Biển Đông: Philippines tuyên chiến với chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc
Description
Philippines vừa mở lại đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông, vừa sẵn sàng đáp trả các hành động bạo lực của Hải cảnh Trung Quốc. Các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đề cử nữ thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, một người có quan điểm rất cứng rắn với Nga vào cương vị lãnh đạo ngoại giao Liên Âu.
Cuộc bầu cử Quốc Hội trước kỳ tại Pháp được báo chí nhà nước Trung Quốc theo dõi sát. Sức khỏe của tổng thống Mỹ Joe Biden gây lo ngại sau cuộc tranh luận với ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa Donald Trump. Chính quyền Đức mở rộng phạm vi người có hai quốc tịch sang cả các công dân ngoài Liên Hiệp Châu Âu. Trên đây là các chủ đề chính Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
**********
Giữa tháng 6/2024, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, cụ thể là tại khu vực gần Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines, tăng vọt với việc lần đầu tiên Hải cảnh Trung Quốc xông lên tàu Tuần duyên Philippines hành hung nhân viên, đập phá, tịch thu súng ống, làm bị thương nhiều người, trong đó có một người bị đứt ngón tay. Một số người nói đến nguy cơ chiến tranh, với khả năng Hoa Kỳ can thiệp bảo vệ đồng minh trong khuôn khổ Hiệp ước Phòng thủ Chung 1951. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, Philippines và Mỹ dường như ngay sau đó đã muốn xuống thang căng thẳng với Trung Quốc.
30% vùng biển đã bị lấn lướt: Philippines tiếp tục phải nhân nhượng Trung Quốc?
Ngày 02/07, lần đầu tiên kể từ vụ việc nói trên, hai bên đối thoại ở cấp thứ trưởng Ngoại Giao, trong khuôn khổ Cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông (BCM - Bilateral Consultation Mechanism), nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho các bất đồng (đây là cuộc họp BCM lần thứ 9 và là lần thứ hai kể từ đầu năm). Diễn biến này khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng điều này cho thấy Hoa Kỳ bất lực trong việc bảo vệ Philippines và Manila không có cách nào khác hơn là phải nhân nhượng Bắc Kinh tại vùng biển thuộc quyền chủ quyền của mình?
Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ hai đồng minh Philippines và Mỹ đang xoay xở để tìm ra cách ứng phó hiệu quả đối với “chiến thuật vùng xám”, lấn dần từng bước một đã cho phép Trung Quốc kiểm soát đến khoảng 30% diện tích vùng đặc quyền kinh tế của Philippnes và, nếu không có gì ngăn chặn đủ mạnh, đà bành trướng nói trên sẽ tiếp tục trong những năm tới theo chuyên gia Derek Grossman, khi mà Hiệp định Phòng thủ chung với nội dung hiện tại chưa cho phép Hoa Kỳ trực tiếp can thiệp, một khi Trung Quốc chưa vượt qua lằn ranh đỏ “tấn công vũ trang” (ngụ ý sử dụng súng) nhằm vào các lực lượng Philippines, gây thiệt hại về người.
Mở đối thoại, nhưng sẵn sàng đáp trả với mức bạo lực tương xứng
Trên thực tế, vào đầu tháng 7/2024 này, dường như Phililippines cùng Hoa Kỳ đang hướng đến một chiến thuật mới. Manila một mặt tiến hành đối thoại ngoại giao với Trung Quốc, mặt khác tỏ ra không ngại đối đầu. Trong một cuộc trả lời báo giới ngày 04/07, chỉ huy quân đội Philippines, tướng Romeo Brawner tuyên bố sẽ tìm cách tránh chiến tranh, theo chỉ thị của tổng thống, nhưng sẵn sàng sử dụng mức độ bạo lực tương ứng để đáp trả: phía Trung Quốc dùng dao, phía Philippines cũng sẽ dùng dao, và Philippines “sẽ không để bị bắt nạt như lần trước”.
Theo chuyên gia Derek Grossman, Philippines có ít nhất ba thế mạnh để đối phó với “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc tại Biển Đông trong thời gian tới. Thứ nhất là liên minh quân sự với Mỹ được tăng cường với việc Hoa Kỳ triển khai thêm nhiều vũ khí răn đe tại các căn cứ theo Thỏa thuận hợp tác Quốc phòng tăng cường năm 2014, trong đó có dàn phóng Typhon, với các tên lửa chống hạm tầm bắn 1.500 km. Trong tuần qua, Quân đội Philippines cho biết, các dàn phóng Typhon sẽ được chuyển về Mỹ vào tháng 9, sau các đợt tập trận. Theo nhà Malcolm Davis, nhà nghiên cứu cấp cao Viện Chính sách chiến lược Úc, các loại vũ khí này có thể nhanh chóng được điều động trở lại Philippines, nếu cần.
Thế mạnh thứ hai là các thỏa thuận về an ninh với một số đồng minh trong khu vực như Nhật và Úc, cho phép Manila có thêm lực lượng để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế quốc gia. Thế mạnh thứ ba là chính sách “kiên quyết minh bạch thông tin” (assertive transparency) đối với các hoạt động bành trướng của Trung Quốc, được khởi sự dưới thời tổng thống Ferdinand Marcos.
Phơi bày ‘‘chiến thuật vùng xám’’ của Trung Quốc ra ánh sáng
“Chiến thuật vùng xám” sẽ có hiệu quả nhất khi diễn ra trong bóng tối. Phơi bày các hành động “hung hãn” và “phi pháp” của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines trên truyền thông là một biện pháp có thể giảm thiểu tác dụng của chiến thuật này. Việc Manila kiên quyết không thừa nhận một “thỏa thuận ngầm” với Bắc Kinh, dàn xếp tạm thời tranh chấp, được coi là có từ thời tổng thống tiền nhiệm Rodrigo Duterte, có thể là kết quả của chính sách ‘‘kiên quyết minh bạch thông tin’’ này.
Theo người sáng lập tổ chức tư vấn an ninh Project Sealight, đại tá Không quân Mỹ hưu trí, Raymond Powell, việc minh bạch thông tin là biện pháp hữu hiệu để chống lại chiến thuật vùng xám của Trung Quốc. Ông ví von: ‘‘nếu bạn bật đèn ở vùng xám, lũ gián sẽ tháo chạy tán loạn’’.
Bắc Kinh điều ‘‘quái thú”, Washington muốn hỗ trợ Manila nhiều hơn
Manila cũng có thể yêu cầu Washington trực tiếp hỗ trợ các hoạt động bảo vệ chủ quyền, cụ thể là trong việc tiếp tế cho đơn vị đồn trú ở Bãi Cỏ Mây. Hôm 05/07/2024, chỉ huy Quân đội Philippnes, tướng Romeo Brawner, cho biết Hoa Kỳ đã đề nghị hỗ trợ trong các hoạt động tiếp tế nói trên, nhưng Manila hiện chưa chấp nhận.
Trung Quốc dường như tỏ ra không kém phần cứng rắn. Hôm nay, theo Tuần duyên Philippines, đúng vào ngày đối thoại cấp thứ trưởng Ngoại Giao hai nước, Bắc Kinh điều tàu tuần duyên lớn nhất thế giới CCG 5901, dài 165 mét, thường được mệnh danh là “Quái thú”, vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
‘‘Người đàn bà thép’’ chống Nga được đề cử làm lãnh đạo ngoại giao Liên Âu
Ngày 27/06 vừa qua, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định đề cử thủ tướng đương nhiệm Estonia làm lãnh đạo ngoại giao tương lai của khối. Lãnh đạo ngoại giao là chức vụ được coi là quan trọng thứ ba của Liên Hiệp Châu Âu, sau chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu.
Nhân sự này sẽ được đưa ra phê chuẩn tại Nghị Viện Châu Âu họp vào giữa tháng này. Kaja Kallas là ai? Vì sao vị thủ tướng của quốc gia hơn một triệu dân này lại được chọn làm lãnh đạo ngoại giao của khối? Chọn lựa này gây phản ứng ra sao tại vùng Baltic?
Thông tín viên Marielle Vituereau từ Vilnius cho biết một số thông tin:
‘‘Kaja Kallas đã quen với những lần đầu tiên. Năm 2019, với việc trở thành thủ tướng Estonia, bà là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này ở đất nước mình.Việc bà được đề cử làm lãnh đạo ngoại giao Liên Âu cũng là điều chưa từng có. Theo nhà chính trị học Andres Kasekamp, đây là lần đầu tiên một người thuộc các nước Đông Âu giữ một chức vụ quan trọng như vậy và điều này là một bước tiến bộ đáng kể.
Kaja Kallas đã trở thành nhân vật chủ chốt trên chính trường châu Âu kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina.Đất nước của bà đã đi đầu trong việc ủng hộ Kiev.
Đối với chuyên gia người Litva, Margarita Seselgyte, đứng đầu Viện khoa học chính trị, điều này cho thấy sự thay đổi lập trường trong Liên Hiệp Châu Âu. Vị trí lãnh đạo ngoại giao giờ đây thuộc về đại diện của một quốc gia luôn có lập trường rất cứng rắn đối với Nga. Theo viện trưởng Viện khoa học chính trị Litva, đây cũng là một thành công cho khu vực của chúng tôi. Dần dần mọi người bắt đầu lắng nghe chúng tôi.
Việc trở thành lãnh đạo ngoại giao Liên Âu là một lối thoát đáng mừng cho thủ tướng Kaja Kallas trong bối cảnh nền kinh tế Estonia hiện đang hoạt động kém, các biện pháp thắt lưng buộc bụng đang bị chỉ trích.Uy tín chính phủ của bà đang ở mức thấp nhất trong lịch sử’’.
Vị thủ tướng bị Nga truy tố: Ký ức về Liên Xô và hơi thở tự do từ bên kia "bức tường Berlin"
Thủ tướng Estonia có những hồi ức khó quên về thời kỳ toàn trị Liên Xô. Năm 1949, mẹ của bà bị đưa đi Siberi cùng với gia đình từ khi mới sáu tháng tuổi. Với Kaja Kallas, chế độ Putin đối xử với Ukraina hiện nay tương tự như với Estonia, khi bị sát nhập vào Liên Xô năm 1940. Đến khi độc lập năm 1991, 30% dân ở Estonia là người Nga.
Kaja Kallas lên 11 tuổi, khi người cha Siim dẫn bà đến Đông Đức, một năm trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Đứng