DiscoverTạp chí tiêu điểmBầu cử tổng thống Mỹ và góc nhìn từ Trung Quốc
Bầu cử tổng thống Mỹ và góc nhìn từ Trung Quốc

Bầu cử tổng thống Mỹ và góc nhìn từ Trung Quốc

Update: 2024-09-05
Share

Description

Nếu như các nước đồng minh của Mỹ bày tỏ quan ngại trước nguy cơ Donald Trump trở lại Nhà Trắng và nếu như Bắc Kinh vẫn chưa có những bình luận chính thức về cuộc đọ sức Trump - Harris, thì giới chiến lược gia tại Trung Quốc không mấy ảo tưởng về một sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Washington đối với Bắc Kinh.

Trung Quốc thích chính quyền Harris hay là một chính quyền Trump thứ hai ? Hay nói rộng hơn, Bắc Kinh thích đảng Dân Chủ hay đảng Cộng Hòa ? Trang Foreign Affairs ngày 01/08/2024 nhắc lại năm 1972, khi tiếp tổng thống Richard Nixon, chủ tịch Mao Trạch Đông đã từng nói rằng ông thích cánh hữu ở Mỹ và các nước phương Tây khác.

Mặc dù Mao không giải thích vì sao, nhưng theo nhận định giới quan sát, trong nhãn quan Bắc Kinh thời đó, các nhà lãnh đạo phương Tây thiên hữu chú ý nhiều đến lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia, trong khi chính sách của các chính trị gia cánh tả có xu hướng dựa nhiều hơn vào ý thức hệ và các giá trị chính trị.

Dân Chủ hay Cộng Hòa, bên nào có đóng góp to lớn cho quan hệ Mỹ - Trung ? Thật khó mà đánh giá. Kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, qua bảy đời tổng thống Dân Chủ và bảy đời tổng thống Cộng Hòa, quan hệ Mỹ - Trung đã có những đột phá nhưng không ít lần gặp khủng hoảng.

Nhưng bất kể ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng sắp tới, Kamala Harris hay Donald Trump, đối với các nhà quan sát Trung Quốc, thay vì đưa ra các giải pháp thay thế cho đất nước và thế giới, cả hai đảng lớn ở Mỹ hiện nay đều có chung một cách tiếp cận đối với Trung Quốc, xuất hiện trong tám năm gần đây và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các mối quan ngại chính trị trong nước.

Cùng mục tiêu, khác chiến thuật

Donald Trump với câu thần chú « Nước Mỹ trên hết », nhằm đáp ứng mối quan tâm của cử tri về toàn cầu hóa và nhập cư, đã gia tăng các rào cản thương mại, hạn chế nhập cư và giới hạn sự tham gia của Mỹ trong các định chế quốc tế, để ưu tiên cho lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Kết quả là Trung Quốc từ một đối tác thương mại bị xem là một « thế lực xét lại », là đối thủ cạnh tranh chiến lược và thậm chí là một mối đe dọa. Quan hệ Mỹ - Trung từ đó xuống cấp trầm trọng, nhất là từ sau đại dịch Covid-19.

Nhưng cách tiếp cận này của ông Trump cũng đồng nghĩa với việc Washington mất dần uy tín và các đòn bẩy trong việc phối hợp với các quốc gia khác về chính sách riêng của Mỹ đối với Trung Quốc, dẫn đến việc chính quyền Trump đã không xây dựng và không dẫn đầu một mặt trận đa phương mạnh mẽ chống Trung Quốc.

Chính quyền Biden, với câu nói « chính sách đối ngoại dành cho tầng lớp trung lưu », cũng cân nhắc những chính sách đối nội tương tự của Donald Trump, nhưng có thêm chiều hướng quốc tế khi cân bằng lại các chính sách công nghiệp trong nước và các quy tắc kinh tế quốc tế để thúc đẩy những lợi ích quốc gia. Nghĩa là ông Biden ngoài việc siết chặt thêm một số biện pháp đưa ra từ thời Donald Trump, còn có các lập trường đi xa hơn trong một số vấn đề.

Tuy nhiên, dù cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc nhưng Joe Biden vẫn duy trì các kênh liên lạc cấp cao thường xuyên và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác. Nếu như ông Joe Biden trong suốt nhiệm kỳ tổng thống chưa bao giờ đặt chân đến Bắc Kinh như người tiền nhiệm, thì nguyên thủ Mỹ cũng đã hai lần gặp trực tiếp đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia tháng 11/2022 và tại San Francisco, Mỹ tháng 11/2023.

Đôi bên cam kết duy trì mối quan hệ song phương ổn định và lành mạnh. Mong muốn này còn thể hiện rõ qua một loạt các cuộc gặp bí mật giữa Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, mà cuộc gặp mới nhất là hồi cuối tháng 8/2024 ở Bắc Kinh.

Cuộc gặp này diễn ra vào lúc cuộc bầu cử Mỹ có những biến chuyển quan trọng : tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ rút khỏi cuộc đua và thông báo ủng hộ phó tổng thống Kamala Harris, một nhân vật cho đến lúc này Bắc Kinh vẫn chưa hiểu rõ, theo như nhận định của ông Trầm Đinh Lập, giáo sư danh dự ngành Quan hệ Quốc tế đại học Phục Đán, Thượng Hải, trên kênh truyền hình Bloomberg ngày 19/08/2024.

Trung Quốc : Đối thủ lớn của Mỹ trong thập kỷ tới

Nhìn chung, Trung Quốc chiếm một vai trò ngày càng lớn trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong những năm gần đây. Bất chấp các cuộc xung đột Nga – Ukraina, Israel - Hamas ở dải Gaza, Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Và dường như có một sự đồng thuận lưỡng đảng ở Washington xem Trung Quốc là một đối thủ lớn.

Câu hỏi đặt ra : Chủ nhân tương lai của Nhà Trắng sẽ có chính sách ra sao với Trung Quốc ? Hiện tại Bắc Kinh vẫn chưa có phản ứng gì về việc ông Biden rút khỏi cuộc đua. Phát biểu chính thức là Trung Quốc « không bình luận chuyện nội bộ » nước Mỹ. Tuy nhiên, các chiến lược gia Trung Quốc không mấy hy vọng có những thay đổi đường hướng trong chính sách của Washington đối với Bắc Kinh trong thập kỷ tới.

Nếu tái đắc cử, ông Trump gần như chắc chắn tiếp tục theo đuổi chính sách thương mại cứng rắn hơn với Trung Quốc khi đề xuất áp thuế lên đến 60% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng như là hủy bỏ « Quy chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn » dành cho Bắc Kinh từ năm 2000, cho phép Trung Quốc tiếp cận thị trường Mỹ một cách dễ dàng. Đây có thể sẽ là một ác mộng lớn cho chính quyền ông Tập Cận Bình vào lúc nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn.

Ông kêu gọi biến khái niệm « sân nhỏ, rào cao » của chính quyền Biden – chỉ nhằm bảo vệ các ngành công nghệ mũi nhọn, mới nổi, qua các biện pháp an ninh mạnh mẽ cho phép tách biệt nhiều ngành công nghệ khỏi Trung Quốc – thành học thuyết « sân lớn, rào cao ». Nhưng với sở thích « trọng thương », nhà tỷ phú Mỹ cũng có thể theo đuổi các thỏa thuận song phương với Bắc Kinh về hàng tiêu dùng, năng lượng và công nghệ.

Donald Trump có thể sử dụng Đài Loan như một con bài mặc cả để đạt các thỏa thuận thương mại. Một lần nữa, sở thích ngoại giao song phương hơn là đa phương có thể hạn chế ông Trump huy động các đồng minh và đối tác để đối phó Trung Quốc.

Ngược lại, một chính quyền Harris có thể giúp giữ được phần lớn cách tiếp cận của ông Biden, tăng cường cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh và củng cố nỗ lực xây dựng liên minh với các nước phương Tây và châu Á mà ông Biden gầy dựng từ đầu nhiệm kỳ để đối trọng với Trung Quốc. So với chính sách tùy tiện, ngẫu hứng, bất thường của Trump, quả thật những chiến lược này có thể sẽ dễ dự đoán hơn cho Trung Quốc.

Harris hay Trump: Trung Quốc đã chọn phe ?

Trở lại với câu hỏi, Trung Quốc thích làm việc với chính quyền nào, Kamala Harris hay là Donald Trump ? Ông Trầm Đinh Lập, giáo sư đại học Phục Đán, trả lời Bloomberg, đưa ra một số nhận xét nhưng không quên nhấn mạnh đây chỉ là quan điểm cá nhân, chứ không phải là lập trường của Bắc Kinh:

« Tất cả các nhà lãnh đạo Mỹ đều muốn làm cho nước Mỹ thịnh vượng và an ninh hơn. Nhưng nếu lấy một phạm trù khác làm ví dụ, điều gọi là nền dân chủ thì ông Trump dường như ít quan tâm hơn. Đây là quan điểm cá nhân tôi chứ không hẳn là của toàn thể người Trung Quốc. Ông ấy nghĩ rằng Hồng Kông là vấn đề chủ quyền của Trung Quốc, vậy tại sao Hoa Kỳ lại phải quan tâm nhiều đến điều đó ? Tôi nghĩ Biden và bà Harris sẽ giải quyết vấn đề này theo một cách khác.

Rồi Trump có thể nện Trung Quốc nếu nước này không làm cho ông ấy đạt được mục tiêu đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại, nếu Trung Quốc không mua nhiều hàng Mỹ hơn trong ngắn hạn, ông ấy sẽ làm cho Trung Quốc bị mất thể diện… Còn đảng Dân chủ thì sẽ cố gắng cân bằng trong khi tìm cách để Trung Quốc mua nhiều hơn nhưng cũng nỗ lực giảm một số thuế quan mà ông Trump áp đặt nhưng đã bất thành. Theo tôi, ông ấy thiếu khả năng lãnh đạo ».

Trung Quốc sẽ có cách xử lý ra sao nếu Trump tái đắc cử hay bà Kamala Harris lên cầm quyền ? Về điểm này, ông Trầm Đinh Lập giải thích:

« Trong 10 năm qua, Trung Quốc cố gắng xây dựng quan hệ đối tác thân thiện với Mỹ. Tôi cho rằng điều này vẫn nằm trong tư duy của giới lãnh đạo Bắc Kinh theo như những gì tôi biết. Chúng tôi muốn hợp tác với Mỹ, muốn có quan hệ đối tác lớn hơn trong nhiều vấn đề như đối thoại quân sự, trao đổi văn hóa, ngoại giao gấu trúc và chống ma túy cũng như là quan hệ đối tác về biến đổi khí hậu.

Nhưng chúng tôi đang vấp phải nhiều khó khăn. Và Trung Quốc đổ lỗi cho Hoa Kỳ. Nhưng theo quan điểm cá nhân của tôi, Trung Quốc cũng đang rút ra nhiều bài học từ hậu quả cuộc cạnh tranh như vậy. Trung Quốc hiện đang cố gắng điều chỉnh lập trường của mình. Vì vậy, nếu ông Trump đắc cử nhiệm kỳ hai, tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ có lập trường thông minh hơn, có nguyên tắc hơn trong việc đối phó với nhiệm kỳ hai của ông Trump. Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ đạt được kết quả tốt hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông ! »

Những nhận xét này của ông Trầm Đinh Lập, tuy chỉ là quan điểm cá nhân, có lẽ cũng phần nào phản ảnh chọn lựa của giới tinh hoa Bắc Kinh. Tuy nhiên, các tác giả bài viết trên Foreign Affairs cho rằng, theo quan điểm của Trung Quốc, các chính sách về Trung Quốc của Mỹ, chính quyền Trump nhiệm kỳ hai, hay là chính phủ Kamala Harris dường như đều sẽ nhất quán về mặt chiến lược. Hai ứng viên này, với tư cách là tổng thống, đều sẽ đặt ra những thách thức và bất lợi cho Trung Quốc, nhưng đều không muốn xảy ra xung đột quân sự lớn, hoặc cắt đứt mọi liên hệ kinh tế và xã hội. Do vậy, Bắc Kinh khó có thể có một ưa thích rõ ràng hơn.

Hơn nữa, Trung Quốc có những động lực mạnh để duy trì mối quan hệ ổn định với Mỹ, tránh đối đầu hay gián đoạn. Vào lúc cuộc đua giành chức tổng thống Hoa Kỳ 2024 đang nóng bỏng, giới chức Bắc Kinh đã có những nhận xét thận trọng và dè dặt về vấn đề này khi chỉ mô tả cuộc bầu cử là « chuyện nội bộ của Mỹ ».

Dù vậy, Bắc Kinh cũng cảnh báo, chính phủ Trung Quốc « kiên quyết phản đối bất kỳ ai đưa vấn đề Trung Quốc và gây

Comments 
loading
In Channel
loading
00:00
00:00
1.0x

0.5x

0.8x

1.0x

1.25x

1.5x

2.0x

3.0x

Sleep Timer

Off

End of Episode

5 Minutes

10 Minutes

15 Minutes

30 Minutes

45 Minutes

60 Minutes

120 Minutes

Bầu cử tổng thống Mỹ và góc nhìn từ Trung Quốc

Bầu cử tổng thống Mỹ và góc nhìn từ Trung Quốc

RFI Tiếng Việt