DiscoverTạp chí xã hộiGian lận trong ngành công nghiệp xe hơi Nhật, nhận lỗi rồi lại đổ lỗi
Gian lận trong ngành công nghiệp xe hơi Nhật, nhận lỗi rồi lại đổ lỗi

Gian lận trong ngành công nghiệp xe hơi Nhật, nhận lỗi rồi lại đổ lỗi

Update: 2024-10-02
Share

Description

Đầu tháng 06/2024, thông tin về vụ bê bối gian lận của ngành sản xuất xe hơi Nhật Bản lan tràn trên khắp các mặt báo. Hàng loạt các hãng xe lớn bị réo tên, từ Toyota, Honda, Mazda, Yamaha đến Suzuki.

Lãnh đạo các doanh nghiệp cũng ngay lập tức tham gia họp báo và gửi lời xin lỗi đến khách hàng. Thoạt nghe, nhiều người không khỏi hoan nghênh tinh thần dám nhận sai và dám sửa sai của các công ty. Nhưng chỉ khi đi vào phân tích hàm ý sâu xa của mỗi lời xin lỗi, người ta mới thấy đằng sau những cái cúi đầu nhận lỗi lại là văn hóa đổ lỗi của các doanh nghiệp.

Toàn cảnh vụ bê bối gian lận 

Vụ bê bối bắt đầu bị phanh phui từ cuối tháng 12 năm 2023 khi một hội đồng độc lập đã tiến hành điều tra các vấn đề an toàn liên quan đến 64 mẫu xe của Daihatsu. Theo hội đồng này, Daihatsu, công ty con của Toyota đã gian lận trong các cuộc kiểm tra an toàn va chạm bên hông được thực hiện với 88.000 chiếc xe, hầu hết được bán dưới tên Toyota. Nhưng sau đó, theo Reuters, đi sâu vào điều tra, hội đồng này tiết lộ rằng phạm vi của vụ bê bối đi xa hơn nhiều so với những gì họ ước tính trước đó và phát hiện ra là Daihatsu đã làm giả hồ sơ kiểm tra an toàn va chạm từ những năm 1980 như kiểm tra kích hoạt hệ thống túi khí. 

Đây cũng chính là điểm khởi đầu cho một loạt điều tra sau đó của chính phủ Nhật nhắm vào các doanh nghiệp sản xuất ô tô của nước này. Theo trang Nikkei Asia, bộ Giao Thông Nhật Bản đã yêu cầu 85 công ty trong lĩnh vực sản xuất xe hơi và phụ tùng tự điều tra về những bất thường trong những đăng ký chứng nhận mẫu xe của họ. Sau yêu cầu trên, 5 công ty sản xuất xe hơi lớn của Nhật bao gồm Toyota, Honda, Mazda, Yamaha, Suzuki đã thừa nhận có những sai sót trong quá trình sản xuất. Bộ đã ra lệnh cho các công ty này tạm dừng vận chuyển các mẫu xe liên quan cho đến khi xác nhận chúng đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia.

Theo tổng hợp từ tờ Japan Times và kênh BFM TV, những gian lận trên bao gồm :

- Toyota: gửi dữ liệu sai lệch trong các cuộc thử nghiệm bảo vệ người đi bộ, sửa đổi gian lận phương tiện thử nghiệm 

- Mazda: viết lại phần mềm điều khiển động cơ trong quá trình thử nghiệm xuất xưởng, gian lận sửa đổi xe thử nghiệm trong quá trình thử nghiệm va chạm

- Yamaha: Các cuộc kiểm tra tiếng ồn được thực hiện trong điều kiện kiểm tra không phù hợp đối với một mẫu xe hiện đang được sản xuất và trình bày sai kết quả kiểm tra còi đối với hai mẫu xe đã sản xuất trước đó.

- Honda: khẳng định sai về kết quả kiểm tra độ ồn của 22 mẫu xe sản xuất trước đó.

- Suzuki: khai báo sai trong báo cáo thử nghiệm hệ thống phanh của mẫu ô tô đã sản xuất trước đó.

Các doanh nghiệp chân thành xin lỗi … 

Đứng trước cơn bão lớn sắp ập đến, mà theo Reuters có khả năng “làm hoen ố hình ảnh các công ty” hay theo NHK có thể “làm lung lay niềm tin của khách hàng”, các nhà sản xuất Nhật đã có một lựa chọn khôn ngoan : thừa nhận trách nhiệm và xin lỗi khách hàng. Theo dõi buổi họp báo của các tập đoàn, thông tín viên RFI, Bruno Duval tại Nhật Bản tường thuật :

Họ cúi gập người từ 65 tới thậm chí là 90 độ. Cái cúi đầu thật lâu, tưởng như sẽ kéo dài vô tận. Quy tắc ở đây là thế. Khi bạn mắc lỗi chỉ xin lỗi thôi là không đủ. Đặc biệt là trong trường hợp này, khi ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, với gần 6 triệu nhân công, đã chứng kiến vụ gian lận có hệ thống và rộng khắp.”

Đầu tiên phải kể tới Akio Toyoda, chủ tịch tập đoàn Toyota, thương hiệu xe hơi hàng đầu Nhật Bản. Trang tin NHK trích lời ông Toyoda, cho biết : “Với tư cách là người đứng đầu tập đoàn Toyota, tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành tới các khách hàng, những người yêu xe và tất cả các bên liên quan.” Khi được hỏi về nguyên nhân của những sai phạm này, ông Sato Koji, tổng giám đốc Toyota, trả lời rằng điều này bắt nguồn từ khâu trao đổi giữa ban giám đốc và các công nhân trong nhà xưởng. Cụ thể, theo báo Pháp Les Echos, những người quản lý đã không đủ khả năng hiểu toàn bộ và theo dõi các chi tiết về những công việc tại xưởng sản xuất. Đồng thời, công nhân phải chịu áp lực vì ngành công nghiệp sản xuất xe hơi đang ngày càng cạnh tranh. Để tránh cho tình trạng tái diễn, công ty sẽ cải thiện trao đổi thông tin giữa ban giám đốc và các công nhân, xây dựng một hệ thống quản lý chặt chẽ hơn, chỉ định một “giám sát viên nội bộ” chuyên trách về vấn đề thử nghiệm.

Tương tự như vậy, giám đốc điều hành tập đoàn Mazda Masahiro Moro cho biết : “Cả công ty chúng tôi sẽ nỗ lực để ngăn chặn những sự cố như vậy xảy ra lần nữa bằng cách giải quyết các vấn đề được phát hiện trong cuộc điều tra này và sẽ nỗ lực hết sức để khôi phục niềm tin của mọi người đối với chúng tôi”. Còn tổng giám đốc tập đoàn Honda, Tochihiro Mibe thì trả lời : “Chúng tôi rất coi trọng vấn đề này … Chúng tôi xin lỗi sâu sắc” và sau đó cúi đầu thật thấp. Tóm lại, điểm chung trong câu trả lời của các lãnh đạo doanh nghiệp là : rất xin lỗi và hứa sẽ nỗ lực ngăn chặn những sự cố tương tự.  

“Lỗi sai” chứ không phải là “sai phạm”

Dù vậy những lời xin lỗi này vẫn bị nhiều người coi là chưa đủ thuyết phục. Nhiều tờ báo như Capital hay La Tribune đã phân tích rằng các doanh nghiệp chỉ thừa nhận có “lỗi sai” chứ không phải là “sai phạm” như những gì bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao Thông và Du lịch Nhật Bản Tetsuo Saito đã khẳng định. Cụ thể trong buổi họp báo ông Saito cho biết : “Thật vô cùng đáng tiếc khi tiếp tục phát hiện thêm những hành vi sai phạm. (…) Các hoạt động gian lận liên quan đến việc chứng nhận các mẫu xe đã làm suy yếu niềm tin của người dùng và làm lung lay nền tảng hệ thống các quy tắc chứng nhận an toàn xe.” Tưởng như là đồng nghĩa, nhưng những từ như “lỗi sai” hay “sai sót” dễ khiến người nghe hiểu rằng đây là những hành động vô ý, trong khi từ “sai phạm” hay “gian lận” như bộ trưởng Giao Thông sử dụng đã chỉ rõ tính chủ đích của các hành động này. Và liệu có thể nói rằng việc khai báo sai trong báo cáo thử nghiệm hay thay đổi điều kiện thử nghiệm là các hành động “không cố ý”?

Nhận lỗi rồi lại đổ lỗi 

Tiếp tục đi vào phân tích những lời xin lỗi của các doanh nghiệp, thông tín viên Bruno Duval cho biết : 

“Chúng ta có thể thấy ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản vẫn đang phủ nhận và tự biện minh chứ không phải hối lỗi. Trên thực tế có sự tương phản rất lớn giữa một bên là tư thế cúi gập người của các giám đốc, một bên là những “yếu tố ngôn ngữ” trong lập luận của họ. Họ cho rằng “đó là câu chuyện đã cũ” vì 32 trên tổng số 38 mẫu xe bị ảnh hưởng không còn được bán trên thị trường.”

Lập luận này khiến cho người nghe dễ quên đi rằng 6 mẫu xe còn lại vẫn đang hàng ngày được giao tới tay người tiêu dùng. Những mẫu xe này đa phần được đưa vào tiêu thụ tại thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Cam Bốt và Việt Nam cùng một vài nước Trung và Nam Mỹ như Mêhicô, Ecuador, Peru, … 

Ngoài ra, theo thông tín viên Duval, các chủ doanh nghiệp còn khẳng định : 

Chúng tôi là những người chuyên nghiệp”. Nói cách khác: các nhà sản xuất biết rõ hơn ai hết cách thiết kế, sản xuất và thử nghiệm xe. Ngụ ý: vấn đề ở đây là các tiêu chí chứng nhận chính thức của quốc gia. Chúng đã lỗi thời (có từ năm 1951), không phù hợp với tốc độ sản xuất và quá cứng nhắc. Kết luận: chúng ta phải sửa đổi các tiêu chí này để tránh gây bất lợi cho các nhà sản xuất Nhật Bản so với đối thủ cạnh tranh nước ngoài.” 

Theo trang Nikkei, quả thực hãng xe Toyota tự đưa ra những tiêu chuẩn đôi khi còn cao hơn so với tiêu chuẩn quốc gia. Chẳng hạn như để kiểm tra nguy cơ rò rỉ nhiên liệu trong trường hợp va chạm từ phía sau, Toyota đã sử dụng một xe đẩy nặng 1.800 kg, trong khi đó tiêu chuẩn pháp lý chỉ là 1.100 kg. Tuy nhiên, một vài tiêu chuẩn cao hơn, vậy còn các tiêu chuẩn khác của Toyota thì sao? Có lẽ không nên đánh đồng rằng tất cả các tiêu chí của Toyota đều nghiêm ngặt hơn chuẩn quốc gia. Và chính chủ tịch Toyota cũng không thể phủ nhận là đã bỏ qua và/hoặc làm giả một số tiêu chuẩn để xe được lăn bánh. Càng đáng nói hơn là những điều này chỉ được thừa nhận sau khi có sự vào cuộc của chính quyền. Vậy nếu không bị tố giác, các doanh nghiệp sẽ che đậy những thông tin này đến khi nào? Họ sẽ giao đến cho khách hàng những chiếc xe được gắn mác “đạt chuẩn quốc gia” đến khi nào? 

Từ lâu, các sản phẩm đến từ Nhật Bản vẫn luôn chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Việt. Không chỉ các sản phẩm mới mà cả những sản phẩm đã qua sử dụng, hay thường được gọi là hàng Nhật bãi, cũng được nhiều gia đình tin tưởng. Vậy nhưng sau nhiều vụ bê bối như thép Kobe hay dược phẩm Kobayashi, và giờ lại tới các hãng xe hơi, nhiều người không khỏi hoài nghi về chất lượng và uy tín của các thương hiệu Nhật. Đối mặt với sự cạnh tranh gắt gao từ những thị trường mới nổi hay những sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc, người tiêu dùng hy vọng các nhà sản xuất của Nhật Bản không bị cuốn vào vòng xoáy này và quên đi những giá trị cốt lõi đã được gây dựng từ bao năm nay. 

Comments 
loading
In Channel
loading
00:00
00:00
1.0x

0.5x

0.8x

1.0x

1.25x

1.5x

2.0x

3.0x

Sleep Timer

Off

End of Episode

5 Minutes

10 Minutes

15 Minutes

30 Minutes

45 Minutes

60 Minutes

120 Minutes

Gian lận trong ngành công nghiệp xe hơi Nhật, nhận lỗi rồi lại đổ lỗi

Gian lận trong ngành công nghiệp xe hơi Nhật, nhận lỗi rồi lại đổ lỗi

RFI Tiếng Việt