Hậu bầu cử Quốc Hội Pháp: Nhức đầu với bài toán lập chính phủ mới
Description
Sau vòng hai cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp hôm qua, 07/07/2024, không một đảng nào chiếm được đa số tuyệt đối trong Hạ Viện mới. Theo kết quả chính thức, tuy bất ngờ về đầu, liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới chỉ giành được 182 ghế, tức thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng 289 ghế để có thể một mình cầm quyền mà không cần sự tham gia của các đảng khác.
Liên minh mang tên “Đồng hành” ( Ensemble ) của tổng thống Emmanuel Macron về nhì với 168 ghế, kế đến là đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc, về ba với 143 ghế. Trước một Hạ Viện bị phân thành ba khối lớn như vậy, việc thành lập nội các mới là một bài toán cực kỳ nan giải đối với các chính đảng, cũng như đối với tổng thống Macron.
Trả lời ban Pháp ngữ đài RFI tối qua, Arnaud Le Pillouer,giáo sư đại học Paris Nanterre, nhận định về tình hình này:
“Đây là một tình hình chưa từng có so với những gì mà chúng ta đã thấy trước đây. Một vài lần mà đảng của tổng thống hay các đảng ủng hộ ông bị thua trong một cuộc bầu cử và phe đối lập giành chiến thắng áp đảo, tổng thống đã buộc phải bổ nhiệm một thủ tướng đối lập với mình.
Tình hình hiện nay có hơi khác, vì không có một đa số nào thật rõ ràng sau bầu cử: Có một khối dẫn đầu và theo sau là hai khối kia. Đứng về góc độ nghị viện, có một logic không quen thuộc với chính trường nước Pháp, đó là tổng thống trước hết phải đề nghị chức thủ tướng cho khối đông nhất ở Hạ Viện, ở đây là Mặt Trận Bình Dân Mới. Chỉ một khi không thực hiện được thì mới phải chọn một giải pháp khác. Nhưng logic về mặt nghị viện thì phải là như thế.”
Ngay từ tối qua, lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon đã tuyên bố rằng tổng thống Emmanuel Macron không có sự chọn lựa nào ngoài việc bổ nhiệm tân thủ tướng là một nhân vật thuộc liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới. Nhưng ngay cả trong liên minh cánh tả đang có những bất đồng sâu sắc, cho nên dù có muốn, tổng thống Macron cũng khó mà đi theo hướng đó. Ấy là chưa kể trong phe của tổng thống Pháp, rất nhiều người “dị ứng” với cái tên Nước Pháp Bất Khuất, nhất là dứt khoát không chấp nhận ông Mélenchon làm thủ tướng, do những quan điểm của nhân vật này quá cực đoan.
Nhưng đối với ông Nicolas Tenzer, giáo sư đại học Khoa học Chính trị Sciences Po Paris , trả lời RFI Pháp ngữ, trong bối cảnh hiện nay, không có con đường nào khác là lập một chính phủ liên minh:
“Giải pháp đầu tiên cần phải thử nghiệm bằng cách này hay cách khác, bất kể tân thủ tướng là nhân vật như thế nào , đó là thành lập một chính phủ liên minh. Tôi không thấy có giải pháp nào khác. Đơn giản đó là vì không thể nào thông qua được các dự luật với một chính phủ chỉ gồm những bộ trưởng thuộc khối Mặt Trận Bình Dân Mới, hay thuộc khối “Đồng hành”.
Có thể là trước khi xét chọn ai làm thủ tướng, phải tính đến thành phần tân nội các. Nội các này phải bao gồm không chỉ những người thuộc Mặt Trận Bình Dân Mới mà cả những người thuộc các đảng trong khối « Đồng hành » và nếu cần thì thêm một số nhân vật thuộc cánh hữu bảo thủ, chẳng hạn như những nhân vật thuộc đảng Những Người Cộng Hòa.
Cũng có khả năng liên minh “Đồng hành” của tổng thống Macron gạt Mặt Trận Bình Dân Mới ra một bên để lập một chính phủ liên minh với đảng Những Người Cộng Hòa. Tuy nhiên, giải pháp đó không phải là truyền thống trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. Nhưng dẫu sao thì chúng ta sẽ buộc phải tìm ra một công thức mới, vì rõ ràng tình hình chính trị nước Pháp hiện nay là chưa từng có. Chúng ta đã thấy ở Đức thường có những đại liên minh, quy tụ những đảng đôi khi đối lập hoàn toàn với nhau. Ông Raphael Glucksmann, nghị sĩ cánh tả của Nghị Viện Châu Âu, đã nhắc lại là trong Nghị Viện Châu Âu, có những khối nghị sĩ đôi khi đối lập với nhau vì là thuộc hai phe tả hữu, nhưng họ vẫn đạt được các thỏa hiệp để cùng bỏ phiếu cho một số văn bản luật.
Chúng ta phải học cách làm như thế, cho dù đúng là rất khác lạ, nếu muốn tránh đi đến một thảm họa để rồi đảng Tập Hợp Dân Tộc sẽ viện cớ để nói “Mọi người thấy chưa: Hỗn loạn quá!”, rồi thuyết phục cử tri nên bầu cho bà Marine Le Pen làm tổng thống năm 2027. Muốn tránh điều đó, những chính đảng có khả năng cầm quyền mà theo xu hướng ôn hòa bên cánh tả cũng như cánh hữu phải tìm ra một giải pháp mới đúng với trách nhiệm của họ. Tôi không thấy có giải pháp nào khác”.
Một giải pháp thứ hai đó là thuyết phục các đảng cánh tả như đảng Cộng Sản, đảng Xã Hội, đảng Sinh Thái “ly khai” với đảng Nước Pháp Bất Khuất, để từ đó hình thành một liên minh mới dễ được chấp nhận hơn, rồi lập một chính phủ chung sống với tổng thống Macron. Nhưng hiện giờ, kịch bản này khó xảy ra vì các đảng nói trên vẫn còn gắn kết chặt chẽ với đảng Nước Pháp Bất Khuất trong một cương lĩnh chung.
Một giải pháp khác mà tổng thống Macron có thể chọn, như giáo sư Tenzer có nói ở trên, đó là dựa trên khối liên minh cánh trung của ông, với sự tham gia của khối nghị sĩ đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa ( khoảng 60 người ), và như vậy sẽ có được một đa số tương đối. Nhưng cũng không dễ gì thu phục được họ, vì đa số thành viên nhóm này hoàn toàn đối lập với tổng thống Pháp.
Dầu sao thì ngay từ hôm nay, các chính đảng đã lao vào những cuộc thương lượng mặc cả để cố lập được một đa số chính trị. Riêng liên minh cảnh tả buộc phải nhanh chóng đề cử một ứng viên cho chức thủ tướng. Lãnh đạo đảng Xã Hội Olivier Faure hôm nay vừa tuyên bố: “Trong tuần này, chúng tôi phải đề nghị được một ứng viên, hoặc là bằng đồng thuận, hoặc là qua bỏ phiếu”.
Nhưng các cuộc mặc cả chắc là sẽ rất gay go, nhất là vì ngay trong đảng Nước Pháp Bất Khuất, nhân vật Mélenchon đang gặp nhiều chống đối. Nữ dân biểu của đảng này Clémentine Autain ngay từ tối qua đã kêu gọi các nghị sĩ của liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới họp lại ngay từ hôm nay để bỏ phiếu bầu chọn một ứng viên thủ tướng “sẽ không phải là Francois Hollande ( cựu tổng thống Xã Hội vừa đắc cử dân biểu ) hay Jean-Luc Mélenchon.”
Tổng thống Macron chưa lên tiếng về kết quả bầu cử vòng hai, nhưng trước đó điện Elysée cho biết ông sẽ chờ cho đến khi cơ cấu của Hạ Viện mới trở nên rõ ràng hơn rồi mới quyết định chọn ai làm tân thủ tướng.
Thật ra thì chiếu theo Hiến pháp của nước Pháp, tổng thống Macron có bắt buộc phải chọn một thủ tướng mới hay không? Giáo sư Arnaud Le Pillouer,đại học Paris Nanterre giải thích:
“ Về mặt pháp lý, ông tuyệt đối không bị bắt buộc, bởi vì điều 8.1 của Hiến pháp trao cho tổng thống toàn quyền chỉ định một nhân vật vào chức thủ tướng. Nhưng về mặt chính trị ông bắt buộc phải làm như thế tùy theo cơ cấu của Hạ Viện mới. Nhìn từ góc độ này, thì tổng thống sẽ khó mà chỉ định một nhân vật thuộc phe của mình sau một thất bại nặng nề như thế. Xét về mặt đại nghị, trước hết ông phải thử giải pháp bổ nhiệm thủ tướng là một người thuộc khối Mặt Trận Bình Dân Mới.
Vấn đề là Hiến Pháp không ghi rõ là trong thời hạn bao lâu ông phải bổ nhiệm tân thủ tướng. Nhưng dĩ nhiên là nếu đợi quá lâu thì ông sẽ bị chỉ trích.
Bản thân tôi không nghĩ giải pháp thành lập đại liên minh là giải pháp khả thi duy nhất để tránh nguy cơ đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc lên nắm quyền sau bầu cử tổng thống năm 2027. Tôi nghĩ là lập chính phủ đại liên minh cũng có thể dẫn đến nguy cơ đó, tức là khi toàn bộ các đảng kia liên minh với nhau để cầm quyền, đảng Tập Hợp Dân Tộc sẽ trở thành là lực lượng đối lập chính và sẽ được xem là một lực lượng có thể thay thế. Thật tình thì chúng ta đang ở trong một tình thế chưa từng có và rất khó mà tháo gỡ bế tắc.”
Trong tình hình hiện nay, cũng không thể loại trừ khả năng tổng thống Macron tạm thời lập một chính phủ “kỹ thuật”, tức một nội các chỉ bao gồm những chuyên viên, đứng đầu là một nhân vật có thể tạo được sự đồng thuận giữa các chính đảng trong Hạ Viện.
Chính phủ “kỹ thuật” này dĩ nhiên chủ yếu chỉ “xử lý thường vụ”, chứ không thể đưa ra những dự luật cải cách quan trọng, theo giải thích của giáo sư Arnaud Le Pillouer,đại học Paris Nanterre:
“Lập một chính phủ kỹ thuật có nghĩa là bổ nhiệm các công chức cao cấp chỉ để điều hành các bộ, chứ không thể đề ra những dự luật mới. Nhưng cũng không nên báo động quá mức với kịch bản đó, vì trên thực tế đất nước vẫn có thể tiếp tục vận hành mà không cần có thêm luật mới. Tôi không tin là cứ phải liên tục đưa ra những cải cách”.
Trước mắt, như đã báo trước từ tối qua, thủ tướng Gabriel Attal sáng nay đã đệ đơn từ chức. Nhưng theo thông báo của điện Elysée, tổng thống Macron đã từ chối để ông từ chức và yêu cầu ông tạm thời tiếp tục lãnh đạo chính phủ « để bảo đảm sự ổn định của đất nước » trong bối cảnh sắp diễn ra Thế Vận Hội Mùa Hè Paris 2024. Hiện giờ chưa biết ông Attal sẽ tạm nắm quyền trong bao lâu.
Tóm lại, cuộc bầu cử Quốc Hội lần này đã đẩy nước Pháp vào tình trạng rối rắm chưa từng có và không ai biết sẽ đi đến đâu. Tất cả tùy thuộc vào sự sắp xếp lại các lực lượng chính trị trong Hạ Viện cho đến khi mọi việc trở nên « rõ ràng » hơn dưới con mắt của tổng thống Macron.