Công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ người mù và khiếm thị
Description
Tại cuộc triển lãm công nghệ Vivatech ở Paris cuối tháng 5/2024, bao trùm lên hết là trí tuệ nhân tạo ( Artificial intelligence - AI ), với vô số các ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Đặc biệt trí tuệ nhân tạo được sử dụng ngày càng nhiều trong việc cải thiện cuộc sống của những người tàn tật, trong đó có người mù và khiếm thị.
Nhờ những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo (AI), các công nghệ hỗ trợ bằng giọng nói giờ đây trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết, giúp người mù và người khiếm thị vượt qua những trở ngại đang hạn chế họ.
Chẳng hạn như công ty Israel Orcam, được thành lập năm 2010, đã phát triển một loại camera mang trên Orcam MyEye, với giá khoảng hơn 2.000 euro, gắn trên mắt kính, với ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giúp cho người mù và người khiếm thị hiểu được các văn bản và xác định được các vật thể nhờ giọng nói mô tả những gì mà họ không nhìn thấy được.
Tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES ở Las Vegas, Hoa Kỳ, đầu năm nay, công ty khởi nghiệp Lumen của Rumani đã giới thiệu một loại mắt kính có thể thay thế chó dẫn đường. Công nghệ này sử dụng các cảm biến, tai nghe để hướng dẫn người mù, người khiếm thị. Khi phát hiện một thứ gì đó đang chặn đường, tai nghe sẽ rung ở bên phải hoặc bên trái để hướng dẫn đổi hướng. Có 6 camera và sử dụng trí tuệ nhân tạo, loại mắt kính này coi như mô phỏng các đặc điểm chính của chó dẫn đường.
Bên cạnh đó còn có những trợ lý giọng nói, chẳng hạn như Siri, Google Assistant và Amazon Alexa, có thể đáp lại các lệnh thoại, cung cấp thông tin theo thời gian thực và thậm chí thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Do đó, đối với người khiếm thị và mù, những trợ lý giọng nói này trở thành người bạn đồng hành kỹ thuật số cho phép họ truy cập thông tin.
Trong việc hỗ trợ người mù và người khiếm thị, người ta cũng sử dụng ngày càng nhiều những chatbots, tức là những chương trình trí tuệ nhân tạo được thiết kế nhằm mô phỏng lại các cuộc trò chuyện với người dùng thông qua nền tảng internet. Các chatbot đó được thiết kế đặc biệt để đáp ứng nhu cầu của người khiếm thị và người mù. Các chatbot này sử dụng giao diện giọng nói và văn bản để cho phép giao tiếp liền mạch. Họ có thể hiểu và trả lời các câu hỏi, đưa ra lời khuyên, hỗ trợ. Sử dụng trí thông minh đàm thoại, các chatbot được điều chỉnh này được cá nhân hóa và dễ tiếp cận cho những người khiếm thị và người mù.
Chính là theo chiều hướng này mà một ê kíp ở vùng Paris đã phát triển một loại điện thoại với ứng dụng chatbot dành riêng cho người mù và người khiếm thị. Điện thoại hiện được bán với giá khoảng gần 385 euro, cộng thêm tiền thuê bao mỗi tháng 12 euro.
Nói chung, trí thông minh nhân tạo với chức năng đàm thoại đang cách mạng hóa khả năng tiếp cận cho người khiếm thị và người mù. Nhờ công nghệ hỗ trợ giọng nói, họ trở nên độc lập hơn và hòa nhập xã hội tốt hơn.
Nhưng những sáng chế về trí thông minh nhân tạo hỗ trợ cho người mù và người khiếm thị không chỉ dừng ở đó. Có mặt tại triển lãm VivaTech cuối tháng 5/2024, công ty khởi nghiệp Biped.ai, trụ sở tại Lausanne, Thụy Sĩ, đã giới thiệu một sản phẩm mang tên NOA, một dây nịt được trang bị thiết bị định vị GPS và máy tính kết hợp với trí tuệ nhân tạo tổng hợp để phát hiện chướng ngại vật cho người mù và khiếm thị.
Trả lời RFI Việt ngữ tại triển lãm Vivatech, đại diện của công ty Biped.ai, kỹ sư tin học Paul Prevel, cho biết:
“Công ty của chúng tôi đã được thành lập từ 3 năm nay và chúng tôi đã bỏ ra 2 năm để nghiên cứu phát triển NOA, huy động 250 người thử nghiệm beta. Năm nay, chúng tôi bước vào giai đoạn thương mại hóa, chuẩn bị mở thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và Úc. Sản phẩm sẽ được bán với giá 4.300 euro. Mục đích là tạo một giải pháp với giá cả dễ tiếp cận hơn.
Dĩ nhiên là ở mỗi nước chúng tôi sẽ làm việc với các nhà phân phối để sản phẩm được hoàn trả một phần hay toàn bộ, tùy theo quy định của các nước. Ở Pháp, các cơ quan cấp tỉnh đặc trách về những người tàn tật sẽ hoàn trả đến 65% giá mua sản phẩm.”
Nói là dây nịt nhưng thật ra NOA là một dây đai đeo trên vai, với camera góc rộng ở bên trái ngực, một máy tính nhỏ ở bên phải và một pin phía sau cổ. Nhờ trí tuệ nhân tạo, NOA xác định các mối nguy hiểm, hướng dẫn và mô tả môi trường xung quanh người sử dụng. Toàn bộ dây nịt nặng chưa tới 1 kg.
Tham vọng của những người sáng lập công ty khởi nghiệp Biped là tạo ra một sự đổi mới có thể thay đổi cuộc sống của những người mù, người khiếm thị và có thể giúp họ tự khám phá những địa điểm mới, hoàn toàn an toàn và tự chủ. Ý tưởng là phát triển một “phi công phụ” lấy cảm hứng từ phương tiện tự hành, có khả năng đọc văn bản, nhận diện khuôn mặt, phát hiện các lối qua đường dành cho người đi bộ và cung cấp khả năng điều hướng khi di chuyển bên trong các tòa nhà.
Công ty khởi nghiệp này đã hợp tác với viện nghiên cứu Honda. Sản phẩm cùng tên của họ tự quảng cáo là “dây nịt phát hiện các chướng ngại vật đang đến gần và cung cấp hướng dẫn GPS, tất cả trong một, kèm theo phản hồi bằng âm thanh”. Các mô hình nhận dạng đối tượng bằng thuật toán xác định chướng ngại vật (tĩnh hoặc chuyển động) và dự đoán rủi ro va chạm. Người dùng được thông báo bằng tín hiệu âm thanh qua tai nghe Bluetooth.
Trả lời RFI Việt ngữ tại triển lãm Vivatech, kỹ sư tin học Paul Prevel giải thích thêm:
“ NOA có 3 chức năng. Chức năng thứ nhất là dẫn đường, làm sao đưa người mù tới một điểm đến mới. Chức năng thứ hai là phát hiện các chướng ngại vật, những vật thể mà “gậy trắng”, tức là gậy trang bị cho người mù không thể phát hiện được, chẳng hạn như những vật ngang đầu hay những hố mà “gây trắng” không thể dò được. Chức năng thứ ba là vận dụng trí tuệ nhân tạo, mô tả bằng giọng nói những gì mà camera thấy được.
Ứng dụng dẫn đường chủ yếu dùng thiết bị định vị GPS, nhưng trên đường đi, trí tuệ nhân tạo sẽ được sử dụng những khi phải băng qua đường, hướng dẫn người mù đến làn dành cho người đi bộ, bấm nút để chờ đèn xanh. Hệ thống sau đó sẽ hướng dẫn đi như thế nào để lúc nào cũng ngay giữa lối đi, có đông người đi không, có xe nào dừng kế bên không. Camera sẽ thu thập tất cả những thông tin ba chiều chung quanh người mù để cảnh báo là có một cái hố hay một cây cột trên đường, hay có một người đi từ phía trước đến.
Khi tới điểm đến dự kiến, hệ thống sẽ hướng dẫn đến cửa vào tòa nhà, cửa có mở hay không, cầu thang nằm ở đâu.”
Lý tưởng nhất là dây nịt này bổ sung cho gậy hoặc chó dẫn đường cho người mù và người khiếm thị. Giải pháp NOA cũng có thể được áp dụng cho thế giới việc làm, hỗ trợ những người mù và người khiếm thị làm công việc hàng ngày trong công ty của họ. Về lâu dài, những người đồng sáng lập Biped hy vọng công nghệ của họ thậm chí sẽ có thể giúp người dùng chạy hoặc thậm chí trượt băng.
Trên toàn thế giới có hơn 300 triệu người khiếm thị và 40 triệu người bị mù hoàn toàn. Giải pháp của biped.ai có tiềm năng trở thành giải pháp cứu mạng nhiều người: bằng cách kết hợp xử lý tín hiệu và thị giác bằng máy tính tiên tiến, biped.ai có thể cung cấp thông tin chi tiết nhanh hơn tới 10 lần so với các “đối thủ” cạnh tranh.
Giải pháp NOA cũng bắt đầu được ứng dụng trong hệ thống giao thông công cộng ở Thụy Sĩ. Từ tháng 6 năm nay, trên tuyến tàu điện ngầm M2 ở Lausanne, một tổ hợp gồm công ty Biped.ai, TL (Giao thông công cộng vùng Lausanne) và SME Urbagestion phát triển một giải pháp di chuyển độc đáo trên thế giới: hành trình hoàn toàn tự động đầu tiên dành cho người mù tới một điểm đến mới. Theo Maël Fabien, giám đốc và người đồng sáng lập công ty Biped.ai, dự án này "nhằm chứng minh rằng người mù có thể đến một cuộc hẹn mà không cần biết trước lộ trình”.
Trên thực tế, mục tiêu là điều chỉnh phát minh này cho phù hợp với điều kiện giao thông công cộng và bên trong các tòa nhà, nơi tín hiệu GPS không đi qua được.