Tranh cử TT Mỹ : Xung đột Israel - Palestine, bài toán khó cho ứng viên Kamala Harris
Description
Xung đột Israel - Palestine, bài toán khó cho ứng viên Kamala Harris trong kỳ tranh cử TT Mỹ ; Cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraina : Berlin bị công luận Đức chỉ trích gay gắt ; Khủng hoảng dân số, Hàn Quốc muốn thu hút thêm lao động nước ngoài nhưng bị chỉ trích ngay trong nước, Paralympic Paris 2024 : Thế Vận Hội Cho Người Khuyết Tật hứa hẹn ghi dấu ấn với nhiều cảm xúc tuyệt vời. Trên đây là những chủ đề chính trong tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Chủ đề thời sự Mỹ nổi bật nhất tuần này là đại hội đảng Dân Chủ tại Chicago, chính thức đề cử phó tổng thống Kamala Harris ra tranh cử tổng thống thay ông Biden đã rút lui vì « tuổi cao, sức yếu ». Bên lề đại hội, hàng ngàn người Mỹ đã biểu tình tại Chicago đòi triển khai lệnh ngừng bắn ở Gaza. Giữa một bên là cử tri người Do Thái và bên kia là cử tri người Ả Rập, Hồi giáo, bà Kamala Harris cần lá phiếu của nhóm cử tri nào hơn ? Đây quả là một bài toán khó cho ứng viên đảng Dân Chủ.
Chiến tranh Gaza đặt ra thách thức về khả năng giữ thế cân bằng của ứng viên Kamala Harris trong chiến dịch tranh cử. Những phát biểu, tuyên bố mạnh mẽ về quan hệ Israel - Palestine nếu làm hài lòng bên này thì lại dễ gây mất lòng bên kia.
Từ trước tới nay, cuộc xung đột Israel - Palestine thường không chiếm nhiều sự quan tâm trong các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, thế nhưng lần này, xung đột Israel - Palestine lại được đề cập đến nhiều. Theo sử gia Mỹ Sara Yael Hirschhorn, giảng viên tại Đại học Haifa của Israel, được trang mạng đài France 24 trích dẫn hôm 20/08, tình hình như hiện nay là « chưa từng có trong lịch sử » Mỹ.
Nhìn từ Trung Đông, kỳ tranh cử tổng thống Mỹ cũng đặc biệt được người dân Israel quan tâm. Đặc phái viên RFI Nicolas Falez ngày 21/08 gửi về bài phóng sự từ Jerusalem :
« Laura Wharton là một trong những dân biểu cánh tả hiếm hoi ở hội đồng thành phố Jerusalem. Sinh ra ở New Jersey, bà mang hai quốc tịch, Israel và Mỹ. Laura Wharton theo dõi sát sao đời sống chính trị của cả hai đất nước. Bà nói : « Tôi nghĩ và tôi hy vọng rằng Kamala Harris sẽ thắng cử. Tôi hy vọng rằng bà ấy sẽ tiếp tục muốn bảo vệ Israel, nhưng điều này không có nghĩa là bảo vệ mọi điều mà Israel thực hiện ».
Laura Wharton đặc biệt hoan nghênh các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào những khu định cư của Israel đã gây bạo lực ở Bờ Tây Jordanie (Cisjordanie).
Erin cũng sinh ra ở Hoa Kỳ. Anh đội mũ kippa với kiểu tóc truyền thống của người theo đạo Do Thái. Giữa ứng viên của đảng Dân Chủ, bà Kamala Harris, và ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump, thanh niên này đã có sự lựa chọn của mình. Erin cho biết : « Một trong hai đảng ít rõ ràng hơn đảng kia trong việc ủng hộ quyền tự vệ của Israel. Nhìn lại lịch sử, nếu so sánh chính sách thời chính quyền Donald Trump với chính sách thời Biden hoặc Obama, thì có thể thấy là khi Donald Trump làm tổng thống Mỹ, Israel rõ ràng đã có nhiều thuận lợi hơn ».
Đối với thanh niên Mỹ gốc Israel này, những năm Donald Trump lãnh đạo ghi dấu ấn là thời kỳ đại sứ quán Mỹ đã được chuyển đến Jerusalem và Mỹ chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran ».
Cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraina : Chính quyền Đức bị công luận trong nước chỉ trích gay gắt
Một chủ đề thời sự quốc tế nóng khác trong tuần này vẫn là chiến tranh Ukraina, với cuộc tập kích ngày càng sâu của quân Ukraina vào vùng biên Kursk của Nga. Hôm 22/08, Kiev xác nhận là không quân Ukraina đã dùng bom bay GBU-39 của Mỹ, oanh kích một căn cứ quân sự Nga trong vùng Kursk. Không quân Ukraina đã nhắm trúng một sở chỉ huy drone và một đơn vị chiến tranh điện tử của đối phương, phá hủy nhiều trang thiết bị, vũ khí và gây thương vong cho khoảng 40 quân Nga.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự, chiến dịch tập kích của quân Ukraina vào vùng Kursk của Nga là một thắng lợi biểu tượng nhiều hơn là ý nghĩa về mặt quân sự, bởi các lực lượng Nga vẫn tiếp tục đà tiến quân ở vùng Donbass, miền đông Ukraina. Kiev đang đứng trước nguy cơ bị Nga chiếm mất Pokrovsk, một trung tâm hậu cần chiến lược của quân đội Ukraina ở miền đông.
Về viện trợ quân sự của nước ngoài, Ukraina cũng đang lo ngại về khả năng Đức,nước viện trợ quân sự nhiều thứ hai thế giới cho Ukraina, chỉ sau Mỹ, cắt giảm viện trợ.
Nhìn sang Berlin, cuối tuần trước, truyền thông loan tải thông tin chính phủ Đức dự trù cắt giảm một nửa ngân sách tài chính viện trợ quân sự cho Kiev trong năm 2025 : từ 8 tỉ euro xuống còn 4 tỉ euro.
Tuy nhiên, một cuộc tranh cãi nổ ra ở Berlin, khiến cả thủ tướng và chính phủ Đức phải lên tiếng trấn an công luận trong nước và quốc tế, là sẽ tiếp tục ủng hộ Kiev cho đến khi nào Ukraina còn cần, và rằng đừng ai, nhất là tổng thống Nga Vladimir Putin, hy vọng Berlin sẽ « buông tay ». Thậm chí, phát ngôn viên chính phủ Đức, Wolfgang Buchner, khẳng định là thông tin Berlin lên kế hoạch cắt giảm viện trợ quân sự cho đồng minh Kiev là « không chính xác ».
Thực hư thông tin này ra sao, từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut ngày 19/08 cho biết thêm:
« Không còn liên minh lãnh đạo », « một vụ chìm tàu », « một tình huống không xứng tầm » : đó là những bình luận chua cay trên các phương tiện truyền thông. Thủ tướng Đức Olaf Scholz một lần nữa bị chỉ trích vì sự im lặng và cách xử lý các vấn đề. Hôm qua, thủ tướng Đức đã cam kết và bảo vệ quan điểm trước công chúng và nhấn mạnh : « Nước Đức đang và vẫn là nước châu Âu ủng hộ Ukraina nhiều nhất ».
Đúng là khoản hỗ trợ 7,5 tỷ euro của Đức cho Kiev năm nay nhiều hơn khoản viện trợ của các quốc gia khác, ngoại trừ Hoa Kỳ. Và cũng đúng là việc cắt giảm viện trợ từ năm 2025 trở đi đã được dự kiến từ trước. Một khoản cho Ukraina vay nhờ số tiền lãi trong tương lai thu được từ tài sản của Nga bị phong tỏa ở châu Âu sẽ bù đắp cho việc Đức giảm viện trợ. Thế nhưng, thông báo của truyền thông Đức, theo đó nếu cần thì bộ Tài Chính sẽ từ chối gia hạn ngân sách cho năm nay, đã gây ra những chỉ trích gay gắt từ phía cánh hữu và đảng Xanh, cũng như một số thành viên đảng Dân Chủ - Xã Hội, vốn thuộc liên đảng cầm quyền.
Bộ Tài Chính Đức hôm qua (18/08) ít nhiều đã phải lui bước một cách khéo léo. Những tranh cãi này xảy ra vào lúc viện trợ cho Ukraina đóng vai trò trung tâm trong các chiến dịch tranh cử đang diễn ra tại ba vùng miền đông Đức, nơi một bộ phận đáng kể cử tri, cũng như đảng cực hữu AfD và phong trào cánh tả cấp tiến mới, BSW, phản đối việc Đức viện trợ quân sự cho Kiev ».
Hàn Quốc : Khủng hoảng dân số, Seoul muốn thu hút thêm lao động nước ngoài
Về mặt xã hội, nhìn sang châu Á, Hàn Quốc đang lâm vào cuộc khủng hoảng dân số chưa từng có. Tỉ lệ sinh ở Hàn Quốc hiện đang ở mức thấp nhất thế giới. Dân số ngày càng lão hóa. Theo dự báo, từ nay đến năm 20270, dân số Hàn Quốc có thể giảm đi 20 triệu người. Để đối phó với tình trạng thiếu nhân công, chính phủ Hàn Quốc đang phải hướng tới việc thu hút thêm lao động nước ngoài, nhưng lại gây tranh cãi trong nước.
Từ Seoul, thông tín viên Célio Fioretti ngày 21/08 gửi về bài tường trình :
« Với dân số lão hóa và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, chỉ 0,7 con/phụ nữ, Hàn Quốc đang phải đối mặt với kịch bản đáng báo động. Bộ trưởng Dân Số, You Hye Mi, thông báo rằng Hàn Quốc rất có thể sẽ phải kêu gọi thêm lao động nước ngoài để bảo đảm cho nền kinh tế tiếp tục vận hành.
Thế nhưng, đây không phải một quyết định được lòng dân. Hàn Quốc vốn nổi tiếng về chính sách khắt khe, hạn chế nhập cư, điều kiện làm việc dành cho lao động nước ngoài thì có tiếng là rất tồi tệ.
Gần đây, chương trình thị thực nhằm đưa 100 người giúp việc gia đình từ Philippines đến Hàn Quốc đã gây ra tranh cãi dữ dội. Chính phủ dự định trả cho họ mức lương dưới ngưỡng tối thiểu hợp pháp, gây ra một làn sóng chỉ trích. Ngoại trưởng Hàn Quốc biện minh là tổng chi cho lao động nước ngoài là quá cao, do quy định về mức lương tối thiểu ở Hàn Quốc, và gợi ý là cần có biện pháp để giảm chi phí này ».
Paralympic Paris 2024 : Thế Vận Hội Cho Người Khuyết Tật hứa hẹn ghi dấu ấn với nhiều cảm xúc tuyệt vời
Sau một Thế Vận Hội được đánh giá là thành công ngoài sức tưởng tượng, « có một không hai » trong lịch sử Olympic hiện đại, nước Pháp đang chuẩn bị đón Thế Vận Hội Cho Người Khuyết Tật (Paralympic). Làng Thế Vận tại ngoại ô Paris tuần này đã bắt đầu mở cửa đón 9.000 người đến từ 180 quốc gia, trong đó có 4.400 vận động viên.
Thế Vận Hội Cho Người Khuyết Tật có quy mô nhỏ hơn Thế Vận Hội, quy tụ ít người hơn, nhưng Tony Estanguet, chủ tịch Ủy ban tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 hứa hẹn Paralympic sẽ mang lại nhiều cảm xúc tuyệt vời và sẽ gây ấn tượng trên khắp thế giới, cũng như Olympic.
Trên đài RFI Pháp ngữ, chủ tịch Ủy ban tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 bày tỏ :
« Chúng ta cũng sẽ lại thấy sự hào hứng, phấn khởi như vậy, tôi tin là thế. Cũng chính vì thế mà chúng tôi vẫn giữ nguyên tham vọng cho Thế Vận Hội Cho Người Khuyết Tật. Chúng ta có một khung cảnh đẹp như trong mơ, giống như ở Thế Vận Hội Olympic, và cũng có những cuộc tranh tài tại cung điện Versailles, Cung Điện Lớn Grand Palais, điện Invalides, với một lễ khai mạc ngay trong thành phố, tại quảng trường Concorde, với những vận động viên vĩ đại nhất hành tinh. 4.400 vận động viên là người khuyết tật sẽ cho chúng ta thưởng thức các cuộc tranh tài ở 22 môn thể thao. Đối với một số người, có những môn thể thao ít được biết đến hơn so với ở Thế Vận Hội. Nhưng chính vì thế mà thật đáng để thưởng thức Paralympic. Chúng tôi rất nóng lòng đón nhận lòng nhiệt tình của công chúng. Vẫn còn những cơ hội để quý vị mua vé xem thi đấu. Quý vị thực sự nên nắm bắt cơ hội này.
(…) Xin hẹn gặp lại quý vị vào ngày 28/08, ở phía cuối đại lộ Champs-Élysées, tại quảng trường Concorde, trong lễ khai mạc Paralympic đầu tiên được tổ chức bên n