Nhạc ngoại lời Việt : Phiên bản mới của ‘‘Không cần nói yêu anh’’
Description
Tuy không hẹn, nhưng trong thời gian gần đây có khá nhiều nghệ sĩ quốc tế tìm nguồn cảm hứng trong dòng nhạc trữ tình của Ý. Trong số những giai điệu thịnh hành từ những năm 1960, có nhạc phẩm ‘‘Una lacrima sul viso’’ (Giọt lệ hoen mi) của Bobby Solo và nhất là “Io che non vivo senza te” (hiểu theo nghĩa Đời không thể vắng em), từng được tác giả Phạm Duy phóng tác sang tiếng Việt thành nhạc phẩm ‘‘Không cần nói yêu anh’’.
Cho dù chưa ngoài 40 tuổi (tức còn thuộc thế hệ millenials), nhưng nam ca sĩ người Pháp gốc Ý Claudio Capéo cho biết là từ thời còn nhỏ, anh vẫn thường nghe những bản nhạc tiếng Ý trong gia đình, và có lẽ cũng vì thế mà chất thơ bình dị thấm vào tim anh từ lúc nào không hay. Lần này, khi chọn ghi âm lại giai điệu ‘‘L’Italiano’’ bản nhạc nổi tiếng nhất của Toto Cutugno, Claudio Capéo đã đặt lời mới tiếng Pháp cho bài hát này, khác với phiên bản của Hervé Vilard, từng được phát hành năm 1983, trước khi anh ra đời.
Một cách tương tự, nam ca sĩ Agustín Galiana đã ghi âm lại một phiên bản tiếng Tây Ban Nha của nhạc phẩm ‘‘Ti Amo’’ để vinh danh tài nghệ sáng tác của Umberto Tozzi. Ca sĩ người Brazil Daniel Boaventura và Chris Ruggiero người Mỹ đều ghi âm lại ‘‘Quando Quando’’ của Tony Renis trên tuyển tập nhạc Ý ‘’Italiano’’. Bài này từng được tác giả Trường Kỳ chuyển sang lời Việt thành nhạc phẩm ‘’Khi nào đây’’. Còn dưới ngòi bút của tác giả Tuấn Cường, bài có tựa đề là ‘‘Biết đến khi nào’’.
Về phía các nghệ sĩ Anh quốc, ca sĩ kiêm tác giả Jack Savoretti (tên thật là Giovanni Galletto Savoretti) sau hai lần giành hạng đầu thị trường album vương quốc Anh (Singing to Strangers 2019 & Europiana 2021), đã tìm về cội nguồn khi cho phát hành trong năm 2024 album song ngữ nhạc pop mang tựa đề ‘‘Miss Italia’’ (Nhớ về nước Ý) với sự hợp tác của giọng ca trứ danh Natalie Imbruglia và danh ca nhạc rock người Ý Zucchero.
Còn ban nhạc bán cổ điển G4 vừa cho phát hành album mang tựa đề ‘‘20’’ kỷ niệm hai thập niên nhóm này được thành lập, theo mô hình của bộ tứ Il Divo. Ra đời vào năm 2004, sau khi thành danh nhờ xuất hiện trong chương trình ‘‘X-Factor’’ (Nhân tố bí ẩn), nhóm G4 với giọng ca tenor Jonathan Ansell và giọng ca baryton Mike Christie chuyên dung hòa thể loại acapella với nhạc pop giao hưởng. Điểm chung giữa Jack Savoretti và nhóm G4 là cả hai bên đều vừa ghi âm lại một bản phối mới cho giai điệu “Io che non vivo senza te” (Đời không thể vắng em).
Được biểu diễn lần đầu tiên tại vòng chung kết liên hoan ca khúc tiếng Ý Sanremo, giai điệu “Io che non vivo senza te’’ do hai nhạc sĩ Pino Donaggio và Vito Pallavicini đồng sáng tác. Bài hát này giành lấy hạng đầu thị trường Ý đầu năm 1965 và trở thành sáng tác ăn khách nhất của Pino Donaggio. Sau này ông chuyển sang nghề sáng tác nhạc phim tại Hollywood, chuyên hợp tác với đạo diễn Mỹ Brian de Palma.
Giai điệu ‘’Đời không thể vắng em’’ cho ra đời một loạt phiên bản phóng tác trong nhiều ngôn ngữ khác. Trong tiếng Anh, “Io che non vivo senza te’’ trở thành nhạc phẩm “You don’t have to say You love Me”. Nữ danh ca Dusty Springfield là người đầu tiên ghi âm phiên bản Anh ngữ vào năm 1966 và sau đó có thêm những phiên bản ăn khách khác của danh ca Engelbert Humperdinck và nhất là của ông hoàng nhạc rock Elvis Presley.
Trong tiếng Pháp, cũng đã có ít nhất hai lời khác nhau. Phiên bản đầu tiên do tác giả Michel Jourdan phóng tác thành ‘’Jamais je ne vivrai sans toi” gần sát với nguyên tác tiếng Ý và do Richard Anthony ghi âm lần đầu tháng 10 năm 1965. Sau đó đến phiên hai nữ ca sĩ Margot Lefebvre và Claude Valade ở vùng Québec, Canada đều có ghi âm lại. Gần ba thập niên sau, ca sĩ người Bỉ gốc Ý Sandra Kim từng đoạt giải nhất cuộc thi hát truyền hình châu Âu Eurovision vào năm 1986 nhờ nhạc phẩm ‘’J’aime la vie’’, ghi âm một phiên bản tiếng Pháp thứ nhì của tác giả Rosario Marino-Atria mang tựa đề ‘’Je t'ai tout donné’’ (Cho anh tất cả). Về nội dung, phiên bản tiếng Pháp thứ nhì không có liên quan gì với nguyên tác tiếng Ý, ra đời cách đây 6 thập niên, nay đã trở nên kinh điển.
Hầu hết các phiên bản phóng tác chủ yếu dựa vào phiên bản tiếng Anh rất thịnh hành cuối thập niên 1960 của nữ danh ca Dusty Springfield, trong đó có cả lời tiếng Việt với tựa đề “Không cần nói anh yêu” (đôi khi có nơi ghi chép thành “Không cần nói yêu anh”). Dù cách đặt lời có gần sát hay thoát ý, các phiên bản phóng tác vẫn chuyển tải được phần nào nội dung nguyên tác tiếng Ý, chất lãng mạn tột cùng, nét trữ tình tuyệt đối : Vắng em, ta không sống nổi một giờ, huống chi là phải khổ trọn đời.