Việt Nam: Vì sao bão Yagi khiến nhiều người chết ở các vùng đồi núi ?
Description
Bão Yagi tháng 9/2024 được coi là trận cuồng phong lớn nhất từ khoảng 30 năm nay ở Biển Đông. Thông tin về bão vào thời điểm ập vào bờ biển miền bắc Việt Nam được cơ quan khí tượng thủy văn cập nhật sát. Tuy nhiên, dự báo - cảnh báo về các hậu quả nhiều mặt của bão ở miền núi đã ít được chú ý hơn rất nhiều.
Trên thực tế, đa số người chết là do đất lở, lũ đá, lũ quét ở trung du và miền núi. Chính quyền trung ương và nhiều địa phương bị chỉ trích đã không có các biện pháp tương thích. Theo thừa nhận của nhiều giới chức quản lý và khoa học trên truyền thông trong nước, dù bão Yagi và mưa ‘‘hoàn lưu’’ sau đợt thiên tai này là hiếm có, song nhiều mạng sống có thể đã cứu được nếu có các dự báo, cảnh báo đúng lúc và kế hoạch sơ tán kịp thời. Tuy nhiên, dự báo và cảnh báo kịp thời chỉ là một phần của vấn đề. Một số chuyên gia nói đến trận bão lớn đầu tiên cho thấy Việt Nam rõ ràng đã bước vào kỷ nguyên biến đổi khí hậu, cần đến một chiến lược mới.
***
Đa số người chết do sạt lở, lũ quét, nhưng tác động đến miền núi bị coi nhẹ
Theo bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn Việt Nam, sơ bộ tính đến ngày 27/9, bão Yagi và mưa lũ sau bão đã khiến 344 người chết và mất tích, trong đó có 264 người chết do sạt lở đất, lũ đá, lũ quét. Tại tỉnh Yên Bái, trong số 54 người thiệt mạng, chỉ có 3 người chết do đuối nước, 51 nạn nhân còn lại là do sạt lở đất, sập nhà gây tử vong.
Vụ lũ bùn đá ở Làng Nủ (Lào Cai) ngày 10/09 được coi là tai nạn thảm khốc tiêu biểu. Theo các nhà khoa học, ước tính hơn 1,3 triệu mét khối đất đá, bùn nước trút xuống ngôi làng trong vòng 5 phút khiến dân làng không kịp trở tay, vùi lấp 37 nhà dân, khiến hơn 60 người chết và 7 người mất tích. Cùng ngày 10/09, thôn Nậm Tông (tỉnh Lào Cai) bị đất đá lở vùi lấp khiến 18 người chết và mất tích. Cũng không thể không nhắc đến vụ đất lở rạng sáng ngày 09/09 trên quốc lộ 34, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, cuốn hai ô tô, nhiều xe máy xuống vực, khiến hơn 30 người chết.
Trả lời RFI tiếng Việt, về phản ứng cảnh báo và sơ tán cấp thời, giáo sư Nguyễn Ngọc Lung (Hà Nội) nhận định : ‘‘Các địa phương đều nhận thấy là các chuẩn bị của mình là chưa đạt yêu cầu. Có nghĩa là đã báo trước là có cơn bão mạnh nhất trong vòng thế kỷ vừa qua, nhưng sự chuẩn bị của mình là chưa đạt yêu cầu tí nào. Đặc biệt là những nơi núi cao, đèo sâu, xa dân cư. Chính vì thế nó mới trôi cả làng. Trôi rồi mới biết.
Cơn bão này đến thì chuẩn bị không được bao nhiêu. Lý do thứ nhất là báo trước không được nhiều lắm. Thứ hai là thường cái bão đặc biệt ở vùng nhiệt đới, nhất là ở Đông Nam Á đi chệnh hướng nhiều lắm. Lúc đầu người ta nghĩ đi vào hướng Trung Quốc, nhưng khi vào Biển Đông rồi thì rẽ ngang qua đảo Hải Nam, rồi vào Bắc Bộ mạnh hơn. Việt Nam không báo được đầy đủ. Tất cả tiềm lực tập trung cho hai tỉnh, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Sau khi nó vào đồng bằng rồi, nó sớt qua biên giới Việt-Trung, rồi thì nó đi ngang, đi vào Thanh Hóa, đi vào Nghệ An. Có nghĩa là nó thay đổi phương hướng, lường trước không được bao nhiêu. Những cái ấy mình còn rất yếu, mặc dù có sự phối hợp với các nước xung quanh.
Bây giờ thiệt hại thì ai thiệt hại nhiều nhất? Chính thiệt hại các tỉnh miền núi nhiều nhất. Họ cứ nghĩ mưa với bão thì miền núi bao giờ cũng tránh được. Chỉ có đồng bằng nước mới đổ về mới phải quan tâm. Như vậy anh đã không quan tâm đầy đủ cho chính những vùng bị nguy hiểm nhất, và bị thiệt hại về nhân mạng nhiều nhất.’’
Trên báo chí trong nước, hai tác giả Hà Thị Hằng và Lưu Thị Diệu Chinh nêu giả thiết là so với các vùng đồng bằng và ven biển, ‘‘dường như đang có sự thiên lệch trong việc đối phó với thiên tai ở các tỉnh miền núi: sự quan tâm dường như nghiêng về giải quyết khi “sự đã rồi” hơn là quá trình phòng bị trước thảm họa’’ (Bài ‘‘Thảm kịch lũ quét và sạt lở sau bão Yagi: Sự cố hi hữu hay vấn đề hệ thống?’’, Tia Sáng, ngày 08/10/2024).
Đất nhão dễ dàng sụp đổ do nắng to - mưa nhiều: Điều hoàn toàn có thể dự đoán
Trên thực tế, các tác động khác thường của bão Yagi và hoàn lưu bão dường như là điều mà giới chuyên gia khí tượng thủy văn và địa chất học hoàn toàn có thể dự báo được. Tình trạng mưa liên tục trong tháng 8 trước cơn bão lịch sử (với 23 trên 31 ngày mưa ở Lào Cai, và 21/31 ngày ở Yên Bái), với tổng lượng nước vượt 40 – 60% trung bình năm, cho thấy đất đã ngậm no nước ngay trước bão, với lượng mưa lịch sử như chúng ta biết. Trước khi hứng chịu đợt mưa lớn, khu vực miền núi phía Bắc đã chịu một đợt nắng nóng kéo dài (từ tháng 4 đến tháng 7), với hệ quả là cấu trúc của đất đã bị phá hủy đáng kể. Mưa nhiều sau đó khiến đất dễ dàng nhão ra, sẵn sàng sụp đổ bất ngờ.
Chính quyền Việt Nam trong những năm gần đây đã có biện pháp để thúc đẩy việc dự báo lũ quét, sạt lở, đặc biệt sau đợt bão lớn ở miền trung 2020. Năm 2023 chính phủ phê duyệt Đề án ‘‘Cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ quét tại khu vực miền núi và trung du Việt Nam’’, nhằm hoàn thiện hệ thống bản đồ cảnh báo lũ quét và sạt lở đất cho 37 tỉnh ở miền núi và trung du ngay trong năm 2025, đặc biệt tập trung vào 150 điểm có nguy cơ cao nhất, với bản đồ chi tiết với tỉ lệ 1/10.000 (tức 1cm trên bản đồ tương đương 100 mét trên thực địa), thậm chí nhỏ hơn.
Khâu dự báo, cảnh báo thảm hoạ thiếu đầu mối thống nhất…,
Tuy nhiên, để cảnh báo tốt thảm họa cần phối hợp nhiều thông số từ các ngành khác nhau (khí tượng thủy văn, địa chất, lâm nghiệp, công trình xây dựng…). Nhiều chuyên gia chỉ trích là đề án nói trên của chính phủ nhiều khả năng sẽ kém hiệu quả bởi giao cho nhiều cơ quan, mà thiếu đầu mối thống nhất (Bài ‘‘Vì sao bản đồ cảnh báo lũ quét và sạt lở đất chưa phát huy hiệu quả?’’, Báo Sức khoẻ và Đời sống, ngày 04/10/2024). Theo ông Tạ Đức Thịnh, chủ tịch Hội Địa chất công trình và môi trường Việt Nam, cũng như một số chuyên gia địa chất, cần một cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất để tránh tình trạng không có phối hợp.
Hiện tại có nhiều cơ quan phụ trách việc cảnh báo (như cục Địa chất thuộc bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và tổng cục Khí tượng - Thủy văn). Mỗi cơ quan lại sử dụng phương pháp và công nghệ khác nhau để xác định bản đồ sạt lở, lũ quét. Kết quả là những bản đồ hiện nay thường rời rạc, không bao phủ được đầy đủ các nguy cơ, dẫn đến khả năng dự báo thiếu chính xác. Theo một đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, Trung tâm này đưa ra cảnh báo chỉ dựa trên chỉ số lượng mưa mà không nắm được thực tế ở khu vực (từ thực trạng rừng, độ dốc, cấu tạo địa chất đến mật độ công trình xây dựng, dòng chảy và vật cản…).
… khâu phòng ngừa thiếu một chiến lược tổng thể và liên ngành
Bên cạnh việc thiếu quản lý thống nhất về cảnh báo, việc thiếu một chiến lược quốc gia phát triển bền vững các vùng đất dốc với sự phối hợp liên ngành cũng là một khuyết thiếu lớn hiện nay. Trong bài nhận định về ‘‘Quy hoạch vùng dân cư và xây dựng bản đồ thiên tai để tránh sạt lở, lũ quét’’, PGS - TS Trần Tuấn Anh, viện trưởng Viện Địa chất, một lãnh đạo của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã không hề nhắc đến vai trò của rừng trong việc giảm nhẹ các thảm họa ở các vùng đất dốc (Dangcongsan.vn, ngày 07/10/2024).
Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư Đỗ Minh Đức, khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận xét: ‘‘Ở rất nhiều nước, trong đó có một số quốc gia lân cận với Việt Nam, như Malaysia, đã có kế hoạch tổng thể quốc gia phát triển bền vững các vùng đất dốc. Thực ra kế hoạch của họ có nhiều điểm chúng ta đã và đang làm rồi, ví dụ như việc xây dựng một số bản đồ với các tỉ lệ khác nhau, xác định các vùng có nguy cơ cao và rất cao. Nhưng bên cạnh đó, họ đã kết hợp với các cơ sở dữ liệu khác về điều kiện kinh tế xã hội, rồi về các yếu tố có ảnh hưởng trong tương lai, như các kịch bản biến đổi khí hậu, hay các kịch bản về sử dụng đất... Những điều này về cơ bản đâu đó chúng ta đã có rồi, nhưng chúng ta chưa có người điều phối chung, để tích hợp các thông tin trong bản đồ quy hoạch tổng thể chung.
Ở đây, về mặt khoa học, chắc chắn phải cần khoa học liên ngành rồi, bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và kinh tế, và kể cả các vấn đề về văn hóa, tập tục của các cộng đồng, sinh kế và các giá trị văn hóa đặc thù của miền núi Việt Nam, vai trò của các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách là vô cùng quan trọng. Thực ra là các lĩnh vực chuyên ngành đều làm cả rồi, nhưng tích hợp với nhau thì chưa có.’’
“Rừng Phòng Hộ” : Linh hồn của cuộc chiến chống nạn đất lở
Cách nay 4 năm, sau trận bão lịch sử ở miền Trung Việt Nam, nhà văn Nguyên Ngọc có bài ‘‘Đất chảy’’ gây nhiều chú ý trong công luận, dẫn lại ý tưởng của giáo sư Nguyễn Ngọc Lung: ‘‘còn rừng tự nhiên thì mưa xuống chỉ có 5% nước chảy trên mặt đất, 95% sẽ ngấm xuống thành nước ngầm… Khi mất rừng tự nhiên thì ngược lại, chỉ 5% ngấm xuống thành nước ngầm, hơn 90% sẽ chảy tràn trên mặt đất… Còn rừng tự nhiên thì chỉ có lụt…. Lũ là khi đã mất rừng tự nhiên, chỉ còn lơ thơ mấy cây bụi lẹt đẹt, với cỏ, với cao su, keo, cà phê… tràn lan, là các loại cây không có bộ rễ giữ nước... 95% nước mưa chảy thành thác