Hậu bầu cử Hạ Viện : Tổng thống Macron bị suy yếu, trục Pháp - Đức cũng bị lung lay
Description
Vòng hai cuộc bầu cử Hạ Viện cho kết quả một Nghị Viện không có đa số tuyệt đối, chính trường Pháp bị phân rẽ thành ba khối lớn. Sự suy yếu của tổng thống Emmanuel Macron, nỗi lo nước Pháp rơi vào bế tắc chính trị, cùng đà trỗi dậy của phe cực hữu trong nghị trường, không chỉ đe dọa đến tầm ảnh hưởng của Pháp, mà còn làm lung lay cả trục đầu tầu Paris - Berlin trong lòng khối Liên Hiệp Châu Âu.
Courrier International (08/07/2024) ghi nhận : Suốt cả tuần châu Âu run rẩy trước nguy cơ đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) có đa số tuyệt đối, đến ngự trị ở điện Matignon ( phủ thủ tướng Pháp ). Hai ngày trước cuộc bỏ phiếu vòng hai, trang Politico (05/07/2024), gióng chuông cảnh báo, sau Hungary, Slovakia, Hà Lan hay Ý, việc cực hữu lên cầm quyền tại Pháp, « quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân và thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, có lẽ sẽ gây ra hậu quả toàn cầu ».
Nếu như kết quả bỏ phiếu vòng hai (07/07) đã xóa tan điều tồi tệ, đưa liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP) về đầu, liên minh cánh trung Đồng Hành – Ensemble của tổng thống Macron vượt lên thành thế lực chính trị thứ hai, đẩy phe cực hữu của bà Marine Le Pen xuống vị trí thứ ba, thì việc Nghị Viện Pháp bị phân rẽ thành ba khối chính trị lớn mà không phe nào có đa số tuyệt đối lại làm dấy lên một nỗi lo khác : Một nước Pháp không thể điều hành !
Jon Henley, thông tín viên của báo The Guardian của Anh tại châu Âu, chiều Chủ Nhật 07/7, đã cảnh báo rằng « một trong những lực đẩy của Liên Âu và nền kinh tế thứ hai của khối đang rơi vào tình trạng bế tắc kéo dài ở Quốc Hội và bất định chính trị ».
Tờ El Pais của Tây Ban Nha cũng không khoan nhượng : Viễn cảnh « chung sống » chính trị là « một đòn nặng nề cho vai trò lãnh đạo quốc tế của Pháp ». Nhật báo Tây Ban Nha dẫn nhận định của chuyên gia người Pháp, bà Alexandra de Hoop Scheffer, phó chủ tịch điều hành cơ quan tham vấn của Mỹ German Marshall Fund (GMF) nhấn mạnh đến hậu quả sự suy yếu của Emmanuel Macron đối với tiến bộ của Liên Hiệp Châu Âu. Theo bà, trong bảy năm điều hành nước Pháp, tổng thống Macron đã định hình đáng kể chương trình nghị sự của khối và thúc đẩy sự hội nhập trên nhiều lĩnh vực.
Đây cũng là đánh giá của Marie Krpata, nhà nghiên cứu về quan hệ Pháp – Đức, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) trong một trao đổi với RFI Tiếng Việt, được thực hiện trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu vòng hai.
Marie Krpata : Emmanuel Maron đã là một lực đẩy trong khối Liên Hiệp Châu Âu trên một số chủ đề nhất định. Trong bài diễn văn Sorbonne 2017, ông đưa ra một số đề xuất về cách đưa Liên Hiệp Châu Âu tiến lên. Tiếp theo là bài phát biểu Sorbonne 2024 mở rộng động lực về cách cải thiện Liên Hiệp Châu Âu, mặc dù ông bi quan hơn nhiều khi nói rằng châu Âu đang "chết dần".
Dù vậy, ông Macron cũng có một số thành công nhất định, chẳng hạn như về chính sách công nghiệp của Liên Âu, việc thiết lập các cơ chế bảo hộ thương mại, hay như sự phối hợp nhiều hơn trên phương diện chính sách quốc phòng ở cấp độ châu Âu. Theo tôi đây là những kết quả mà tổng thống Pháp đã đạt được.
Ngoài ra còn có khái niệm quyền tự quyết của châu Âu, một khái niệm do Emmanuel Macron đề xướng và hiện nay đã được chấp nhận trong lòng Liên Hiệp Châu Âu. Kế hoạch phục hồi Next Generation EU hậu Covid-19 để giảm thiểu các tác động của đại dịch đối kinh tế, các vấn đề xã hội … Tất cả những điều này thực sự là thành công của bà Angela Merkel và Emmanuel Macron, nhờ vào một sự hội tụ giữa Pháp và Đức.
Kết quả bầu cử này có tác động ra sao đến vị thế của Pháp tại châu Âu ? Việc ông Macron bị suy yếu, Pháp bước vào giai đoạn « sống chung chính trị » với nhiều bất định, có ảnh hưởng đến đầu tầu Pháp – Đức hay không ? Nhà nghiên cứu Marie Krpata giải thích thêm :
Marie Krpata : Nếu nước Pháp phải rơi vào tình trạng « sống chung » chính trị, hay Quốc Hội không có đa số tuyệt đối, Pháp buộc phải tìm kiếm các liên minh để thông qua các văn bản luật. Họ phải đàm phán, tham vấn và do vậy điều đó sẽ trở nên rất là phức tạp, bởi vì Pháp có một mô hình chính trị theo chiều dọc. Do vậy, nếu Pháp phải dồn mọi chú ý cho các vấn đề chính sách trong nước, điều đó nhất thiết sẽ có tác động tiêu cực đến đầu tầu Pháp – Đức.
Nhưng tình hình ở Đức cũng không mấy gì sáng sủa, bởi vì vào tháng 8/2023, chúng ta còn nhớ The Economist đã chạy tít về vấn đề này khi đặt câu hỏi, "liệu Đức có phải là người bệnh mới của châu Âu hay không ?". Đó là vì tờ báo này ám chỉ đến việc tình hình kinh tế Đức cũng không được như mong muốn : Tăng trưởng trì trệ, lạm phát cao, giá năng lượng bị tăng lên khiến tính cạnh tranh của các cơ sở công nghiệp Đức gặp khó khăn.
Hơn nữa trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu hồi tháng 6/2024, liên minh đảng cầm quyền Đức chỉ thu được một kết quả khiêm tốn. Đảng bảo thủ đối lập CDU đã được củng cố hơn trong kỳ bầu cử này và được cảm nhận như là chiếc neo cho sự ổn định. Vì vậy, đã có một số người kêu gọi tổ chức bầu cử sớm ở Đức. Quý vị thử hình dung xem, nếu tại hai nền kinh tế chính châu Âu cùng lúc có hai cuộc bầu cử trước thời hạn, mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp và gây ra bất ổn như thế nào?
Cũng đừng quên rằng vào năm 2025, tại Đức cũng sẽ có bầu cử lập pháp, nhưng vào tháng 9/2024, sẽ có các cuộc bầu cử vùng ở các bang phía Đông như Brandebourg, Saxes và Thuringe. Liệu liên minh cầm quyền có thoát được khó khăn hay không ? Các đảng trong liên minh cầm quyền có sẽ thu được gì hay không, bởi vì theo truyền thống, các bang phía đông nước Đức đều ủng hộ các đảng cực đoan, các đảng cực hữu và cực tả luôn chiếm được số phiếu cao.
Vì vậy, trong mọi trường hợp, chắc chắn cả Pháp và Đức đều bị suy yếu. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến sự đồng thuận trong lòng khối Liên Hiệp Châu Âu và gây chia rẽ sâu sắc Liên Âu và nhất là trong bối cảnh Hungary, đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu. Quốc gia này đã thể hiện sự gần gũi với nước Nga của ông Vladimir Putin, và đã nhiều lần ngăn chặn viện trợ cho Ukraina cũng như là nhiều chuỗi trừng phạt nhắm vào Nga.
Có thể nói tất cả những điều này diễn ra vào một thời điểm địa chính trị nhậy cảm, mà ở đó, các thách thức địa chính trị và trên phương diện quan hệ quốc tế cho Liên Hiệp Châu Âu là rất lớn.
Vậy với sự vắng mặt của Pháp tại châu Âu do những bất ổn chính trị nội tại, Đức có thể tận dụng khoảng trống đó để áp đặt quan điểm của mình đối với các chính sách của Liên Âu ?
Marie Krpata : Điều mà chúng ta thấy từ đầu cuộc chiến tranh Ukraina là Đức làm việc với sự tham vấn chặt chẽ của Hoa Kỳ, chẳng hạn như việc gởi xe tăng Leopard đi kèm với điều kiện giao xe tăng Abrams, cấp xe bọc thép Marder đi cùng với điều kiện gởi xe bọc thép Bradley. Có thể nói là Đức thật sự trong vị thế có tiềm lực kinh tế. Một thế mạnh mà Đức đã tự khẳng định vị trí trên bình diện kinh tế và chuỗi các giá trị quốc tế hóa có từ sau Đệ Nhị Thế Chiến và khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Nhưng hiện nay, vị thế này của Đức đã bắt đầu chạm đến giới hạn của hệ thống và mô hình kinh tế, do quá trình phân mảnh các nền kinh tế thế giới.
Thực sự có những hành vi thương mại không công bằng, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và hạn chế tiếp cận thị trường. Vì vậy, trên thực tế, Đức đang suy yếu về mặt kinh tế, một phần là do các chính sách công nghiệp do Trung Quốc và Hoa Kỳ tiến hành. Trung Quốc với Made in China 2025 mong muốn trở thành cường quốc sản xuất hàng đầu vào năm 2049. Hoa Kỳ thì có Đạo luật giảm lạm phát, thúc đẩy công nghệ xanh được sản xuất tại Mỹ thông qua khoản trợ cấp và cho vay.
Vì vậy, Đức đang suy yếu về mặt kinh tế, nhưng nước này cũng gặp khó khăn để khẳng định mình trong một lĩnh vực mà cho đến hiện tại, Đức vẫn chưa thực sự cảm thấy thoải mái chẳng hạn như an ninh, quốc phòng, là những khía cạnh mà nước này đã bỏ qua do lịch sử và trách nhiệm mà nước này phải gánh chịu trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Và chúng ta đã thấy, kể từ cuộc chiến ở Ukraina, họ đã đề ra chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược đối với Trung Quốc nhằm cố gắng giảm bớt những điểm yếu của mình trong mối quan hệ với các cường quốc. Tất nhiên, tất cả những điều này góp phần vào việc tái định hướng, tái định vị, nhưng Đức vẫn gặp khó khăn trong việc xác định vị trí của mình. Trên thực tế, Đức thích các thể thức đa phương mà trong đó nước này có thể tìm kiếm sự hợp tác, thỏa thuận với các đối tác khác như Mỹ chẳng hạn.
**********
Với kết quả bầu cử ngày 07/07 tại Pháp, mọi cơ hội cải cách châu Âu xem như đã khép lại. Sự suy yếu của Pháp ở cấp độ châu Âu sẽ có những tác động nghiêm trọng vào thời điểm khối này đang đứng trước những ngã rẽ quan trọng, thời điểm mà « Liên Âu phải quyết định cách thức hành động tại một thế giới mà các mối quan hệ quốc tế trở nên gay gắt hơn và EU đang bị kẹp giữa Trung Quốc và Mỹ », nhất là vào thời điểm Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng vào cuối năm nay, theo như nhận định trên nhật báo El Pais của ông Arancha González Laya, cựu ngoại trưởng Tây Ban Nha, hiện là trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po ở Paris.
Tóm lại, trước một nước Pháp bị mất tầm ảnh hưởng do bất ổn chính trị nội bộ, nước Đức đang gặp khó khăn về kinh tế và một Liên Hiệp Châu Âu ngày càng thiên hữu, tương lai của Liên Hiệp Châu Âu trở nên mù mịt hơn bao giờ hết, theo như kết luận của nhà nghiên cứu Marie Krpata.
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn Marie Krpata, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI,đã tham gia chương trình.