Nếu Israel kích nổ thiết bị thông tin của Hezbollah, thông điệp của Tel Aviv là gì ?
Description
Liên tiếp trong hai ngày 17 và 18/09/2024, tại Liban, hai loạt vụ nổ hàng ngàn máy nhắn tin và máy bộ đàm đã giết chết tổng cộng 30 người của Hezbollah và làm bị thương hơn 3000 người, không chỉ gây xáo trộn hàng ngũ Hezbollah mà còn gây hoảng loạn trong dân chúng Liban.
Từ Beyruth, thông tín viên Sophie Guignon gửi về bài phóng sự :
« Đây quả là một cơn ác mộng, một câu chuyện gián điệp khủng khiếp. Khi tin đồn về loạt vụ nổ thứ hai lan khắp Liban, mối lo ngại và nỗi ngờ vực đã xâm chiếm bà Hoda, một người sống ở Beyruth và là một bà mẹ có 2 đứa con. Bà Hoda nói : « Tôi rất sợ, thật khó có thể trấn an con cái khi bản thân mình cũng sợ hãi. Chúng tôi sợ nhưng không biết sợ cái gì, chúng tôi sợ tất cả mọi thứ. Tất cả mọi thứ xung quanh chúng tôi đều đáng sợ. Chúng tôi về nhà và thấy sợ hãi, chúng tôi đi ra ngoài và cũng thấy sợ. Không ở đâu an toàn cả ».
Bà Mona là người quản lý một quán cà phê gần một trong những bệnh viện của thủ đô Beyruth, nơi tiếp nhận những người bị thương trong các vụ nổ máy nhắn tin và máy bộ đàm. Bà căng thẳng, vừa hút shisha vừa nhìn vào điện thoại với vẻ bối rối. Bà Mona chia sẻ : « Tôi không còn dám cầm điện thoại trên tay, trước đây khi ngủ tôi vẫn đặt điện thoại bên cạnh mình, nhưng bây giờ thì tôi không còn dám làm thế nữa. Tôi cũng đã mua vé máy bay. Tôi muốn rời khỏi đây. Tôi sẽ không ở đây nữa đâu. Bây giờ tôi sợ đủ mọi thứ ». Nếu như các chuyến bay không bị hủy, bà Mona sẽ bay sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước nguy cơ căng thẳng leo thang, bộ Ngoại Giao Pháp đã yêu cầu công dân Pháp không đến Liban ».
Thông điệp của Israel ?
Dù chính phủ của thủ tướng Netanyahu không thừa nhận trách nhiệm của Tel Aviv, mọi nghi ngờ ở cả Liban và trên trường quốc tế dường như đều hướng đến Israel, họ cho rằng chỉ có Tel Aviv mới có đủ khả năng gián điệp và trình độ công nghệ thực hiện một vụ kích nổ chưa từng có và quy mô lớn đến như vậy.
Ngay tại Israel, theo ghi nhận của thông tín viên Fanny Crouzet ngày 19/09, nhiều người dân Jerusalem cũng tin chắc rằng chính lực lượng của Israel đã làm điều này. Theo nghiên cứu gia Yohoshua Kalisky của INSS, Viện nghiên cứu an ninh quốc gia Israel, vụ kích nổ rõ ràng mang dấu ấn của Israel và là một thông điệp rõ rệt mà Tel Aviv gửi đến lực lượng Hezbollah Liban.
Trả lời thông tín viên RFI tại Jerusalem, Sami Boukhelifa, nhà nghiên cứu Yohoshua Kalisky giải thích :
« Điều gây ấn tượng ở đây là việc sử dụng công nghệ để tiếp cận kẻ thù của chúng tôi một cách khác lạ. Và thông điệp được gửi đi là : Chúng tôi biết các người là ai. Chúng tôi biết các người đang ở đâu. Chúng tôi sẽ tiếp cận và tiêu diệt các người, dù các người ở bất kỳ nơi nào trên thế giới này. Cho dù các người đang ở vùng ngoại ô phía nam của Beyruth, hay các người đang ở Bekka tại Liban hay là ở Syria, hay là ở bất cứ nơi đâu tại Trung Đông hoặc là nơi nào khác trên thế giới đi chăng nữa, thì chúng tôi cũng sẽ truy lùng và tiêu diệt các người. Đơn giản là như vậy thôi.
Chúng tôi sẽ hủy diệt các người, bởi vì chính các người muốn hủy diệt Nhà nước duy nhất của người Do Thái ».
Theo báo Le Figaro ngày 18/09, nhiều chuyên gia cho rằng đây cũng là 1 lời nhắn nhủ của Israel gửi đến Teheran, vốn lâu nay bị xem như « kẻ thù không đội trời chung » của Tel Aviv. Israel đã cho Iran thấy chế độ Teheran cũng sẽ không có khả năng bảo vệ toàn bệ hệ thống của mình. Frédérique Schillo, chuyên gia về Israel và quan hệ quốc tế, thì cho rằng có thể vụ tấn công này cũng là thông điệp gửi đến chính người dân Israel : « Cơ quan tình báo Mossad đã trở lại sau thất bại ngày 07/10 » năm ngoái, ý nói đến vụ tấn công khủng bố đẫm máu của Hamas.
Ủy Ban Châu Âu kích hoạt thủ tục đặc biệt để thu hồi tiền phạt Hungary
Ngày 18/09, Ủy Ban Châu Âu thông báo 200 triệu euro trong khoản tiền quỹ của Liên Âu dành cho Hungary sẽ bị Bruxelles giữ lại do Budapest không chịu nộp phạt đúng hạn. Hồi tháng 06, Hungary đã bị Tòa án Công lý Châu Âu phạt 200 triệu euro, hạn chót là ngày 17/09, do vi phạm quy định về đối xử với người xin tị nạn. Nếu quá hạn, ngoài số tiền nói trên, Budapest còn phải trả cho Liên Âu thêm 1 triệu euro/mỗi ngày.
Di dân là một trong những hồ sơ lớn gây bất đồng giữa Liên Âu và Hungary. Thủ tướng Victor Orban xem phán quyết của Tòa án Công lý Châu Âu là một vụ « tai tiếng và không thể chấp nhận được », biện minh rằng chính Hungary đã « bảo vệ biên giới của Liên Âu » trước làn sóng di dân quốc tế.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet ngày 19/09 gửi về bài tường trình :
« Các cơ quan tài chính và pháp lý của Ủy Ban Châu Âu hôm thứ Hai (16/09) đã bắt đầu sàng lọc tất cả các khoản thanh toán mà Hungary phải trả cho Bruxelles. Hungary vẫn nhận được phần lớn tiền từ các quỹ và trợ cấp của Liên Hiệp Châu Âu cho dù bị phong tỏa gần 20 tỉ eurou euro vì không tuân trọng Nhà nước pháp quyền. Các khoản thanh toán tới đây của Liên Âu cho Budapest sẽ được xem xét kỹ lưỡng, Ủy Ban Châu Âu sẽ trực tiếp giữ lại 200 triệu euro và Hungary sẽ chỉ có thể nhận được phần tiền còn lại.
Thủ tục thu hồi các khoản tiền Hungary nộp phạt muộn cho Bruxelles sẽ được áp dụng, mỗi ngày chậm nộp phạt Hungary phải chi thêm 1 triệu euro. Hungary đã bị xử phạt như trên hồi tháng 06 do không tuân thủ quyết định của tòa án.
Hungary đã đóng cửa các trại trung chuyển dành cho người di cư (ở Röszke và Tompa, ở biên giới với Serbia), không những vậy, Hungary còn « cố tình » tránh áp dụng luật của Liên Âu về người nhập cư. Budapest cản trở di dân nộp hồ sơ xin tị nạn, ngăn cản người xin tị nạn lưu lại tại Hungary trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng của nhà chức trách về đơn xin tị nạn của họ. Budapest còn « đẩy ngược » những di dân từ nước thứ ba (ngoài Liên Âu) cư trú bất hợp pháp về đất nước nguyên quán của họ theo cách không tôn trọng quyền của người nhập cư ».
Khởi động thủ tục truất phế tổng thống, uy tín của Macron có bị ảnh hưởng ?
Về thời sự nước Pháp, nổi bật nhất tuần này là sự kiện Văn Phòng Quốc Hội Pháp hôm 17/09 bật đèn xanh khởi động thủ tục truất phế tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo điều 68 của Hiến Pháp, thời hạn muộn nhất để Ủy ban Pháp Luật của Hạ Viện bỏ phiếu thông qua văn bản là 15 ngày sau khi nhận được văn bản từ Văn Phòng Quốc Hội. Nhưng theo dự báo, sẽ ít có khả năng thủ tục này, xuất phát từ đề xuất của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, được thông qua ở Ủy ban Pháp Luật của Hạ Viện, bởi phe cánh tả chỉ chiếm thiểu số.
Mặt khác, theo nhận định của Guillaume Tusseau, giáo sư luật công tại trường Sciences Po, chuyên về gia về luật bảo hiến và các định chế chính trị, với RFI ban Pháp ngữ, cho dù về mặt chính trị, có nhiều dân biểu không tán thành quyết định giải thể Quốc Hội của tổng thống hồi tháng 06, không tán thành việc ông Macron bổ nhiệm chính trị gia cánh hữu Michel Barnier làm thủ tướng, hay không tán thành việc tổng thống chờ đợi quá lâu mới bổ nhiệm thủ tướng, nhưng không chắc là các dân biểu sẽ thống nhất xem là tổng thống Macron đã phạm lỗi không thực thi nhiệm vụ để có thể truất phế ông.
Cũng theo chuyên gia Guillaume Tusseau, vì tính toán chính trị, các đảng phái sẽ không dễ dàng ủng hộ đề xuất của đảng LFI. Chẳng hạn, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) dẫu có hài lòng về việc đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) gây bất ổn cho tổng thống và các định chế, nhưng đây cũng là cơ hội để đảng cực hữu cho thấy họ có thái độ ôn hòa hơn đối thủ cực tả. Nói tóm lại, thủ tục phế truất tổng thống dẫu có được khởi động cũng khó có cơ hội có được lá phiếu ủng hộ của 2/3 tổng số dân biểu Hạ Viện để được chuyển sang xem xét tiếp ở Thượng Viện.
Đây là lần đầu tiên dưới nền Đệ ngũ Cộng hòa (từ năm 1958), thủ tục truất phế tổng thống được Quốc Hội khởi động, nhưng theo chuyên gia Tusseau, không vì thế mà uy tín của tổng thống sút giảm, trái lại tổng thống Macron cũng không thể củng cố danh tiếng bằng cách nói rằng ông ấy đã bị các đảng đối lập như LFI đối xử tệ như thế nào.
Brazil: cháy rừng hoành hành do hạn hán và cố ý phóng hỏa
Thế giới những ngày qua đã trải qua nhiều tổn thất nhân mạng và thiệt hại vật chất vì thiên tai. Siêu bão Yagi càn quét Đông Nam Á, kéo theo đó là lũ lụt, sạt lở đất, đã làm hơn 500 người chết, nhất là ở Việt Nam, Lào, Thái Lan và Miến Điện (theo các số liệu chính thức).
Châu Âu ghi nhận ít nhất 23 người chết ở Trung - Đông Âu, nhất là Ba Lan, CH Séc, Rumani và Áo, do bão Boris. Trong khi đó, tại Nam Âu, Bồ Đào Nha đã phải vất vả đối phó với cháy rừng. Hơn 50 vụ cháy rừng ở miền bắc và trung đất nước đã cướp đi mạng sống của 7 người, trong đó có 3 lính cứu hỏa, làm bị thương ít nhất 59 người và tàn phá gần 100.000 ha cây trồng. Theo AFP, 4.500 lính cứu hỏa trên toàn quốc đã được huy động tham gia chữa cháy cùng với hơn 1000 xe cứu hỏa, 30 máy bay và trực thăng dập lửa. Tầm mức cháy rừng ở Bồ Đào Nha nghiêm trọng đến mức chính quyền đã phải đề nghị Liên Hiệp Châu Âu tiếp viện.
Nhìn sang châu Mỹ, Brazil cũng đang bị mồi lửa tấn công do đang là mùa hạn hán. Bên cạnh đó, Brazil còn phải đối phó với tội phạm cố ý đốt rừng. Từ Sao Paolo, thông tín viên Bernard Martin ngày 17/09 gửi về bài tường trình :
« Đã gần 6 tháng nay Brasilia không có nổi một giọt nước mưa nào. Tại công viên quốc gia ở thủ đô đã xảy ra đám cháy, khói bốc lên làm ô nhiễm một phần lớn thủ đô. Kịch bản tương tự cũng đã lặp lại ở Sao Paulo trong những ngày qua. Ở đó, hồi tuần trước đã có những đồn điền trồng mía và cây cà phê bị hỏa hoạn.
Các đám cháy đã phá hủy một phần lớn Pantanal, vốn là một khu sinh thái vô cùng quan trọng. Ngọn lửa cũng đã tàn phá thảo nguyên Cerrado, và tất nhiên là cả vùng Amazon. Nơi đây, hạn hán đã khiến mực nước giảm mạnh. Hậu quả là tàu thuyền không còn có thể đi lại trên sông, người dân địa phương như vậy là bị cô lập.</e