DiscoverTạp chí xã hộiThế Vận Hội Paris 2024: Nam giới khó tìm chỗ đứng trong môn bơi nghệ thuật
Thế Vận Hội Paris 2024: Nam giới khó tìm chỗ đứng trong môn bơi nghệ thuật

Thế Vận Hội Paris 2024: Nam giới khó tìm chỗ đứng trong môn bơi nghệ thuật

Update: 2024-07-31
Share

Description

Với cam kết bình đẳng giới trong thể thao, Ủy ban Olympic Quốc tế lần đầu tiên cho phép nam giới tranh tài trong môn bơi nghệ thuật tại Thế Vận Hội Paris 2024. Thế nhưng, vẫn còn nhiều rào cản khiến nam giới bị “phân biệt đối xử” trong môn thể thao gắn liền với hình ảnh duy mỹ nhưng thể hiện sức mạnh cơ thể, cho tới nay chỉ dành cho các vận động viên nữ.

Không ai biết chính xác môn bơi nghệ thuật đã ra đời như thế nào. Nhưng theo nhà sử học người Mỹ Dawn Pawson Bean, vào năm 880 trước Công nguyên, tại cung điện ở Assyria (vương quốc của người Akkad cổ xưa), đã có những vận động viên bơi lội thực hiện những động tác giống như các tư thế của vận động viên bơi nghệ thuật ngày nay.

Vào năm 1891, tại Berlin, Đức, cuộc thi bơi “trình diễn” đầu tiên dành cho nam giới đã được tổ chức. Một năm sau đó, Bob Derbyshire giành chức vô địch Anh Quốc môn bơi khoa học (scientific swimming). Lúc đó, môn thể thao này chỉ cho phép nam giới tham gia.

Bơi nghệ thuật từng là môn thể thao dành cho nam giới

Theo tạp chí Les Inrocks của Pháp, phải đến năm 1952, môn bơi nghệ thuật mới tìm được “nghệ danh” của mình trong một cuộc trình diễn tại Thế vận hội và được hệ thống hóa ở cấp độ quốc tế, nhưng đã nhanh chóng tạo ra một bước ngoặt lớn, trở nên “nữ tính” hơn. Các bộ phim của Mỹ vào những năm 1940, như Bathing Beauty (1944) hay Million Dollar Mermaid (1952) đã góp phần tạo ra hình ảnh về môn thể thao tôn vinh vẻ đẹp của các động tác được thực hiện bởi các vận động viên nữ. Nam giới dần biến mất khỏi các bể bơi nghệ thuật, dù không có bất cứ tổ chức nào cấm.

Môn bơi nghệ thuật lần đầu tiên được đưa vào thi đấu tại Thế Vận Hội Los Angeles 1984, nhưng chỉ dành cho nữ giới. Là môn thể thao tập thể, bơi nghệ thuật đòi hỏi sự chuẩn bị về thể chất như các môn thể thao khác. Các vận động viên thực hiện các kỹ thuật nhào lộn dưới nước, với những màn trình diễn theo nhịp điệu được biên đạo cùng với sự chuẩn bị về trang phục độc đáo. Có thể ví bơi nghệ thuật giống như trượt băng nghệ thuật nhưng được thực hiện ở dưới nước.

Mourad Merzouki là vũ công, biên đạo múa đương đại, tham gia làm biên đạo cho một số tiết mục của Thế vận hội Paris 2024 và đã được huấn luyện viên của đội bơi nghệ thuật Pháp nhờ hỗ trợ biên đạo cho đội. Anh giải thích trên đài France Bleu một số điểm đặc trưng trong môn thể thao nghệ thuật này : “Khi ở dưới độ sâu 3 mét, các kỹ thuật mà các vận động viên cần sử dụng khác hoàn toàn so với nhảy trên sàn. Nhưng có một điểm chung đó là phần chuẩn bị, sáng tác vũ đạo và mối liên hệ với âm nhạc cũng như không gian, dù là trình diễn ở hai nơi hoàn toàn khác nhau.”

Cũng giống như nữ giới, nam giới cũng bị phân biệt đối xử trong thể thao và đã làm “cách mạng”, tìm lại vị trí trong môn bơi nghệ thuật. Sau Amsterdam Gay Games 1998, câu lạc bộ Paris Aquatic đã được thành lập, mở cửa đón tất cả những ai muốn theo đuổi môn thể thao này, bất kể nam hay nữ. Kể từ đó, các câu lạc bộ bơi nghệ thuật khác dành cho nam cũng đã xuất hiện ở nhiều nơi, từ San Francisco đến Praha, qua Barcelona, ​​​​Tokyo hay Milan. Tại Pháp, đến năm 2002, nam giới mới được phép tham gia thi đấu chính thức ở cấp quốc gia, nhưng với một số điều kiện: mặc áo tắm “dạ hội”, cạo lông chân và duỗi tóc bằng gelatin.

Đến năm 2015, nam giới xuất hiện tranh tài tại Giải vô địch thế giới bơi nghệ thuật, qua các phần thi đôi nam-nữ, đôi nam và theo đội. 

Lần đầu tiên nam giới được tham dự Thế Vận Hội hiện đại

Mùa hè năm 2024 là lần đầu tiên nam giới được phép tham gia Thế Vận Hội trong phần bơi đồng đội, cùng các vận động viên nữ. Các quốc gia có thể cho phép tối đa hai vận động viên nam tham gia vào đội hình 8 thành viên. Tuy nhiên, các vận động viên nam không được tham gia vào phần thi đơn hay đôi.

Quyết định này đã được Ủy ban Olympic Quốc tế và Liên đoàn bơi lội thế giới World Aquatics bật đèn xanh từ năm 2022. Thay đổi này cũng sẽ được áp dụng ngay lập tức tại tất cả các sự kiện do World Aquatics tổ chức. Chủ tịch Liên đoàn bơi lội thế giới Husain Al-Musallam đánh giá cao quyết định này : “Các môn thể thao dưới nước rất phổ biến và nam giới đã chứng minh họ có thể là những vận động viên bơi lội nghệ thuật xuất sắc. Tôi rất nóng lòng được chứng kiến ​​sự đổi mới trong môn bơi nghệ thuật, được chia sẻ với toàn thế giới tại Paris. Sự tham gia của nam giới là một phần thưởng lớn cho tất cả những người đã làm việc chăm chỉ, hướng tới mục tiêu này trong những năm gần đây.”

Tại Thế Vận Hội Mùa Hè năm nay, 10 đội sẽ tham gia tranh tài với các phần thi kỹ thuật hoặc tự do. Tổng cộng 96 vận động viên sẽ thi đấu theo đội và thi đơn. Các cuộc thi diễn ra từ ngày 5 đến 10/08/2024 tại Trung tâm thể thao dưới nước Olympic ở Saint-Denis, phía bắc thủ đô Paris.

Bình đẳng giới trong thể thao

Quyết định này được coi là một cuộc “cách mạng”, một bước nhảy lớn hướng tới việc bình đẳng giới, một cam kết của Ủy ban Olympic Quốc tế. Paris 2024 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Olympic mà số phụ nữ và nam giới tham gia các môn thi đấu là bằng nhau.

Sự thay đổi trong môn bơi nghệ thuật, vốn chủ yếu dành cho các vận động viên nữ, có thể được xem là nhờ công của Bill May, nam vận động viên người Mỹ đầu tiên giành huy chương vàng môn bơi nghệ thuật. Tại giải vô địch bơi nghệ thuật thế giới năm 2015, Bill May cùng vận động viên Christina Jones đã có màn trình diễn ngoạn mục, chiếm trọn trái tim của khán giả và giành điểm cao nhất từ ban giám khảo trong phần thi đôi.

Hiện trở thành huấn luyện viên, Bill May đã đấu tranh trong nhiều năm để thế giới thay đổi cách nhìn đối với môn thể thao dưới nước. Vận động viên người Mỹ cho rằng “nam giới tham gia môn bơi nghệ thuật ở Olympic từng được coi là một giấc mơ xa vời và chứng tỏ rằng chúng ta phải dám có những giấc mơ lớn.”

Chia sẻ với đài truyền hình France 24, ông Bill May, 45 tuổi, giải thích : “Tôi chưa bao giờ tự hỏi rằng liệu tôi có đang đi đúng hướng hay không, cho đến khi có người hỏi tại sao tôi lại tham gia tập luyện bơi nghệ thuật vì tôi là người đàn ông duy nhất. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình khác biệt. Và kể từ giờ, với Thế Vận Hội Olympic 2024, nam giới được phép tham gia. Tôi muốn một vận động viên nam trẻ có thể tự nói với mình rằng : một ngày nào đó, tôi cũng có thể tham gia”.

Trong một xã hội mà các môn thể thao khác như bóng đá hay rubby thường đồng nghĩa với nam tính, thì các môn thể dục dụng cụ, trượt băng nghệ thuật hay bơi nghệ thuật thường vẫn gắn với hình ảnh nữ tính. Huấn luyện viên của đội tuyển bơi nghệ thuật Hoa Kỳ Andrea Fuentes nhận định rằng việc nam giới được phép tham gia Thế Vận Hội “rất quan trọng vì điều này có thể truyền cảm hứng cho xã hội, loại bỏ các định kiến về giới, cho rằng bơi nghệ thuật chỉ dành cho nữ. Những cậu bé có muốn tham gia môn thể thao này có thể thay đổi cách nghĩ, sẽ không còn lo nghĩ về việc mình không thể làm điều mà mình thích. Điều này tạo ra sức mạnh cho họ”.

Định kiến xã hội

Tại Canada, một trong những đội giành được tấm vé thi đấu tại Thế Vận Hội mùa hè 2024, theo ghi nhận của trang Ici-Canada, những vận động viên nam bơi lội giỏi nhất đã qua độ tuổi có thành tích tốt nhất và thế hệ sau “gần như không tồn tại”. Tại Quebec, những người quan tâm, muốn tập luyện bơi lội nghệ thuật chỉ được đếm trên đầu ngón tay. Trong danh sách thi đấu của Artistic Swim Canada, chỉ có vài người được liệt kê. Môn thể thao này cần thời gian để tạo ra được hình ảnh có thể thu hút nam giới.

Việc cho phép vận động viên nam tham gia không có nghĩa là đội tuyển của các nước sẽ chọn nam giới vào thi đấu. Sáu tháng trước kỳ Thế Vận Hội Paris 2024, giới bơi lội nghệ thuật đã dồn sự chú ý vào Bill May, có thể trở thành vận động viên nam đầu tiên tranh tài tại Olympic trong môn thể thao mà anh đã theo đuổi từ năm 10 tuổi. Đạt đủ điều kiện để tham gia Olympic, Bill May cũng tham gia tập luyện cùng đội tuyển bơi nghệ thuật của Mỹ. Thế nhưng, vào tháng Sáu vừa qua, tên của nam vận động viên không xuất hiện trong danh sách 8 thành viên của đội tuyển Hoa Kỳ.

Huấn luyện viên trưởng Andrea Fuentes không đề cập đến sự vắng mặt của Bill May, mà chỉ giải thích rằng : “Đó là một quá trình dài và được tính toán kỹ lưỡng với những lựa chọn khó khăn kể từ Doha. Toàn bộ đội hình 12 vận động viên của chúng tôi đã đủ điều kiện tham dự vào tháng Hai, mỗi người đều tạo nên lịch sử và mang lại hy vọng mới cho đất nước chúng tôi. Không ai có thể lấy đi điều này khỏi họ, 12 người này sẽ mãi mãi là anh hùng của chúng tôi.”

Về môn thể thao tôn vinh vẻ đẹp cơ thể của các vận động viên, với những động tác uyển chuyển dưới nước, thể hiện sức mạnh và tính duy mỹ, bà Sylvie Neuville, cố vấn quốc gia về bơi nghệ thuật của Liên đoàn bơi lội Pháp, nhận xét trên đài France Info : “Một vận động viên nam có thể góp sức, nhất là đối với các động tác nhào lộn, và dĩ nhiên, cần phải có trình độ kỹ thuật. Các đội tuyển quốc gia sẽ không chọn một vận động viên nam nếu như một động viên nữ có kỹ thuật tốt hơn”. Bà Neuville khẳng định rằng “để đưa nam giới vào đội tuyển thi đấu, tôi cho rằng những nhà tuyển chọn sẽ phải cân nhắc giữa sự đóng góp không thể phủ nhận về sức mạnh kỹ thuật cho các động tác nâng và chất lượng kỹ thuật của các vận động viên. Đó là sự lựa chọn công bằng về mặt thể thao”.

Giữa tháng 7 vừa qua, vài tuần trước Thế Vận Hội mùa hè, Liên đoàn bơi lội quố

Comments 
loading
In Channel
loading
00:00
00:00
1.0x

0.5x

0.8x

1.0x

1.25x

1.5x

2.0x

3.0x

Sleep Timer

Off

End of Episode

5 Minutes

10 Minutes

15 Minutes

30 Minutes

45 Minutes

60 Minutes

120 Minutes

Thế Vận Hội Paris 2024: Nam giới khó tìm chỗ đứng trong môn bơi nghệ thuật

Thế Vận Hội Paris 2024: Nam giới khó tìm chỗ đứng trong môn bơi nghệ thuật

RFI Tiếng Việt