxicô

Từ ngày 03-13/09/2024, Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ thăm bốn nước Đông Nam Á và châu Đại Dương, bao gồm Indonesia, Papua New Giunea, Timor Leste và Singapore. Chuyến đi dài nhất này, gần 33 ngàn cây số, đi qua 4 quốc gia và 2 châu lục, diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn 10 ngày, đặt ra nhiều câu hỏi về tính khả thi cho vị giáo hoàng đã 87 tuổi, phải đi lại bằng xe lăn và có nhiều vấn đề về sức khoẻ. Thông tin này đã được hoan nghênh không chỉ từ các Giáo hội Công Giáo ở các nước này, mà từ cả các lãnh đạo chính quyền và lãnh đạo các tôn giáo khác. Chuyến đi của Đức giáo hoàng Phanxicô đang được mọi người ở các nước này mong đợi.Điều đáng tiếc là trong chuyến tông du này, Việt Nam không nằm trong số các điểm đến của Ngài bất chấp những chuyển biến trong năm nay : Việt Nam vừa cho phép Tòa thánh đặt văn phòng đại diện thường trực, cũng như việc tiếp xúc đều đặn của « tổ công tác hỗn hợp » giữa Tòa Thánh và Việt Nam để tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.Phải chăng các nước được chọn trong chuyến tông du này đều có mục đích? Linh mục Phạm Hoàng Dũng, từ Liège, Bỉ giải thích:Theo lịch trình công bố của Phòng báo chí Vatican, Đức Phanxicô sẽ có 4 bài diễn văn chính thức và khoảng 16 bài giảng trong các thánh lễ. Chuyến đi này còn là cơ hội để Tòa Thánh bày tỏ những quan điểm của mình : Từ ngày lên địa vị giáo hoàng, Đức Phanxicô luôn kêu gọi những mục tử, những người hợp tác với ngài trong chức giám mục, linh mục đi đến các vùng ngoại vi (périphérie) để loan báo Tin mừng.Khái niệm vùng ngoại vi trong ngôn ngữ châu Âu dùng để chỉ nơi kết thúc của một thành phố, thường là những khu dân cư phức tạp, nơi mà nạn nghèo đói và các tệ nạn xã hội lan tràn. Và vì thế những con người của Đức Ki-tô phải đi đến và hiện diện ở những nơi đó để trình bày Tin mừng của Chúa.Nhưng vùng ngoại vi không chỉ giới hạn về mặt địa lý, mà nó còn mở rộng ra cả không gian chính trị, tôn giáo và kỹ thuật công nghệ, nơi mà các tôn giáo gặp gỡ để cùng xây dựng thế giới, nơi các chính sách chính trị không loại trừ con người và công nghệ mới không phá hủy nhưng xây dựng thế giới tốt đẹp hơn.Chuyến đi Mông Cổ năm 2023 là một ví dụ điển hình cho chủ trương này của Ngài. Gặp gỡ với các tôn giáo đặc trưng của Mông Cổ, Đức Phanxicô đã kêu gọi hợp tác gìn giữ và phát triển văn hoá bản sắc, nhất là sự bền vững của thảo nguyên nơi cộng đồng nhân loại cùng sinh sống.Indonesia và khẩu hiệu « Đức tin-Tình Huynh đệ-Lòng Cảm thương »Chuyến đi đến các nước châu Á đã được chuẩn bị từ năm 2020 cùng với những chuyến đi đến các nước Phi châu. Hai lục địa này có số tín hữu gia tăng không ngừng và có thể nói đây là tương lai của Giáo hội Công giáo.Thủ đô Jakarta sẽ là điểm dừng đầu tiên. Ngài là vị giáo hoàng thứ ba, sau Đức Phaolô VI (1970) và Đức Gioan-Phaolô II (1989) đặt chân đến Indonesia, quốc gia lớn nhất, đông dân nhất Đông Nam Á và có tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới 270 triệu người, tức chiếm đến 87% dân số Indonesia, trong khi số người theo Ki-tô giáo chiếm khoảng 11%.Theo Hồng y Ignatius Suharyo Hardioatmodjo, giáo phận Jarkarta, hai tổ chức Hồi giáo lớn nhất nước này là Muhammadiyah và Nahdlatul Ulama, « rất cởi mở và khoan dung ». Chính vì điều này, ban tổ chức đã lấy khẩu hiệu Đức tin-Tình Huynh đệ-Lòng Cảm thương (Faith-Fraternity-Compassion) làm chủ đề cho chuyến thăm.Nhân chuyến thăm này, đường hầm Terowongan Silaturahmi dài 28,3m sẽ được tổng thống Joko Widodo khánh thành trong tháng Tám này. Đường hầm nối liền Nhà thờ Chính toà Đức Mẹ Mông Triệu và Đền thờ Hồi giáo Istiqlal lớn nhất Đông Nam Á. Đây chính là biểu tượng cho cơ hội bắc cầu đối thoại với Hồi giáo tại đất nước vạn đảo.Papua New Guinea và những yếu tố bất ổnPapua New Guinea, nơi Đức Phanxicô từng hy vọng viếng thăm năm 2020 nhưng bị đại dịch Covid-19 ngăn trở, sẽ là chặng dừng chân thứ hai, nhưng đây cũng là một điểm đến chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn.Thứ nhất, Vị khâm sứ Toà thánh, người gánh vai trò chính trong việc chuẩn bị cho chuyến đi, chỉ mới được bổ nhiệm hồi tháng 3/ 2024 sau khi vị trí này bị để trống một thời gian dài.Kế đến, từ đầu năm nay, bạo lực và bất ổn xã hội bùng phát và diễn tiến theo hướng trở nên trầm trọng. Vào tháng giêng 2024, việc cắt giảm lương của các nhân viên an ninh và đề xuất thay đổi thuế đã làm bùng phát bạo lực ở nhiều thành phố tại một đất nước có khoảng 10 triệu dân, làm hơn 22 người thiệt mạng. Thủ tướng Lames Marape đã phải ban hành tình trạng khẩn cấp trong 14 ngày. Sự việc này, theo Hồng y John Ribat, “đã phá hủy tất cả những gì mà người dân Papua New Guinea đã xây dựng trong suốt 49 năm sau khi giành độc lập”.Thêm vào đó là xung đột giữa các bộ lạc trên những vùng cao nguyên, gây chết chóc ngày càng nhiều do sự gia tăng sử dụng các vũ khí hiện đại. Những vùng cao nguyên này xa xôi hẻo lánh, nhưng có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, kể cả vàng.Nhưng bất ổn tại Papua New Guinea còn nảy sinh giữa những nhóm theo Ki-tô giáo (bao gồm Công giáo, Tin lành). Theo điều tra, có 98% người Papua New Giunea tự nhận theo Ki-tô giáo. Vì thế, những người theo Tin Lành đã vận động để thay đổi Hiến pháp theo đó Papua New Guinea sẽ là nước Ki-tô giáo. Nhưng các nhóm Công giáo chống đối; xem hành động này là “lỗi thời và gây rối loạn xã hội”. Hội đồng giám mục nước này đã gửi một lá thư chỉ trích đến Ủy ban Cải cách Hiến pháp và luật pháp : “Mặc dù Papua New Guinea đã có Kinh thánh trong Hạ viện từ năm 2015 và tự hào rằng có hơn 90% là người theo đạo Thiên chúa, chúng tôi không thấy có sự giảm bớt nào về tham nhũng, bạo lực, tình trạng vô luật pháp và hành vi xúc phạm trong các cuộc tranh luận của Quốc Hội”.Ủy ban chuẩn bị hy vọng sẽ không xảy bất ổn có thể dẫn đến việc phải hủy bỏ chuyến đi. Papua New Guinea là một quốc gia biển đảo bị ảnh hưởng trầm trọng do biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán và mực nước biển dâng cao. Những chủ đề này gần gũi với Đức Phanxicô, sẽ được nêu lên khi Ngài đề cập đến vấn đề “chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” như đã nói đến trong thông điệp Laudato si’ và tông huấn Laudate Deum.Đông Timor và những nghịch lý của chuyến điĐông Timor, còn được gọi là Timor-Leste, nổi bật trong bốn điểm dừng chân trong chuyến đi của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Dân số 1,3 triệu người của quốc gia này là 97% theo Công giáo. Đông Timor tách ra khỏi Indonesia từ năm 2002, nên có thể nói đây là vị giáo hoàng thứ hai đến nước này, vì đức Gioan-Phaolo II đã đến thủ đô Dili vào năm 1989.Cộng đoàn công giáo Đông Timor mang dấu ấn của Đức cha Carlos Filipe Ximenes Belo, giám mục của hòn đảo, người đoạt giải Nobel Hòa Bình do vai trò của ngài trong việc giành độc lập, nhưng sau đó bị tố cáo đã lạm dụng tình dục một số trẻ em địa phương.Khoảng 700.000 người - hơn một nửa dân số - dự kiến ​​sẽ dự Thánh lễ của Giáo hoàng vào ngày 10 tháng 9 tại thủ đô Dili.Tuy nhiên, việc chi ra đến 12 triệu đôla để đón tiếp giáo hoàng đã gây ra nhiều chỉ trích, vì 42% dân số Đông Timor sống dưới mức nghèo đói,không đủ lương thực. Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Đông Timor đang phải đối diện với những thách thức nghiêm trọng về an ninh lương thực. Lạm phát thì cao và biến đổi khí hậu thì đã làm giảm sản lượng ngũ cốc, đẩy khoảng 364.000 người ( 27% dân số ) vào tình trạng thiếu thốn lượng thực nghiêm trọng từ tháng 5 đến tháng 9.Những người chống đối còn cáo buộc chính phủ của thủ tướng Xanana Gusmão ưu tiên cho các nghi lễ mà không quan tâm đến các ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Mặc dù vậy, hầu hết người Công giáo đều vui mừng về chuyến thăm của Đức Giáo hoàng.Singapore: Cửa ngõ để vào Trung Quốc ?Chặng cuối của chuyến đi của Đức Phanxicô sẽ là Singapore,  nơi mà cách nay 38 năm vào năm 1986 đức Gioan-Phaolo II đã từng đặt chân đến.Ban tổ chức đã lấy khẩu hiệu Hiệp nhất và hy vọng (Unity Hope) làm chủ đề cho chuyến viếng thăm. Theo báo chí, Singapore như cách cửa mở vào vùng đất rộng lớn là Trung Quốc, vì Singapore có cộng đồng người Hoa theo Công giáo đóng vai trò quan trọng cả về chính trị và kinh tế.Singapore còn là một trung tâm tài chính và công nghệ không chỉ của vùng Đông Nam Á mà của cả thế giới. Ngày cuối cùng ở Singapore, Đức giáo hoàng sẽ gặp gỡ và chúc lành cho những người cao tuổi sống tại Saint Joseph’s Home và Villa Francis Home, sau đó là cuộc gặp với các giáo sĩ và tu sĩ cao tuổi trước khi có cuộc gặp khác với giới trẻ.Điều đó như là một thông điệp về một xã hội phát triển nhưng không gạt sang bên lề những con người “khác”: người già, người thiếu phương tiện…An ninh: Vấn đề hóc búaĐảo quốc Singapore được coi là một trong những quốc gia ổn định nhất thế giới về mặt chính trị. Nhưng ngay cả ở đây, chặng cuối trong chuyến thăm của Giáo hoàng, vẫn có những rủi ro.Mối đe dọa chính không đến từ bên trong thành phố thịnh vượng với khoảng năm triệu dân, mà từ khu vực rộng lớn hơn. Tại nước láng giềng Malaysia, nơi có phần lớn dân số theo đạo Hồi, các nhóm chiến binh dự trù tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm của Giáo hoàng từ ngày 11 đến 13/09. Tại nước này, trạng tâm lý chống Israel gia tăng mạnh trong bối cảnh cuộc chiến ở Gaza.Aruna Gopinath, từng là giáo sư tại Đại học Quốc phòng Malaysia, đã thẳng thắn nói với UCA News rằng "Giáo hoàng đã chọn sai thời điểm để đến [Singapore]"."Với việc Singapore được coi là ủng hộ Israel, chuyến thăm của Giáo hoàng chắc chắn sẽ kích động các nhóm ủng hộ Hồi giáo cực đoan", bà nói. "Cần phải có sự quan sát toàn diện ở Malaysia".Các chuyên gia khác nhấn mạnh khả năng xảy ra một cuộc tấn công đơn độc, như ở Indonesia, do những cá nhân bị kích động từ các tổ chức như Nhà nước Hồi giáo hoặc al-Qaeda.Một báo cáo đánh giá mối đe dọa được công bố trong năm nay cho biết "mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc tấn công sắp xảy ra, nhưng mối đe dọa khủng bố đối với Singapore vẫn ở mức cao".Thành công trước khi bắt đầu ?Chưa thể nói gì bởi vì việc chuẩn bị cho một một chuyến đi dài và lâu của một vị giáo hoàng 87 tuổi có nhiều vấn đề về sức khoẻ thì rất phức tạp. Phức tạp không chỉ về chi phí cho chuyến đi mà còn về mặt an ninh trong tình hình thế giới bất ổn hiện nay. Tuy thế,

08-29
11:17

Nhìn từ Tokyo, trục Nga - Trung đe dọa an ninh quốc gia Nhật Bản

Nếu có một nước nào phải theo dõi sát sao và với đầy nỗi lo lắng một trục Nga – Trung ngày càng được củng cố, thì đó chính là Nhật Bản. Bị giới hạn về địa lý và chịu sức ép từ gánh nặng lịch sử, Nhật Bản có nguy cơ đối mặt cùng lúc với hai đối thủ cường quốc hạt nhân, thậm chí có thể là ba, nếu bao gồm cả mối đe dọa Bắc Triều Tiên trong vùng Đông Á. Nỗi lo này đã được thể hiện rõ trong Sách Trắng quốc phòng thường niên « Quốc phòng Nhật Bản 2024 », được công bố ngày 12/07/2024, cho rằng Nhật Bản « đang phải đối mặt với một môi trường an ninh nghiêm trọng và phức tạp nhất kể từ khi kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến ».Lần đầu tiên Tokyo cảnh báo trực tiếp về « khả năng một tình huống nghiêm trọng tương tự như cuộc xâm lược Ukraina của Nga xảy ra ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong tương lai, đặc biệt là ở vùng Đông Á », ám chỉ đến những hoạt động quân sự của Trung Quốc xung quanh đảo Đài Loan.Đài Loan và mối lo an ninh cho Nhật BảnTheo nhận định của Yoshinaga Kenji, cựu sĩ quan tình báo của Cơ quan Điều tra An ninh và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, với trang The Diplomat, « phần đầu của Sách Trắng quốc phòng năm nay, mô tả tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản, là phần căng thẳng nhất trong lịch sử Sách Trắng, khi xét đến cuộc chiến xâm lược kéo dài của Nga tại Ukraina, áp lực quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc đối với Đài Loan và việc Bắc Triều Tiên triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ».Lập trường đối ngoại cứng rắn cùng với đà trỗi dậy mạnh mẽ năng lực quân sự của Bắc Kinh đặt Tokyo trước một thách thức chiến lược lớn chưa từng có. Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Kihara Minoru mở đầu Sách Trắng với đánh giá « không quốc gia nào có thể tự bảo vệ an ninh của mình ». Ông nhấn mạnh đến sự cần thiết tăng cường hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng mà Tokyo chia sẻ các giá trị phổ quát và lợi ích chiến lược.Nhật Bản bày tỏ « quan ngại nghiêm trọng » về các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên toàn khu vực xung quanh Nhật Bản, từ biển Hoa Đông – đặc biệt xung quanh quần đảo Senkaku đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc – cho đến biển Nhật Bản, Tây Thái Bình Dương, nhất là xung quanh Đài Loan, trước nguy cơ « xảy ra căng thẳng quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan, do những hoạt động quân sự ngày càng tăng từ phía Bắc Kinh ».Về điểm này, nhà nghiên cứu địa chính trị Valérie Niquet, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược FRS, trong một chương trình tranh luận trên đài phát thanh France Culture (18/05/2024), đưa ra một số phân tích :« Đài Loan có một vị thế quan trọng cả về mặt ý thức hệ, cho thấy một mô hình dân chủ vẫn có thể tồn tại trong thế giới Trung Hoa, điều mà Tập Cận Bình hoàn toàn phủ nhận, và cả về mặt chiến lược, vì Đài Loan là chốt chặn lối ra Thái Bình Dương và do vậy không thể để cho Đài Loan rơi vào tay Bắc Kinh. Đó là chưa nói đến người dân.Câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là mối quan hệ chiến lược quốc phòng giữa Nhật Bản với Hoa Kỳ. Các căn cứ chính của Mỹ ở châu Á đều nằm ở Nhật Bản và chủ yếu ở quần đảo Okinawa, nằm ở tuyến đầu đối diện với Đài Loan, (với 53.000 lính Mỹ).Hòn đảo cuối cùng, Yonaguni, nằm gần nhất với đảo cực tây của Nhật Bản, chỉ cách bờ biển Đài Loan khoảng 100 km, nên thực sự Nhật Bản ở trên tuyến đầu. Hơn nữa, khi Trung Quốc tập trận để gây áp lực với Đài Loan, vào lúc bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan cách đây không lâu, 5 hay 6 quả tên lửa, tôi quên mất con số chính xác, đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Nhật Bản. Đây rõ ràng còn là lời cảnh báo đối với Nhật Bản, gây áp lực buộc nước này không được đi quá xa. »Nga - Trung hợp tác quân sự : « Cơn ác mộng » cho Nhật BảnNhưng điều làm Tokyo đặc biệt lo lắng là khả năng Bắc Kinh và Matxcơva siết chặt hơn nữa quan hệ hợp tác quân sự. Tokyo xem những cuộc tập ném bom chung và tuần tra hải quân chung thường xuyên giữa hai cường quốc này là « nhằm mục đích phô trương sức mạnh chống Nhật Bản ».Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản cho thấy nỗi bất an về quan hệ hợp tác Nga - Trung. Trang South China Morning Post ngày 27/11/2023 trích dẫn một báo cáo an ninh của Viện Nghiên cứu Quốc Phòng (NIDS), một tổ chức tư vấn trực thuộc bộ Quốc Phòng Nhật Bản, cho thấy một trong những nỗi lo sợ lớn nhất của Tokyo là hai cường quốc này thực sự trở thành đồng minh quân sự.Dưới thời thủ tướng Shinzo Abe (2012-2020), Nhật Bản đã nỗ lực thiết lập một chính sách đối ngoại hòa dịu với Nga. Cố thủ tướng Abe đã có gần 30 cuộc gặp với tổng thống Vladimir Putin nhằm gầy dựng một mối quan hệ tin cậy, một mặt là để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Kuril, dưới sự kiểm soát của Nga từ năm 1945.Vùng « Lãnh thổ phương bắc » này, theo cách gọi của Nhật Bản, có một vị trí chiến lược, nằm ở phía bắc đảo Hokkaido và là chốt chặn cửa biển Okhotsk. Nhưng nỗ lực này của ông Abe chẳng mang lại kết quả : Nga không những không nhượng một tấc đất lãnh thổ nào mà còn tăng cường sự hiện diện quân sự trên quần đảo, bố trí 3500 binh lính và nhất là lắp đặt các hệ thống tên lửa địa đối không S-300 vào cuối năm 2020.Mặt khác, theo phân tích của nhà địa chính trị học Céline Pajon, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) trên báo Libération ngày 25/03/2022, ông Abe còn nhắm đến mục tiêu chiến lược xa hơn. Khi tìm cách xích lại gần Putin, thủ tướng Nhật Bản hy vọng tránh để Nga rơi vào quỹ đạo Trung Quốc, hay chí ít là ngăn chặn việc hình thành một mặt trận Nga - Trung chống Nhật Bản trong các vấn đề lãnh thổ và lịch sử.Một lần nữa ông Abe lại gặp thất bại. Matxcơva lệ thuộc ngày càng nhiều vào Bắc Kinh về kinh tế và hai bên có những cam kết hợp tác quân sự chưa từng có. Quân đội Nga và Trung Quốc tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn tại vùng Viễn Đông, tổ chức các cuộc tuần tra chung xung quanh Nhật Bản, khiến Tokyo phải lo lắng.Trước nguy cơ phải đối mặt với cùng lúc hai cường quốc hạt nhân Nga – Trung trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, và thậm chí có thể có bên thứ ba là Bắc Triều Tiên, tháng 12/2022, chính phủ của thủ tướng Fumio Kishida công bố ba tài liệu chiến lược quan trọng : Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS), Chiến lược Phòng thủ Quốc gia (NDS) và Chương trình Tăng cường Phòng thủ (DBP).Theo nhiều nhà quan sát tại Pháp, cuộc chiến xâm lược Ukraina do Nga phát động đã có những tác động đáng kể đến việc vạch ra chiến lược an ninh cho Nhật Bản. Tài liệu NSS đánh giá Trung Quốc như là một « thách thức chiến lược chưa từng có » và xem Bắc Triều Tiên là một « mối đe dọa nghiêm trọng hơn và sắp xảy ra ». Nhưng, nước Nga, không giống như trong phiên bản NSS năm 2013, cùng sự phối hợp chiến lược của Matxcơva với Bắc Kinh, giờ được xác định là « mối quan tâm sâu sắc về an ninh ».AUKUS: Giải pháp để thoát gọng kềm Nga – Trung ?Nhật Bản còn thông báo tăng đáng kể ngân sách quốc phòng với mục tiêu từ đây đến năm 2027 đạt mức chi tiêu quân sự 2% GDP như các nước thành viên Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Đáng chú ý là lần đầu tiên Nhật Bản cho biết tham vọng sở hữu năng lực phản công, để nước này thực hiện các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào lãnh thổ đối thủ.Giáo sư Tsuyoshi Goroku, ngành Quan hệ Quốc tế và Kinh tế, trường đại học Nishogakusha, trong cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) của Pháp hồi tháng 3/2024, lưu ý bước tiến lịch sử này, « không phải là một sự đảo ngược đột ngột các nguyên tắc chính sách quốc phòng truyền thống của đất nước. Đúng hơn đó là một sự thừa nhận của Tokyo về môi trường an ninh ngày càng xấu đi của Nhật Bản. Điều này là kết quả của một loạt những thay đổi tăng dần trong suốt hai thập niên qua. Tuy nhiên, việc Nga vô cớ xâm lược Ukraina là một lời cảnh báo cho Nhật Bản, củng cố những đánh giá ảm đạm và thúc đẩy hơn nữa những thay đổi này ».Vị giáo sư Nhật Bản thừa nhận đất nước ông đã hưởng được một nền an ninh và sự thịnh vượng trong khuôn khổ trật tự quốc tế dựa trên các luật lệ. Nhưng việc Nga và Trung Quốc có tham vọng thay đổi trật tự đó khiến Nhật Bản cảm thấy bất an. Trong suốt hai năm qua, thủ tướng Fumio Kishida nhiều lần cảnh báo « Ukraina hôm nay rất có thể sẽ là Đông Á ngày mai » và « an ninh của châu Âu và vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương là không thể tách rời ».Và cảm giác bất an này dường như được đông đảo công luận Nhật Bản chia sẻ. Giáo sư Tsuyoshi Goroku giải thích :« Sau cuộc xâm lược của Nga, một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy công chúng Nhật Bản ngày càng lo sợ an ninh của Nhật Bản đang bị đe dọa. Ngoài ra, một cuộc khảo sát do tờ Nikkei thực hiện vào tháng 3 năm 2022 cho thấy 77% số người được hỏi "lo ngại" nếu cộng đồng quốc tế không ngăn chặn được cuộc xâm lược của Nga và việc thay đổi biên giới, điều này sẽ dẫn đến việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chống Đài Loan. Liệu cuộc xâm lược của Nga và thành công có thể của cuộc chiến này có khuyến khích Trung Quốc sử dụng vũ lực hay không, đó vẫn còn là vấn đề tranh luận, nhưng công chúng Nhật Bản đã thể hiện rõ những lo ngại này. »Trong hai ngày 16 - 17/05/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm Bắc Kinh gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cuộc gặp lần thứ 43 kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2012. Trong chuyến thăm này, tổng thống Nga đã đến thăm Harbin, nơi có Viện Công nghệ Quân sự Trung Quốc. Một chuyến thăm mang tính biểu tượng cao, một tín hiệu mạnh mẽ gởi đến Nhật Bản và các nước phương Tây : Nga và Trung Quốc đang thắt chặt quan hệ hợp tác, kể cả về công nghiệp vũ khí.Trong bối cảnh này, Nhật Bản quan ngại về các hoạt động quân sự của Nga và sự phối hợp chiến lược của Nga với Trung Quốc trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chiến tranh Ukraina kéo dài, Bắc Triều Tiên có thể sẽ can dự với việc cung cấp tên lửa và đạn dược cho Nga. Mối quan hệ hợp tác quân sự Matxcơva – Bình Nhưỡng càng làm cho môi trường an ninh Nhật Bản thêm phần u ám.Đối diện với những mối đe dọa an ninh chưa từng có này, thủ tướng Fumio Kishida đã gia tăng các hoạt động ngoại giao, thiết lập các mối quan hệ chiến lược với nhiều nước từ châu Á đến châu Âu, từ việc mở rộng quan hệ đối tác với NATO, cho đến việc để ngỏ khả năng tham gia liên minh quân sự AUKUS, hiện quy tụ ba nước Anh, Mỹ và Úc. Về điểm này, nhà địa

08-22
12:30

Bạo loạn ở Anh: Thất nghiệp-di dân, lá bài để phe cực hữu kích động nạn bài ngoại

Trong gần một tuần, bạo động đã nổ ra tại nhiều thành phố ở Vương Quốc Anh sau vụ một thanh niên 17 tuổi tấn công bằng dao làm thiệt mạng ba bé gái tại Southport, tây bắc nước Anh. Chính phủ của thủ tướng Keir Starmer quy trách nhiệm cho những nhóm cực hữu đứng sau các cuộc bạo loạn. Nguyên nhân sâu xa của vụ việc này là gì ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà báo Nguyễn Giang, định cư lâu năm tại Anh Quốc.**********RFI Tiếng Việt : Trước hết, anh có thể giải thích rõ thêm về nguyên nhân thực sự của những vụ bạo loạn ? Phải chăng di dân luôn là vấn đề « nhạy cảm » tại Anh Quốc ?Nhà báo Nguyễn Giang : Mười ngày bạo động, đốt phá ở chừng 10 thành phố, thị trấn của xứ Anh (England) và Bắc Ireland cho thấy có hàng loạt vấn đề trước mắt và lâu dài mà chính phủ của Công đảng phải giải quyết. Đó là sự hoạt động kín của các nhóm dùng mạng xã hội, là thái độ bài ngoại, phân biệt chủng tộc âm ỉ trong dân bản địa Anh đã lâu, là các vấn đề kinh tế khó khăn, câu chuyện di dân, người nhập cư và cả bệnh tâm thần và tệ nạn say xỉn, nghiện ngập.Đầu tiên là việc những kẻ theo phái cực hữu, dân tộc chủ nghĩa Anh nghe theo những lời kêu gọi lan truyền trong các cộng đồng mạng dùng chatapp khép kín, người không được mời không thể tham gia, để tổ chức các đợt tấn công vào khách sạn có người nhập cư, tỵ nạn được chính quyền cho tạm cư. Họ cũng nhân đó đốt phá xe cảnh sát, đập cửa tiệm, ném gạch đá vào một số ngôi đền Hồi giáo ở những vùng mà căng thẳng sắc tộc đã có sẵn.Nhắc lại đợt bạo loạn tương tự năm 2011 ở Anh, các tờ báo lớn đều cho rằng chỉ xử phạt, bỏ tù những kẻ gây rối thôi sẽ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề tha hóa trong thanh thiếu niên thất nghiệp, sự nghèo nàn về sinh hoạt cộng đồng và các căn bệnh xã hội bấy lâu nay ở các đô thị thua thiệt trong kinh tế.Cảnh sát Anh cáo buộc nhóm cực hữu English Defence League đứng sau cuộc bạo loạn. Anh có thể cho biết rõ thêm về nhóm cực hữu này ? Chủ trương hành động của họ là gì? Nhà báo Nguyễn Giang : Nhóm cực hữu này đã bị cấm từ 10 năm qua, nhưng các nhà báo Anh khi đến các điểm bạo loạn thì họ nhận ra là có các thành viên cũ của English Defence League (EDL) tham gia đốt phá, hoặc đứng ngoài xem, quay video. Cựu thủ lĩnh của tổ chức này là Tommy Robinson thì không ở Anh nhưng vẫn có thể phát biểu qua mạng xã hội thúc giục những người tin theo ông ta ra tay.Cũng phải nói rằng báo chí Anh vẫn trích dẫn lời Tommy Robinson để hiểu ra vì sao ông ta và những kẻ bài ngoại nói và làm như vậy. Điều đáng chú ý là EDL không còn chính thức hoạt động, nhưng các lập luận của họ vẫn có ảnh hưởng nhất định trong một số giới. EDL cũng không phải là tổ chức công khai phân biệt chủng tộc, bài Do Thái như một số đảng cực hữu ở châu Âu.Trái lại, họ nói là văn hóa bản địa của người Anh bị đe dọa bởi hai thứ: một là làn sóng dân nhập cư quá cao, hàm ý người Hồi giáo và châu Phi, và hai là thái độ thờ ơ, bỏ mặc của tầng lớp trên ở Luân Đôn, gồm cả chính phủ và giới truyền thông.Dù bị luật chống khủng bố Terrorism Act 2000 cấm, những cựu thành viên của tổ chức này vẫn tuyên truyền trên mạng xã hội, đôi khi trả lời phỏng vấn đài báo chính thống như SkyNews. Họ có cả các nhóm thân hữu tập hợp người Do Thái, người theo đạo Sikh và LGBT.Trong vụ việc này, chính phủ thủ tướng Keir Starmer còn quy trách nhiệm cho các mạng xã hội. Thực hư cáo buộc này là gì ?Nhà báo Nguyễn Giang : Điều đáng nói là bạo loạn nổ ra đúng 9 tháng sau khi Anh thông qua Luật An toàn mạng (Online Safety Act) nhằm ngăn chặn việc lan truyền tin giả qua các nhóm dùng mạng khép kín. Thế nhưng trong vụ việc mới đây, tin giả nói thủ phạm chém chết ba bé gái ở Southport, Anh Quốc “là người di dân vừa vào Anh bất hợp pháp” đã lan tỏa rất nhanh, thúc đẩy làn sóng bài ngoại lên cao.Sự thật là hung thủ sinh ra ở Anh chứ không phải người nhập cư, nhưng điều đó không được các nhóm phân biệt chủng tộc nghe theo. Đây là bằng chứng cho thấy trong một xã hội tự do, việc giám sát mạng xã hội rất khó và sắp tới, chính phủ của Thủ tướng Kier Starmer nói sẽ làm chặt hơn, nhưng sẽ không dễ, ví dụ như luật Anh cấm tuyên truyền kỳ thị chủng tộc, chống di dân nhưng không ai cấm cả các công ty điều tra dư luận và đài báo hỏi dân chúng về thái độ của họ đối với người nhập cư.Trên thực tế, nhiều người dân ở Anh gồm cả người không phải gốc bản địa Anh cũng lo rằng kinh tế khó khăn, nhà ở đang thiếu mà làn sóng di cư trái phép cứ tiếp tục thì gánh nặng cho chi tiêu công sẽ tăng, trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến đời sống của họ. Sự thất vọng trong cuộc sống đẩy cao tâm lý nghi kỵ, bài xích người khác họ.Trong vụ việc gần nhất đây, hiện tượng người Hồi giáo ở một số vùng phải đứng ra bảo vệ cơ sở tôn giáo của họ cũng bị phe bài ngoại cho rằng cảnh sát chỉ bênh người Hồi giáo và bắt giữ toàn người gốc Anh bản địa, khiến cho tình hình thêm căng thẳng. Phải tới cuối tuần qua, số người biểu tình chống phân biệt chủng tộc, gồm rất nhiều thành phần sắc tộc, xã hội, mới tụ họp đông đảo ở Luân Đôn và các đô thị khác, nêu lên tiếng nói hòa bình của đa số, khiến tình hình giảm nhiệt đi trông thấy.Tại sao bạo động đặc biệt diễn ra dữ dội tại các thành phố Sunderland, Liverpool, Hull… , những thành phố phía bắc nước Anh ? Và đây cũng phải là lần đầu tiên những cuộc bạo loạn bài chủng tộc diễn ra ở Anh ?Nhà báo Nguyễn Giang : Không phải ngẫu nhiên mà nơi nổ ra bạo loạn ở vùng miền Trung và Bắc nước Anh, cộng thêm một số điểm ở phía Đông Luân Đôn và ở Bắc Ireland đều là những nơi có tỷ lệ nghèo khó cao nhất nước. Ví dụ như Blackburn, Blackpool, Hartlepool, Hull, Liverpool, Manchester và Middlesbrough nằm cả trong số 10 đô thị xuống cấp, nghèo đi so với trước, theo thống kê của chính phủ trong bảng Indices of Deprivation (Hạng mục suy thoái, xuống cấp).Tại các vùng này, nơi người nhập cư từ Nam Á đã sống cạnh người Anh mấy thế hệ nhưng việc làm ít, đầu tư công bị cắt giảm khiến căng thẳng sắc tộc thường cao hơn các vùng khá giả. Không ít gia đình người Anh sống trong cảnh vất vưởng về việc làm, về cơ hội vươn lên trong khi đầu tư công, chi phí cho xây dựng cộng đồng, hỗ trợ thất nghiệp bị cắt giảm liên tục.Trong một số vụ bị xử tù tuần qua vì gây bạo loạn, người ta thấy có những ông già người Anh và có các thiếu niên 17-18 tuổi, trẻ nhất có em 14 tuổi, chứng tỏ những vấn đề nghiêm trọng đã bao phủ mấy thế hệ. Một em trai khác, 15 tuổi, thuộc dạng lêu lổng, đi từ North Lincolnshire tới Hull thăm bạn thì thấy bạo loạn nên tranh thủ hôi của, cũng bị xử tù. Đây không phải là những chuyện vui vì các tệ nạn khác trong giới trẻ người Anh như tỷ lệ bệnh tâm thần, nạn nghiện hút, rượu chè, nay vì các vụ bạo loạn cũng được nói tới.Tân chính phủ Công đảng nếu không thay đổi chính sách thì sẽ khó giúp người dân trở nên lạc quan, có thái độ tích cực hơn, thay vì tâm lý bài xích, phản kháng (anti-social attitude). Cũng ở một số địa phương đó, năm 2011 đã từng xảy ra bạo loạn tương tự và đây là dấu hiệu nhiều vấn đề sâu xa chưa được các nhiệm kỳ khác nhau của chính quyền giải quyết.Phải chăng cuộc bạo loạn đang diễn ra hiện nay minh chứng cho những gì ông David Cameron từng nói năm 2011 là chủ nghĩa đa văn hóa đã thất bại tại Anh Quốc ? Giới chính trị gia có trách nhiệm như thế nào về tình trạng hiện nay ở Anh?Nhà báo Nguyễn Giang : Ở Anh từ lâu nay không có định nghĩa cụ thể về chủ nghĩa đa văn hóa (multiculturalism) như cách hiểu ở Đức, Pháp hay một số nước châu Âu là văn hóa người châu Âu đón nhận các dòng văn hóa của người di cư từ châu Á, Trung Đông, châu Phi tới.Lý do là lịch sử Liên hiệp Vương quốc Anh, trên danh nghĩa, đã chứa đựng yếu tố đa văn hóa của các nhóm bản địa gốc Âu từ lâu: Anh, Scotland, Ireland, Wales, sau này thêm dân Đức, Pháp, Do Thái, và Đông Âu nên người ta cho rằng việc có các văn hóa khác như Hồi giáo, văn hóa Á Đông bổ sung nào cũng không sao cả.Cũng vì thế, chính trị gia Anh nói khác nhau về chủ nghĩa đa văn hóa. Hồi năm 2011, ông David Cameron không tin vào điều này và cho rằng cần có một yêu cầu mạnh hơn buộc người nhập cư bỏ chủ nghĩa cực đoan để chấp nhận các giá trị của nước Anh, nhưng một cựu thủ tướng Anh khác của đảng Bảo thủ, Rishi Sunak, người gốc Ấn, lại cho rằng Anh đã rất thành công khi tạo ra “nền dân chủ đa văn hóa” (multicultural democracy).Điều này người ta nói tới không phải là đa văn hóa nữa, vì nó khá trừu tượng mà vấn đề di dân. Một điều tra của Viện Ipsos hồi tháng 2/2024 cho thấy 52% người được hỏi ở Anh tin rằng số người nhập cư vào là quá cao, so với 42% vào năm 2022.Trong bối cảnh này, tân chính phủ thủ tướng Keir Starmer chủ trương đường lối cứng rắn với những kẻ gây bạo loạn. Liệu thủ tướng Anh có đủ các phương tiện cũng như sự ủng hộ của người dân để thực hiện các biện pháp đó ?Nhà báo Nguyễn Giang : Năm 2011, khi Anh nổ ra các cuộc bạo loạn lần đầu, ông Kier Starmer là trưởng công tố quốc gia và đã đích thân chỉ đạo việc xử tù những kẻ gây rối. Tuần qua, ông cũng tỏ ra cứng rắn, yêu cầu toà án, công tố viện làm việc ngày đêm để xử nhanh khoảng 150 bị cáo gây bạo loạn. Tuy thế, các báo Anh nói ở cương vị thủ tướng, ông Starmer cần có cái nhìn dài hạn và tìm giải pháp sâu rộng cho các vấn đề gốc rễ của bạo loạn tức là sự rạn nứt xã hội (social rifts). Án tù sẽ chỉ ngăn được những kẻ liều lĩnh tràn ra phố vì tức giận, nhưng không hóa giải, thuyết phục được khá nhiều người khác lo ngại về xung đột sắc tộc ở Anh.Bạo loạn nổ ra một tháng sau khi Công đảng giành được đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử Nghị Viện. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử này, lần đầu tiên một đảng cực hữu là Reform UK đã có chân trong Nghị Viện Anh. Cuộc bạo loạn này phải chăng cho thấy là cũng giống như nhiều nước châu Âu lục địa, tân chính phủ Anh đang phải đối mặt trước đà trỗi dậy của phe cực hữu ?Nhà báo Nguyễn Giang : Công đảng thắng cử vừa qua chủ yếu là vì cử tri ở Anh chán đảng Bảo thủ cầm quyền đã lâu, sau 5 đời thủ tướng trong vòng 14 năm cả thẩy, chứ không phải vì cương lĩnh tranh cử của Công đảng quá hấp dẫn. Cùng lúc, đảng Reform UK thu được 14% tổng số phiếu bầu và về nhì ở trên 90 khu vực bầu cử trên cả nước mà chỉ có 5 ghế nghị sĩ trong Hạ vi

08-15
13:17

Thực hư đề nghị của Ukraina đàm phán hòa bình với Nga

Trao đổi với báo chí trong nước ngày 15/07/2024, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã để ngỏ khả năng đàm phán với Nga. Nguyện vọng này một lần nữa được nguyên thủ Ukraina nhắc lại khi trả lời phỏng vấn các hãng truyền thông lớn của Pháp. Liệu đối thoại hòa bình giữa Nga và Ukraina là có thể ? Đây là lần đầu tiên kể từ khi Nga khởi động cuộc chiến xâm lược Ukraina vào tháng 2/2022, tổng thống Ukraina Vododymyr Zelensky đã ngỏ khả năng đàm phán hòa bình với Nga khi tuyên bố « phái đoàn đại diện Nga có thể tham gia hội nghị hòa bình lần hai ».Hơn hai tuần sau, ngày 01/08, trước các tờ báo lớn của Pháp là Le Monde, l’Equipe và Libération, tổng thống Zelensky nhắc lại, « trong hội nghị về hòa bình lần hai sắp tới, tôi nghĩ rằng các đại diện của Nga nên có mặt ».  Một sự thay đổi ngoạn mục? Cho đến nay, tổng thống Zelensky luôn phản đối kịch liệt ý tưởng đàm phán với quân xâm lược Nga. Hội nghị hòa bình lần thứ nhất do Ukraina tổ chức tại Thụy Sĩ trong hai ngày 15-16/06/2024, đã không có sự tham dự của Nga, lẫn Trung Quốc.Thông tin này đã được Matxcơva tiếp đón lạnh nhạt. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov tuyên bố : « Hội nghị đầu tiên cho hòa bình không hoàn toàn là một hội nghị cấp cao hòa bình. Vì vậy, cần phải hiểu một cách rõ ràng những gì ông ấy (Volodymyr Zelensky) muốn đề cập đến ».Ba điểm đàm phánNhà cựu ngoại giao Emilija Pundziute-Gallois và cũng là nhà nghiên cứu trường đại học Vytautas Magnus, Kaunas, Litva, trên đài phát thanh France Culture trước hết nhận định đây không hẳn là một cuộc đàm phán chính trị trực tiếp giữa Nga và Ukraina để tìm kiếm một lệnh ngừng bắn hay chấm dứt chiến tranh.« Ukraina hiểu rõ Nga không có ý định đàm phán trực tiếp. Matxcơva đang áp đặt những điều kiện không thể chấp nhận được đối với Kiev, trái với các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành. Vì vậy, ý tưởng ở đây là thực hiện một cách tiếp cận toàn diện hơn, mà chúng ta có thể gọi là cách tiếp cận chuyển đổi xung đột, gạt sang một bên các vấn đề chính trị gai góc và khó giải quyết và xem xét những vấn đề nào họ có thể tiến tới để ít nhất cải thiện tình hình chung ».Trong phát biểu ngày 15/07, tổng thống Ukraina đề xuất dự án vì một « nền hòa bình công bằng », khi giữ lại ba điểm trong thông cáo cuối cùng của hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ: Trả tự do cho các tù nhân, tự do lưu thông ở Hắc Hải và an ninh năng lượng.Đây là những điểm thiết yếu cho Ukraina và cũng là một phần trong bản kế hoạch 10 điểm đã được tổng thống Zelensky trình bày vào năm 2020 tại hội nghị nhóm G20 ở Bali, Indonesia. Nếu như việc trao đổi tù nhân hay được nhắc đến trong tất cả cuộc chiến tranh, thì hai điểm sau cùng có tính chất sống còn cho Ukraina.Đó cũng là những điểm mà ngành ngoại giao Ukraina hoạt động tích cực trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nhà phân tích địa chính trị Christine Dugoin-Clément, chuyên gia ngành Rủi ro, trường Sorbonne Business School và Trung tâm Nghiên cứu trường Đào tạo Sĩ quan Hiến binh Quốc gia, trên đài RFI Pháp ngữ, ngày 17/07/2024, đánh giá :« Điều chúng ta sẽ thấy là tự do lưu thông cũng sẽ tác động đến Green Deal (thỏa thuận ngũ cốc). Tất cả các thỏa thuận về trao đổi ngũ cốc, vốn phải được lưu thông trên Hắc Hải, là đối tượng chính trong các cuộc đàm phán, và những thỏa thuận này đã được gia hạn. Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò trung gian vì về mặt địa lý, nước này có thể đóng cửa eo biển Bosphore. Ngoài ra, người ta còn nhận thấy Nga thực sự gia tăng các hoạt động ở cấp độ các nước trong vùng Trung Đông và Bắc Phi (MENA), hoặc nhằm thúc đẩy các luận điệu ủng hộ cuộc chiến xâm lược, hoặc làm xấu thêm các mối quan hệ, vốn dĩ không mấy tốt đẹp, giữa các nước trong vùng với phương Tây ».Những cuộc oanh kích của Nga đã phá hỏng nhiều cơ sở năng lượng trọng yếu, như nhà máy xử lý nước, bệnh viện, các cơ sở dân dụng... Mùa đông năm nay, Ukraina rơi vào tình trạng thiếu điện. Vấn đề cấp bách với Kiev là làm sao có thể tái thiết các cơ sở mà không lại bị bắn phá. Một thách thức lớn cho Kiev, theo như nhận định của nhà nghiên cứu về Rủi ro Christine Dugoin-Clément:« Có hai kiểu oanh kích : Bắn phá các cơ sở hạ tầng rồi sau đó tấn công vào toàn bộ chuỗi hậu cần, cho phép sửa chữa các cơ sở hạ tầng, nhằm mục tiêu đánh mạnh các cơ sở quân sự và dân thường. Ý đồ hiển nhiên là ngăn chặn tất cả những gì có liên quan đến hoạt động quân sự nhưng đồng thời làm nhụt chí người dân khiến họ mệt mỏi vì chiến tranh và do vậy muốn đi đến đàm phán, thậm chí là thương lượng theo ý của Nga như điện Kremlin hy vọng, điều mà người ta gọi là một sự đầu hàng, hoặc trong mọi trường hợp, có được một cơ sở hậu thuẫn đủ mạnh về đàm phán đối với chính phủ hiện nay ở Ukraina. »Không đặt điều kiện tiên quyết nhưng cũng không nhượng đấtĐiểm đáng chú ý trong phát biểu của tổng thống Ukraina, đó là ông không còn xem việc Nga rút quân như là một điều kiện tiên quyết. Marie Dumoulin, giám đốc chương trình « Châu Âu mở rộng », thuộc Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Quốc tế (ECFR), trên trang Public Senat lưu ý điều đó cũng không có nghĩa là Volodymyr Zelensky sẵn sàng nhượng các tỉnh Donetsk, Luhansk hay Zaporijia.Đề nghị đàm phán hòa bình này của ông Zelensky được đưa ra vào lúc các thăm dò gần đây cho thấy công luận Ukraina phần lớn ủng hộ một giải pháp đàm phán. Theo khảo sát của Trung tâm Razumkov, thực hiện cho một nhật báo Ukraina, 44% số người dân được hỏi đồng ý đàm phán với Nga so với  35% phản đối.Tuy nhiên, có đến 83% số người thăm dò từ chối nhượng cho Nga những vùng đang diễn ra chiến sự. Về điểm này, bà Christine Dugoin-Clément, trên làn sóng RFI, lưu ý thêm :« Cuộc thăm dò do Trung tâm Razumkov thực hiện gần đây cho thấy gần 44% người dân Ukraina không phản đối việc đàm phán với Nga. Nhưng đó là những người Ukraina không bị huy động ra chiến trường, đó là những thường dân.Cũng cần cẩn trọng giữa đàm phán thật sự và đầu hàng theo ý của điện Kremlin, bởi vì khảo sát này còn thẩm định có đến hơn 80% người được hỏi từ chối các điều kiện của Nga. Một lần nữa xin lưu ý, đây là một cuộc thăm dò được thực hiện với dân thường. Tuy chúng ít nhất cung cấp một cảm nhận và một cách tiếp cận, nhưng cũng đừng quên rằng trong tầm ngắm của Nga, còn có bốn tỉnh, bao gồm cả vùng Zaporijia và Kherson, có thể sẽ thuộc về Nga trong khi nước này hiện tại chưa chắc kiểm soát được toàn bộ khu vực. »Áp lực quốc tế và nguy cơ Trump đắc cửTinh thần người dân xuống dốc trước một cuộc chiến mà Ukraina phải trả giá nhân mạng đắt đỏ khi phải đối mặt với một đối thủ mạnh hơn gấp bốn lần trong khi quân đội Ukraina không ngừng bị đẩy lui là một yếu tố không thể phủ nhận.  Tuy đạo luật được ban hành ngày 02/4 hạ tuổi tòng quân từ 27 xuống 25 tuổi, quân đội Ukraina vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển mộ binh sĩ để mở một cuộc phản công lớn.  Nhưng sự thay đổi thái độ của nguyên thủ quốc gia Ukraina còn là do áp lực của quốc tế và các đồng minh. Triển vọng Donald Trump trở lại Nhà Trắng có nguy cơ buộc Kiev phải đàm phán với Matxcơva trong những điều kiện bất lợi.Vị tỷ phú Mỹ chưa bao giờ che giấu mong muốn chấm dứt chiến tranh « nhanh nhất có thể » mà không nêu rõ là để thực hiện điều này, ông có sẽ chấp thuận các đòi hỏi của Nga hay không. Trong viễn cảnh đó, lãnh đạo Ukraina dường như chạy đua với thời gian, thúc đẩy đàm phán nếu có thể trước cuộc bỏ phiếu ở Mỹ vào tháng 11 tới.Tuy nhiên, theo đánh giá của Guillaume Ancel, cựu sĩ quan Pháp trên trang La Depeche, đề nghị này của tổng thống Ukraina là một thay đổi về tư thế hơn là thay đổi các kỳ vọng : « Cho đến lúc này, ông luôn yêu cầu Nga phải rút hết binh sĩ ra khỏi lãnh thổ Ukraina (bao gồm cả những vùng chiếm đóng), điều này là hợp lệ xét theo luật quốc tế. Nhưng Volodymyr Zelensky phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của các đồng minh và cảm thấy rằng sự hậu thuẫn này đang dần sụp đổ ».Công luận Mỹ bắt đầu mệt mỏi và lo lắng về một cuộc xung đột bất tận, gợi nhắc đến cuộc chiến Triều Tiên. Sự sụp đổ đó còn được thúc đẩy bởi tình hình ở Gaza và tình trạng « nhất bên trọng, nhất bên khinh » mà cộng đồng quốc tế đang áp đặt – Nga bị trừng phạt, còn Israel thì không – vốn dĩ gây khó chịu cho một số nước « phương Nam ».Nga cũng muốn chấm dứt chiến tranh ?Tổng thống Phần Lan, Alexandre Stubb, trong một diễn đàn đăng trên Le Monde, cho rằng đã đến lúc mở các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraina. Cũng theo ông, thời gian đang chống lại Kiev, và phương Tây không thể chịu được lâu hơn.Ông viết : « Trong năm năm nữa, năng lực quân sự của Nga sẽ ở mức trước khi có chiến tranh, bởi vì Nga đã biết cách thiết lập một nền kinh tế chiến tranh. Vì vậy, sẽ không có chỗ cho một sự hòa dịu đơn giản ».Đây không phải là lần đầu tiên một lãnh đạo phương Tây gióng chuông báo động. Tháng 11/2022, tướng Mark Milley, tham mưu trưởng quân đội Mỹ, đã từng nói rõ quân đội Ukraina đã lấy lại được tối đa những vùng lãnh thổ trước đây bị Nga chiếm đóng và đã đến lúc chuyển qua ngoại giao. Ông nói, « ngay khi có một cơ hội đối thoại, ngay khi hòa bình có thể đạt được, quý vị hãy nắm lấy. Nên nắm bắt lấy cơ hội để hành động ».Về phần phía Nga, giới quan sát ghi nhận, Vladimir Putin thường xuyên bày tỏ mong muốn đối thoại nhưng rất có thể sẽ không chấp nhận giải pháp nào ngoài việc quy hàng, nghĩa là Kiev phải chấp nhận phi quân sự hóa và trở thành nước trung lập. Nhưng giống như Ukraina, sau hơn hai năm rưỡi giao tranh, Nga cũng cần chấm dứt chiến tranhh và bắt đầu giảm bớt các tham vọng.Ý đồ chiếm đóng rộng lớn lãnh thổ Ukraina được thông báo từ đầu chiến dịch nay dừng lại ở vùng Donbass với cái giá nhân mạng và vật chất không thể đo lường. Việc kéo dài cuộc chiến này có thể khiến ông Putin phải trả giá đắt về kinh tế và chính trị, trước nguy cơ công luận Nga xoay lưng chống lại ông !Trong bối cảnh này, chưa có lúc nào nguy cơ Ukraina bị biến thành một bán đảo Triều Tiên thứ hai lại gần như lúc này !

08-08
11:41

Bầu cử tổng thống Mỹ : Kamala Harris, lá chủ bài cho đảng Dân Chủ?

Ngày 21/07/2024, Joe Biden bất ngờ thông báo rút khỏi cuộc tranh cử tổng thống Mỹ tháng 11/2024, đồng thời tuyên bố ủng hộ bà Kamala Harris đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử. Sự xuất hiện đột ngột của phó tổng thống Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng thổi bùng ngọn gió hy vọng trong đảng Dân Chủ, nhưng cùng lúc cũng làm xáo trộn các nước cờ của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Câu hỏi đặt ra : Liệu bà Kamala Harris có thể đánh bại Donald Trump ? Nhiều tín hiệu trong những ngày qua cho thấy phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, trừ phi có những bất ngờ vào phút chót, sẽ được đại hội Dân Chủ  trong tháng Tám chỉ định là ứng viên ra tranh cử tổng thống Mỹ.Các thăm dò mới nhất (ngày 27/07) còn khẳng định Kamala Harris đã rút ngắn khoảng cách với Donald Trump, với tỷ lệ cử tri ủng hộ chỉ thấp hơn cựu tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ hai điểm (44/46%) khi chỉ còn 100 ngày nữa là đến kỳ bỏ phiếu chính thức. Một số thăm dò khác thậm chí còn cho thấy phó tổng thống Mỹ qua mặt Donald Trump.Những ưu thếNếu những số liệu này phần nào xác nhận quyết định chiến lược trên của đảng Dân Chủ đang gặp hái kết quả, thì điều đó cũng cho thấy cuộc song đấu Kamala Harris – Donald Trump dự báo rất gay go. Liệu rằng bà có đủ sức đối đầu với một Donald Trump nổi tiếng với những phát biểu « quá thể » và hiếu chiến hay không ?Bước vào cuộc đua lớn ở độ tuổi 59, bà đang mang lại nhiều hy vọng, một làn gió mới cho nhiều cử tri Mỹ khao khát một gương mặt mới, trẻ trung hơn lãnh đạo đất nước. Luôn tự hào là một người mang hai dòng máu Á – Phi, có cha là người gốc Jamaica – giáo sư kinh tế, mẹ người Ấn Độ - chuyên gia nghiên cứu về ung thư, Kamala Harris đã từng không ngần ngại đả kích Joe Biden trong một cuộc tranh luận sơ bộ của đảng Dân Chủ hồi năm 2019 về việc ông từng phản đối chính sách xóa bỏ phân biệt chủng tộc trong quá khứ, bao gồm cả việc buộc một số trẻ em phải đi xe buýt đến trường học ở xa, mà bà cũng là người nằm trong số trẻ đó.Nếu như việc công khai khẳng định nguồn gốc giúp mang lại cho Kamala Harris « tấm vé » trở thành phó tổng thống, thì chúng lại là đích ngắm cho mọi công kích từ Donald Trump. Từ năm 2020, cựu tổng thống Mỹ đã gọi phó tổng thống Dân Chủ là « quái vật » và người « phụ nữ nóng nảy », những từ ngữ ám chỉ định kiến phân biệt chủng tộc về phụ nữ da đen.Nếu như năm 2017, Kamala Harris được biết đến với tư cách là người phụ nữ gốc Nam Á đầu tiên trở thành thượng nghị sĩ Mỹ, là nữ thượng nghị sĩ da đen thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ, thì năm 2022, bà là người bảo vệ nhiệt thành quyền phá thai, khi chỉ trích mạnh mẽ một số nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa sử dụng luật cấm phá thai để chống phụ nữ.Theo nhận định chung từ nhiều thành viên đảng Dân chủ, Kamala Harris là một chọn lựa hợp lý nhất. Ông Bob Vallier, phát ngôn viên của đảng Dân Chủ ở hải ngoại tại Pháp, trên làn sóng RFI tiếng Pháp nhắc lại những ưu thế của bà Kamala Harris:« Trước hết, bà ấy từng là chưởng lý của bang California. Tiếp đến, bà ấy là thượng nghị sĩ Mỹ tại bang California trong vòng bốn năm. Rồi trong vòng từ ba đến ba năm rưỡi qua, bà là phó tổng thống Mỹ. Trong khoảng thời gian này, bà đảm trách nhiều hồ sơ lớn, dẫn đầu nhiều phái đoàn Mỹ dự các hội nghị quốc tế quan trọng như về khí hậu, trao đổi thương mại, tấn công mạng, chống khủng bố. Do vậy, bà có khá nhiều kinh nghiệm quý báu và hữu ích đối với một ai tìm kiếm vị trí tổng thống ».Kamala Harris làm đảo lộn thế cờ của Donald TrumpMột điều chắc chắn là sự xuất hiện của Kamala Harris đang làm đảo lộn mọi kế hoạch "tác chiến" do phe Cộng Hòa vạch ra từ nhiều tháng qua. Nhà nghiên cứu về lịch sử nước Mỹ, Romain Huret, trên L’Express nhấn mạnh, « hiện tại các cuộc đả kích nhằm vào tuổi tác của Joe Biden đang xoay lại chống Trump ».Một quan sát cũng được nhà sử học Ludivine Gilli, chuyên gia về nước Mỹ, trên kênh truyền hình quốc tế TV5 Monde, đồng chia sẻ, khi cho rằng quyết định của Joe Biden đã gây rắc rối cho chiến dịch vận động tranh cử của Donald Trump :« Đúng là đối với Đảng Cộng hòa, không cần phải nói, vụ mưu sát là một điều tốt vì điều đó lẽ ra không thể xảy ra nhưng xét về tác động đối với chiến dịch tranh cử, vụ ám sát hụt Trump đã thực sự tiếp thêm động lực cho đảng Cộng hòa, nhất là ngay sau đó là đại hội đảng ở Milwaukee.Nhưng thông báo rút lui của Joe Biden một mặt đã phá vỡ thế chủ động này, mặt khác hiện ngăn cản đảng Cộng hòa tiếp tục chiến dịch tranh cử với chủ đề về sự yếu kém của ứng viên đối thủ, về khả năng nhận thức yếu của Joe Biden khi đối mặt với Trump. Vì vậy, đảng Cộng hòa buộc phải điều chỉnh lại hoàn toàn chiến lược của mình để chống đảng Dân chủ, vốn là một cái gai đối với họ. »Theo tuần báo Pháp L’Express, một dấu hiệu cho thấy một sự lo lắng lan rộng : Donald Trump ngày 29/7 đả kích kịch liệt kênh truyền hình bảo thủ Fox News đã cho phát sóng các cuộc mit-tinh của đối thủ. Cùng ngày, Donald Trump tỏ ra hoài nghi về khả năng ông tham gia cuộc tranh luận thứ hai, dự kiến diễn ra vào ngày 10/09 sắp tới.Đối mặt với một ứng cử viên kém mình gần 20 tuổi, nhà tỷ phú Mỹ giờ đây rơi vào vị thế ứng cử viên lớn tuổi nhất trên đường chinh phục Nhà Trắng. « Chú tôi đang hoảng sợ » Mary Trump, cháu gái của tỷ phú, người chỉ trích mạnh mẽ Donald Trump, trên blog Substack The Good in US ngày 24/07 còn ghi rằng, « ông ấy đang chống lại một phụ nữ da đen mạnh mẽ – cũng là một cựu công tố viên – người không ngại chỉ trích ông hoặc chế giễu ông. Toàn bộ chiến lược tranh cử của ông ấy đều dựa trên việc tấn công Joe Biden – về tuổi tác, tình trạng ốm yếu, suy nhược nhận thức của ông ta ».Di dân, thiếu minh bạch : Điểm yếu của Kamala Harris ?Chỉ còn chưa đầy 100 ngày nữa là đến kỳ bỏ phiếu. Liệu chiến dịch tranh cử của Donald Trump có thể điều chỉnh để thích ứng với tình thế mới ? Bảng thành tích mờ nhạt của Kamala Harris trong ba năm rưỡi ở vị trí phó tổng thống có thể là điểm bất lợi cho bà để Donald Trump và phe Cộng Hòa công kích. Nhà sử học Ludivine Gilli, trên TV5 Monde giải thích :« Ông ấy đã bắt đầu tấn công vào cá nhân và nguồn gốc của Kamala Harris, vì bà có cả nguồn gốc Jamaica và Ấn Độ. Những cuộc tấn công này, nếu ông tiếp tục, có thể sẽ phản tác dụng đối với ông vì chúng có nguy cơ làm mất đi sự ủng hộ của các cử tri ôn hòa hơn trong đảng Cộng Hòa hoặc các cử tri độc lập. Một chủ đề khác mà ông ấy rất có thể sẽ tập trung tấn công là vấn đề nhập cư, mà ông Trump đã từng sử dụng để chống Joe Biden và có thể sẽ tiếp tục dùng đến, vì số lượng các vụ vượt biên và bắt giữ ở biên giới ngày nay vẫn còn cao, ngay cả khi các con số đưa ra cho thấy thấp hơn những số liệu vào thời điểm cuối nhiệm kỳ của D. Trump. Đó cũng là thời điểm nước Mỹ vừa thoát khỏi đại dịch, và do đó đại dịch đã giải thích cho những con số thấp này, nhưng Donald Trump vẫn sử dụng chúng như một lập luận tranh cử ».Ngoài vấn đề nhập cư, đảng Cộng hòa còn chỉ trích Kamala Harris « đồng lõa » che giấu về tình trạng suy nhược nhận thức của Joe Biden. Ông Randy Yaloz, chủ tịch hội Republicans Overseas tại Pháp, trong cuộc tranh luận trên đài RFI Pháp ngữ, đã cho rằng bà Kamala Harris phải chịu trách nhiệm với tư cách là phó tổng thống Mỹ về việc đã không minh bạch về tình trạng sức khỏe của Joe Biden.Thắng hay bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ do những bang chủ chốt (swing-states) định đoạt như Arizona, Pennsylvania, Wisconsin, Michigan và Georgia. Nhưng cũng theo ông Randy Yaloz, việc bà Kamala Harris không khai báo về năng lực tâm thần của ông Biden, theo nghĩa vụ được quy định trong điều luật số 25 của Hiến Pháp, sẽ gây khó khăn cho bà trong việc thay đổi lá phiếu của các đại cử tri tại ít nhất ba trong số bang này.Người liên danh: Quân cờ chủ chốt cho Harris ?Cuối cùng, ai có thể là « phó tướng » cho Kamala Harris là một câu hỏi ớn hiện nay. Hãng tin Pháp AFP lưu ý,  việc tuyển chọn người liên danh còn là cơ hội lý tưởng để mở rộng cơ sở cử tri, khi chọn ra người có thể thu hút ngoài cơ sở cử tri của bà. Trên nguyên tắc đó là một quá trình kéo dài nhiều tháng, nhưng việc ông Biden thoái lui bất ngờ đã khiến cho tiến trình này bị rút ngắn.Từ đây đến ngày 7/8, bà Kamala Harris phải thông báo tên của đối tác. Nhiều nhà quan sát chính trị dường như đồng tình về việc « phó tướng » của Kamala Harris rất có thể sẽ là một người đàn ông da trắng. Joel Goldstein, giáo sư đại học Saint-Louis tại Mỹ giải thích : « Một trong số các đặc tính của việc tuyển chọn phó tổng thống là sự tìm kiếm một kiểu cân bằng ».Hiện tại, ít nhất có năm tên tuổi được nhắc đến liên tục, trong đó có bốn vị thống đốc  Josh Shapiro (Pennsylvania), Roy Cooper (North Carolina) Andy Beshear (Kentucky) và Tim Walz (Minnesota). Tuy nhiên, theo tin mới nhất thì thống đốc North Carolina đã thông báo rút khỏi cuộc đua.Cũng theo AFP, tiến trình chọn « phó tướng » của Kamala Harris cũng đang được theo dõi sát sao vào lúc ông James David Vance, người được Donald Trump chọn đứng liên danh đang bị chỉ trích mạnh mẽ. Uy tín của vị dân biểu bang Ohio tuột dốc sau khi xuất hiện nhiều đoạn video trong đó ông chế giễu « những người phụ nữ độc thân bất hạnh », ám chỉ đến những người phụ nữ chọn lối sống không bạn đời hay không con. Nhiều đoạn video khác cho thấy ông đả kích Donald Trump, một ứng viên mà ông thề kể từ giờ sẽ trung thành tuyệt đối.Đối với nhà nghiên cứu Joel Goldstein, vòng xoáy mà ông J.D. Vance đang vướng phải cho thấy tiến trình chọn ứng viên phó tổng thống nhạy cảm đến mức nào.Dù vậy, tại Mỹ, chức vụ phó tổng thống Mỹ trước hết được tạo ra là nhằm để thay thế tổng thống trong trường hợp qua đời hay từ nhiệm. Tính đến hiện tại, tổng cộng có đến 9 phó tổng thống tiếp nhận vị trí tổng thống trong những điều kiện như trên. Ngoài ra, vai trò của phó tổng thống là cực kỳ hạn chế.John Adams, phó tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ, từng cay đắng phàn nàn trong thư gởi vợ năm 1793 : « Đất nước của anh, với sự thông thái tuyệt vời, đã thiết kế cho anh một vị trí tầm thường nhất mà Con Người nghĩ ra ».

08-01
11:06

Hiệp ước Nga - Triều: Trung Quốc « mừng nhiều hơn lo »

Ngày 19/06/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin đã họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng. Nhân dịp này, hai bên đã ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác. Phương Tây, kể cả Hàn Quốc và Nhật Bản, cho rằng chuyến thăm Bắc Triều Tiên của nguyên thủ Nga đặt Bắc Kinh vào thế khó xử, nhưng phần lớn giới học giả Trung Quốc nhận định việc Nga – Triều tái lập liên minh là có lợi cho mục tiêu lớn của Bắc Kinh : Chống thế bá quyền của Mỹ! Nga – Bắc Triều Tiên nâng cấp quan hệ là cần thiếtTheo trang The Diplomat (03/07/2024), điều duy nhất mà một bên là Mỹ cùng các đồng minh và bên kia là Trung Quốc đều đồng tình đó là chuyến thăm Bình Nhưỡng của tổng thống Putin nhằm vực dậy mối « liên minh » bằng hữu xã hội chủ nghĩa có từ hàng thập kỷ giữa Bắc Triều Tiên và Nga (trước đó là Liên Xô) là cần thiết. Matxcơva hiện đang bị cô lập và suy yếu về mặt địa chính trị, hệ quả của cuộc chiến tổng lực mà Nga tiến hành tại Ukraina.Về điểm này, David Teurtrie, tiến sĩ địa lý, Viện Nghiên cứu Cao học Công giáo, trả lời RFI Tiếng Việt, giải thích ít nhất có hai lý do để Nga và Bắc Triều Tiên thắt chặt hơn mối quan hệ đối tác.David Teurtrie : « Như chúng ta đã biết, Bắc Triều Tiên là một quốc gia cực  kỳ khép kín và đang hứng chịu các đòn trừng phạt quốc tế từ nhiều thập niên qua. Do vậy, nước này giờ hầu như trở nên "vô cảm" với các trừng phạt, nếu Bắc Triều Tiên có hợp tác với Nga thì điều đó cũng không làm thay đổi gì nhiều cho nước này. Bắc Triều Tiên chẳng còn sợ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, bởi vì họ đã bị các đòn trừng phạt. Đây là điểm thứ nhất.Điều thứ hai, Bắc Triều Tiên là một nước đã được quân sự hóa rất cao và có khả năng sản xuất số lượng lớn vũ khí, nhất là đạn pháo. Tuy nhiên, dù Nga sản xuất đạn pháo nhiều hơn của phương Tây, rõ ràng nước này muốn có thể sử dụng ngay một lượng lớn đạn pháo để giành lợi thế ở Ukraina và sau đó có lẽ cũng để tái lập kho dự trữ của mình. Trong bối cảnh này, Nga đã xích lại gần Bắc Triều Tiên. Dĩ nhiên là các nước trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc theo dõi vụ việc với nỗi lo lắng, bởi vì họ sợ rằng đáp lại, Nga sẽ hỗ trợ Bắc Triều Tiên trong một số lĩnh vực. Vì vậy, sẽ có một sự tái cân bằng quân sự trong vùng, hệ quả gián tiếp của cuộc chiến ở Ukraina. »Chỉ vài giờ sau khi Matxcơva và Bình Nhưỡng ký kết hiệp ước quốc phòng mới, ngoại trưởng Anthony Blinken khi trao đổi điện thoại với đồng cấp Hàn Quốc đã lên án mối hợp tác quân sự ngày càng được củng cố giữa Nga và Bắc Triều Tiên.Trung Quốc « mềm mỏng »Giới phân tích phương Tây e ngại rằng quan hệ giữa Kim Jong Un và Vladimir Putin còn khuyến khích Bắc Triều Tiên thêm hung hăng. Trên tuần báo kinh tế Anh, The Economist, chuyên gia Ankit Panda, Quỹ Carnegie vì Hòa bình Thế giới, tóm lược « đây là một cơ hội chiến lược lớn nhất cho Bắc Triều Tiên từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc. »Nếu như phương Tây đặc biệt chú ý đến chuyến công du Bình Nhưỡng của nguyên thủ Nga, lo lắng về hợp tác quân sự giữa một nước Nga « hiếu chiến » và một Bắc Triều Tiên « bất hảo », thì ngược lại Trung Quốc có những phản ứng rất « mềm mỏng »,  không tỏ ra quan ngại, nhưng cũng không hoan nghênh hiệp ước quốc phòng Nga - Triều.Bình luận chính thức từ Bắc Kinh là tuyên bố của thứ trưởng ngoại giao Tôn Vệ Đông, « Bắc Triều Tiên và Nga, hai quốc gia láng giềng thân thiện, có nhu cầu trao đổi và phát triển mối quan hệ bình thường và cuộc gặp cấp cao của họ là những thỏa thuận song phương giữa hai nước có chủ quyền. »Làm thế nào giải thích cho phản ứng « yếu ớt » này của Trung Quốc trước việc Nga và Bắc Triều Tiên xích lại gần hơn với một hiệp ước quốc phòng mới, có nguy cơ làm nghiêng cán cân quyền lực giữa ba nước độc tài ?Hãng tin Mỹ AP ngày 21/06/2024 dẫn phân tích của nhà nghiên cứu Victor Cha1 cho rằng đó có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh chưa biết phải làm gì. Theo ông Cha, một số nhà phân tích ở Bắc Kinh có thể hoan nghênh quan hệ đối tác Nga - Triều, xem đấy như là cách để đẩy lùi thế thống trị của Mỹ, nhưng số khác lo lắng trước nguy cơ bất ổn do nước Nga gây ra, đưa xung đột ở châu Âu vào châu Á. Chính sách « hướng đông » của Nga buộc Trung Quốc phải cảnh giác rằng sự hiện diện ngày càng mạnh của Nga có khả năng gây ra bất ổn cho bán đảo Triều Tiên.Thượng đỉnh Putin - Kim: Thời điểm thuận lợiNhưng nhà nghiên cứu Hemant Adlakha2 trên trang The Diplomat lưu ý, để hiểu được « thâm ý » của Bắc Kinh về sự kiện này, cần phải quan sát phản ứng của các nhà phân tích trên khắp cả nước cùng với nhiều tổ chức tư vấn, các khoa đại học ở Trung Quốc. Phần đông những người này đều có phản ứng về việc ông Putin ủng hộ Bắc Triều Tiên, ít nhất vì ba điểm.Thứ nhất, thời điểm hoàn hảo của thượng đỉnh Kim - Putin. Dựa vào các nguồn tin được loan truyền trên diễn đàn sohu.com, nhà quan sát Adlakha nhận thấy ngày giờ chuyến thăm Bình Nhưỡng dường như đã được Matxcơva tính toán với sự tham vấn của Bắc Kinh. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã rút ngắn thời gian chuyến thăm xuống còn một ngày, thay vì hai ngày, khi đến Bình Nhưỡng lúc ba giờ sáng mà không thông báo cho đồng nhiệm Bắc Triều Tiên.Nhiều nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, quyết định này của nguyên thủ Nga là nhằm tránh có những tác động bất lợi cho cuộc họp cấp cao ba bên Trung – Nhật – Hàn đang diễn ra và quan trọng hơn, theo quan điểm của Bắc Kinh, một vòng đàm phán song phương mới Seoul – Bắc Kinh, cuộc họp cấp thứ trưởng 2+2 đầu tiên về ngoại giao và an ninh đang diễn ra cùng lúc tại Seoul.Do vậy, để « giữ thể diện cho Kim Jong Un », tổng thống Nga đã dừng chân đột xuất hơn 5 tiếng đồng hồ ở Yakutsk, thủ đô cộng hòa Sakha của Nga để thị sát và trao đổi với người dân địa phương. Và sự chậm trễ này cũng giúp Bắc Kinh tránh phải giải thích cho Seoul lý do Trung Quốc « im lặng » trước sự can dự của Nga (cùng với Bắc Triều Tiên) gây nguy hiểm cho tình hình an ninh bán đảo, vì ông Putin chỉ bắt đầu chuyến thăm sau khi hội nghị 2+2 kết thúc.Cải thiện quan hệ Trung Quốc - Liên ÂuThứ hai,Bắc Kinh cho rằng việc Nga và Bắc Triều Tiên siết chặt quan hệ mang lại nhiều lợi thế. Đầu tiên hết, hiệp ước quân sự Nga – Triều khiến Mỹ lo ngại, thậm chí sợ hãi, và do vậy, đối với nhiều nhà phân tích, việc Putin và Kim xích lại gần hơn là « một sự lựa chọn hợp lý ».Tiếp đến, việc Bình Nhưỡng cung cấp đạn dược cho Matxcơva có thể giúp Bắc Kinh giảm bớt một số hoạt động giao thương với Nga, và như vậy giúp cải thiện mối quan hệ Trung Quốc - Liên Hiệp Châu Âu, do các nước Liên Âu xem việc xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng sang Nga là mối đe dọa lớn.Sau cùng, các nhà bình luận Trung Quốc đánh giá, việc Bình Nhưỡng xuất khẩu đạn pháo cho Nga có thể giúp cải thiện sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Lý do là cuộc trao đổi này sẽ làm cạn kiệt kho vũ khí của Bắc Triều Tiên, giúp cho nỗ lực của Bắc Kinh duy trì hòa bình và ổn định Đông Bắc Á.Cũng theo phân tích từ giới học thuật Trung Quốc, những áp lực quân sự, đà bành trướng chủ nghĩa đế quốc Mỹ và các đồng minh NATO, từ sự mở rộng  liên minh quân sự ở châu Âu, cuộc xung đột Nga – Ukraina, cho đến các liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Đông Bắc Á nhắm vào Bắc Triều Tiên đã thúc đẩy Nga – Bắc Triều Tiên nâng cấp quan hệ. Chiến lược lâu dài của Mỹ và các đồng minh nhằm cô lập, kềm chế Nga và Bắc Triều Tiên sẽ tự động thúc đẩy hai nước hợp tác để đối phó với mối đe dọa chung này.Cầu Đồ Môn : Lời hứa của Putin với Tập Cận BìnhLý do thứ ba được nhiều nhà phân tích nhắc đến và cho rằng còn quan trọng hơn cả Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện Nga – Triều : Thỏa thuận giữa Putin và Kim về việc sớm xây dựng cây cầu xuyên biên giới bắc qua sông Đồ Môn. Điều này cho thấy tổng thống Nga đã giữ lời hứa với đồng nhiệm Trung Quốc nhân cuộc gặp thượng đỉnh hôm 16/5 : Cam kết đàm phán với Bắc Triều Tiên về cửa sông Đồ Môn.Trong quá khứ, Trung Quốc đã để mất khu vực đông bắc giáp với Nga, Bắc Triều Tiên và vùng biển Nhật Bản đã rơi vào tay đế quốc Nga sau Hiệp ước Bắc Kinh khi quân đội Anh và Pháp chiếm đóng Bắc Kinh năm 1860. Ngày nay phần lãnh thổ nhỏ này cản trở Trung Quốc tiếp cận biển Nhật Bản. Từ nhiều thập niên qua, Trung Quốc không ngừng tìm cách thúc đẩy dự án xây cầu, nối vùng Hồn Xuân (tỉnh Cát Lâm) của Trung Quốc với Sonbonguyok, Bắc Triều Tiên, nhưng bất thành.Theo quan sát từ trang Nikkei Asia của Nhật Bản, các yếu tố như « Chiến tranh lạnh mới », nỗi khao khát vũ khí hạt nhân ngày càng lớn của Bình Nhưỡng, xích mích ngày một tăng giữa hai miền Triều Tiên và nỗi bất an của Nhật Bản trước đà gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc đều có tác dụng gây trở ngại cho mong muốn ấp ủ từ lâu của Bắc Kinh nhằm tiếp cận Biển Nhật Bản thông qua biên giới sông Nga – Triều.Giới học giả Trung Quốc có vẻ hào hứng với thỏa thuận cầu vượt biên giới sông Đồ Môn ở Bình Nhưỡng, nhưng họ cũng không quên sự vỡ mộng đã tích tụ nhiều thập kỷ qua, khi hết thỏa thuận này đến thỏa thuận khác bị phớt lờ một cách lặng lẽ. Trong bối cảnh này, giới phân tích Trung Quốc theo dõi chặt chẽ mối quan hệ Nga – Triều trước khả năng đạt được ba mục tiêu của Trung Quốc : Cải thiện quan hệ với châu Âu, làm cạn kiệt kho vũ khí của Bắc Triều Tiên, và xây dựng cây cầu xuyên biên giới bắc qua sông Đồ Môn để ra biển Nhật Bản.Do vậy, trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt, tiến sĩ địa lý David Teurtrie, Viện Nghiên cứu Cao học Công giáo nhận định, trái với nhiều phân tích cho rằng đối tác quốc phòng Nga - Triều khiến Trung Quốc khó chịu, việc Vladimir Putin và Kim Jong Un tăng cường quan hệ khó có thể làm tổn hại đến quan hệ Nga - Trung.David Teurtrie : « Điều rõ ràng à Matxcơva rất chú ý đến quan điểm của Bắc Kinh, bởi vì dẫu sao đi chăng nữa, đây còn là một đối tác lớn, một đối tác chính của Nga và hiển nhiên Nga không thể xa lánh Trung Quốc vào lúc này, đây không hoàn toàn là ý định của Matxcơva. Vì vậy, Nga sẽ phải tỏ ra cẩn trọng và chú ý đến những gì có thể khiến Trung Quốc e ngại là sự việc đã đi quá xa. Tôi nghĩ là họ vẫn sẽ khá cẩn thận.Bây giờ điều chúng ta cần ghi nhớ là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Phương Tây đang xấu đi. Đối với Bắc Kinh, mối quan hệ hợp tác này không hoàn toàn là một vấn đề. Thậ

07-25
11:20

Chính sách ngoại giao “không ngoại giao” của Vatican đối với Giáo hội Trung Quốc

Mùa thu này, Vatican và Trung Quốc sẽ ký lại thỏa thuận về những hoạt động của Giáo hội Công Giáo tại Trung Quốc. Thỏa thuận giữa Toà Thánh và Trung Quốc, có giá trị 2 năm, liên quan đến nhiều vấn đề trong đó có việc truyền chức và bổ nhiệm các giám mục. Việc tái ký thỏa thuận đã gây nhiều đồn đoán ngay từ đầu năm nay, với những dấu hiệu đơn phương từ Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Toà Thánh, vốn là kiến trúc sư của thỏa thuận khi còn là ngoại trưởng Toà Thánh. Điều này đã trở nên rõ ràng khi ngài phát biểu trong một tham luận tại một hội thảo nhân dịp kỷ niệm 100 năm Công Đồng Thượng Hải, được tổ chức bởi Đại học Urbaniana ngày 21/05/2024. Linh mục Phạm Hoàng Dũng, từ Liège, Bỉ, trước hếtgiải thích bối cảnh ra đời và ý nghĩa của Công đồng Trung Quốc.Hội thảo “100 năm kể từ Công đồng Trung Quốc: Giữa lịch sử và hiện tại” Hội thảo này có tên gọi “100 anni dal Concilium Sinense: tra storia e presente”, được tổ chức tại đại học Urbania (Pontificia Università Urbaniana) với sự hợp tác của Cơ quan thông tấn Fides (Agenza Fides) và Ủy Ban Mục Vụ Trung Quốc (Commissione Pastorale per la Cina). Đây là một hội thảo khoa học có sự tham dự và tham luận của Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, Hồng Y Luis Antonio Tagle, Quyền Bộ trưởng Bộ Truyền Giáo và Giám mục Thượng Hải Giuse Thẩm Bân (Joseph Shen Bin), Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc.Công đồng Trung Hoa (tên chính thức), hay Công đồng Thượng Hải theo tên gọi phổ biến, là cuộc họp chính thức đầu tiên tổ chức tại Thượng Hải vào năm 1924 quy tụ các giám mục, những người đứng đầu công việc truyền bá Ki-tô giáo ở Trung Quốc vào thời điểm đó nhằm thống nhất và đề ra những đường hướng cho một hàng giáo sỹ người bản xứ. Nói nôm na là những bước đầu tiên của Giáo hội Công giáo Trung Quốc.Chúng ta cũng cần biết lúc đó, công việc truyền đạo là do người ngoại quốc, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý v.v… thực hiện một cách riêng rẽ. Thế nên một cuộc họp của những người có trách nhiệm này là hết sức quan trọng không chỉ đối với việc thành lập hàng giáo sỹ tại Trung Quốc, mà cả việc đào tạo nguồn nhân lực cho việc tự chủ và phát triển của Giáo hội tại Trung Quốc.Sự hiện diện nhiều ý nghĩa của giám mục Thượng HảiTại hội thảo này, sự có mặt và đóng góp tham luận của giám mục Thượng Hải Giuse Thẩm Bân có nhiều ý nghĩa khác nhau. Không chỉ ngài đại diện cho giáo phận nơi đã diễn ra công đồng lịch sử của Giáo hội Trung Quốc, mà ngài đang là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc, nhưng không được Toà Thánh công nhận vì cơ quan này do Nhà nước Trung Quốc chi phối. Chính ngài đã là nhân vật gây tranh cãi khi được bổ nhiệm làm Giám Mục Thượng Hải hồi năm 2023 trước khi được Tòa Thánh chuẩn nhận.Việc công nhận này chỉ được thực hiện 3 tháng sau. Chính Đức Hồng Y Parolin cho biết ngài chỉ biết được vụ việc qua báo chí. Điều này cho thấy Nhà nước Trung Quốc một mặt vẫn ký kết những thỏa thuận với Toà Thánh, mặt khác vẫn thực hiện chính sách tôn giáo của riêng họ. Và nhiều lúc đặt đối tác trước “việc đã rồi” để buộc phải giải quyết.Người đứng đầu cơ quan của Nhà nước sẽ tận dụng cơ hội để trình bày chính sách của Trung Quốc?Đức Giám mục Thượng Hải đã có bài tham luận dài 15 phút bằng tiếng Quan Thoại. Trong bài đó, ngài đã nói về di sản của Công đồng Thượng Hải năm 1924, vốn đã khuyến khích Giáo hội ở Trung Quốc, do các nhà truyền giáo ngoại quốc điều hành vào thời điểm đó, phát triển hàng giáo sỹ địa phương và tránh xa khỏi chế độ thuộc địa của các cường quốc Tây Phương, vốn ủng hộ một tôn giáo không còn bị coi là ngoại lai nữa.Ngài nói rằng ngày nay, Giáo hội ở Trung Quốc nên tuân theo chính sách “Hán hoá – sinicization”, để làm cho Công giáo trở nên mang tính Trung Quốc hơn, như áp dụng các hình thức nghệ thuật, kiến trúc và âm nhạc tôn giáo truyền thống của địa phương.“Hán hoá – sinicization” cũng là tên của một chiến dịch do nhà lãnh đạo Tập Cận Bình phát động nhằm biến đổi và kiểm soát toàn bộ đất nước, bao gồm cả tôn giáo, bằng cách điều chỉnh chính sách văn hóa Trung Quốc theo hệ tư tưởng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Theo trang mạng National Catholic Register, chính Đức cha Thẩm Bân đã thừa nhận điều này. Trả lời phỏng vấn một hãng thông tấn Nhà nước hồi năm ngoái, ngài nói rằng việc Hán hoá Ki-tô giáo ở Trung Quốc tức là dùng "các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt yếu để đưa ra một cách giải thích thần học và các học thuyết của giáo hội phù hợp với Trung Quốc."Trong bài tham luận tại hội thảo, ngài lưu ý, quy chế của hội đồng giám mục (Trung Quốc) nêu rõ rằng sứ mệnh của cơ quan này là “bảo vệ đức tin, rao giảng Tin Mừng và quảng bá một Giáo hội thánh thiện dựa trên Kinh Thánh và Truyền thống, tuân thủ theo tinh thần của Giáo hội Công giáo phổ quát và tông truyền và Công đồng Vatican II.”Tuy nhiên, đây chỉ là phần trích dẫn của tài liệu với câu tiếp theo nói rằng hội đồng giám mục “ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, hệ thống xã hội chủ nghĩa và tuân thủ các nguyên tắc độc lập và tự chủ trong các vấn đề chính trị, kinh tế và Giáo Hội.”Đức Cha Thẩm Bân cũng bào chữa cho chính sách tôn giáo và gián tiếp nói đến sự độc lập của “Giáo Hội Trung Quốc”: “Chính sách tự do tôn giáo do chính phủ Trung Quốc thực hiện không có mục đích thay đổi đức tin Công giáo, mà chỉ hy vọng rằng các giáo sĩ và tín hữu Công giáo sẽ bảo vệ lợi ích của người dân Trung Quốc và thoát khỏi sự kiểm soát của các thế lực nước ngoài.”Hán hoá ở Trung Quốc, hay hội nhập văn hoá của Ki-tô giáo nói chung là quá trình tất yếu khi Ki-tô giáo đi vào một nên văn hoá hay xã hội qua dòng lịch sử. Nhưng Hán hoá theo đường lối xã hội chủ nghĩa thì không còn mang nghĩa của Tin Mừng của Chúa Ki-tô. Có lẽ đây là câu trả lời cho những gì đã xảy ra một năm trước qua vụ bổ nhiệm giám mục Thượng Hải, trong văn thư thông báo việc chấp nhận của Tòa Thánh, Đức Hồng Y Parolin đã kêu gọi tổ chức một hội đồng giám mục Trung Quốc với “các quy chế phù hợp với bản chất của Giáo hội và sứ mệnh mục vụ của hội đồng này”.Đức Cha Thẩm Bân dùng Kinh Thánh để nói lên mối tương quan: “Khi giải quyết mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước, tôn giáo và chính trị, chúng ta phải quay lại với những gì Kinh Thánh nói: “Hãy trả cho Ceasar những gì của Ceasar và cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”.Như vậy, Trung Quốc đã có các chính sách tôn giáo của riêng mình bất chấp mọi thỏa thuận với các đối tác dù có những văn bản ký kết.Vậy tại sao Tòa Thánh lại tiếp tục đơn phương ký tái kết ?Trong tham luận tại cuộc hội thảo này, Đức Hồng Y Pietro Parolin đã mượn hình ảnh của vị giám mục Celso Costantini, người đã triệu tập Công đồng Thượng Hải này để nói về chính sách ngoại giao giữa Tòa Thánh và Trung Quốc hiện tại.Theo Hồng Y Parolin, chìa khoá cho một Giáo hội hưng thịnh ở Trung Quốc là làm cho Giáo hội địa phương trở thành “truyền giáo” nhưng không phải do người nước ngoài và sự tham gia của Toà Thánh với chính phủ ở cấp độ các vấn đề giáo hội mà thôi. Tức là một đại diện của Toà Thánh hiện diện ở Trung Quốc thuần tuý mang tính chất mục vụ và bỏ qua những yếu tố mang tính chất ngoại giao của các sứ giả đến từ Vatican.Nỗ lực ngoại giao “không ngoại giao này” có hiệu quả hay là nhượng bộ  chính phủ Trung Quốc?Trong bài thuyết trình, Đức Parolin cho biết : Đức giám mục Costantini đã có “một cái nhìn sâu sắc khác thường” về tình hình và những thách thức của Giáo hội ở Trung Quốc, từ đó ngài đã định hình “chiến lược truyền giáo và ngoại giao” để dẫn tới Công đồng đầu tiên của Giáo hội ở Trung Quốc vào năm 1924.Một vấn đề quan trọng được xác định bởi người đại diện của Giáo Hoàng vừa mới được bổ nhiệm, đó là Giáo hội “ở Trung Quốc - in China” chứ không phải là người Trung Quốc, với “sự phụ thuộc dai dẳng và sau đó quá mức vào thành phần nước ngoài của sứ mệnh truyền giáo”, “được biểu hiện bằng cả hai cách qua sự hiện diện gần như độc quyền của các giáo sĩ nước ngoài và sự ưu tiên độc quyền của một số nhóm truyền giáo, với sự bảo trợ từ các cường quốc phương Tây và phương pháp mục vụ cũng có kết quả từ đó”.  Parolin trích lời của nhà truyền giáo đầu thế kỷ XX, “chúng tôi đã ở Trung Quốc hơn ba thế kỷ. Toàn bộ hệ thống phẩm trật giáo hội vẫn còn xa lạ. Đây có phải giáo hội mà Chúa Kitô mong muốn hay không ? Giáo hội phải hội nhập và không thể mãi mãi là những người khách xa lạ.” Hồng Y cũng nêu lên mối lo ngại của Costantini rằng “viện trợ nhân lực” từ nước ngoài có thể có hiệu quả cho việc mở rộng việc truyền giáo trong một thời gian. Nhưng nó “cũng có sức nặng về mặt tinh thần đối với công cuộc truyền giáo”.Hồng Y Parolin nói: “Niềm tin này đi kèm với nhận thức rằng để khôi phục sức mạnh cho công cuộc truyền giáo trong nước, Giáo hội Công giáo sẽ phải tự giải thoát khỏi các sự kiện chính trị và lợi ích thuộc địa, sẽ phải đứng tách biệt bên ngoài và ở trên chúng”. Để thấy được sự chuyển đổi cần thiết của Giáo Hội ở Trung Quốc từ “các sứ mệnh truyền giáo ngoại quốc” sang một Giáo Hội “hội nhập văn hóa đích thực” ở Trung Quốc, Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh phải có cuộc đối thoại trực tiếp giữa Giáo Hội và chính quyền Nhà nước.“Chúng tôi từ lâu đã hy vọng có được sự hiện diện ổn định ở Trung Quốc” đó là niềm hy vọng của Quốc vụ khanh Tòa Thánh hiện tại và sứ thần Toà Thánh trong quá khứ. Sự hiện diện đó “ban đầu có thể không mang hình thức đại diện giáo hoàng của một sứ thần Toà Thánh”, mà là một vị đại diện mục vụ thuần tuý.Cả Costantini và Parolin đều đồng ý rằng cuộc đối thoại phải được củng cố bởi “mối hiệp thông với Người kế vị Thánh Phê-rô. Sự hiệp thông này chính xác là sự bảo đảm tốt nhất cho một đức tin xa rời các lợi ích chính trị bên ngoài và gắn chặt với văn hoá và xã hội địa phương.” Parolin trích dẫn Costantinni: “Giáo hoàng là nhà lãnh đạo tinh thần của tất cả các tín hữu Công giáo trên toàn thế giới, dù họ ở bất cứ nước nào, nhưng sự vâng phục giáo hoàng không làm tổn hại đến tình yêu mà mỗi người dành cho đất nước mình.”Bài thuyết trình của Đức Hồng Y Parolin đã đưa ra một bài học có vẻ đơn giản từ lịch sử về cách ứng xử của Giáo hội với Trung Quốc: một Giáo hội địa phương do các giám mục Trung Quốc lãnh đạo cùng với giáo hoàn

07-18
08:55

Hậu bầu cử Hạ Viện : Tổng thống Macron bị suy yếu, trục Pháp - Đức cũng bị lung lay

Vòng hai cuộc bầu cử Hạ Viện cho kết quả một Nghị Viện không có đa số tuyệt đối, chính trường Pháp bị phân rẽ thành ba khối lớn. Sự suy yếu của tổng thống Emmanuel Macron, nỗi lo nước Pháp rơi vào bế tắc chính trị, cùng đà trỗi dậy của phe cực hữu trong nghị trường, không chỉ đe dọa đến tầm ảnh hưởng của Pháp, mà còn làm lung lay cả trục đầu tầu Paris - Berlin trong lòng khối Liên Hiệp Châu Âu. Courrier International (08/07/2024) ghi nhận : Suốt cả tuần châu Âu run rẩy trước nguy cơ đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) có đa số tuyệt đối, đến ngự trị ở điện Matignon ( phủ thủ tướng Pháp ). Hai ngày trước cuộc bỏ phiếu vòng hai, trang Politico (05/07/2024), gióng chuông cảnh báo, sau Hungary, Slovakia, Hà Lan hay Ý, việc cực hữu lên cầm quyền tại Pháp, « quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân và thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, có lẽ sẽ gây ra hậu quả toàn cầu ».Nếu như kết quả bỏ phiếu vòng hai (07/07) đã xóa tan điều tồi tệ, đưa liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP) về đầu, liên minh cánh trung Đồng Hành – Ensemble của tổng thống Macron vượt lên thành thế lực chính trị thứ hai, đẩy phe cực hữu của bà Marine Le Pen xuống vị trí thứ ba, thì việc Nghị Viện Pháp bị phân rẽ thành ba khối chính trị lớn mà không phe nào có đa số tuyệt đối lại làm dấy lên một nỗi lo khác : Một nước Pháp không thể điều hành !Jon Henley, thông tín viên của báo The Guardian của Anh tại châu Âu, chiều Chủ Nhật 07/7, đã cảnh báo rằng « một trong những lực đẩy của Liên Âu và nền kinh tế thứ hai của khối đang rơi vào tình trạng bế tắc kéo dài ở Quốc Hội và bất định chính trị ».Tờ El Pais của Tây Ban Nha cũng không khoan nhượng : Viễn cảnh « chung sống » chính trị là « một đòn nặng nề cho vai trò lãnh đạo quốc tế của Pháp ». Nhật báo Tây Ban Nha dẫn nhận định của chuyên gia người Pháp, bà Alexandra de Hoop Scheffer, phó chủ tịch điều hành cơ quan tham vấn của Mỹ German Marshall Fund (GMF) nhấn mạnh đến hậu quả sự suy yếu của Emmanuel Macron đối với tiến bộ của Liên Hiệp Châu Âu. Theo bà, trong bảy năm điều hành nước Pháp, tổng thống Macron đã định hình đáng kể chương trình nghị sự của khối và thúc đẩy sự hội nhập trên nhiều lĩnh vực.Đây cũng là đánh giá của Marie Krpata, nhà nghiên cứu về quan hệ Pháp – Đức, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) trong một trao đổi với RFI Tiếng Việt, được thực hiện trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu vòng hai.Marie Krpata :  Emmanuel Maron đã là một lực đẩy trong khối Liên Hiệp Châu Âu trên một số chủ đề nhất định. Trong bài diễn văn Sorbonne 2017, ông đưa ra một số đề xuất về cách đưa Liên Hiệp Châu Âu tiến lên. Tiếp theo là bài phát biểu Sorbonne 2024 mở rộng động lực về cách cải thiện Liên Hiệp Châu Âu, mặc dù ông bi quan hơn nhiều khi nói rằng châu Âu đang "chết dần".Dù vậy, ông Macron cũng có một số thành công nhất định, chẳng hạn như về chính sách công nghiệp của Liên Âu, việc thiết lập các cơ chế bảo hộ thương mại, hay như sự phối hợp nhiều hơn trên phương diện chính sách quốc phòng ở cấp độ châu Âu. Theo tôi đây là những kết quả mà tổng thống Pháp đã đạt được.Ngoài ra còn có khái niệm quyền tự quyết của châu Âu, một khái niệm do Emmanuel Macron đề xướng và hiện nay đã được chấp nhận trong lòng Liên Hiệp Châu Âu. Kế hoạch phục hồi Next Generation EU hậu Covid-19 để giảm thiểu các tác động của đại dịch đối kinh tế, các vấn đề xã hội … Tất cả những điều này thực sự là thành công của bà Angela Merkel và Emmanuel Macron, nhờ vào một sự hội tụ giữa Pháp và Đức.Kết quả bầu cử này có tác động ra sao đến vị thế của Pháp tại châu Âu ? Việc ông Macron bị suy yếu, Pháp bước vào giai đoạn « sống chung chính trị » với nhiều bất định, có ảnh hưởng đến đầu tầu Pháp – Đức hay không ? Nhà nghiên cứu Marie Krpata giải thích thêm :Marie Krpata : Nếu nước Pháp phải rơi vào tình trạng « sống chung » chính trị, hay Quốc Hội không có đa số tuyệt đối, Pháp buộc phải tìm kiếm các liên minh để thông qua các văn bản luật. Họ phải đàm phán, tham vấn và do vậy điều đó sẽ trở nên rất là phức tạp, bởi vì Pháp có một mô hình chính trị theo chiều dọc. Do vậy, nếu Pháp phải dồn mọi chú ý cho các vấn đề chính sách trong nước, điều đó nhất thiết sẽ có tác động tiêu cực đến đầu tầu Pháp – Đức.Nhưng tình hình ở Đức cũng không mấy gì sáng sủa, bởi vì vào tháng 8/2023, chúng ta còn nhớ The Economist đã chạy tít về vấn đề này khi đặt câu hỏi, "liệu Đức có phải là người bệnh mới của châu Âu hay không ?". Đó là vì tờ báo này ám chỉ đến việc tình hình kinh tế Đức cũng không được như mong muốn : Tăng trưởng trì trệ, lạm phát cao, giá năng lượng bị tăng lên khiến tính cạnh tranh của các cơ sở công nghiệp Đức gặp khó khăn.Hơn nữa trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu hồi tháng 6/2024, liên minh đảng cầm quyền Đức chỉ thu được một kết quả khiêm tốn. Đảng bảo thủ đối lập CDU đã được củng cố hơn trong kỳ bầu cử này và được cảm nhận như là chiếc neo cho sự ổn định. Vì vậy, đã có một số người kêu gọi tổ chức bầu cử sớm ở Đức. Quý vị thử hình dung xem, nếu tại hai nền kinh tế chính châu Âu cùng lúc có hai cuộc bầu cử trước thời hạn, mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp và gây ra bất ổn như thế nào?Cũng đừng quên rằng vào năm 2025, tại Đức cũng sẽ có bầu cử lập pháp, nhưng vào tháng 9/2024, sẽ có các cuộc bầu cử vùng ở các bang phía Đông như Brandebourg, Saxes và Thuringe. Liệu liên minh cầm quyền có thoát được khó khăn hay không ? Các đảng trong liên minh cầm quyền có sẽ thu được gì hay không, bởi vì theo truyền thống, các bang phía đông nước Đức đều ủng hộ các đảng cực đoan, các đảng cực hữu và cực tả luôn chiếm được số phiếu cao.Vì vậy, trong mọi trường hợp, chắc chắn cả Pháp và Đức đều bị suy yếu. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến sự đồng thuận trong lòng khối Liên Hiệp Châu Âu và gây chia rẽ sâu sắc Liên Âu và nhất là trong bối cảnh Hungary, đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu. Quốc gia này đã thể hiện sự gần gũi với nước Nga của ông Vladimir Putin, và đã nhiều lần ngăn chặn viện trợ cho Ukraina cũng như là nhiều chuỗi trừng phạt nhắm vào Nga.Có thể nói tất cả những điều này diễn ra vào một thời điểm địa chính trị nhậy cảm, mà ở đó, các thách thức địa chính trị và trên phương diện quan hệ quốc tế cho Liên Hiệp Châu Âu là rất lớn.Vậy với sự vắng mặt của Pháp tại châu Âu do những bất ổn chính trị nội tại, Đức có thể tận dụng khoảng trống đó để áp đặt quan điểm của mình đối với các chính sách của Liên Âu ?Marie Krpata : Điều mà chúng ta thấy từ đầu cuộc chiến tranh Ukraina là Đức làm việc với sự tham vấn chặt chẽ của Hoa Kỳ, chẳng hạn như việc gởi xe tăng Leopard đi kèm với điều kiện giao xe tăng Abrams, cấp xe bọc thép Marder đi cùng với điều kiện gởi xe bọc thép Bradley. Có thể nói là Đức thật sự trong vị thế có tiềm lực kinh tế. Một thế mạnh mà Đức đã tự khẳng định vị trí trên bình diện kinh tế và chuỗi các giá trị quốc tế hóa có từ sau Đệ Nhị Thế Chiến và khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Nhưng hiện nay, vị thế này của Đức đã bắt đầu chạm đến giới hạn của hệ thống và mô hình kinh tế, do quá trình phân mảnh các nền kinh tế thế giới.Thực sự có những hành vi thương mại không công bằng, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và hạn chế tiếp cận thị trường. Vì vậy, trên thực tế, Đức đang suy yếu về mặt kinh tế, một phần là do các chính sách công nghiệp do Trung Quốc và Hoa Kỳ tiến hành. Trung Quốc với Made in China 2025 mong muốn trở thành cường quốc sản xuất hàng đầu vào năm 2049. Hoa Kỳ thì có Đạo luật giảm lạm phát, thúc đẩy công nghệ xanh được sản xuất tại Mỹ thông qua khoản trợ cấp và cho vay.Vì vậy, Đức đang suy yếu về mặt kinh tế, nhưng nước này cũng gặp khó khăn để khẳng định mình trong một lĩnh vực mà cho đến hiện tại, Đức vẫn chưa thực sự cảm thấy thoải mái chẳng hạn như an ninh, quốc phòng, là những khía cạnh mà nước này đã bỏ qua do lịch sử và trách nhiệm mà nước này phải gánh chịu trong Chiến tranh thế giới thứ hai.Và chúng ta đã thấy, kể từ cuộc chiến ở Ukraina, họ đã đề ra chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược đối với Trung Quốc nhằm cố gắng giảm bớt những điểm yếu của mình trong mối quan hệ với các cường quốc. Tất nhiên, tất cả những điều này góp phần vào việc tái định hướng, tái định vị, nhưng Đức vẫn gặp khó khăn trong việc xác định vị trí của mình. Trên thực tế, Đức thích các thể thức đa phương mà trong đó nước này có thể tìm kiếm sự hợp tác, thỏa thuận với các đối tác khác như Mỹ chẳng hạn.**********Với kết quả bầu cử ngày 07/07 tại Pháp, mọi cơ hội cải cách châu Âu xem như đã khép lại. Sự suy yếu của Pháp ở cấp độ châu Âu sẽ có những tác động nghiêm trọng vào thời điểm khối này đang đứng trước những ngã rẽ quan trọng, thời điểm mà « Liên Âu phải quyết định cách thức hành động tại một thế giới mà các mối quan hệ quốc tế trở nên gay gắt hơn và EU đang bị kẹp giữa Trung Quốc và Mỹ », nhất là vào thời điểm Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng vào cuối năm nay, theo như nhận định trên nhật báo El Pais của ông Arancha González Laya, cựu ngoại trưởng Tây Ban Nha, hiện là trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po ở Paris.Tóm lại, trước một nước Pháp bị mất tầm ảnh hưởng do bất ổn chính trị nội bộ, nước Đức đang gặp khó khăn về kinh tế và một Liên Hiệp Châu Âu ngày càng thiên hữu, tương lai của Liên Hiệp Châu Âu trở nên mù mịt hơn bao giờ hết, theo như kết luận của nhà nghiên cứu Marie Krpata.RFI Tiếng Việt xin cảm ơn Marie Krpata, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI,đã tham gia chương trình.

07-11
10:53

Trừng phạt kém hiệu quả : Phương Tây sai lầm, đánh giá thấp thực lực kinh tế Nga

Bất chấp 14 chuỗi biện pháp trừng phạt có quy mô lớn chưa từng có, nền kinh tế Nga vẫn trụ vững và không « bị sụp đổ » như phương Tây trông đợi. Theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF), tăng trưởng kinh tế Nga năm 2024 sẽ ở mức 3,2%, tuy giảm nhẹ so năm 2023 là 3,6%, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với nhiều cường quốc phương Tây. Le Monde Diplomatique số ra tháng 6/2024 đặt câu hỏi : Làm thế nào Nga vượt qua được những đòn trừng phạt đó ? Quả thật, việc quân sự hóa nền kinh tế Nga cũng như tình trạng thiếu nhân công hay những khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ phương Tây có thể có những tác động tiêu cực trong trung hạn. Nhưng hiệu quả hoạt động kinh tế Nga, được đại đa số các nhà phân tích công nhận và được các định chế quốc tế xác nhận, đã tạo nên một bất ngờ lớn cho phương Tây.Nga, đại cường xuất khẩu dầu khí và công nghiệp quốc phòngTuyên bố « sẽ làm cho nền kinh tế Nga sụp đổ » đã phản ảnh có một quan điểm đồng thuận trong nội bộ giới lãnh đạo phương Tây, theo đó, quân đội Nga, sớm bị cạn vũ khí vì thiếu linh kiện điện tử cũng như nguồn tài chính do thiếu nguồn thu đô la từ dầu lửa, sẽ bị đánh bại ở Ukraina. Nhưng hai năm sau, kết quả không như mong đợi.Trong bài viết đăng trên tờ Le Monde Diplomatique, David Teurtrie, tiến sĩ địa lý, giảng viên Viện Nghiên cứu Cao học Công giáo, trước hết cho rằng phương Tây đã quá xem nhẹ thực lực kinh tế Nga, khi đưa ra đánh giá « Nước Nga có GDP chỉ bằng Tây Ban Nha » hồi tháng 02/2022.Theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP danh nghĩa của Nga trong năm 2022 xếp ở hạng thứ 8 (so với mức hạng thứ 15 của Tây Ban Nha). Tuy nhiên, trong một cuộc trao đổi dành riêng cho RFI Tiếng Việt, David Teurtrie, cũng là giảng viên thỉnh giảng tại Viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (INALCO), giải thích chỉ số GDP vẫn có thể được tính theo một cách khác : Sức mua tương đương (GDP PPP).David Teurtrie : « Trong trường hợp này, nếu chúng ta tính theo sức mua tương đương, thì Nga đúng hơn là đứng hàng thứ 5, vì vậy nước này nằm trong nhóm các nước dẫn đầu. Đây cũng là một cách đánh giá các nền kinh tế và cách thức đo lường sức mạnh kinh tế này không phải lúc nào cũng được tính đến. Không phải tất cả các nhà kinh tế đều đồng ý về điểm này.Điểm thứ hai, Nga vẫn là một đại cường công nghiệp. Hình ảnh mà phương Tây thường có về nước Nga chỉ là một nước sản xuất dầu khí, rồi có thể là có vũ khí hạt nhân. Nhìn chung, hình ảnh mà họ có chỉ là một cường quốc xuất khẩu nguyên liệu thô, sở hữu bom nguyên tử.Nhưng Nga đâu chỉ có thế. Không những Nga là một đại cường xuất khẩu nguyên liệu thô, mà nước này còn có một nền công nghiệp nặng , một nền công nghiệp quân sự rất quan trọng. Và điều đó đã được chứng minh, qua việc chỉ riêng một mình Nga đã sản xuất đạn pháo nhiều hơn tất cả các nước phương Tây gộp lại. »Chính sách « sức bền kinh tế » Tháng 2/2022, phương Tây quyết định ngắt kết nối của các ngân hàng Nga với hệ thống SWIFT. Hai năm sau, lĩnh vực ngân hàng Nga vẫn tiếp tục hoạt động và trụ vững trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đó là vì từ năm 2014, khi xung đột Ukraina bắt đầu với việc sáp nhập bán đảo Crimée, rồi giao tranh ở vùng Donbass, điện Kremlin đã thực hiện chính sách sức bền kinh tế để đối phó với sức ép phương Tây.Chẳng hạn, biện pháp « thay thế nhập khẩu » để tự cung tự cấp lương thực trong nhiều năm ; triển khai hệ thống thanh toán bằng thẻ quốc gia (SNPC), và lập hệ thống tin nhắn tài chính Nga (SPFS). Những công cụ cho phép kinh tế Nga tiếp tục hoạt động mà không nhất thiết phải được kết nối với các nền kinh tế phương Tây. Có thể nói, đây là một trong số các chiến lược tài chính hiệu quả nhất của Matxcơva, theo như đánh giá của David Teurtrie với RFI Tiếng Việt.David Teurtrie : « Quả thật, từ năm 2015, 2016, những năm sau khi khủng hoảng Ukraina bùng phát, giới chức Nga đã lập ra một hệ thống dịch vụ quốc gia tương tự như SWIFT, cho phép các ngân hàng Nga tiếp tục các hoạt động giao dịch với nhau cũng như là với một số cơ sở nước ngoài được kết nối với hệ thống này của Nga (…)Rồi còn có một hệ thống khác, hơi khác một chút nhưng có cùng một ý tưởng, đó là hệ thống thanh toán bằng thẻ ngân hàng quốc gia bởi vì các nước phương Tây cũng đã ngắt kết nối các loại thẻ Visa và Mastercard Nga. Đó là một thời điểm quan trọng bởi vì, quý vị cứ hình dung, nếu ngày mai, người ta ngắt kết nối tại bất kỳ quốc gia nào, người dân ở đó không thể đi chợ, mua sắm. Họ sẽ phải quay trở về với hệ thống kiểu cũ là đi đến các cơ sở ngân hàng để rút tiền, giấy bạc ngân hàng.Và như vậy, hệ thống nhà nước Nga đã tiếp quản, và các loại thẻ ngân hàng phương tây vẫn hoạt động. Trên thực tế, người dân Nga ở trong nước thậm chí còn không cảm nhận được các lệnh trừng phạt. Ngược lại, khi họ ra khỏi lãnh thổ Nga, những thẻ này không thể hoạt động bên ngoài lãnh thổ Nga. Nhưng điều thiết yếu là tiếp tục vận hành hệ thống tài chính, kinh tế ở trong nước, và đây đã là một biện pháp  thực sự thành công khi đối mặt với các biện pháp trừng phạt. »Kinh tế chiến tranh kích thích tăng trưởngNgày 17/05/2024, Ủy Ban Châu Âu trong một bài viết đăng trên trang mạng, khẳng định, các biện pháp trừng phạt Nga là có hiệu quả. Mức tăng trưởng 3,2% là « giả tạo », bởi vì, xin trích, « Nhà nước Nga đầu tư ồ ạt cho quân đội. 30% chi tiêu công hiện nay là được dành cho quân đội, tức chiếm đến gần 10% của GDP ». Ủy Ban Châu Âu cho rằng khi đặt kinh tế vào tình thế chiến tranh, nước Nga đang tàn phá nền kinh tế.Một phân tích sai lầm, theo như quan điểm của ông David Teurtrie. Số đơn đặt hàng tăng vọt tại các cơ sở công nghiệp quốc phòng đã có một hiệu ứng dây chuyền cho nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Thứ nhất, việc tuyển dụng ồ ạt và mức lương cao trong ngành mang lại nhiều lợi ích cho công nhân và giới kỹ sư, hai đối tượng từng bị thiệt hại nhiều nhất từ quá trình tam cấp hóa nền kinh tế Nga từ những năm 1990.Thứ hai, hàng trăm ngàn binh sĩ bị điều sang Ukraina được hưởng mức lương, tiền thưởng và nhiều khoản lộc khác, tức cao gấp ba lần so với mức trung bình, cho phép kích thích tiêu dùng các hộ gia đình và phát triển các công trình xây dựng tại những vùng lãnh thổ sinh sống dưới dạng bán tự túc.Điểm đáng chú ý là, theo quan sát của ông David Teurtrie, sau hai năm dưới các lệnh trừng phạt, cắt đứt kết nối với phương Tây, số các nhà tỷ phú Nga đã tăng vọt, và trị giá tài sản của họ tăng gấp đôi. Làm thế nào giải thích cho sự nghịch lý này ? Nhà địa lý học giải thích tiếp :David Teurtrie : « Điều thú vị là số tỷ phú mới trong danh sách những người có tài sản lớn ở Nga chẳng liên quan gì đến lĩnh vực quốc phòng, mà chủ yếu có liên hệ với ngành nông nghiệp thực phẩm và nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Điều đó cho thấy là việc giới hạn tăng trưởng hiện nay với duy nhất vấn đề quốc phòng là không đúng. Quả thật, đúng là những khoản chi tiêu quốc phòng này là rất lớn, đúng là chúng có một tác động dây chuyền đến nền kinh tế, nhưng điều đó không giải thích được tổng thể tăng trưởng kinh tế Nga. Hơn nữa, điều cần biết là, Ủy Ban Châu Âu ban đầu nghĩ rằng cỗ máy công nghiệp chiến tranh Nga sẽ không thể vận hành. Giờ thì họ lập luận rằng chắc chắn là có tăng trưởng, và chúng được gắn liền với kinh tế chiến tranh. Nhưng trước đây, họ nghĩ rằng Nga sẽ không thể vận hành các nhà máy quân sự bởi vì nước này sẽ bị thiếu các linh kiện điện tử. Chỉ có điều tình trạng này đã không xảy ra, và cỗ máy công nghiệp của Nga vẫn vận hành. »Thiếu hiểu biết về quan hệ quốc tếĐó là vì Nga có thể trông cậy vào mạng lưới các nước bè bạn. Một thực tế mà các nước phương Tây khi ban hành trừng phạt đã không tính đến. Sai lầm to lớn này minh chứng cho « một sự thiếu hiểu biết về những chuyển đổi cơ cấu trong quan hệ quốc tế. Thất bại của các biện pháp trừng phạt là do các yếu tố nội tại của Nga cũng như việc đại đa số các nước từ chối trừng phạt Nga. Bất chấp mối tương quan lực lượng bất lợi, phương Tây dường như vẫn dựa vào tính trung tâm của nền kinh tế để áp đặt quan điểm của mình », David Teurtrie đã viết như thế trên Le Monde Diplomatique.Trên làn sóng RFI Tiếng Việt, nhà địa lý học nhận định :David Teurtrie : « Đây là một trong những sai lầm to lớn mà giới lãnh đạo phương Tây đã mắc phải. Họ tin rằng những biện pháp trừng phạt đó sẽ được phần còn lại của thế giới tôn trọng. Nhưng ngoại trừ những đồng minh thân cận của phương Tây như Nhật Bản hay Hàn Quốc, với những sắc thái khác nhau, phần còn lại của thế giới, các nước châu Á cũng như châu Phi và đại đa số các nước châu Mỹ Latinh đã từ chối áp dụng những trừng phạt đó.Nước Nga, do vậy, vẫn có được nguồn cung từ những nước này trong một số lĩnh vực nhất định. Đương nhiên, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp chính yếu hàng đầu, nhất là Trung Quốc hiện nay sản xuất được hầu hết tất cả những gì người ta có thể mua ở phương Tây, đôi khi chất lượng không hoàn toàn giống nhau, không hẳn là cùng sản phẩm nhưng Trung Quốc có khả năng chế tạo gần như một thứ.Nhưng không chỉ có Trung Quốc, chúng ta còn có cả những nước châu Á khác. Hơn nữa, gần đây, chúng ta đã thấy tổng thống Nga đến thăm Việt Nam. Đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, bởi vì, ông ấy cũng đang ve vãn nhiều nước khác để đa dạng hóa nguồn cung. »Trước khi khép lại cuộc trao đổi với RFI Tiếng Việt, David Teurtrie giải thích thêm, Nga trông đợi điều gì ở đối tác Việt Nam.  David Teurtrie : « Tôi nghĩ rằng đối với Nga, điều quan trọng là không để bị quá phục thuộc vào Trung Quốc, và tất nhiên, Nga cần vun đắp các mối quan hệ với nhiều nước khác. Chúng ta biết rõ là Nga hoạt động rất tích cực tại châu Phi nhưng vấn đề là các nước tại lục địa này sáng tạo rất ít công nghệ. Ngược lại, các nước châu Á có thể trở thành đối tác tiềm tàng mà Nga có thể giao thương thay thế Trung Quốc.Chúng ta biết rõ là Việt Nam có những mối quan hệ khá phức tạp với Trung Quốc láng giềng. Nga có thể có lợi trong việc đa dạng hóa các mối quan hệ, kể cả với Việt Nam. Rồi còn có một khía cạnh khác, đó là Việt Nam đã cam kết bình thường hóa các mối quan hệ, thậm chí là xích lại gần Mỹ, và Nga muốn được bảo đảm rằng điều đó được thực hiện mà không gây phương hại cho

07-04
11:03

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ thăm Cam Bốt: Tái lập quan hệ quốc phòng, cạnh tranh với Trung Quốc

Ngày 04/06/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đã chuyến thăm Cam Bốt. Mục tiêu là nhằm cải thiện mối quan hệ đang căng thẳng và tái lập các chương trình hợp tác quân sự. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, qua chuyến thăm ngắn ngủi của ông Austin, Washington còn tìm cách đối phó với nguy cơ Trung Quốc có được cảng quân sự REAM tại quốc gia Đông Nam Á này, mở đường thông ra Ấn Độ Dương. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp Mỹ đến thăm Cam Bốt kể từ khi ông Hun Manet, con trai cựu thủ tướng Hun Sen, lên cầm quyền năm 2023. Trong chuyến thăm vỏn vẹn một ngày, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã có các cuộc hội đàm với đồng nhiệm Cam Bốt Tea Seiha, thủ tướng Hun Manet và chủ tịch Thượng Viện Hun Sen.Trong một thông cáo, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, thiếu tướng Pat Ryder, cho biết giới chức hai nước đã thảo luận về các phương cách thắt chặt hơn nữa quan hệ quốc phòng, bao gồm cả việc nối lại trao đổi huấn luyện quân sự, huấn luyện rà phá mìn. Thủ tướng Hun Manet trên mạng xã hội Telegram cho biết thêm là ông và bộ trưởng Lloyd Austin thảo luận các cách thức nối lại các chương trình hợp tác, bao gồm cả việc Cam Bốt tiếp cận chương trình giáo dục quân sự Mỹ và các cuộc tập trận chung giữa hai nước.Từ năm 2017, quan hệ giữa Mỹ và Cam Bốt đã trở nên căng thẳng. Phnom Pênh vào thời điểm đó đã hủy cuộc tập trận chung với Mỹ mang tên Angkor Sentinel do Mỹ chỉ trích chính quyền Hun Sen trong các chính sách trấn áp đối lập và vi phạm nhân quyền. Năm 2020, nhiều cơ sở hạ tầng quân sự do Mỹ tài trợ ở cảng REAM đã bị tháo dỡ và được cải tạo xây mới nhờ sự trợ giúp của Trung Quốc. Năm 2021, Hoa Kỳ đã rút chương trình cấp học bổng đối với học viên quân sự Cam Bốt.Những phản ứng mạnh mẽ này từ Washington đã cho phép Trung Quốc lấp dần các khoảng trống do Mỹ để lại. Chính quyền thủ tướng Hun Sen ngày càng xích gần đến Trung Quốc thông qua những khoản đầu tư lên đến hàng tỷ đô la trong khuôn khổ chương trình « Những con đường tơ lụa mới ». Và điều này giờ khiến Hoa Kỳ quan ngại.AFP lưu ý, ông Lloyd Austin đến thăm Phnom Penh vào lúc Cam Bốt và Trung Quốc vừa kết thúc cuộc tập trận chung mang tên « Rồng Vàng » (Gold Dragon). Theo giới quan sát, việc ông Hun Manet – từng theo học tại Học viện Quân sự West Point, và là con trai cựu thủ tướng Hun Sen – lên cầm quyền năm 2023 là « một bước ngoặt » cho mối quan hệ Mỹ - Cam Bốt.Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà nghiên cứu David Cam Roux, chuyên gia về Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po, trước hết đánh giá chuyến thăm Cam Bốt của ông Lloyd Austin là một dấu hiệu hòa dịu giữa hai nước.David Camroux : Bởi vì Hoa Kỳ đã hiểu ra rằng cách thức mà họ đối xử với Cam Bốt bằng những lời tố cáo chẳng hạn như xây dựng căn cứ hải quân REAM, ban hành các trừng phạt về vấn đề nhân quyền đã thật sự không mang lại kết quả. Ngược lại, chúng còn đẩy Cam Bốt ngày càng xích lại gần Trung Quốc. Do vậy, tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ đã ý thức được rằng cần phải hành động khác đi đối với Cam Bốt.Hoa Kỳ muốn tận dụng việc Cam Bốt có tân thủ tướng là Hun Manet, vốn là con trai của ông Hun Sen và từng theo học ở trường võ bị West Point tại Mỹ. Chúng ta chưa biết ông ấy có tự do hơn cha mình hoặc ít độc tài hơn hay không, điều mà chúng ta biết được là ông ấy không giống cha mình,vốn là khá bài Mỹ. Thế nên, với việc tân thủ tướng cầm quyền, Hoa Kỳ hy vọng có thể nối lại, hay chí ít là hạ nhiệt căng thẳng quan hệ. Một trong những mối bận tâm sâu sắc của Mỹ là căn cứ quân sự REAM. Vì sao Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm đến căn cứ quân sự này ?David Camroux : Hoa Kỳ lo lắng bởi vì nếu như căn cứ này trở thành căn cứ quân sự cho Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Trung Quốc sẽ có được một lối thông ra Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương. Và như vậy đây sẽ là căn cứ quân sự lớn thứ hai của Trung Quốc ở nước ngoài sau Djibouti. Và Hoa Kỳ, với chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, lo lắng về khả năng hải quân Trung Quốc có được lối tiếp cận này.Cùng ngày ông Lloyd Austin đến Phnom Penh, Bắc Kinh thông báo bổ nhiệm ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin) làm đại sứ Trung Quốc ở Cam Bốt. Theo ông, thông báo này là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay là một tính toán chiến lược ?David Camroux : Thật khó mà biết được, nhưng nhân vật được bổ nhiệm được biết đến nhiều như là người đứng đầu đội ngũ các nhà ngoại giao hung hăng nhất, những người được ví như là các « Chiến Lang ». Đó là một sự ngẫu nhiên hay cách thức để ngáng chân Mỹ ? Tôi nghĩ rằng đây là một thông điệp mà Bắc Kinh mong muốn gởi đến cho cả Mỹ cũng như Cam Bốt.Ngoài việc ban hành một số biện pháp trừng phạt chế độ Hun Sen vì không tôn trọng nhân quyền, bóc lột lao động, ngày càng chuyên chế, điều khó cho Mỹ cũng như là châu Âu là họ không có được những thứ mà Trung Quốc có, đó là đồng nhân dân tệ. Chúng ta không có ý muốn cũng không có nguồn lực mà Trung Quốc có, để nhấn chìm đất nước khách hàng này bằng những nguồn tài chính, những thứ cho phép mua cả chế độ.Như vậy, trong bối cảnh này, Cam Bốt cũng là một phần trong cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc ?David Camroux : Một câu hỏi hay. Đúng vậy, nhưng chỉ là thứ yếu, vì trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, Hoa Kỳ dẫu sao cũng có nhiều đồng minh, từ chính thức như Philippines cho đến không chính thức như Việt Nam với chính sách ngoại giao cây tre được vận dụng khá tinh tế, với Nga qua chuyến thăm của ông Putin, nhưng với cả Mỹ qua thỏa thuận được ký kết với tổng thống Biden.Nhưng Cam Bốt là một quốc gia khách hàng, Việt Nam không như vậy, gìn giữ nền độc lập, chính sách phi liên kết có thể nói là lâu đời. Vì vậy, đây là một chủ đề đáng lo, nhất là nếu Cam Bốt có nhiều nguồn vốn đầu tư Trung Quốc, điều đó Hoa Kỳ không quan tâm, nhưng điều Mỹ lo ngại là khả năng Hải quân Trung Quốc có được lối ra vịnh Bengal và Ấn Độ Dương.Như chúng ta thấy ở Biển Đông, Trung Quốc ngày càng hung hăng và không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài trong vụ kiện của Philippines. Tôi lưu ý là cách nay hai ngày, Việt Nam tuyên bố sẽ đàm phán với Philippines một cách hữu nghị để đạt phân định ranh giới những vùng biển mà hai nước đều đòi chủ quyền.Cách hành xử của Trung Quốc trong toàn vùng Đông Nam Á bắt đầu có hệ quả, cho thấy là nó phản tác dụng vì nhiều nước không muốn đưa ra lập trường trong xung đột Mỹ - Trung, hay xích lại gần một trong hai nước. Tôi cho rằng chuyến thăm Cam Bốt của ông Lloyd Austin là nhằm tìm cách vô hiệu hóa phần nào tiến trình xích lại gần Trung Quốc ngày càng rõ nét.Theo ông, đây có là một cách tiếp cận chính sách đối ngoại mới của tân thủ tướng Hun Manet ?David Camroux : Tôi nghĩ là ông Hun Manet cũng muốn tỏ sự khác biệt với cha mình. Ông ấy tỏ ra khá thoải mái trên trường quốc tế giống như nhân vật sắp trở thành tổng thống của Indonesia. Ông ấy muốn đưa Cam Bốt – đất nước do cha ông điều hành trong nhiều thập niên – thoát khỏi thế cô lập.Nhưng vấn đề đối với Hun Manet là cha ông vẫn hiện diện và vẫn là chủ tịch đảng cầm quyền. Trong các đại gia tộc châu Á, việc thoát bóng cha là điều không dễ, đặc biệt nếu đó là cựu lãnh đạo chính phủ.Hơn nữa, tôi nghĩ rằng người dân Cam Bốt không hẳn là đồng tình hoàn toàn với chế độ, nhất là chế độ khách hàng của Trung Quốc. Bởi vì, chính những người dân thấp cổ bé họng phải trả giá cho việc xây dựng các căn cứ quân sự hay thành lập các sòng bạc trên mạng, lập các khu dân cư cho người Trung Quốc gây bất lợi cho thường dân. Đó là con dao hai lưỡi, chế độ Cam Bốt có thể gần gũi với Trung Quốc, nhưng người dân có lẽ thì không.Từ ngày 01/7/2024, Cam Bốt sẽ giữ vai trò quốc gia điều phối cho đối thoại ASEAN – Hoa Kỳ giai đoạn 2024-2027. Liệu chuyến thăm Phnom Penh của ông Lloyd Austin cũng là cách để tạo thuận lợi cho cả hai phía trong hoạt động này ?David Camroux : Hoàn toàn có thể. Bởi vì như Cam Bốt đã giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2022, thời điểm khởi động cho việc hâm nóng quan hệ Mỹ - Cam Bốt. Ít nhất là họ đã xoa dịu được các chỉ trích nhắm vado chế độ Cam Bốt. Hoa Kỳ coi trọng vai trò của ASEAN, chẳng hạn như trong việc giải quyết xung đột ở Miến Điện. Hay như ở Singapore gần đây, Mỹ thật sự mong muốn siết chặt quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á bằng cách tiếp tục củng cố các mối quan hệ với một số nước thành viên của ASEAN như Philippines, Việt Nam và họ cũng hy vọng điều đó với Indonesia !RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà nghiên cứu David Camroux.

06-27
09:31

Bầu cử lập pháp 2024: Nga trông chờ thắng lợi của đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc

Matxcơva theo dõi sát sao các diễn biến chính trị hiện nay tại Pháp. Thắng lợi của đảng  cực hữu Tập Hợp Dân Tộc – Rassemblement National (RN) trong kỳ bầu cử Quốc Hội Pháp, diễn ra hai vòng ngày 30/6 và 7/7, sẽ là một tin tốt lành cho điện Kremlin. Dù vậy, giới phân tích Nga cũng nghi ngại rằng ít có khả năng có những thay đổi đường hướng triệt để của Pháp trong việc hậu thuẫn Ukraina. Kết quả bầu cử Nghị Viện Châu Âu tại Pháp với thắng lợi của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblement National – RN) và thông báo giải tán Quốc Hội của tổng thống Pháp Emmanuel Macron được truyền thông,  giới phân tích và chính trị gia tại Nga bình luận nhiều trong những ngày qua.Bầu cử châu Âu: RN về đầu, Nga xoa tay vui mừngChủ tịch Quốc Hội Nga nói đến sự “phá sản chính trị” của tổng thống Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz. Bà chủ tịch Hội Đồng Liên Bang Nga thì cho đấy là dấu hiệu của một xu hướng “suy yếu tính chính đáng của những ai cắt đứt mối liên hệ với cử tri”.Tờ báo thân điện Kremlin, Komsomolskaia Pravda khẳng định, kể từ giờ ông Emmanuel Macron “không còn tính chính đáng” giống như đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky, người mà nhiệm kỳ tổng thống đã kết thúc từ hôm 20/5. Cựu tổng thống Nga Dmitri Medvedev còn đi xa hơn khi viết trên mạng xã hội X rằng “Đã đến lúc từ chức! Đáng vứt vào thùng rác lịch sử!”Về phần điện Kremlin, không một lời bình luận về sự trỗi dậy của phe cực hữu tại Pháp cũng như thông báo tổ chức bầu cử sớm Quốc Hội khi xem đấy là “chuyện nội bộ ở Pháp”. Tuy nhiên, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov tuyên bố Nga “cẩn trọng theo dõi mọi diễn biến do thái độ cực kỳ thiếu thân thiện, thậm chí thù địch, của các nhà lãnh đạo Pháp” đối với Nga.Cũng theo ông Peskov, điện Kremlin theo dõi sát sao “động thái của các đảng cánh hữu, hiện đang lan rộng” tại châu Âu và Pháp, những đảng mà “cùng với thời gian sẽ theo gót chân của các đảng ủng hộ châu Âu”.Theo giới quan sát tại Pháp, những phát biểu trên của phát ngôn viên điện Kremlin, dường như cho thấy Nga phần nào đã bị bất ngờ trước kết quả cuộc bầu cử, nhưng cũng không che giấu niềm hân hoan về cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Pháp.Bởi vì, trong nhãn quan giới chức Nga, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, giờ bị coi như là ngọn lao chống Nga trong lòng khối Liên Hiệp Châu Âu, theo như nhận định của nhà nghiên cứu Igor Delanoë, phó giám đốc Đài Quan Sát Pháp – Nga với RFI Tiếng Việt.Igor Delanoë: “Rõ ràng là có một kiểu hài lòng, đó là vì ông Emmanuel Macron những tháng gần đây đã đưa ra nhiều quan điểm thật sự là gay gắt đối với Nga. Ông ấy đi từ ‘không nên làm bẽ mặt nước Nga’ cho đến ‘không thể để cho Nga thắng’, rồi ‘điều chuyên viên quân sự Pháp đến Ukraina’. Chỉ trong vòng hai năm mà lập trường Pháp đã thay đổi nhiều. Do vậy, lẽ đương nhiên là Kremlin cần theo dõi xem các cuộc bầu cử này sẽ diễn ra như thế nào, cuộc bầu cử lập pháp sẽ có tiến triển ra sao.”Nguy cơ RN cầm quyền: Hồi kết cho viện trợ Ukraina?Truyền thông Pháp, các cuộc tranh luận công khai là những đối tượng được Nga quan tâm đến nhiều nhất. Trên đài phát thanh France Culture, nhà báo Paul Gogo, thông tín viên cho nhiều kênh truyền thông Pháp ở Matxcơva nhận định, tại Nga, người ta xem các cuộc tranh luận công khai như là “một cuộc xung đột tiềm tàng”, “một chiếc gai trong gót chân ban lãnh đạo Pháp, một khe hỡ của các nền dân chủ cần được khai thác”.Rõ ràng, đà thắng thế của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc – RN ở Pháp là “một tin tốt lành” cho Nga. Ông Maxim Yusin, một cây bút bình luận của tờ báo Nga Kommersant FM, cho rằng, “trong tương lai gần, tổng thống Pháp sẽ không thể tập trung nhiều cho Ukraina cũng như không thể thiết lập một liên minh chống Nga, như ông ấy đã hoạt động tích cực trong nhiều tháng gần đây.”Đối với nhiều nhà phân tích tại Nga, giả thuyết đảng RN – một đảng chính trị có những đường lối chính sách gần gũi với Nga – lên cầm quyền có thể được xem như là hồi kết cho chính sách hậu thuẫn Ukraina. Bởi vì, đường lối chính trị của RN là bằng cách này hay cách khác, cuộc xung đột ở Ukraina phải được giải quyết và nước Pháp không thể lãng phí hàng tỷ euro tiền thuế của người dân để chi viện cho Kiev.Giới chuyên gia Nga nhận định rằng đường hướng chính trị của RN khác xa với chính sách của Macron. Theo học giả Nikolai Topornin, giám đốc trung tâm thông tin châu Âu, giáo sư thỉnh giảng Viện Quan hệ Quốc tế Nga, thân cận với điện Kremlin, được tờ Le Figaro trích dẫn, “Le Pen và Bardella, có ý tưởng đưa hai bên tham chiến đến bàn đàm phán hòa bình, và không cung cấp cho Ukraina các phương tiện chiến tranh lâu dài”.Trước khả năng xảy ra một cuộc “sống chung” chính trị tại Pháp, liệu rằng tương lai sự hậu thuẫn của Paris dành cho Kiev có thể trở nên mờ mịt như trông đợi từ Matxcơva hay không? Về điểm này, chuyên gia Igor Delanoë, giải thích thêm:Igor Delanoë: “Điều này khó đoán vì ở Pháp, hệ thống chính trị được thiết lập theo cách mà mọi thứ phụ thuộc vào việc chính sách đối ngoại và quốc phòng vẫn nằm trong tay tổng thống nước cộng hòa. Đây là những lĩnh vực mang tính đặc quyền và cụ thể hơn, khi nói về vấn đề Nga, ông Emmanuel Macron, trên thực tế đã tập trung, tuy không phải là tất cả các quyền lực, nhưng trong mọi trường hợp, là tất cả các cơ chế ra quyết định tại điện Elysée. Bộ Ngoại Giao, vốn có những quyền hạn rất ít về hồ sơ này cùng với bộ Quốc Phòng là những bên thực hiện các lệnh từ tổng thống.Vì thế, tôi nghĩ là sẽ không có sự thay đổi triệt để nào. Nhưng chúng ta có thể hình dung rằng ông Bardella, nếu trở thành thủ tướng, sẽ có thể tham gia vào đời sống chính trị theo kiểu của thủ tướng Ý Meloni hiện nay. Nghĩa là ông ấy sẽ không hẳn phá dỡ hay tìm cách tháo dỡ hết những gì đã được thực hiện trước đây trên phương diện chi viện cho Ukraina. Tôi không rõ là họ có mong muốn hay chí ít là sẽ có các phương tiện để thực hiện. Còn phải chờ xem thế cân bằng quyền lực trong Quốc Hội như thế nào. Nhưng có lẽ về cơ bản đảng RN sẽ giữ y nguyên những gì đã làm được cho đến hiện tại.”Cực hữu RN, cỗ máy tuyên truyền cho luận điệu NgaDẫu sao thì đối với tổng thống Nga, sự trỗi dậy của phe cực hữu tại Pháp và trong chừng mực nào đó là phe cực tả - đảng Nước Pháp Bất Khuất, những đảng chính trị có những đường lối chính sách gần gũi với Nga, có những mối liên hệ chặt chẽ với Nga đã là một “cơ hội ngoài mong đợi”.Theo nhận định từ nhà báo Paul Gogo, nếu về đầu cuộc bầu cử lập pháp lần này, đảng RN của bà Marine Le Pen sẽ đảm nhận nhiều vị trí quan trọng hơn trong Quốc Hội, và như vậy, điều này sẽ tiếp thêm nhiều sức cho điện Kremlin. Tổng thống Nga xem đảng RN tại Pháp như là một “cỗ máy” phát lại các tuyên truyền của điện Kremlin.Về điểm này, nhà nghiên cứu Igor Delanoe nhấn mạnh thêm rằng, đảng RN trong tương lai có thể sẽ đóng vai “kẻ thọc gậy” gây khó khăn cho các chính sách của Liên Âu, nhất là trong việc hỗ trợ Ukraina hiện nay.Igor Delanoë:: “Đối với những khoản viện trợ trong tương lai, đảng RN sẽ nỗ lực gây cản trở  hoặc chí ít là dùng khoản viện trợ này để mặc cả việc thông qua viện trợ để đổi lấy những tiến bộ trên phương diện chính trị nội bộ chẳng hạn. Do vậy, tôi không nghĩ là trong tức thì sẽ có những thay đổi triệt để. Hơn nữa, tôi cũng không nghĩ rằng Nga tin sẽ có những thay đổi cơ bản tiến trình của mọi việc. Rõ ràng, trong bản đồ các nước hoài nghi tại châu Âu đối với việc hỗ trợ Ukraina như cung cấp vũ khí cho Kiev chẳng hạn, thì một chính phủ do đảng RN lãnh đạo sẽ làm gia tăng thêm hàng ngũ những nước hoài nghi đó.”Dù vậy, ông Igor Delanoë cảnh báo rằng, ngay cả những nước hoài nghi nhất như Hungary của thủ tướng Viktor Orban, dù ra sức cản trở mãnh liệt, nhưng cuối cùng cũng phải thuận theo ý của Ủy Ban Châu Âu. Cũng theo ông Delanoë, việc RN có lên cầm quyền sau kỳ bầu cử, đó chưa hẳn là một cuộc cách mạng đối với Nga.Đây cũng là quan điểm này của nhà chính trị học người Nga Nikolai Topornin, được Le Figaro trích dẫn, “các biện pháp trừng phạt do Mỹ và châu Âu áp đặt nhằm vào Nga là rất nghiêm khắc. Sự trỗi dậy duy nhất một chính phủ thân Nga hơn có lẽ sẽ chẳng làm thay đổi gì trong tình huống hiện nay. Emmanuel Macron vẫn sẽ là tổng thống và chính sách đối ngoại là nằm trong tay nguyên thủ quốc gia theo như Hiến Pháp. Rất ít có khả năng giọng điệu giữa Pháp và Nga sẽ được cải thiện trong tức thì. Nhưng ít ra chúng ta có thể hy vọng rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ không trở nên tồi tệ hơn”.Nhà chính trị học Alexei Chikhachev đưa ra kịch bản tồi tệ hơn, khi không loại trừ khả năng rằng, nếu lên cầm quyền, nhà lãnh đạo trẻ của RN sẽ nỗ lực “đưa ra các phát biểu hiếu chiến hơn với Matxcơva nhằm làm trong sạch mình”.RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà nghiên cứu Igor Delanoë, phó giám đốc Đài Quan Sát Pháp – Nga đã tham gia chương trình.

06-20
10:00

Recommend Channels